Tôi về lại làng vào đầu
mùa hạ. Mùa hạ quê tôi lúc nào cũng ngập ngụa trong mớ rơm rạ và dúi chín vàng.
Tôi mang theo túi hành lý cỏn con, định bụng sẽ không bao giờ quay lại thành
thị nữa. Tôi bỏ trò, bỏ trường, bỏ hết để trốn về đây mà không thèm ngoái đầu
lại chỉ một lần. Anh giáo chốn thị thành về làng có khác, ai nấy đều tròn mắt.
Để mặc những ánh tò mò sau lưng, tôi băng con đường ruộng chưa bao giờ bằng
phẳng, ráng bám lên từng thớ bờ chậm rãi tiến về ngôi nhà nằm chênh vênh bên
kia cánh đồng con con.
Những ngày đầu tiên từ
Sài Gòn trở về, tôi ở lỳ trong nhà. Má
tôi rầy hoài, nói về đến nhà mà co đầu rút cổ, không ló được cái bản mặt ra
ngoài cho chòm xóm hỏi han. Tôi ưỡn người ngái ngủ, xách chiếc võng tre cũ kĩ
ra sau hè, đặt dưới gốc xoài chi chít trái, trèo lên đánh một giấc. Gió từ
ngoài đồng thổi vào êm ru, khẽ luồn tay đưa võng kẽo kè kẽo kẹt, đều đều như âm
thanh của con lắc thôi miên cứ trôi qua trôi lại níu chìm mí mắt. Tôi mơ về
những buổi lên lớp thấy học trò ngồi chắp tay lên bàn cười rạng rỡ. Ông giáo
tôi lật từng trang sách giày cộm vì cũ, đọc ê a những câu những chữ, ngắm học
trò dưới lớp mở tròn mắt thơ ngây.
Tôi lội con đường ruộng
phía sau hè, đi về gò đất trống nằm khuất sau đám mía vừa chớm lá. Hồi còn bé,
tôi hay dành cả ngày trên gò đất này chỉ để nằm dài dưới gốc bồ đề đọc sách.
Những cuốn sách ngày đó của tôi là những mảnh lượm lặt nửa còn nửa mất, chắc từ
bận ấy, cuộc đời tôi mới chênh chao như thế. Tôi nằm cả ngày dưới cây bồ đề
lắng nghe lá mía va vào nhau xào xạc, nắng rớt long tong trên mí mắt, gió xoa
vào lòng bàn chân mát rượi. Gò đất bây giờ vẫn vậy, nhưng cây bồ đề bỗng nhỏ
hơn nhiều so với kí ức của tôi, rễ mọc ngang dọc nhìn như bộ râu bạc phết của
ông già còm cõi nào đó sắp lìa khỏi cuộc đời này. Tôi gối đầu lên bộ râu chằng
chịt đó, luồn tay rút trong túi quần cuốn Quy
luật của muôn đời của Nođar Đumbatzê, lật đến đoạn đang đánh dấu, thả hồn
vào cuốn sách như ngày xưa lơ xưa lắc. Rồi tôi thiếp đi, thiếp đi khi vừa đọc
xong đoạn Batsana đau đầu vì con khỉ gian manh giả làm nhà văn mà không ai nhận
ra, tôi nghe bước chân của những chú chim nhảy lóc chóc từ cành cây này sang
cành cây nọ, tiếng bò nhà ai thả đồng rống lên từng hồi uể oải, tiếng những
trang giấy bị gió đẩy va vào nhau soàn soạt và cả tiếng tôi ngáy nhè nhẹ dưới
bóng mát hiền lành. Nhưng thật kì lạ, có một thứ tiếng tôi không sao nghe được
trong cơn ngủ của mình, mà phải đến khi thức dậy, tôi mới giật mình. Đó là
tiếng bước chân của một cậu bé, một cậu bé đến từ đâu đó ngoài cánh đồng, băng
qua đám mía còn chưa mọc mắc, đến bãi gò trống hoang dại sâu hút và ngồi nhìn
tôi ngủ say sưa. Khi tôi còn đang ngái ngủ, cậu bé nhoẻn miệng cười, nụ cười
rực lửa như nắng hạ, kéo tôi về với thực tại. Tôi ngồi dậy, thấy mặt trời đang
lặn dần xuống phía sau đứa trẻ, tựa hồ như có một vầng sáng kì lạ toát ra từ em
vậy. Cậu bé chớp mắt nhìn tôi hỏi:
- Thầy là con bác Bốn Ròm
hở thầy?
Tôi nhìn cậu bé, phát
hiện khuôn mặt này quen quá, quen đến nỗi tôi nghĩ mình đã từng gặp và nói
chuyện. Nhưng nghĩ lại hơn mười năm qua tôi lăn lộn ở thành phố, về quê cũng
được có dăm ba bữa lẩn quẩn trong căn nhà cách biệt của má con tôi thì lấy ai
gặp gỡ chuyện trò chốn này. Tôi ừ nhẹ, cậu bé càng cười tươi hơn.
- Em tên Ri, ở xóm trong
lận! Nhưng em thích cái gò này lắm, em cũng hay ra đây nằm đọc sách như thầy
vậy đó!
Ri càng nói chuyện tôi
lại càng thấy thân quen, như hồ có cái gì đó vừa lãng đãng trong tâm trí tôi...
rồi lại biến mất. Tôi cố lục lại hàng đống gương mặt đã nhàu nát đã từng đi qua
đời tôi, nhưng không tìm thấy ai giống Ri cả, hình như tôi biết em, đó cũng chỉ
là ý nghĩ thoáng qua mà thôi.
- Bữa sau em ra đây nữa
được không thầy?
- Gò đất này đâu phải của
riêng tôi, em cứ tự nhiên, tôi không ra thường xuyên lắm, thỉnh thoảng chắc ta
cũng gặp nhau!
Từ đó Ri hay đến sau giấc
ngủ của tôi. Lúc nào mở mắt ra tôi cũng bắt gặp khuôn mặt Ri, khuôn mặt như
đang đắm chìm trong một giấc mộng đêm hè. Em hay kể cho tôi nghe những câu
chuyện không đầu không đuôi, những chiều em nằm dài trên bờ đê ngắm mặt trời
lặn, những lỗ cun cút chi chít dưới cây xoài mà em không nỡ thổi hay những cuốn
sách nào đó em vừa lật đến trang đầu tiên. Tôi nghe em kể, nhìn khuôn mặt sáng
rỡ của em, tự nhiên thấy buồn man mác. Tôi không hiểu vì sao tôi buồn, chắc vì
những kỉ niệm em kể sao cứ vừa vặn với những trăn trở trong lòng tôi, hay vì
đôi mắt em không giấu nổi điều gì đó hoang hoải chảy dài trong chiều tím ngắt.
- Thầy dạy em học được
không thầy?
Tôi nhìn vẻ mặt mong đợi
của Ri, nhớ lại những gương mặt trẻ thơ từng ôm tôi khóc nấc rồi ức ưởi hỏi
tương tự. Lòng tôi không kiềm được mong muốn ôm lấy Ri. Tôi gật đầu nhẹ tênh
rồi quay lưng đi về phía đồng mía, khóe mắt chảy dài. Hoàng hôn sụp xuống nhè
nhẹ, nuốt chửng cả bóng Ri đang ngơ ngác giữa gò.
Vào những đêm trăng mờ
ảo, hai má con tôi hay nằm ngửa chiếc chõng tre ngoài sân. Ánh trăng vuốt ve
khuôn mặt, chảy dài trong tay mà không sao bắt được. Má hỏi tôi khi nào trở lại
thành phố, tôi không buồn trả lời, lặng lẽ nhắm mắt lại vờ ngủ. Má chậc lưỡi:
- Ở lại đây không dạy dỗ
gì được đâu con ạ! Nhà mình nghèo lắm...
Tôi khép chặt mắt hơn
chút nữa, sợ cái chậc lưỡi của má xộc lên mũi, xộc vào trái tim tôi vốn chưa
từng yên ổn.
Dạo này tôi dạy Ri cách
đọc sách, Ri bảo sao có nhiều cuốn đọc khó hiểu quá trời, đọc tới cả chục lần
mà vẫn không hiểu nổi.
- Tôi chỉ dạy em cách đọc
để nhớ thôi, còn hiểu thì để thời gian dạy!
Tôi mang những cuốn sách
hay mang về từ phố thị cho Ri đọc, kể cả cuốn Quy luật của muôn đời mà tôi
thích nhất. Đọc đến đoạn bác thợ giày Bulika – một người bệnh nằm cùng phòng
với Batsana- nói rằng ông có thể biết
được con người ta qua cách nhìn đôi giày của họ, Ri liền hỏi tôi:
- Thầy có tin vào cách
nhìn của Bulika không thầy?
Tôi không trả lời Ri, chỉ
nhoẻn miệng cười trừ. Một gã thầy giáo như tôi, luôn đi một đôi giày giả dối
thì làm sao Bulika nhìn ra được. Có chăng bác ta cũng chỉ nhìn được cái mặt giả
dối của tôi mà thôi.
Lần đầu tiên tôi đến ngôi
trường nằm nghênh ngang trên con đường đông đúc đó, tôi chỉ mang một đôi giày
xăng đan đơn giản. Lúc đó tôi không hề biết rằng, khi đã bước vào trong cánh
cửa, gã tôi phải sống một quãng đời thương tâm như thế. Tôi lột đôi xăng đan
cất vào gầm giường, mang vào đôi giày tay bóng lộn. Rồi chẳng biết từ lúc nào,
đôi giày tây bóng nhoáng ấy cứ ôm lấy chân tôi chẳng chịu rời, như một bóng ma
quái quỷ ác nhơn nào đó thèm rút hơi người từng li từng tí.
- Những lúc không ở đây
thì em làm gì? - Tôi hỏi Ri.
Ri nhe hàm răng trắng
sáng cười toét, đôi mắt lấp lánh.
- Thầy biết gì không? Đây
là lần đầu tiên thầy bắt chuyện trước với em đó nha!
Tôi cười khan, rồi chẳng
biết làm gì vì ngượng nên tôi quay mặt nhìn ra cánh đồng mênh mông.
- Em hay lên trường ngồi
chơi. Nghỉ hè nên trường vắng, muốn vào phòng nào cũng được thầy ạ!
- Em không được đi học
sao?
Tôi nhẹ nhàng hỏi, nhẹ
nhàng nhìn Ri như muốn an ủi em. Mặt
Ri hơi chùng xuống, nhưng em vẫn
trả lời rất rành mạch.
- Dạ!
Rồi thôi, Ri không nói vì
sao, tôi cũng không hỏi. Cuộc đời là một chuỗi câu hỏi, tôi không dám lật từng
ô lên để giải đố, tôi sợ lòng tôi thêm bùng bão, và sợ chạm vào nỗi niềm riêng
của Ri.
Một hôm khác Ri mang cho
tôi một chùm hoa phượng đỏ rực. Em bảo em hái ở sân trường, phải co giò chạy té
khói vì suýt bị bác bảo vệ bắt được. Tôi nhìn từng cánh phượng còn mọng nước,
chợt nhớ ngôi trường tôi từng dạy ở thành thị chẳng có cây phượng nào, chỉ toàn
song sắt và những khuôn mặt xám xịt.
Tôi mang chùm phượng về
nhà đặt lên cửa sổ, má nhìn tôi bằng ánh mắt ngơ ngác, chắc má thấy sắc phượng
chói quá với một kẻ suốt ngày ủ dột như tôi chăng?
Tối đó tôi nằm mơ. Một
giấc mơ đã từng lặp lại suốt bao nhiêu lần. Tôi thấy đoàn lân rộn ràng đèn sắc,
tiếng trống vang lên hừng hực. Những cậu bé mặc bộ đồ màu vàng rồng, có vẩy
dưới chân nhún nhảy nhịp nhàng theo trống. Mọi người xúm xít nhau vây lấy đoàn
lân, khuôn mặt ai cũng ngời ngời mừng rỡ. Và tôi cũng ở trong đám người ấy,
cũng vây lấy đoàn lân, cũng bị dòng người trên vỉa hè đưa đẩy như hội. Chợt tôi
quay người lại, đằng sau song sắt của một tòa nhà cao ngất, là những đôi mắt
xám đang biến thành tro nguội. Những đôi mắt nhìn tôi như cầu cứu, rồi những
cái miệng bắt đầu mở ra và đồng thanh hét lên một thứ âm thanh kinh dị. Tôi
vùng dậy, mồ hôi ướt trán, thấy mắt mình ướt nhòe lúc nào chẳng hay.
- Nghỉ hè xong thầy lại
vào thành phố hả thầy? – Ri hỏi, tay mân mê trang sách tôi vừa đem tới.
- Tôi không vào nữa!
Ri nhìn tôi một hồi lâu,
đôi mắt em tự nhiên trong suốt. Em không hỏi tôi vì sao, nhưng lòng tôi tự
nhiên bị đôi mắt em mở khóa. Tôi mông lung không biết kể với em như thế nào, để
dịu nỗi đau trong tôi và để không làm em hụt hẫng.
- Ngôi trường đó chẳng có
gì giống trường cả. Chỉ có học sinh, còn những kẻ khác đều là quỷ dữ. Học sinh
bị cầm tù và tôi cũng vậy. Tôi trở về vì tôi dần nhận ra rằng, nếu sống thêm
một ngày ở đó, tôi cũng trở thành quỷ dữ mà thôi.
Bỗng nhiên vai Ri chùng
xuống. Em cuối gầm mặt, tay vẫn tiếp tục mân mê những trang sách.
- Thầy bỏ học sinh lại
cho quỷ dữ sao?
Lòng tôi buốt nhưng lặng
lẽ. Tôi không dám nhìn vào mắt Ri, em cũng vậy. Em đột nhiên đứng dậy chào tôi
rồi lững thững băng qua đám mía non. Bóng em khuất dần, tôi thèm được òa khóc,
nhưng lại thôi. Chắc Ri không biết tôi đã bật khóc biết bao nhiêu lần khi nhìn
thấy ánh mắt của đám học sinh hướng ra song sắt một cách thèm thuồng, khi đang
ở cái tuổi ăn tuổi chơi mà chúng ngày ngày cắm đầu vào học những con chữ khô
khan với chiếc roi bỏ ngõ trên bàn, khi những bức thư hộc bàn bị những người
mang danh thầy cô xé tan xé vụn. Chắc họ không biết rằng mình đang xé nát nhiều
thứ hơn bức thư ấy, xé nát một quảng đời tuổi trẻ của những con người vô tội.
Có lần vì thương các em,
tôi dạy các em làm lưu bút. Những quyển lưu bút đầy màu sắc ra đời, những bài
thơ, những câu nói ngộ nghĩnh, những lời tỏ tình khờ dại, những dòng trăn trở
về ngôi trường như rào cản với cuộc đời này, những lời gọi thầy ơi, thầy ở đây
với tụi em mãi nha thầy... Nhưng chẳng bao lâu, lưu bút bị tịch thu rồi vò
nát, học sinh ôm nhau khóc rưng rức, tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng cảnh cáo,
mọi chuyện tan hoang.
Sau lần đó, Ri chẳng ra
gò đất nữa. Tôi biết Ri giận tôi, giận gã làm thầy như tôi hèn nhát, giận cuộc
đời sao nỡ chua ngoa với những bông hoa vừa chớm. Tôi hỏi má chùm phượng tôi
đặt trên cửa sổ đâu rồi, má nhìn tôi ngơ ngác hỏi chùm phượng nào, bữa giờ má
có thầy hoa hòe gì ở nhà đâu.
Tôi lò mò qua bờ ruộng
vào xóm trong, tôi đến ngôi trường làng mà Ri thường chơi đùa, nhìn quanh quất
tìm kiếm. Dưới gốc phượng có vài ba đứa trẻ đang chơi ô ăn quan, tôi tiến lại
gần.
- Các em có thấy anh Ri ở
đây không?
Bọn trẻ ngước lên nhìn
tôi lắc đầu.
- Dạ không! Làng này đâu
có ai tên Ri!
Tự nhiên gai sống nổi hết
lên lưng tôi. Tôi nhìn vội vào các phòng học, thấy phòng nào cửa cũng đóng kín.
Tôi chạy vội đi tìm hỏi má về Ri, một cậu bé trạc mười lăm mười sáu ở xóm
trong. Má nhìn tôi chăm chú, đôi mắt ngập ngụa trong bóng tối.
- Mấy đứa nhỏ không biết
là phải rồi! Tại thằng Ri nó chết trẻ quá!
Tôi nuốt nước bọt, cố
lắng tai nghe lời má nói, nhưng sao tai tôi cứ lùng bùng. Tiếng được tiếng mất.
Tôi ngồi thụp xuống chiếc chõng tre, thấy đời vừa chênh đi một nhịp.
Má kể hồi đó Ri thích học
ở trường làng, nhưng ba mẹ Ri cứ nhất quyết đưa Ri lên thành phố học. Ri khóc
lóc xin ở lại, bảo rằng học ở đây có bạn có bè, có ba có mẹ con quen rồi. Nhưng
ba mẹ Ri như bị nhập, nhất quyết đưa Ri đi. Trước vài ngày, Ri bỏ sang kho trấu
của nhà máy gạo trốn. Ba mẹ Ri cuống cuồng đi tìm, cuối cùng cũng lôi được Ri
về. Sợ Ri
lại bỏ trốn, hai người mua dây thừng trói chân Ri vào chân giường rồi khóa trái
cửa nhà. Ri khóc inh ỏi, hàng xóm hai bên chỉ biết quẹt nước mắt mà thương.
Ri lên thành phố, vào học
một ngôi trường tư thục. Học sinh ở luôn trong trường, một tháng mới cho về một
lần. Ba mẹ Ri đi đâu cũng tự hào kể lể, bảo học trường đó thách trời nó mới hư
được. Ừ thì không hư, nhưng rồi một bữa người ta nói Ri chết rồi, xác Ri về
lạnh ngắt, ba mẹ Ri khóc ngất, nghĩa trang nổi gió dữ dội, những ngọn cờ trắng
tang tóc vần vũ giữa hoàng hôn. Chẳng ai biết vì sao Ri chết, nhưng tôi biết.
Lần đó, trong giờ học của
tôi có các thầy cô đến kiểm tra. Một cô bé học sinh quên làm bài tập. Tôi cho
em ngồi xuống và nhắc nhở lần sau nhớ làm bài đầy đủ. Nhưng những người mang
danh thầy cô kia bỗng dưng nhảy dựng lên, cầm chiếc roi trao vào tay tôi, thầm
thì bảo phải phạt thì tụi nó mới sợ, không lần sau sẽ trơ mặt ra. Tôi nhỏ nhẹ
lắc đầu, bảo các em lớn rồi, không nên dùng roi vọt, nếu dùng thành ý thì các
em sẽ nghe lời thôi. Vậy mà gã quỷ dữ đó gọi phắt cô bé nữ sinh đang diện bộ áo
dài trắng thướt tha ấy đứng dậy. Em nhìn tôi van nài, tôi cố giằng chiếc roi từ
trên tay gã những bị những người khác khóa chặt tay. Em uất ức nằm úp lên chiếc
bàn dài, đôi mắt ráo hoảnh nhìn tôi.
- Đừng! Đừng mà!
Gã quỷ dữ vụt roi lên
người em, tà áo dài nhàu nát. Học sinh ngồi lặng lẽ, hoang mang, có vài tiếng
thút thít, tiếng tôi cố giằng ra khỏi hai gọng kìm chặt cứng và tiếng roi quất
lên người em gái bé nhỏ.
Hôm sau tôi nghe nói cô
bé đó chết rồi, em treo cổ trong nhà tắm, trên người vẫn còn mặc nguyên bộ áo
dài bị đòn roi làm cho nhàu nát. Em chết ở cái tuổi mười sáu, tuổi đẹp nhất đời
người. Tôi nhớ ánh mắt ráo hoảnh của em nhìn tôi, như giận dỗi, như bất cần,
như buông xuôi. Có lẽ Ri cũng vậy, Ri cũng buông xuôi, cũng chênh chao một mình
mà nào có ai hay.
Tôi mang cuốn Quy luật
của muôn đời lên thăm mộ Ri. Ngồi trước mộ em, tôi giở từng trang sách đọc lại
mà nước mắt cứ chảy dài. Tôi không hiểu tại sao giữa tôi và Ri lại có mối liên
hệ kì lạ như vậy, chỉ là tôi thấy đã gặp Ri ở đâu đó trong cuộc đời này, có lẽ
là trong một giấc mơ lạc lối, hay trong lúc tôi loay hoay tìm cái chết cho
thằng tôi hèn nhát, tôi đã gặp Ri nơi cửa địa ngục, chúng tôi cũng đã ngồi
xuống bên nhau, nói cho nhau những niềm trăn trở và bởi sợ tôi không vững vàng
trên điểm chới với này mà Ri đã theo tôi trở lại nơi này?
Tôi xách ba lô quay về
thành phố, ôm má một cái thật mạnh rồi chậm chạp bấu chân lên bờ ruộng sang bên
kia đường. Đứng bên này nhìn sang, thấy bóng má nhạt nhòa trong nắng chiều. Má
vẫy tay bảo tôi đi nhanh lên, tôi thèm ôm má thêm cái nữa nhưng rồi dượm chân
bước đi. Tôi sẽ trở lại ngôi trường đó, sẽ trở thành một con người thật sự, để
những tâm hồn non trẻ không còn gục ngã trước những hụt hẫng, những thất vọng,
những chán chường. Dù chỉ là mình tôi, tôi cũng muốn thử. Để mai này trên đường
xuống cõi âm, tôi gặp Ri mà không phải hổ thẹn, không phải bắt gặp cái cúi đầu
thất vọng của em.
Tôi ngoái đầu lại lần
nữa, thấy có bóng người li ti trên gò đất hoang, gió sà vào tóc tôi như cái đập
vai của một người con trai, như cái mỉm cười an yên tiễn người ra đi không hề
vướng bận.
P.M.T.N (ĐHSP TP. HCM)
Truyện rất ý nghĩa chị ạ! Như một cây kim vẫn còn gây đau nhức trong ngành giáo dục hiện nay.
Trả lờiXóa