Bài thơ có tựa
đề “Bài thơ bắt đầu” được in trong
tập san “Tiếng Nói” (1) của phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam vào cuối thập niên 60 của thế
kỉ trước. Tờ bìa đã sờn rách nhưng vẫn còn rõ nét bức tranh người thiếu nữ hai
tay nâng cánh chim bồ câu. Tập san được quay in
roneo, một cách làm bí mật của các hội, đoàn thể cách mạng để thoát vòng
kiểm duyệt báo chí lúc đó. Trong một lần gặp lại, tác giả hết sức ngạc nhiên
muốn xin tập san nơi đăng tải lần đầu đứa con tinh thần của mình cách đây hơn
ba mươi năm.
Nội dung có đủ
thể loại thơ – văn – nhạc – họa do các cây bút thuộc giới học sinh, sinh viên
chất chứa niềm khao khát tự do, hòa bình, những trăn trở thời đại
trong những năm dài miền Nam tăm tối dưới ách ngoại bang. Ca khúc làm
nên tiếng tăm của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, “Đồng lúa reo” cũng đăng trong số này. Tất nhiên là tôi từ
chối, bởi đây là kỉ niệm nhỏ và đẹp của thời trẻ tuổi cũng do
chính anh, tác giả bài thơ gởi cho tôi cùng với tài liệu truyên
truyền (một bài viết có tựa “Ta
nhất định thắng, Mỹ nhất định thua” được kẹp đóng khéo léo trong
ấn phẩm đạo Phật An Lạc).
Năm 1968, cuộc
tổng công kích Tết Mậu Thân vào tận hang ổ Sài Gòn, Gia Định và hàng loạt tỉnh
thành khác. Một cú sốc lớn làm choáng váng chính quyền Sài - Gòn. Tác giả, (sau
này tôi mới biết là một Đảng ủy viên lãnh đạo cánh thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định)
mới vừa qua tuổi 20 (sinh năm 1947). Ngoài mối quan hệ văn chương, anh còn là
học trò lớp Năm (lớp Một bây giờ) của mẹ tôi ở trường Tiểu học Phú Nhuận, Tân
Bình. Tuổi đời suýt soát nhau nên chúng tôi càng thêm gần gũi. Lần chở mẹ tôi
đến thăm, anh vừa được trả tự do từ nhà tù Côn Đảo (1969) ở căn nhà nhỏ phía
sau Bệnh viện Ung Bướu Gia Định (nay là quận Bình Thạnh). Anh chống hai tay
lết ra do hai chân bị liệt vì những đòn tra tấn dã man trong tù chào mẹ tôi.
Vậy mà chỉ hai ba tháng sau, anh đã tìm găp tôi nói chuyện thơ, đọc tôi nghe
những bài thơ anh sáng tác. Lúc đó tôi vừa thi đậu Tú Tài phần I, 17 tuổi. Học
ban Toán nhưng yêu thích thơ văn, tôi cũng đã bước đầu làm thơ nên tôi hâm mộ
thơ và cả “hành tung” đến, đi bí mật của anh. Dáng người nhỏ nhưng sôi nổi khi
đọc thơ, độc trên người là chiếc áo xanh với thẻ sinh viên Đại học Vạn Hạnh tên
Tân cùng chiếc cặp luôn bên người. Nhiều đêm hai chúng trò chuyện về thơ, về
thời cuộc trên chiếc đi – văng duy nhất trong căn phòng trống tuếch, vì mẹ tôi
làm ăn thất bại, đồ đạc đều bán tất, ngay căn nhà cuối cùng cũng bán và thuê
lại ở. Mờ sáng hôm sau, anh đã mang cặp đi. Và tôi đến với thơ, với phong trào
như thế. Bằng chiếc xe Suziki dame cà tàng, tôi cùng anh rong ruổi (thực ra anh
đang gầy dựng lại phong trào) nhiều nơi trong thành phố. Khi thì sinh hoạt với
nhóm thanh niên Phật tử ở chùa Quán Thế Âm (Phú Nhuận), khi lại gặp nhóm nòng
cốt bàn việc ra báo ở quán Cà phê Triệu Minh, đường Nguyễn Huỳnh Đức. Có lúc
theo đoàn học sinh lên thăm các em nhỏ ở Cô nhi viện Long Thành, nhưng chủ yếu
là họp khối báo chí của các trường Thành phố. (Tôi là trưởng ban báo chí của
một trường trung học). Cuối ngày, điểm chia tay thường là đầu con hẻm ở Cây Gõ.
Vẫn chiếc áo xanh, chiếc cặp nhỏ khuất dần
theo lối sâu dẫn vào ngôi chùa của người bà con. (Sau ngày giải phóng miền Nam,
tôi đến ngôi chùa ấy vẫn còn căn hầm bí mật anh ẩn nấp đặt dưới bàn để sư cô độ
cơm chay mỗi bữa). Tôi gắn bó với phong trào chỉ một thời gian ngắn, khoảng hai
năm. Năm 1971 đứt mối liên lạc vì anh bị bọn mật vụ phục bắt tại chợ Bà Chiểu
(Gia Định), sau đó chúng đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Ngoài tài liệu
tuyên truyền thất lạc, tập thơ cùng
ấn phẩm “Tiếng Nói” đăng bài “Bài thơ bắt đầu” của anh tặng với bút danh Nguyễn Ngàn Xưa tôi vẫn còn giữ đến nay. Bài thơ có giọng điệu trầm lắng tâm
tình nhưng đầy ưu tư, nặng lòng với lý tưởng đang theo đuổi. "Tôi viết bài thơ trầm tỉnh hơn bao giờ/ Có
những cơn mưa nặng hạt bất ngờ/ Trên đường đi không tiền mua áo khoác…”. Thơ là tiếng lòng của người viết hằn sâu những trăn trở, suy tư. Như nhiều cán
bộ, chiến sĩ dấn thân đấu tranh kiếm tìm hòa bình, tự do giữa lòng đô thị kẻ
thù đang ngự trị, chiếm đóng anh phải đương đầu trước bao gian nan, bất trắc.
Sau khi anh bị bắt, tôi mới biết thêm anh đang đi tiếp con đường của người cha
từng hoạt động thời kháng chiến chống Pháp. “… Đừng nhìn tôi bằng mắt nai ngơ ngác/ Đừng hỏi thầm có lạnh lẽo gì
không/ Như cánh chim mất tổ mãi phiêu bồng/ Bay đi nhặt lại từng cọng cỏ ngàn
xưa/ Dưới bầu trời sau mỗi cơn mưa/ Góp phần làm tổ mới..”. Cha anh cũng vì
roi đòn tra tấn nhà tù, lâm trọng bệnh đã mất khi anh đang vào tù lần đầu!
Trong tù anh khóc cha, người đồng chí lớn “Bổn phận làm dân, trách nhiệm làm cha/
Người hoàn tất cuộc đời như tác phẩm”. (2) Anh nén chặt nước mắt, nước mắt
“cứng như song sắt/ tròn như chiếc còng/
lăn như cách mệnh.” (3) Song hành cùng truyền thống của cha anh, của dân
tộc là niềm đam mê thơ ca như có từ trong máu. Mười bốn, mười lăm tuổi làm thơ
và tập thơ đầu đã ra đời từ độ tuổi ấy. Tập thơ tặng tôi là tập thứ hai, “Đêm lên cơn dài” anh viết năm 18 tuổi
(4). Hơi thơ lạ, có nhiều bài được viết trong tù, ngôn từ cách tân, giàu triết
lí trĩu nặng ưu tư thời đại. Tôi còn nhớ khi lên căn gác nhỏ của anh ở Gia
Định, với những sách bộn bề, không gian như một “thánh đường thi ca” bởi trên
vách treo bảng tuyên ngôn của nhóm Bộ Lạc
Mới soạn thảo. (5)
Dấn thân làm
cách mạng cho đời và phải chăng anh cũng khao khát làm cuộc cách mạng cho
thơ? “... Dù làm thơ siêu thực/ Dù lí luận hiện sinh/ Nhưng chính bản thân mình
có hơn gì nô lệ/ Chiếc xích ngàn năm đã ít nhiều rĩ sét? Mà hai chân người còn
kéo lết thương đau/ Đừng mang phấn son lên tô điểm cuộc đời/ Đừng hi vọng sơn xanh cho màu lá chết...” Xích xiềng nô lệ phải đập tan! Thơ phải đến
với đời bằng một diện mạo mới lắng sâu giá trị nhân văn trong tứ thơ, từng con
chữ sản sinh từ hồn thơ ray rứt, đau đáu đời không thôi. Từ nhà ngục của kẻ thù
anh bước ra và lại dấn bước, lại bắt đầu
vào cuộc hành trình mới.
“… Tôi xin cầm
bút từ đây
Hát đêm sông Cửu ca ngày
Trường Sơn”
Năm 1973 Hiệp
định Paris được
kí, anh và nhiều đồng chí được trao trả ở Lộc Ninh, sau đó anh về công tác ở
miền Tây. Còn tôi thoát đợt bắt lính sau mùa Hè đỏ lửa 1972, tốt nghiệp Đại học
Văn khoa về dạy giờ ở một trường Trung học thuộc tỉnh lị Gò Công. Mối liên lạc với
anh đứt hẳn nhưng tình còn vấn vương mối duyên thi ca. Thơ chiếm lĩnh tâm hồn
bởi tính chân thực đồng thời nói thay tâm tình, nghĩ suy của người người đọc. “Bài
thơ bắt đầu” của anh là vậy. Nhiều bạn
trẻ thời bão lửa trong lòng đô thị Miền Nam cũng yêu thích bài thơ. Nó khơi gợi người đọc chọn hướng đi cuộc đời
lẫn thơ ca trong bối cảnh nền văn hóa dân tộc bị tiêm thuốc độc, bị gây nhiễm
bởi các luồng tư tưởng, triết lí khó mà tỉnh táo, phân định rạch ròi.
Với tôi thi
phẩm còn mang kỉ niệm khó quên. Tháng 3 năm 1975, chiến dịch lịch sử mở màn bằng cú đột phá Tây Nguyên làm rung
chuyển cả miền Nam.
Thầy trò đến trường không còn tâm trí nào để dạy và học. Hằng buổi tôi mang báo
đến lớp cập nhật tin chiến sự qua các tờ Tin
Sáng, Chính Luận… Nào là cuộc bỏ phiếu
bằng chân của sĩ quan, binh lính chế độ cũ cùng dân chúng hoảng loạn tháo
chạy, nào là các dấu đỏ, tỉnh thành được
quân cách mạng giải phóng, trên bản đồ từ vĩ tuyến 17 trở vào ngày càng dày
đặc. Dường như cả thầy lẫn trò chúng tôi đang cùng nhau chờ đợi một kết cuộc.
Một buổi chiều tháng Tư, nơi phòng dạy lớp 11, cách dãy phòng Hiệu trưởng, Giám
học không đầy mười bước chân, tôi đọc bài thơ của anh như một tâm sự, một khát
khao của chính mình. Không gian chùng xuống, tiếng ve râm ran, giọng tôi sôi
nổi dần theo mạch thơ, Tôi viết bài thơ
trầm tĩnh hơn bao giờ... Như cánh chim mất tổ mãi phiêu bồng… Không chỉ làm thơ
khóc tro tàn gạch vụn/ Hãy căm hờn như lửa đốt khai hoang/ Đưa bàn tay đập phá
tối tăm/ Bằng chiếc búa của người thợ sắt/ Với niềm tin khi mùa lúa trở về/
Trên khắp cả miền quê rực rỡ…” Bao ánh mắt chăm chú lắng nghe. Vừa dứt câu
thơ cuối, một học sinh gữa lớp đứng lên hỏi, thưa thầy bài thơ có phải do thầy
sáng tác? Tôi trả lời ngay, không, của người bạn tôi viết. Bài này là của Việt cộng! Tôi sửng người, không ngờ em
nhạy thật. Cả lớp im ắng hẳn. Nhưng là
một bài thơ hay và thầy đọc cũng hay phải không các em. Rào rào tiếng vỗ tay. Em học trò vừa hỏi cũng
vỗ theo. Thế là tôi thoát nạn. Và điều gì đến phải đến, 30/4/1975 miền Nam
hoàn toàn giải phóng, tỉnh Gò Công giải phóng, lớp thầy giáo trẻ như tôi hòa
nhập nhanh chóng vào dòng chảy lịch sử
của dân tộc. Tôi vừa giảng dạy vừa làm công tác Đoàn. Năm 1978 tôi tham gia
khóa đào tạo cán bộ Đoàn trường học một tháng rưỡi của Trường Đoàn Lê Thị Hồng
Gấm ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Là lớp phó học tập, được đề nghị hát một
bài trong giờ giải lao của lớp. Tôi lại đọc bài “Bài thơ Bắt đầu” của anh, đọc công
khai, tự tin vì tôi đang làm một cuộc
bắt đầu với cả niềm say mê trong sáng. Tôi tiếp tục giảng dạy dưới mái
trường mới, làm công tác Đoàn và vẫn làm thơ, viết văn cho các báo ở Thành phố,
cho báo địa phương kí tên Văn Nhược Ba của
thời sinh viên.
Những ngày đầu giải phóng, tôi gặp
lại anh. Có lần đến nhà anh bên Cầu Đỏ, Bình Triệu. Dẫu ở cương vị mới, phó chủ
tịch Quận 4, gặp nhau chúng tôi chỉ nói chuyện về thơ. Trong căn phòng khách
nhỏ thoảng chút trầm hương, anh vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh đọc những bài thơ mới
nhất. Còn tôi nói về mấy bài viết của mình đăng báo. Đúng là thơ mình vợ người! Một thời gian sau chuyển công tác về Đồng Nai,
nghề dạy học cứ tưởng ngẫu nhiên chọn vào lại trở thành nghiệp với tôi đến tận
giờ. Còn anh, bạn bè đều nghĩ con đường “hoạn lộ” hanh thông, vì anh vừa mới
qua tuổi 40, “lí lịch”
không gì tốt hơn thì được biết anh xin nghỉ công tác lãnh
đạo chỉ làm nhân viên để chuyên tâm vào văn học nghệ thuật, vào thơ. Làm đại
diện của Hội Nhà
Văn Việt Nam ở phía Nam,
chủ biên chuyên san về thơ ở Đồng Nai, trưởng biên tập một vài tờ báo của Trung
ương, của tỉnh. Anh viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ, khảo luận về nguồn
cội của thơ bằng niềm đam mê máu thịt. Huỳnh Kim, một bạn viết ở Cần Thơ gởi
lời mừng “đã trở về với đúng vị trí của
mình” khi anh cho in tập thơ “Bên dòng Măng Thít”.(6) Từ năm 1990 anh
liên tiếp gởi đến bạn đọc bốn tập thơ (7), vẫn giọng điệu riêng, tứ thơ ngôn từ
đòi hỏi người yêu thơ bỏ công khám phá. Nhưng có một điều dễ nhận ra, anh vẫn nồng nàn, sống tận cùng với thơ.
Năm 2002, sau
buổi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tôi đưa đoàn ghé hiệu sách Đồng Nai (Biên
Hòa). Trường ở tận vùng sâu được dịp các em ríu rít túa đến những quầy hàng,
sản phẩm đầy hấp dẫn. Lang thang ở quầy sách tầng hai, tôi lại gặp bài “Bài thơ bắt đầu” của anh trong tuyển
thơ văn thời chống Mỹ. (8) Bút danh vẫn đề tên Nguyễn Ngàn Xưa. Thật thú vị và thoảng một chút bồi hồi. Bởi tên
thật của anh là Triệu Công Tinh Trung, bút danh của anh trong nhóm Bộ Lạc Mới là Triệu Cung Tinh, hiện nay là Triệu
Từ Truyền. Đáng tiếc, túi đã cạn tiền nên tôi không mua được tuyển thơ ấy.
Nhưng có hề
gì, tôi vẫn nhớ vẫn yêu thích bài thơ. Bởi bài thơ gắn với thời trẻ tuổi, thời
lãng mạn, mê làm thơ, viết văn một cách để tồn tại, “mà cuộc đời có thơ như có sống” trong từng phút giây, một cách
sống “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. (Trịnh Công Sơn)
“Bài thơ bắt đầu”, với tôi mãi vẫn là
một kỉ niệm nhỏ, đẹp và khó quên.
Gia – Ray – TP.HCM, tháng 8/2011
Nguyễn Nguyên Phượng
(In trong Tản văn –
Tiểu luận “Triệu Từ Truyền – Dòng thơ
giữa đôi bờ tri thức và tâm thức”– NXB Trẻ năm 2013)
(1), (8)“Bài thơ bắt đầu” của Nguyễn Ngàn Xưa
(còn có bút danh Triệu Cung Tinh) đăng trên tập san “Tiếng Nói” do Lê Văn Nuôi
chủ biên phát hành năm 1969. Ngay sau đó
đăng lại ở nhật báo Tin Sáng và tập tuyển thơ Tiếng Hát Những Người Đi Tới ký tên Nguyễn Văn Biên năm 1970, và
năm 1974 trên Văn Nghệ Giải Phóng; sau
1975 in trong Tập thơ văn nhạc họa Tiếng
Hát Những Người Đi Tới , 1993, NXB TRẺ.
(2) (3) (4) Bài thơ “Cuộc đời và tác phẩm”, “Cách mệnh” (Đêm lên cơn dài - Triệu Cung Tinh, nhóm Bộ Lạc Mới xuất
bản, Sài Gòn, 1965)
(5)
Nhóm Bộ Lạc Mới gồm các thành
viên: Triệu Cung Tinh, Từ Kế Tường,
Trần Hồng Nhan (Nguyễn Tôn Nhan)…
(6)
“Bên dòng Măng Thít” (Triệu Từ Truyền, NXB HVHNT Cửu Long, 1986)
(7) “Dật
dờ trong sương” (1990), “Mảnh vỡ hồn
nhiên” (1994), “Va chạm hư không” (1999),
“Mặt cắt cõi ngoài” (2006)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét