Bài thơ Không Bến Đợi được in trong tập
thơ của Lê Phương Châu, có tên Như Dòng Sông Trôi Xa vừa được xuất bản vào cuối năm 2013. Từ tập thơ đầu tiên Tình Khúc Mưa Tháng Năm (1969) và Thơ Lê
Phương Châu (1972), đến tập thứ 3 Nắng Hát Chiều Đông (2006) - Lê Phương
Châu có 31 năm chiêm nghiệm cuộc thăng trầm bể dâu của chính thân phận mình và
của đất nước! Hành trang đi vào thơ của Lê Phương Châu đã đoạn lìa cái cũ, có
nhiều đổi thay; thấy rõ trong từng tác phẩm được giới thiệu: Có thể nói, qua
mỗi bước đi vào thi ca, Lê Phương Châu đã có những “dấu chân mới” ghi đậm dấu
ấn một thời sống và sáng tạo…
Từ Tình Khúc Mưa Tháng 5 (1969) và Thơ Lê Phương
Châu (1972) của những tình khúc hồn nhiên êm đềm sâu lắng một thuở; Lê Phương
Châu đã lần lượt trải qua những chặng đường gian khó của đời sống, của quê nhà
- nhưng sự sáng tạo kiếm tìm cái mới cho diễn đạt, và cho nguồn thi cảm; đã
luôn thôi thúc, trăn trở, âm ỉ réo gọi trong nỗi đam mê văn chương, đã tạo được
rung cảm sâu đậm bất ngờ, qua từng trang thơ được viết ra mỗi ngày. Sự
trở lại với thơ sau 31 năm qua Nắng Hát Chiều Đông và Mây Trắng Đầu Non (2008) đã óng ánh từng hạt thơ mầu nhiệm được “góp nhặt” từ bao năm gian khó,
thực chứng; mở đầu cho một hướng đi mới - hình thành dần “một phong cách” thơ
riêng, không “đồng phục” với kẻ đồng hành… Tập thơ Cùng Tử Ca (2012) đã định
hình rõ nét dòng tư tưởng hướng dẫn cho mọi sự suy tư, sáng tạo của Lê Phương
Châu trong những tác phẩm sau nầy - đó là triết lý sống rất gần gũi mà cũng rất
nhiệm mầu, bao trùm vạn hữu của Đạo Phật, mà nhà thơ đã hơn 30 năm được duyên
lành tiếp cận, tinh tấn, kiên trì rèn luyện mỗi thời… Đó là kho “tư lương” vô
tận, vô giá, mà trải qua trên 25 thế kỷ loài người đã được ân hưởng…
Sở dĩ có sự “nhìn lại” quá trình thơ của Lê Phương
Châu trước khi chia sẻ với nhà thơ qua Không Bến Đợi, là cũng để truy
tìm mạch nguồn của “cuộc hành trình” đi vào chân tâm “Bến Đợi” của kiếp người,
đang còn mờ xa, dịu vơi!
Trên con đường viễn du tìm “Bến Đợi”, nhà thơ đã
từng:
“có những giọt nước mắt
rụng thầm trên lối đi
có những vì sao băng
địa đàng rung trái cấm”
Đi về phía “bến đợi” gian nguy, thăm thẳm, và linh
thiêng là vậy - (“những giọt nước mắt/ rụng thầm” và “những vì sao băng/địa
đàng” mờ mịt, xa vời) lữ khách - nhà thơ, vẫn miệt mài trong nỗi đơn côi kiếm
tìm, trong niềm hy vọng long lanh ẩn hiện:
“liễu soi mình hồ gương
vin tay vầng trăng lạnh
dừng chân tìm nửa khuya
ngày qua còn phía trước”
Sự thành tâm thành ý trong suốt cuộc hành
trình tìm về “bến đợi” của lữ khách (ngậm ngải thật thà), nhưng “ta” (Chơn Tâm
- bản lai diện mục), vẫn “phong trần ngã mạn” cách xa, lặng lờ, im tiếng; cho
dầu lữ khách đang chìm ngập trong "lạnh ngắt đơn côi” giữa bao nỗi trầm luân,
bất hạnh của cuộc thế - để “em” (lữ khách/ nhà thơ) phải thốt lên trong vô
vọng: “Bến đời – không – bến đợi…”
“em – ngậm ngải thật thà
ta – phong trần ngã mạn
trời lạnh ngắt đơn côi
bến đời – không - bến đợi”
Và trước mắt lữ khách lúc nầy là một cảnh
tượng buồn thảm của hiện thực “biển hừng đông chát đắng”/ “bờ cát trắng dấu
chân”/ và đến nỗi “sóng cất đầu” kêu bi thiết đến “khản giọng” vì đã qua bao
năm tháng gian nguy người đã “ngậm ngãi” kiếm tìm…
“biển hừng đông chát đắng
bờ cát trắng dấu chân
sóng cất đầu khản giọng
ký ức xưa lặng thầm .
Nhưng, trên chặng đường xa dịu vợi vô vàn
thử thách tìm về “bến đợi”, lữ khách đã có được giây phút tỉnh giác thiêng
liêng nhận ra được, “bến đời” sẽ không có “bến đợi” để kiếm tìm, mà phải “quay
về” với ngay chính trên “quê nhà” (tâm ta) trong phút giây hiện tại để tự mình
“làm nên bến đợi” cho đời mình. “Bến đời” thì nhiều, nhưng “bến đợi” thì không
dễ có sẵn: Không có “bến” nào dành để chờ đợi mình - ngay cả “Bến Giác” (bờ
giác); bởi vì Đức Phật đã từng khuyến dạy “hãy tự tạo lấy cho mình hòn đảo an
toàn” - phải chăng “bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế
lấy mình; kẻ trí tự tạo cho mình hòn đảo chẳng còn ngọn thủy triều nào nhận
chìm được” (Pháp Cú - Phẩm Appamadavaggo), mới chính là “Bến Đợi” cho mỗi đời
người?
"mai ta về phố cũ
bắt tay từng người qua
cảnh đời – khung hoạ tím
yêu thương tình nhã ca "
Sau bao tháng năm truy tìm vô vọng, lữ khách trở về
“phố cũ”, ngồi ngay ở hiên nhà thân yêu, để nhận lấy niềm hỷ lạc đơn giản ngay
bên cạnh đời sống mình - “bắt tay từng người qua”, trong từng sát na hiện tại,
mà thấy ra rằng “cảnh đời” chỉ là “khung họa tím”, ẩn hiện sau “tình nhã ca”
quyến rũ, an lành!
Nhà thơ Du Tử Lê đã có nhận định về thơ Lê
Phương Châu sau khi giới thiệu tập thơ thứ 7 (2013): (…) theo tôi Lê Phương
Châu đã không chỉ trở lại được với thi ca, hiểu theo nghĩa thoát khỏi được sức
ì mà, cô còn tất thành được một lên đường mới, với lượng máu mới, làm thành một
bệ phóng mới cho thi ca của cô. Cụ thể: Thi phẩm “Như dòng sông trôi xa
”(dutule.com). Chúng tôi nghĩ thêm, sức sáng tạo trong thơ Lê Phương Châu đã
từng ngày, qua từng trang thơ, luôn phong phú, chất chứa nhiều tư tưởng xúc cảm
sâu khuất, mới lạ - thấm đượm triết lý sống của Đạo Phật, như một “Bến Đợi”-
tuy rất gần “quay đầu là bến” (hồi đầu bỉ ngạn), nhưng muốn đạt đến bến bờ miên
viễn An lành cho đời nầy đời sau ấy, không phải ai cũng có thể làm được...
Quê
nhà, tháng 4 năm 2014
M.V.L (Bình Định)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét