Gió thổi nhẹ từng cơn, không làm vơi đi cái oi bức của mùa
hè, những bông lúa trổ bông khẽ lay theo
làn gió mùa hạ, mấy chú gà xòe cánh duỗi chân nằm phơi mình dưới bóng râm. Những
chú trâu ngâm mình dưới ao, thở phì phò một cách khó khăn, thỉnh thoảng quẫy cái đuôi làm đàn cá dưới ao
giật mình bật khỏi mặt nước, đàn vịt tha hồ no nê, kêu quáp quáp gọi bầy tới
cùng hưởng. Thỉnh thoảng bầy chim két lại ùa theo từng đàn sà xuống chén no nê
vườn chuối chín cây.
Cả không gian thanh
bình của một vùng quê giữa một buổi trưa nắng hạ. Lũ trẻ nhà bác Tâm dãy trên
trốn khỏi bà đi nghịch đất dưới con suối nhỏ sau nhà, đất đỏ làm chúng lem luốc
hết mặt mũi, ấy thế mà đứa nào đứa nấy hăng say lấy đất nặn thành từng hình thù
mà chúng yêu thích cười khanh khách vẻ thích thú. Ngay sau đó là tiếng bà Tâm vọng
xuống mắng mấy đứa cháu:
- - A, mấy đứa chúng mày lại xuống nghịch đất hả, có
về ngay không thì bảo, con với chả cháu, hư đốn quá!
Mấy đứa lao nhao vội chạy đi rửa
tay chạy về kẻo lại bị ăn roi. Mặt mày đứa nào đứa nấy đỏ bừng bừng vì nắng
nóng, tay chân lem luốc có rửa nhưng chẳng hết, quần áo lếch thếch, nhìn bộ dạng
hôm nay lại được một trận roi rồi đây.
Kể từ ngày mẹ chúng bỏ nhà đi, chúng nó cũng chẳng
được đầy đủ, bà Tâm đã già cả ốm yếu còn
bố chúng lại là con sâu rượu, chỉ biết uống và uống rất nhiều, một tuần được lắm
hai ngày tỉnh. Bữa ăn mấy khi co thịt có cá, chỉ là vài cọng rau mà bà Tâm đi
mót ngoài vườn. Lâu lâu bà lại qua mấy nhà bên cạnh xin ngắt rau, xin chén gạo
nấu cho cháu mình. Nhìn đôi mắt sâu húp của bà, mái tóc đã bạc gần hết, tóc đen
đếm được trên mái đầu, lưng một ngày càng còng xuống mà vẫn phải đèo đứa cháu
trai trên lưng. Bà mặc bộ đồ đã sờn cũ, khâu vá đến nỗi không có chỗ khâu thêm
nữa, nét mặt đong đầy gió sương của hàng thế kỉ, vẻ tiều tụy lắm.
Nhà tôi bên cạnh đó, bà hay
cõng cháu qua chơi, thả dứa cháu trên lưng xuống mặc nó lăn bò thỏa thích. Bà vừa ăn trầu cùng nội tôi nhâm nhi kể chuyện
ngày xưa, ngày bà còn trẻ. Hồi ấy, bà cũng trẻ cũng đẹp, cũng là một cô gái
năng nổ trong mọi hoạt động. Bà được coi là viên ngọc của đoàn xã, đi đến đâu
có bà là không khí vui hẳn, chỉ có cười cười thật nhiều, thế mới biết bà là người
vui tính. Bà hát cũng rất hay, hay lắm. Cứ mỗi khi có dịp văn nghệ thì đều có mặt
bà vừa kể bà vừa hát lên bài hát mà bà hay hát nhất: “Cô gái mở đường ra đi cứu nước,
mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn, bàn tay em phá đá mở đường, với những con đường Tổ quốc yêu thương”. Bà vẫn hát rất hay, vẫn ngọt ngào lắm như thời còn trẻ
bà cười vui vẻ kể với nội tôi, thấy tôi ngồi đấy khen tắm tắc, bà quay lại hỏi:
-
- Hay đúng
không con, ngày xưa bà được mệnh danh là ca sĩ mà, mấy ông trong xóm mình chết
mê chết mệt bà đấy nhá. Nhà giàu có, tri thức có, nghèo cũng có. Thế mà bà lại vớ
phải ông mày, thằng nghèo nhất đấy. Chẳng hiểu ra làm sao cả. Rõ khổ!.
Nội tôi vừa quay miếng trầu mới
dầm vào miệng móm mém nhai, vừa chậm rãi nói:
- - Khổ nỗi gì, hồi đấy bà chẳng chết mê chết mệt
ông ta à. Ai khuyên bà có nghe đâu, cứ nói sẽ sướng, không khổ. Chỉ mê ông đẹp
trai thôi chứ có phúc đức gì đâu mà sướng với chả khổ.
Bà Tâm tần ngần, vẻ mặt buồn rười rượi, đôi mắt sâu húp hình
như đang ưa nước mắt, liếc nhìn nội tôi mà phân trần:
- - Thì biết thế nhưng khổ chị à. Thấy ông cũng hiền
hiền, lầm lì, ít nói để bù cho cái tật nói nhiều của mình ai dè “tầm ngầm mà đấm
chết voi” như thế này đâu.
Tiếng đứa cháu khóc
ngoài sân làm bà giật mình. Say xưa trò chuyện quên khuấy thằng nhỏ, mới tập
tành bước đi, đi được vài bước vấp ngồi uỵch xuống đất, được vài lần như thế
đau quá nó ngồi khóc, trông thật thảm thương. Kể cũng tội, mẹ nó bỏ đi khi nó mới
được 8 tháng tuổi, mọi người không hay biết là chị Lý đã đi đâu. Bà Tâm đi hỏi
thăm hàng xóm, hỏi những người đi đường.
Người bảo thấy chị ra bến xe, có người lại bảo thấy chị đang đi làm mướn
ở xã ngoài. Đợi được một tuần mà vẫn không thấy chị về cũng không có thêm nguồn
tin nào về chị, bà Tâm bảo chắc cô đã đi vào Sài Gòn làm thuê rồi. Bà lẩm bẩm
trách anh Phi đang ngồi tu nốt vò rượu. Bà chỉ thì thầm chẳng dám nói to, sợ đang
có hơi men anh lại làm chuyện chẳng hay.
Anh Phi là đứa con trai duy nhất của bà Tâm, người bà đặt hi
vọng nhiều nhất. Hồi trẻ anh cũng năng nổ, hiền lành lắm, hay giúp đỡ người
khác. Cưới vợ, đứa con gái đầu lòng ra đời cuộc sống vốn rất ấm êm, tuy không dư dả là bao nhưng nhà lúc nào cũng vui vẻ. Anh tính làm ăn to, cùng một người bạn
buôn bán, có bao nhiêu của cải đổ hết vào đó, cuối cùng ông bạn trốn mất, nợ nần
mình anh gánh, số tiền cả đời để dành cũng theo ông bạn biến mất. Anh chán nản
lâm vào rượu chè, rồi hành hạ vợ con ,coi
vợ mình như nô lệ, ngày ba bữa thi hai bữa cãi nhau. Rồi người ta lại thấy chị
chạy nhanh ra ngoài la, hô người làng cứu giúp, sau đó người ta lại thấy anh cầm
con dao chạy lảo đảo đuổi theo chị, có lần nằm gục ngoài đường vì say. Trong ai
làng ai cũng đã quen với cái cảnh như vậy. Tỉnh rượu anh ta lại bắt đầu nạp
thêm, cái vò rượu luôn kè kè bên người, say rồi lại đạp phá nhà cửa tàn tành
không có cái gì lành. Hết đập phá anh lại đuổi vợ con, đuổi cả mẹ, cả bố, chửi
trời chửi đất và chạy ra ngoài ngủ lại ở một góc vườn nhà ai đấy, tỉnh lại về.
Chẳng ai khuyên nổi anh bỏ rượu. Anh cứ khăng khăng “Mặc kệ tao, bay cút hết đi,
đồ vô dụng”.
Năm này qua năm khác, cuộc sống vẫn cứ vậy, chị Lý bỏ nhà đi
không mang theo một thứ gì cũng không gửi nhắn một lời. Có lẽ đã quá sức của chị.
Chị đi để lại 3 đứa con cho bà Tâm. Nhưng chị có hiểu chị chính là bà Tâm ngày
xưa, thế mà bà vẫn chịu đựng, vẫn phải sống, nuôi con no đủ, cưới vợ gả chồng.
Tưởng chừng sẽ được nghỉ ngơi an nhàn nhưng sự đời không như ý muốn. Bà lại phải
đóng lại vai diễn khó khăn mà bà đã từng đóng. Cuộc đời bà khép lại là những
đau thương, những thiệt thòi những đáng cay, khổ sở. Bà vẫn luôn hi vọng nhưng
lại thất vọng giờ đây bà lại hi vọng, hi vong về những đứa cháu của bà.
Xốc đứa cháu lên lưng, nhai nốt miếng trầu còn dở, vội gói
thêm miếng nữa để dành rồi bước ra về. Vẫn hình dáng khắc khổ đó, dáng hình gầy
gò xanh xao đó cứ xa dần xa dần sau rặng cây chuối đường làng. Mùa hè vẫn nắng
trải dài con đường xa tít tắp. Những trái chuối chín cây tỏa mùi hương ngan
ngát.
H.H (ĐHSP TP. HCM))
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét