(Nhân đọc cuốn Góp nhặt hương đời, Nhà xuất
bản Hội Nhà văn, 2014)
Góp nhặt hương đời là tuyển tập thơ văn khá đồ
sộ, quy tụ hơn 170 tác giả, đó là nơi hội ngộ những tâm hồn đồng điệu
với văn chương. Ngay tên tập sách đã tạo cho người đọc ấn tượng. Đó
là sự góp nhặt những tác phẩm trên văn đàn của nhiều những tác giả ở
khắp mọi miền đất nước. Có nhiều những tác giả với những tác phẩm
hay, khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng trên văn đàn. Bên cạnh đó,
tập sách còn có sự góp mặt của những tác giả trẻ, những cây bút chỉ mới
xuất hiện trong một vài năm gần đây nhưng tác phẩm của họ cũng có
những nét mới, độc đáo, giàu tính sáng tạo. Những cây bút trẻ này sẽ là
lực lượng kế cận có nhiều triển vọng cho văn học Việt Nam trong tương
lai. Chúng ta có quyền hi vọng và tin tưởng vào điều này.
Người đứng ra chịu trách nhiệm tập hợp và hoàn
thành các thủ tục để cho tập sách ra đời đó chính là Nguyễn Hữu
Duyên- Chủ biên trang huongquenha.com
Bên cạnh đó còn có sự đóng góp tích cực của các
thành viên trong ban tuyển chọn và biên tập. Đó là các nhà văn, nhà
thơ có uy tín như: Nhà thơ Triệu Từ Truyền, Nhà văn Mang Viên Long, Nhà
thơ Trịnh Bửu Hoài, Nhà văn Nguyễn Thị Mây, Nhà văn Võ Diệu Thanh.
Bằng sự tâm huyết và tình yêu với văn chương
Việt, ban biên tập và tuyển chọn đã làm việc khẩn trương và hết mình
để có tập sách bề thế, phong phú về mặt nội dung, đa dạng về mặt hình
thức với nhiều thể loại khác nhau.
Nhận tập bản thảo Góp nhặt hương đời từ anh
Nguyễn Hữu Duyên, dù đang bận công tác xa nhà và điều kiện sức khỏe không
được tốt nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để đọc hết tập bản thảo.
Ấn tượng đầu tiên đối với tôi khi tiếp xúc với tập này đó là tập sách
có giá trị về mặt văn chương. Đó là những trang viết sinh động thấm
đẫm tình người, tình đời. Mọi mặt của đời sống được phản ánh một cách
đầy đủ, dưới những góc nhìn và cách đánh giá, nhận xét khác nhau.
Tất cả những tác phẩm trong tập sách đã tạo nên sự đa thanh, đa giọng
gây được hứng thú cho người tiếp nhận.
Trước hiện thực cuộc sống đa diện, đa chiều, có
cái được, cái mất, cái tích cực, tiêu cực, cái thiện, cái ác… qua lăng
kính của người nghệ sĩ hiện lên bức tranh đời với nhiều đa đoan, nhức
nhối. Những sự kiện lịch sử, những biến cố thời đại, những cảnh đời
dâu bể, những số phận con người của quá khứ hôm qua, hôm nay và cả
tương lai đều được các tác giả nhìn nhận bằng cách riêng mình.
Những vấn đề được đề cập xuyên suốt từ truyện
ngắn, tùy bút, tạp bút, tản văn, cho đến thơ là cuộc sống con
người với những vấn đề phức tạp, đa chiều vốn có của nó: ở đó là những hạnh
phúc, niềm tin, sự mất mát, hoài nghi, lạc loài, hoang hoải, vỡ mộng
của thế hệ trẻ; là nỗi dằn vặt đau đớn của những phận người trước những
ngang trái, bất công…
Tôi rất thích truyện Bi kịch hưu của Nguyễn
Hiếu. Cốt truyện đơn giản chỉ xoay quanh cuộc đời gia đình ông Đam nhưng
để lại cho người đọc bao suy ngẫm về con người và cuộc đời, về thời
cuộc và nhân tình thế thái… Với những may mắn, từ học trung cấp
thú y mà ông Đam lấy được vợ thủ đô. Từ một người làm nghề hoạn lợn nhưng
do gặp thời và sự khôn khéo mà ông được cất nhắc lên làm Phó Tổng biên
tập của một tờ báo lớn. Khi đã có chức quyền trong tay ông Đam đã
trở thành một con người khác. Lúc đương chức thì có kẻ đưa người đón,
nhiều người tôn kính. Để rồi khi về hưu ông buồn vô hạn vì không còn
được người ta chú ý đến nữa. “Rồi những năm sau xe đến đón ông thưa dần,
rồi vãn hẳn”. Bức bối đến độ nhiều lúc ông trở nên hoang mang và…
“Đến năm thứ sáu khi chồng bà về hưu thì bà bất ngờ thấy lo.
Sự lo này bắt
đầu vào một đêm chớm đông. Thằng cháu nội học lớp hai chắc vì ban ngày mải chơi quá nên tự
nhiên ngồi dựng dậy, khua chân múa tay, rồi cười sằng sặc. Rồi tiếng con
trai bà nói to:
- Bố tắt đèn đi cho hai đứa ngủ chứ.
Bà Lan choàng tỉnh
và giật mình khi thấy phòng khách sáng trưng. Tiếng lạt xạt, lào xào. Bà nhìn đồng hồ
mới biết lúc đó mới là ba giờ kém mười lăm. Tiếng con trai bà lại vổng
lên:
- Bố làm gì mà để đèn lâu thế?
- Tao phải đi?
- Bố đi đâu? Bây giờ mới có ba giờ sáng.
Nghe
tiếng nhấm nhẳn của con trai, bà Lan lặng lẽ đi xuống phòng khách. Thêm một lần bà giật mình khi
thấy chồng bà mặc quần áo tề chỉnh đứng trước gương ngắm nghía.
Một lúc sau ông rút chiếc ca vát thắt sẵn màu tiết dê choàng vào cổ.
Ông kéo nút ca vát, lấy lựơc chải đầu.
- Ông đi đâu bây giờ đấy?
Chồng bà không ngoảnh lại,
giọng ông hơi gằn như bị làm phiền:
- Bà này hay thật. Hôm nay giao ban trên tuyên
giáo.
Bà Lan đến bên chồng dịu
dàng:
- Thôi thôi. Ông vào ngủ đi .
- Sao lại ngủ. Tôi nghe bà để trên cạo tôi trắng gáy à? Bà lạ thật.
- Nhưng ông về hưu rồi kia mà?
Ông
chồng bà cau mặt hỏi lại bà. Tay sờ nút ca
vát. Mặt ngắn lại, mắt lồi ra.
- Về hưu…. Thật thế à? Ừ nhỉ”.
Nếu như mở đầu truyện nhà văn để cho nhân vật bà
Cầm (bạn thân thiết của bà Lan) khen ông Đam thì kết thúc tác phẩm
cũng xuất hiện nhân vật vợ chồng bà Cầm (giờ đã là sui gia) đến dự sinh
nhật đứa cháu ngoại tại nhà ông Đam. Vợ chồng bà Cầm nhắc đến nghề
thú y của ông Đam làm ông tức giận. Cuộc đối thoại giữa vợ chồng bà
Cầm với ông Đam ở cuối tác phẩm tạo nên sự bất ngờ và mang nhiều ý
nghĩa.
- Đích tôn
ông bà tuổi lợn. Ông nội cháu thủa hàn vi cũng nhờ lợn mà nên cơ nghiệp.
Ông
Đam nghe bà thông gia nói giật mình, đặt chén nước vừa nâng lên:
- Bà nói thế là ý gì?
Bà Cẩm vẫn vô tư:
- Thì ông học trung cấp thú y. Cái nghề tưởng vớ vẩn ai ngờ nó lại hay thế.
Mặt ông Đam đỏ hắt lên:
- Cái bà này. Thú ý là thú y thế nào. Tôi đường đường là Phó tổng biên tập một tờ báo lớn chứ
đâu phải hạng vớ vẩn mà mà… bà
Bà Lan nghe chồng nói giơ tay nói nhẹ:
- Bà ấy nói thế có hệ trọng gì.
- Ông đúng là Phổ tổng biên tập, tôi có bảo gì đâu mà chỉ nhắc lại cái sự vượng nhà ông nó lợn mà nên.
Ông Đam đứng phắt dậy:
- Bà này đừng có gần chùa gọi bụt bằng anh bỉ mặt tôi như thế. Gì thì gì cũng phải có thang bậc, lớp
lang. Thân thì thân thật những đừng vì thế mà xỏ lá, quàng xiên là
không được. Tôi là tôi được cả thiên hạ vì nể, nên không thể…
Thằng Bi nghe
thấy ông nội quát ầm ầm oà ra khóc. Thằng Đạo xót con ôm chầm lấy thằng bé, lầu bầu:
- Thú y thì đã làm sao. Bố lạ thật, đang
vui…
- Cái thằng này, bố mày bằng thật mà mày lại bênh ngưòi ngoài xỉ nhục bố mày, rồi đời con mày nữa
nó sẽ theo gương, mày sẽ lãnh đủ thôi.
Ông
Dũng thông gia cười hích một cái rồi bấm vợ đứng lên, lặng lẽ ra ngoài. Ông Đam cũng lẳng lặng đi lên
gác.
Căn phòng
đang rộn rã bỗng lạnh băng. Con lợn bơ trắng môi và mắt điểm sô cô la nâu nằm trơ khấc giữa bàn
ngổn ngang cốc, đĩa… hoang toàng như đám cưới đột ngột có cô dâu bỏ
trốn...”
Khỏa thân (Vũ Thị Huyền Trang) là một câu chuyện
cảm động về nhân vật “tôi” làm người mẫu vẽ khỏa thân. Ở đó ta bắt
gặp cả một cõi thế thái nhân tình sâu thẳm về cái cô đơn và lạc loài,
cái giàu sang, nghèo hèn, cái bi kịch của sự không tìm thấy cái cần
tìm và cái bi kịch của nỗi buồn… Chính những nỗi bi kịch này đã tạo nên
những cặp đồng hành biểu đạt cho những số phận khi gặp nhau, khi xa
nhau, chập chờn, nhức nhối, niềm khao khát và nỗi khổ đau khi vướng
vào vòng lao lý…
Yêu thời “chát” giấy của Phạm Tử Văn là câu
chuyện tình yêu tuổi học trò với những kỉ niệm đẹp và cả sự hiểu nhầm để
đến 10 năm sau tình cờ gặp nhau trên facebook “anh” mới giải tỏa được
sự bực tức của hơn 10 năm về trước. Tình yêu tuổi học trò có gì đó
trong sáng nhưng cũng đầy ích kỉ, ngộ nhận để rồi giờ đây khi nhận ra thì
đã quá muộn và chỉ còn cách nói lời xin lỗi mà thôi.
Những truyện: Milano- Sài Gòn: Đang về hay
sang? (Trương Văn Dân), Mơ ước bên đời (Nguyễn Hữu Duyên), Nhà điêu khắc và
người mẫu thỏ trắng (Mang Viên Long), Người đàn bà đuổi theo vầng
trăng (Nguyễn Thị Mây), Ăn lục bình (Ngô Thúy Nga), Đừng quên nhé nắng
mai (Phan Mai Thư Nhã), Cánh hoa màu nhớ (Hòa Văn), Đứa con lưu lạc của
biển (Trần Minh Nguyệt), Lênh đênh một kiếp người (Nguyễn Đoan
Tuyết), Đường về Cheo Reo (Võ Diệu Thanh), Con chó có cái xoáy trên
lưng (Nguyễn Khoa Đăng), Phóng sinh chữ nghĩa (Phan Trang Hy), Tiếng cú
kêu (Trần Quang Khanh), Không ngọn lửa nào non tuổi (Nguyễn Thị Việt
Hà), Hình như là mưa ngâu (Dương Hằng)… là những truyện ngắn hay hướng
đến các đề tài về gia đình, tình yêu, đạo đức… hướng vào các giá trị
nhân bản, mạnh dạn đề xuất những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với
thời đại. Lối viết bắt đầu có nhiều thay đổi. Đó cũng là một trong
những điểm nhấn, tạo nên sức hấp dẫn của các truyện ngắn. Các nhà văn đã
đem đến một cái nhìn tương đối toàn diện về đời sống của con
người trong cuộc sống. Bằng một lối viết trung thực, thẳng thắn và một tình
yêu thương, trân trọng con người, hình ảnh con người trong các truyện
ngắn hiện lên với những mảng màu sáng tối khác nhau. Con người có thể
phải mang trên mình những nỗi đau, sự bất hạnh, sự xô đẩy của hoàn
cảnh; có thể không kiềm chế được những giây phút bản năng trỗi dậy và
thậm chí trở nên tha hóa bởi sự lấn át của dục vọng nhưng cuối cùng con
người vẫn quay về với bản chất nhân ái của chính mình...
Những bài tùy bút, tạp bút trong tập sách như:
Phút giây hoài niệm (Ngọc Bút), Con sông tuổi thơ (Phạm Tuấn Vũ), Vị
quê (Nguyễn Văn Thảo), Chữ thầy cho (Phan Tấn Lược), Mưa Sài Gòn
(Bích Lê), Chợ chữ (Đàm Lan)… là những trang viết tinh tế, giàu cảm
xúc, lời văn mượt mà, cách viết rất có “nghề”.
Con sông tuổi thơ của Phạm Tuấn Vũ tạo cho người
đọc những nỗi niềm nhớ thương vô hạn về một miền quê nào đó của
chính mình, những ký ức tuổi thơ gắn liền với dòng sông lần lượt sống
dậy, trở thành nỗi nhớ da diết và niềm yêu thương vô bờ. “Sông quê tôi
ở miền trung du, nên không có cái ầm ầm dữ dội của ghềnh thác nơi
phía thượng nguồn, cũng không có cái mênh mông đến rợn ngợp cuối dòng
phía hạ lưu nơi con nước sắp hòa vào lòng biển cả. Con sông của tuổi thơ
tôi hiền lành, êm đềm qua từng năm tháng, xanh mướt hai bờ bãi mía
nương khoai. Sông quê hiền hòa, bốn màu xanh một màu trời biếc, soi
bóng những cánh rừng ngát xanh, vỗ về những cánh đồng xanh non mạ
mới, ru khúc hát hàng tre xanh thẳm qua bao nhiêu năm tháng thâm trầm. Con
sông ngàn tuổi, nhưng lúc nào cũng cứ vô tư, hồn nhiên như đứa trẻ bi
bô, trong veo như mắt cô thôn nữ mười tám. Con sông ấy cho tôi cả một
trời kí ức tuổi thơ
trong lành, thiết tha”.
Tuỳ bút Vị quê của Nguyễn Văn Thảo dẫn dắt người
đọc đến với mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió, nơi có con sông Ba hiền
hòa, chở đầy phù sa bồi đắp cho đồng lúa Tuy Hòa; nơi có tháp Nhạn
trầm tư, uy nghi giữa lòng thành phố; nơi có bãi biển dài và đẹp…Những
tháng năm tuổi thơ ở mảnh đất này đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương,
để giờ đây khi xa quê lên Sài Gòn học thì tình yêu đối với mảnh đất
nơi chôn nhau cắt rốn lại tha thiết hơn bao giờ hết.
Đọc Kim Tuấn và nụ hoa vàng ngày xuân (TS.
Hoàng Kim Oanh) và Ba anh em nhà họ Phạm ở Thanh Liêm (Trần Duy Đức), đó
chính là những thông tin, kiến thức bổ ích về những tác giả, tác phẩm
cứ tưởng quen mà lạ, lạ nhưng lại quen, cứ tưởng biết nhưng lại không
biết. Đây có thể coi là những thông tin đáng tin cậy khi tìm hiểu,
nghiên cứu về các đối tượng này.
Từ sự mở rộng dung lượng hiện thực phản ánh vào
thơ, có cả những suy tưởng, lắp ghép, sáng tạo theo lối viết mới buộc
các nhà thơ phải pha trộn cách làm việc. Các thủ pháp nghệ thuật của
truyện, ký, tùy bút, tiểu thuyết… được vận dụng trong thơ. Những liên
tưởng, suy tưởng, tưởng tượng được tăng cường đã tạo nên sự đa
dạng trong hình ảnh, phong phú trong suy nghĩ, làm cho tác phẩm linh
hoạt, biến hóa và không bị nhàm chán. Thơ có những bài rất ấn
tượng như: Thư riêng (Thạch Đà), Em muốn (Minh Đan), Cùng em đi dọc
sông Tiền (Trịnh Bửu Hoài), Gặp đồng hương trên thành phố lạ (Lê Văn
Hiếu), Tình xưa (Trương Nam Chi), Mùa em (Trần Mai Hường),
Trên ngực áo mùa đông (Lê Thanh My), Gạo vo thành tiếng cơ cầu (Viễn
Trình), Tình chữ nghĩa (Triệu Tử Truyền), Hà Nội (Thanh Tùng), Người và
lá diêu bông (Dung Thị Vân), Đi ngang mùa hạ (Lê Bá Duy), Tìm
(Nguyễn Đức Phú Thọ), Ba đoản khúc cho một người (Lê Thiếu Nhơn), Khúc
quê (Ngàn Thương), Nụ hôn (Cao Hoàng Từ Đoan), Cỏ (Huệ Triệu), Đừng
hát tình ca nữa (Trương Công Tưởng), Thời gian (Lê Trọng Nghĩa), Em về
giặt áo tình xưa (Thành Văn)…
Với 177 tác phẩm trong tập sách của 177 tác
giả ở nhiều lứa tuổi, thuộc nhiều thế hệ tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn
với độc giả. Tuy nhiên, có lẽ vì thời gian quá gấp gáp, quan điểm và cách
tiếp nhận tác phẩm của mỗi người có những “gu” riêng nên xét về chỉnh
thể nội dung, hình thức và giá trị của tác phẩm, theo cá nhân tôi thì có
một vài tác phẩm chưa thật sự hay. Nếu như bỏ bớt đi những tác phẩm
như thế thì có lẽ tập sách sẽ đầy đặn hơn và chất lượng hơn. Nhưng
điều đáng quý, đáng ghi nhận ở đây là cái tình, sự cống hiến, niềm đam
mê, sự nhiệt huyết… của các nhà văn, nhà thơ. Chính những con người như
thế đã góp phần làm cho văn học nước nhà ngày càng sạch hơn, tươi
mới hơn, tạo một luồng sinh khí mạnh mẽ để văn chương nước nhà có thể hòa
chung vào xu thế phát triển của văn học khu vực và thế giới. Ở
thời buổi mà việc in thơ, in truyện như một phong trào; vì thế có lúc
người ta xem nhẹ nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, in lấy
có, in để biếu tặng nhau, thậm chí là in để kiếm tiền… Trong bạt
ngàn rừng sách đó, giữa “vàng thau lẫn lộn” chọn cho mình cuốn sách văn
chương để đọc cũng là điều đáng lưu tâm. Với Góp nhặt hương đời, tôi
tin những độc giả thực sự yêu mến văn chương sẽ được hài lòng về nó./.
N.V.H (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét