Hắn gọi điện thọai cho tôi. Hỏi đúng tên, hắn
cười ha hả, thấy tôi còn lớ ngớ hắn tiếp luôn: Vỏ Quýt đây. Cậu còn nhớ không?
Trần Bì biệt dạng đâu mấy mươi năm bây giờ mới xuất hiện. Vỏ Quýt là tên thầy
Long đặt cho hắn từ hồi còn học lớp tư trường thôn, tức lớp hai bây giờ. Hồi
ấy tôi và hắn cùng học với nhau ở hương trường Văn Bân, hắn khỏe mạnh đen đủi,
trừ lúc đi học, suốt ngày hắn ở trần trùng trục, chỉ mặc chiếc quần vải cộc
đen, tay xách đụt, tay cầm vài sợi mây luồn trùn (giun), với lưỡi câu lươn hoặc
xách cần trúc câu cá dọc bờ mương. Có
những lúc tôi cũng lén cha mẹ đi câu theo hắn, vì cha mẹ tôi cấm tôi đi ra
mương ra ruộng, sợ nắng nôi bệnh họan,
hoặc té xuống ao hồ chết đuối. Tôi gầy yếu hơn hắn, phải công nhận hắn học thì
dở, nhưng câu lươn, bắt cá thì ít ai bằng, hễ xách cần, đụt đi là có của mang
về nhà, lúc nhiều thì bà nội hắn đưa ra
chợ bán, ít thì đem cho mẹ tôi mua giúp. Tôi đi câu với hắn thì chắc ăn hơn đi
một mình, có con lươn nào cắn mồi kéo lưỡi câu là tôi gọi hắn bắt giùm. Lưỡi câu
lươn của tôi và hắn thường được hắn mài uốn bằng sợi thép kiền vành xe đạp, mài
rất bén, lươn ăn thì khó mà thóat được, bắt không được lần này thì lần khác
cũng bắt được, vì lươn cắn câu rất nhiều lần. Nếu không hắn cũng đào hang lên
mà bắt, hắn còn dạy tôi muốn bắt lươn thì phải dùng ngón tay giữa ngóeo kẹp
phần trên gần đầu con lươn thì mới khỏi tuột “Bắt lươn đằng đầu nhớ
không?". Tôi ừ ừ tập làm như hắn nhưng vẫn cứ bị tuột sẩy hòai, nên mỗi lần
lươn kéo lưỡi câu là phải nhờ hắn bắt. Thuở ấy tôi vẫn nói dối với mẹ tôi là
lươn của hắn, để mẹ tôi nấu cháo cho tôi và hắn cùng ăn. Hắn mãi khen mẹ tôi
nấu cháo lươn ngon hơn bà nội hắn, vì mẹ tôi nấu cháo lươn có nhiều gia vị và um
lươn có đọt lá sưng gai non thơm phức, còn bà nội hắn nấu trơn ít có dầu mỡ và
gia vị. Cuối năm lớp tư tôi đứng nhì được lên lớp ba trường tiểu học công lập
xã, còn hắn thì phải thi lại, vì trường chỉ có ba đứa lên lớp. Đến ngày thi hắn
nhờ tôi thi thế cho chắc, tôi thi vào hạng nhất, hắn mừng quýnh quýu và hứa bảo
vệ tôi đến cùng, có đứa nào dọa nạt tôi là hắn liều mạng xông vào, vì thế mẹ
tôi cũng thương qúy hắn như con mình. Hằng ngày hắn ăn ở nhà tôi nhiều hơn nhà
hắn, bà nội hắn cũng chẳng phiền hà gì, hàng xóm cả mà. Lên bậc trung học ra
tỉnh ở trọ, mẹ tôi cũng gửi hắn ở chung với tôi, lo bao cả gạo mắm. Cha hắn,
chú Trần Thời cũng ít khi thấy về nhà, nghe nói chú đi theo đoàn hát bội ở Bình
Định, thỉnh thỏang đến ngày giỗ, tết hoặc hội làng chú mới về, chú về thường là
đứng trên sân khấu hát bài chòi, giọng khàn khàn múa may điệu nghệ trông thật
vui mắt, lúc chú rút cây thẻ bài cầm giơ lên cao cất giọng hô ông ầm … tứ giái…
Bạch Huệ… đôi mắt nhìn lên láo liên trợn ngược, miệng cười méo xệch, để lộ cái
răng cửa sổ trống trơn thì thiên hạ vỗ tay cười rầm rập. Nghe đâu thời thanh
niên, nhân ngày rước sắc phong nhà thờ
Trần Đại Tông có mời đòan hát bội Bình Định ra diễn tuồng, chú có giọng hát hay
họ mời chú nhập đòan. Vào đòan ban đầu chú đóng vai kép phụ, võ nghệ, côn quyền
chưa thành thạo, đóng vai Đổng Trác gặp đối phương lại là môn đệ Hồ Nghạnh ở
Bình Định giỏi côn quyền trở gậy đánh chú gẫy mất cái răng cửa. Nhờ gãy cái rằng cửa ấy, chú
đóng vai hề lại có duyên ra, sau chú trở thành kép chính tếu táo rất ăn khách,
rồi chú yêu cô đào hát trong đòan đóng vai Điêu Thuyền, sinh ra Trần Bì. Lúc
Trần Bì lên ba, bốn tuổi, hát hò ế ẩm, đào kép gần như rã đám, nửa đêm mẹ nó đi
theo người khác, bỏ lại con cho chú, chú bồng về bà nội nuôi, tạm gác đời lãng
tử, có ai hỏi chú vì sao vợ bỏ, chú mỉm cười rồi nói: “Còn xu còn lú, còn vợ
còn chồng, hết xu hết lú, tơ hồng hết se”, đời sống vợ chồng như hát bội là vậy. Chú về làm ruộng với mẹ già nuôi con, nhưng chiều đi làm về chú thường ra đứng
bên cái giếng làng tán dí dỏm đôi chuyện tiếu lâm với người lối xóm, và hay đùa
cà rỡn với thím Lành. Thím Lành chồng tập kết có đứa con gái cỡ tuổi tôi và
Trần Bì, chiều nào gặp chú Hai Thời, thím cũng chìa tay xin thuốc vấn, chú cười
hề hề đưa ngay bịch thuốc cho thím muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Chú đùa nghịch như
qủy, có lần giữa ngã ba chú đi làm về, chống cuốc hai tay bôi dính đầy bùn đất,
thím xin thuốc, chú xoay người chỉ vào túi quần bảo thím lấy đi, thím tình cờ
thọc tay vào túi quần rồi ngúyt mặt bỏ đi, chú nhìn theo cười hề hề, ai ngờ túi
quần lủng, như thế không biết sao mà sau chú thím cũng mèo mỡ với nhau. Khi
chiến tranh rục rịch trên quê hương, người ta xầm xì đồn chú Lành về nằm vùng
họat động ở làng trong, thế là chú Hai Thời ra đi tái xuất giang hồ vào Nam
bộ theo nghề diễn tuồng cải lương, hát
vọng cổ, và tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ, ủng hộ cơ sở cách mạng. Hòa
bình lập lại một thời gian, chú về thăm quê gặp gánh hát bội Núi Ấn Sông Trà mời
biểu diễn, lúc đầu cú từ chối, nhưng sau nhiều
bà con hâm mộ yêu cầu chú cũng tham gia góp vui vài hôm. Chú hay nói đùa: đời cha ông mình mãi làm dân đen, bây
giờ theo nghề hát làm quan, làm tướng cho oai đời. Những đêm chú diễn, bà con
địa phương đến xem khá đông. Đêm đầu chú đóng vai anh bộ đội giải phòng quân. Cắc… cắc… tùng, tiếng trống chầu nổi lên, nhảy ra sân khấu cầm súng giương
cao, huơ tay múa chân cất giọng: Như ta
đây là anh bộ đội… giải phóng quân… anh hùng; cả sân đình vỗ tay rầm rập. Đến
đêm thứ ba chú đóng vai anh công nhân thủy lợi, tiếng trống chầu nổi lên cắc…
cắc… tùng, chú đứng trên sân khấu cất giọng: Như ta đây là là anh công nhân
thủy… lợi… dẫn thủy nhập điền, đem no ấm về cho nhân dân… miệng chú cười lộ
cái răng cửa sổ, làm cho cả sân đình được dịp vỗ tay cười sặc sụa. Có người nói
vọng lên, tưởng như ta đây là quan, là tướng gì, là anh công nhân thủy lợi mà
cũng vỗ ngực xưng danh.
Sau mấy ngày biểu diễn góp vui, chú về
nhà thu xếp đưa Trần Bì vào Nam, còn mẹ già gửi lại cho người em trai là chú Ba
Thế nuôi dưỡng. Trần Bì theo cha vào Nam nhờ lý lịch trong sạch, có địa phương
xác nhận. Vốn học hành khá trước năm 1975, trốn lính, không tham gia chế độ cũ,
còn có cha tham gia phong trào đấu tranh ủng hộ cơ sở cách mạng, nên hắn được
tuyển biên chế vào làm các cơ quan cấp huyện, rồi cấp thành phố.
Vào những năm đầu 80, tôi có gặp hắn vài lần ở Sài Gòn, hắn rủ tôi vào Nam sống
hứa sẽ tạo công ăn việc làm vững chắc cho tôi, nhưng tôi từ chối vì thích sống
ở Cao Nguyên hơn.
Thấm thoát đã gần 30 năm, trong dịp đi
công tác lên Đà Lạt hắn tìm gặp tôi, lần này trông hắn oai vệ, phương phi hơn. Hắn gọi tôi, đến giờ hẹn sẽ đem xe tới đón, giờ hắn đang họp; hắn nói nhớ ra
đường lộ chứ vào con hẻm nhà tôi sình lầy xe vào không được, thông cảm cho hắn.
Tôi hỏi chưa vào nhà mà sao biết rõ vậy, hắn bảo thời buổi này mà tôi còn lạc hậu
như người rừng, thành phố Đà Lạt nhỏ như bàn tay, ai không biết cậu ở hội văn
nghệ, tới đó là biết ngay thôi. Đúng giờ hẹn, hắn dừng xe ngay đầu hẻm, ngồi
chễm chệ trên chiếc xe Camry màu kem bóng lộn. Tôi nhìn hắn mà không tin trước
mắt mình là tên Trần Bì, Vỏ Quýt ngày xưa. Ban đầu lũ chúng tôi gọi hắn là Trần
Bì tức là da trần vì hắn ít mặc áo, đến khi thầy Long giải thích Trần Bì là tên
một vị thuốc bắc gọi là vỏ quýt là môn thuốc trị được bệnh ho, khan cổ, tiêu
đờm, thông thanh quản, từ đó hắn thích từ vỏ qúyt hơn.
Gặp tôi Vỏ Quýt cười nói rất hồn nhiên, vui vẻ,
tính khôi hài duyên dáng giống hệt chú Trần Thời, cha hắn. Trước hết hắn đưa tôi
tới tiệm hớt tóc cạo râu sạch sẽ, xong hắn đưa đi shoping sắm sửa lại quần áo,
giầy dép, điện thoại di động đời mới. Thấy tôi ngần ngại, hắn nói: "Trông
cậu phong trần lắm, để tớ bo lại cho mát mẻ rồi đi chơi với tớ, lâu lắm rồi mới
gặp cậu, chăm sóc cậu cũng là niềm vui của tớ, tiền bạc là chuyện nhỏ, cậu đừng
nghĩ ngợi gì hết. Từ hồi còn nhỏ tôi vẫn qúy cậu như anh em ruột kia mà, vì tôi
chẳng có anh, cũng chẳng có em như cậu đã rõ". Hắn sắm sửa cả veston, cà
vạt bắt tôi mặc thử, mặc vào tôi cảm thấy đi đứng nặng nề khó chịu, tôi bảo hắn
xếp bỏ lại vào xe, tôi mặc thế này được rồi, thoải mái hơn, mặc vậy không quen
lúng túng trông buồn cười lắm.
- Cậu
phải tập làm quen đi chứ, sắp làm sui gia rồi còn gì, hơn nữa hôm nay ở chốn
này gặp nhiều đại gia, quan chức đi với tớ, cậu cần phải ăn mặc tươm tất.
- Thôi
thì cậu cho tớ về nhà, xong việc mình gặp nhau thích hơn.
- Không
được, khách sạn tớ đặt phòng rồi, kể cả phần ăn và tớ cũng đã giới thiệu với
mọi người là có cậu bạn thân, việc thì xong rồi chỉ họp là ký hợp đồng thôi.
Thôi được, như thế này nhé, để hợp với tính nghệ sĩ của cậu, cậu mặc những thứ
này.
Hắn đến chọn hai bộ quần bò loại tốt, hợp
thời trang, áo khoác da, giầy sport vừa cỡ tôi mặc, quần áo tôi thay ra hắn
cuộn tròn co vào tui nilông quăng vào sọt rác, còn quần áo veston, giầy da, cà
vạt xếp vào xách bỏ lên xe để hôm sau tôi đem về nhà. Xong việc sắm sửa, hắn và
tôi đến quán cà phê tìm một góc khuất ngồi nói chuyện, tôi hỏi hắn vào Nam làm
gì mà giàu sang đến vậy. Hắn nói hắn làm giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông lâm
thủy sản ở các tỉnh miền Tây, và bây giờ
lập thêm Công ty nuôi hổ, gấu ở miền Bắc. Tôi giựt thót.
- Cậu
dám bắt hổ về nuôi?
- Hề
hề… Cậu ngây thơ quá, hổ gấu mua ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến
Điện…. Và các tỉnh biên giới Việt Nam. Người ta bắn thuốc mê cho hổ, gấu ngủ
rồi bỏ vào lồng sắt chở về thả vào chuồng nuôi.
- Nuôi
hổ, gấu tốn nhiều thịt như thế thì lợi tức thế nào? Sao cậu không nuôi những
thứ khác.
- Người
ta nói: Có phúc làm quan. Có gan làm giầu, cậu nhớ chứ. Nuôi hổ bán ra nước
ngoài như Trung Quốc chẳng hạn, cùng lắm lấy bộ xương nấu cao cũng được bao
nhiêu tiền rồi, trị bệnh thấp khớp không có gì tuyệt hảo hơn, ngày nay bệnh
thấp khớp ở người cao tuổi nhiều vô kể, nhà giàu có tiền cũng khó tìm ra cao hổ
thật đâu, vô giá đấy. Còn nuôi thứ khác hả, trước khi nuôi hổ tớ cũng đã nuôi
chó, chó phốc, chó cảnh, chó săn, chó Tầu, chó Tây, chó nội địa, chó ngoại lai,
chó Nhật Bổn, chó Bắc Kinh, đủ các loại chó, chó này lai tạo với chó kia, chó
mẹ đẻ chó con, trên dưới cả chục ngàn con. Ban đầu bán rất đắt, phong trào và
thị hiếu lúc ấy lên cao điểm, lợi tức cũng khá lắm, nhưng sau vài năm thiên hạ
chán cả, bán không được bao nhiêu, phải tốn thức ăn, thuốc men, người chăm sóc,
dọn phân, tắm rửa. Cái giống chó thế mà phải ở sạch, nếu ở bẩn nó mắc bệnh tiêu
chảy, lác, ghẻ , xà mâu, hôi thối cả làng không chịu nổi. Thiếu thức ăn thì
chúng sủa luôn mồm oang oảng, tru tréo cả ngày, đinh tai nhức óc, nên tớ chuyển
qua nuôi hổ. Cậu biết đã nuôi hổ thì không nuôi chó được, "Mượn hơi hùm
rung nhát khuyển" mà, từ lúc nuôi hổ đàn chó im thin thít, không dám nhe
răng cắn cấu gì nữa, cả đàn chết khiếp, người quản khuyển phải lấy chó làm thức
ăn cho hổ.
- Mình
nghe ghê ghê, rợn rợn sao ấy.
- Ừ,
người như cậu thì chắc là ớn lạnh nghe nói đến chuyện ấy rồi, đó là cậu chưa
thấy hổ xé mồi ăn thịt như chó, thỏ lúc
còn sống tàn bạo, dã man của một kẻ mạnh, được mệnh danh là Chúa tể muôn loài,
nhưng rồi thấy hoài nó cũng quen. Nghĩ cho cùng, mọi vật trên đời đều có sự
tương tác với nhau cả. Trông cậu không có gì thay đổi mấy, vẫn còn tính cách
trầm ngâm, phong trần và lãng tử. Nhưng phong trần để làm gì, chỉ tội cái thân
mình mà thôi. Đành rằng tạo hóa không có ai giống ai, nhưng có ai muốn khổ
nhục, bệnh tật đâu, ai cũng muốn khỏe mạnh, vui tươi, hạnh phúc kia mà. Hắn
đánh trống lảng sang chuyện khác: Đừng tự ái, đừng mắc cỡ nhá, mất vẻ phong
trần một chút nhưng còn nét lãng tử, lát nữa về khách sạn, tớ gắn cho cậu vai
gì thì cậu diễn vai đó nhé!
Hắn đứng lên, rút xấp tiền toàn tờ 100
USD.
- Đây, một ngàn đô la tớ tặng bà xã cậu và
các cháu 500 đô, phần cậu làm ma két tập sách 300 đô, thiếu thì tớ đưa thêm,
nghe nói cậu sắp in tập truyện hay thơ gì đó, cứ in, lấy giấy phép nhà xuất bản
xong tớ gửi tài trợ cho, còn 200 đô cho em út, đừng tiếc! Ủng hộ cảm xúc sáng
tác cho cậu thôi; nhớ xong việc sáng mai hãy hãy đưa tiền, chứ đưa trước nó
trốn đi với người khác mất, hàng sạch tuyển từ thành phố đưa lên đấy, những
khoản khác tớ đã lo hết rồi cậu đừng quan tâm, đừng e ngại nếu mất tự nhiên nó
chê mình là nhà quê, rồi hắn bày vẽ cho tôi một loạt những thủ thuật ăn chơi mà
hắn đã trải qua. Về khách sạn hắn đưa tôi đến phòng và nói: đây là phòng của
cậu, phòng VIP đấy, thay bộ này đi xông hơi massage cho khỏe đã (hắn trao tôi
bộ đồ sọoc trắng còn nguyên niêm). Đến phòng massage hắn mua sẵn vé và kèm theo
một trăm ngàn, ở đây bo thế này thôi. Bữa ăn tối, hắn dẫn tới bốn cô gái mặt hoa
da phấn, còn măng tơ cùng với hai người đàn ông sồn sồn trạc tuổi tôi và hắn,
phương phi, bụng phệ, mày râu nhẵn nhụi, hắn giới thiệu: một giám đốc và một
quan chức, đứng vào hàng đại gia miền Bắc, từ Hà Nội vào; như đã sắp xếp sẵn
mỗi em ngồi vào bên cạnh một người, em còn lại ngồi bên cạnh tôi, em nào cũng
dáng vẻ đài các, mộng mơ, ăn uống xong em nắm tay theo về phòng tôi nói giọng
ỏn ẻn:
- Anh tắm rồi hả, đầu anh còn ướt kìa, nằm
đợi em tắm cái đã.
Nhìn em từ phòng tắm bước ra mặc bộ đầm
trắng như một con thỏ ngọc bạch, ngây thơ đứng bên thảm cỏ non, em đẹp, đẹp
lắm; một vẻ đẹp mỏng manh, như mảng thủy tinh dễ vỡ nếu chạm mạnh vào. Đôi mắt
nhung huyền thơ ngây, suối tóc, mùi nước hoa, phấn son, da thịt và ảo giác.
- Sao thế, anh chê em hả.
- Không?
- Anh nghĩ ngợi gì thế, em ở Hà Nội vào đang học đại học
năm thứ ba trường đại học nhân văn thì
mẹ bệnh tim nặng, nên phải... anh thông cảm.
Tôi
rút túi đưa em 200 USD.
- Chưa xong việc mà anh bo em nhiều thế, em nghiêng
người quang tay qua tôi... anh.
- Thôi ngủ đi em gái.
Trong
chốc lát em đã hồn nhiên chìm vào giấc ngủ, trời se lạnh, bên ngoài phủ kín mù
sương, tôi kéo chăn đắp cho em, như đắp cho đứa em gái nhỏ ngây thơ ngày nào
nay mới tìm được. Ánh đèn tường mờ nhạt, con thạch sùng lao tới đớp con mồi,
hụt, nó lui ra góc phòng chật lưỡi kêu chắt chắt, con vật đáng thương vừa thoát
khỏi miệng thạch sùng bay ra thì mắc phải màng nhện giẫy giụa, con nhện nhanh
nhẩu bò tới vồ cuộn tròn vào những phiến chân đen ngấu nghiến, thế là hết một
kiếp sinh linh. Đêm ấy gân như tôi không chợp mắt và vũ trụ cũng dường như đang
còn thao thức. Tôi se sẽ bước xuống giường, và em cũng giật mình tỉnh giấc.
Sáng
ra em nhìn tôi mỉm cười:
- Đêm qua anh ngủ có ngon không? Trời hơi lạnh và sương
nhiều quá anh nhỉ! Sao anh dậy sớm thế?
- Cũng không được ngon lắm, dường như đêm qua em gặp cơn
ác mộng sao mà nghe thút thít trong mơ.
- À, em mơ thấy mẹ em ngợp tim chết, mẹ em chết thì em
mồ côi một mình, mẹ em chỉ có mình em, bố em mất từ khi em mới lên ba. Mẹ em là
giáo viên, nhưng đau tim nặng cứ bị ngất xỉu trên lớp hoài, nên mới xin nghỉ
sớm để lấy tiền chữa bệnh. Nhưng bây giờ tiền đã hết mà bệnh mãi nặng lên,
em định nghỉ học nhưng mẹ không chịu. Mẹ nói nếu nghỉ học ngày mai làm sao có
tương lai, nên em nói dối mẹ đi chơi với bạn gái, em cảm ơn anh đã tử tế với em,
trong đời này có bao nhiêu người như anh.
- Em đã gọi về hỏi mẹ chưa?
- Em đã gọi lúc mới thức dậy, mẹ em có lên cơn đau tim nhưng hồi phục lại rồi, em sẽ về lo
thuốc cho mẹ, bác sĩ khuyên mẹ nên mổ nhưng không có tiền, biết làm sao đây,
ước gì có nhà để bán lo cho mẹ, ở nhà thuê thì phải chịu.
Em
lặng người hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Tội nghiệp em, con thỏ ngọc ngây
ngô. Tôi bỗng thấy xót xa, động lòng trắc ẩn, rút nốt 300 đô la trao cho em:
- Em về lo cho mẹ và cố gắng học.
- Em cảm ơn anh, cảm ơn anh nhiều lắm, em nức nở gục vào
vai tôi.
Trời
se lạnh, tôi vén tấm màn cửa nhìn ra ngoài, sương vẫn còn dày đặc.
- Em pha trà anh uống nhé.
- Ừ, cảm ơn em.
- Cho em làm em gái anh được không?
- Thì em đã là em gái anh từ hôm rồi mà.
- Làm em gái mà không biết số điện thoại, địa chỉ, cho
em carvisite đi để sau còn liên lạc với ân nhân nữa chứ.
- Thôi, quên chuyện ấy đi.
- Anh không cho, em hỏi anh Vỏ Quýt cũng được.
Trời
tan sương, Trần Bì gọi, trong quán cà phê Trần Bì nhìn tôi cười tếu táo, em ngồi
bên cạnh nhéo vào đùi tôi như thầm bảo: "Đừng nói gì nha", tôi hiểu ý
gật gù cười cợt "Biết vậy thôi", cả đám cũng rúc rích cười. Trước khi
chia tay Trần Bì còn nhắc nhở tôi vào ngân hàng mở tài khoản rồi nhắn tin cho
hắn.
Một
năm sau, Lệ người con gái hôm ấy lạnh lùng báo tin: sau chuyến đi nước ngoài
về Trần Bì đã bị hổ vồ. Tôi bàng hoàng, mắt tôi hoa lên, đầu choáng váng mơ hồ,
quay cuồng và rỗng tuếch, tôi như không tin ở tai mình. Hình ảnh Vỏ Quít
cứ hiện lên trước mắt tôi từ thời còn
mặc chiếc quần xà lỏn đen, tay xách đụt, tay cầm cần câu, tay cầm sợi mây luồn
giun, tay cầm lưỡi câu lươn, ngồi dưới gốc cây ê a học bài, tuổi thơ hồn nhiên
vô nhiễm cho đến lúc ngồi trên chiếc xe hơi bóng lộn. Sự thật tôi thương hắn,
nhớ hắn ở tuổi thơ hồn nhiên ấy. Tôi thiếp đi trong sự miên man ảo giác, chắc
Trần Bì bỏ hổ đói, hổ vồ nó ăn thịt, thật "dưỡng hổ vi họa", câu nói
của người xưa không sai. Lúc tỉnh dậy tôi bấm điện thoại gọi cho hắn "cứ
gọi thế thôi" một chút hy vọng mong manh có người đáp lại, chuông điện thoại
bên kia cứ reo, rồi ngắt đoạn, tôi lại
bấm rồi cứ rung, rồi ngắt đoạn... thế là xong, hy vọng vẫn mong manh ám ảnh.
Một
hồi sau thì chuông điện thoại tôi rung, tôi cầm máy lên, tên hắn hiện lên màn
hình, ở đầu dây bên kia, tiếng người phụ nữ điềm đạm, thân mật giới thiệu với
tôi là vợ Trần Bì... tôi thận trọng ấp úng tìm câu hỏi:
- Chị ... chị ...
cho tôi hỏi Trần Bì bây giờ thế nào rồi.
- Anh Bì sau
chuyến đi nước ngoài về, cho hổ vào cũi sắt để thả vào rừng, nhưng người bắn
thuốc mê có lẽ non thuốc nên hổ tỉnh dậy sớm, chồm tay ra ngoài chuồng vồ anh
rách một mảng thịt phía sau lưng, hiện anh đang nằm bệnh viện, sẽ khỏi thôi anh
ạ.
Đầu óc
tôi nhẹ hẫng, như người vừa trút được gánh nặng thiên thu. Trần Bì ơi đời mi
còn tốt phúc, ta còn có mi.
Trần Quang Ngân (Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét