(Nhân đọc tập thơ Tình như sương khói của
Dung Thị Vân
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014)
Tình như sương khói là tập thơ thứ 5 của Dung Thị Vân. Tập thơ đã
thể hiện được những bứt phá và độ chín trên con đường thơ ca của chị.
Đọc qua tập thơ, tôi thấy hầu như
bài nào cũng buồn, cũng nói về sự cô đơn, nỗi đau, sự khao khát, hoang hoải… Đó
có thể là những nỗi buồn có tên và cả những nỗi buồn không tên nhưng mang nhiều
tâm trạng, có thể đó là tiếng nấc nghẹn ngào về số phận, về tình yêu và cuộc
đời.
54 bài thơ trong tập Tình
như sương khói là tập hợp nhiều điệu khúc buồn, là nỗi cô đơn, những bi
kịch của cá nhân, bi kịch cuộc đời. Do vậy, kéo theo việc nhà thơ Dung Thị Vân
sử dụng dày đặc một hệ từ vựng chỉ sự buồn, đau, mất mát, lạc lõng, hoài nghi…
Chủ thể trữ tình mà Dung Thị Vân thường
hay nhắc đến đó là ANH, EM và TA. Khảo sát trong 54 bài thơ của tập
này thì có đến 110 lần nhà thơ nói về EM, 103 lần đề cập đến ANH, 53 lần nhắc
đến TA.
Với nhà thơ, ANH đó là tình yêu, là
hạnh phúc, là niềm tin tưởng và yêu thương vô bờ.
Anh có biết/ Mỗi một ngày đi qua/ Là một nét hư hao trên khuôn mặt/ Em
làm sao trẻ mãi để được Người yêu thương
Nhà thơ lo sợ trước bước đi của thời
gian sẽ làm héo mòn nhan sắc và sẽ không còn trẻ đẹp mãi để được yêu thương.
Với Dung Thị Vân, tình yêu là lẽ sống nên chị đặt trọn niềm tin và trao cả cuộc
đời cho anh:
Nhưng/ Trái tim em/ Nghìn năm vẫn trào tuôn dòng máu nóng/ Chảy vào tim
anh/ Nhung nhớ đến nao lòng
Hay: Ngày của trời/ Đêm của đất/ Em của anh/ Đến
hơi thở không cùng
(Viết cho anh)
Vì yêu anh bằng tình yêu đích thực,
chân thành, không hề toan tính, vụ lợi; em đến với anh, gắn bó vào cuộc đời anh
như là định mệnh: Em như khói sương/ Theo
anh tàn năm tháng/ Em như khói sương/ Bao phủ đời anh
…………………………………………………..
Em như khói sương/ Chẳng bao giờ tan biến/ Quấn lấy đời anh/ trong sợi
tóc vô hình
(Em như khói sương)
Nhưng cũng chính ANH là nỗi buồn,
sự đau khổ, mất mát, tạo nên những vết thương lòng khó lành theo năm tháng và
sẽ dằn vặt suốt cuộc đời EM.
Đời em là chuyến gian nan/ Vòng tay nào khép dâng tràn nỗi đau/ Anh ơi
có nhớ mùa Ngâu/ Mà sao ta chẳng một câu ân tình
(Rêu
phong phủ trái muộn phiền)
Đối với người phụ nữ, gia đình, con
cái là chỗ dựa quan trọng nhất của cuộc đời họ. Họ hạnh phúc khi có chồng con,
sum vầy, êm ấm. Nhưng với Dung Thị Vân
điều ấy dường như không trọn vẹn. Để rồi trái tim một người đàn bà đa cảm như
chị phải rỉ máu. Trong bài Nửa vời, đó là lời tự sự bẽ bàng,
xót xa: Có mất nhau không/ Mà bóng ai
biền biệt/ Im lặng thế này/ Sao tan nát lòng nhau/ Dĩ vãng là đau/ Là vết
thương rỉ máu/ Là vết sẹo muôn đời/ Nhói lại những hằn sâu.
Nhà thơ Dung Thị Vân hiểu rằng,
hạnh phúc trong đời con người là có thật, nhưng nó lại rất chông chênh. Chị đã
kiếm tìm, chờ mong, hi vọng rồi lại thất vọng, lo âu, trăn trở. Đôi lúc chị
bàng hoàng, thảng thốt trong những tiếng gọi tái tê:
Anh ơi/ Lệ nhỏ tràn ra giấy/ Anh ở bên trời/ Có nhặt chút xót xa
Em kỳ ảo/ những âm thanh vô vọng/ Sao quanh em/ Đau buốt chữ tình cờ
(Ngăn tim màu lá cỏ)
Thơ Dung Thị Vân thể hiện tính chất
trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng. Hầu như các
bài thơ của chị đều bắt nguồn từ một cảm xúc nào đó. Chị làm thơ một cách tự
nhiên, đó như là sự trải lòng, cảm xúc thế nào nói ra thế ấy, khi cảm xúc dâng
lên nó trào ra ngọn bút. Những bài thơ: Giữa hai bờ không nhau, Đừng
để em phải nhắc, Vết sẹo nào đã đẫm, Trời trở gió vẫn còn anh, Anh có nói, Đoản
khúc rời, Mảnh vỡ chiều ba mươi tết, Ly rượu đợi chờ, Bài thơ đêm cuối, Bốn
mươi năm, Khua nhàu ký ức... chắc hẳn đã ra đời trong những giây phút
mà tâm hồn chị dạt dào những nỗi niềm trắc ẩn. Bởi kết cấu trên cơ sở những
biểu hiện của cảm xúc nên mạch thơ Dung Thị Vân trôi chảy rất tự nhiên, tất cả
những khía cạnh tâm hồn được phơi bày, thổ lộ ra hết theo dòng suy nghĩ của nhà
thơ.
Trái tim người phụ nữ nói chung,
bao giờ cũng độ lượng. Người phụ nữ họ chín chắn, sâu sắc hơn nam giới. Với chị,
những gì đã đi qua trong cuộc đời, nó sẽ ám ảnh và trở thành những kỉ niệm, nỗi
nhớ khôn nguôi, cả sự khắc khoải (dù rằng đó có thể là những điều không hay).
Tháng năm trôi
Tình yêu còn nguyên trong từng câu thơ anh viết
Đốt tim em cháy bỏng những nẻo đường
Anh về cùng em, cùng Đà Lạt yêu thương?
(Anh có về Đà Lạt cùng em?)
Do vậy, nhà thơ Dung Thị Vân rất ý
thức về thời gian, điều đó đồng nghĩa với việc chị tự ý thức về sự tồn tại của
mình trên cuộc đời này. Ý thức về sự tồn tại của con người trong cõi nhân sinh
rộng lớn. Vì thế, thời gian thường được cụ thể hóa, được phản ánh gắn liền với
những bước thăng trầm của cuộc đời đầy biến động:
Người đi khuất nẻo biển sâu/ Đem theo câu hứa kinh cầu tình yêu/ Tháng
ba mưa bỏ nắng chiều/ Tháng ba có hạt mưa kiêu nẩy mầm (Mưa).
Ngày xưa anh đã là mây trắng/ Em một nụ hồng trong giá băng/ Từ anh giấc
ngủ đêm huyền thoại/ Ảo ảnh vầng trăng cổ tích thi nhân (Se kết nụ hồng).
……………………………………………
Thời gian: ngày, đêm, buổi chiều ,ngày mai, ngày xưa, nay, mùa xuân, mùa đông,
mùa hạ, năm tháng… được nhà thơ thường xuyên nói đến. Đặc biệt, đêm trong thơ Dung Thị Vân được phản ánh
với nhiều dạng, nhiều vẻ tạo nên sự độc đáo. Qua cảm nhận của chị, đêm như
những sợi tơ giăng chi chít, gợi lên tấm chân tình. Nó đan kết hòa quyện để nối
ngày qua đêm, nối các mùa trong năm, giữa ngày xưa và ngày nay, giữa quá khứ và
hiện tại. Đêm trong thơ Dung Thị Vân là hiện thực cuộc sống, là thân phận con
người. Đêm gợi cảm giác buồn, cô đơn, đau đớn, khao khát sống, khao khát yêu,
nhiều khi có cả sự ám ảnh: Đêm nay nhỏ lệ
khóc người/ Còn đêm nay nữa ta cười với nhau/ Hồng trần một cõi về đâu/ Trong
mơ lần nữa gục đầu ái ân (Bài thơ đêm
cuối).
Thao thức với đêm dài, nhà thơ Dung
Thị Vân nhận thức ở tầm sâu nhất, cao nhất, tự lắng lòng và chị nghiệm ra:
Cái đêm vịn gió thật thà/ Cái đêm khuy áo lụa là ngu si/ Cái đêm vũ trụ
vô vì/ Cái đêm còn lại nô tỳ tương tư
Cái đêm đen trắng thực hư/ Cái đêm trời đất khật khừ giao thoa/ Cái đêm
khoảnh khắc phong ba/ Cái đêm xúc cảm vỡ nhòa trong tâm
Cái đêm hoa cỏ xanh thầm/ Cái đêm gió thốc nẩy mầm khuyết thâu/ Cái đêm
chăn gối lệch nhàu/ Cái đêm trăng chếch bên cầu huyền linh
Cái đêm- quấn quýt...
... vô tình!
Việc lặp đi lặp lại 13 lần “Cái đêm” trong bài thơ cùng tên đã cho
thấy được những cung bậc, sắc thái yêu đặc sắc. Sức hấp dẫn của nội dung tự sự
trong thơ Dung Thị Vân thể hiện ở việc lựa chọn những hình ảnh giàu tính biểu
cảm, khắc sâu vào tâm trí người đọc.
Người phụ nữ thường cả tin, luôn
tin vào kết thúc có hậu của một câu chuyện tình. Thế nhưng sau những lần vấp
ngã, bị dối lừa, phụ bạc họ không tin vào những ảo tưởng và thơ họ trở thành
nỗi buồn trường cửu:
Anh ban cho em- Tình yêu
Và những sáng- và những chiều, khắc khoải
Anh tặng cho em- ngày dài
Trong nỗi đợi chờ- vì ai đau khổ
Kết lại trong em- bơ vơ
Bấy nhiêu đó là bao nhiêu bệnh hoạn
Có thể nào- những dối gian…
(Người
tình bội ước)
Đọc thơ Dung Thị Vân, nổi bật đó là
giọng thơ trầm buồn, dịu dàng, tha thiết, đau đáu nỗi đời, nỗi người. Đó là tấm
lòng, là tình cảm của một người đàn bà từng trải, chịu nhiều mất mát, hụt hẫng
nhưng chị đã sống, đã yêu một cách chân thành và hồn hậu. Quá khứ- hiện tại-
tương lai dường như được hòa quyện vào nhau và hội tụ về thời gian hiện tại
trong thơ chị.
“Dịu
dàng, đằm thắm, không khoa trương, những câu thơ của Dung Thị Vân cứ lặng lẽ đi
vào đời như tự thân vốn có của nó. Dung Thị Vân chọn cho mình một lối đi riêng
nhẹ nhàng mà sâu lắng, đắm đuối cuồng nhiệt mà tĩnh lặng, khao khát kiếm tìm mà không đơn độc.
Thơ như chiếc cầu phao cứu rỗi những khi trầm uất, những lúc chán chường mệt
mỏi. Dung Thị Vân đã tìm được chân dung của mình qua những dòng thơ bằng sự
trải nghiệm, những lúc hứng khởi và cả những khi tuyệt vọng để từ đó vươn tới
những chân trời thơ đang rộng mở...”. Đó là những lời nhận xét khá xác đáng
của nhà thơ Trần Ngọc Trác khi đọc thơ Dung Thị Vân.
Tôi tin, Tình như sương khói (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014) của Dung Thị Vân là
tập thơ sẽ có một số lượng không nhỏ độc
giả đồng cảm và yêu thích. Vì họ tìm thấy ở đó sự đồng điệu và chân thành,
nhiều nỗi niềm trắc ẩn của một người đàn bà sống hết mình vì tình yêu./.
N.V.H (Phú Yên)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét