Đào Văn Đạt
Nhìn cái
lồng chim trống trơ treo trước nhà, tôi biết ông buồn và giận tôi nhiều lắm.
Tuổi già sống giữa phố thị ồn ào có cái lồng chim treo ngoài hiên là cả một
không gian thật an nhàn, thảnh thơi. Tiếng cúc cù cu mộc mạc thân quen vang lên
trong muôn vàn tiếng xe cộ cũng đủ làm cho tuổi thọ ông dài ra theo năm tháng.
Vậy mà chỉ một phút lơ đễnh trong lúc cho chim ăn tôi đã làm tan biến đi cả một
bầu trời bình yên của tuổi già, thật là đáng trách.
Tôi ngồi bó gối
rầu rĩ ở hiên nhà, nghe rõ từng bước chân của ông đi từ nhà trên xuống nhà
dưới. Bước chân sao nghe nặng nề ray rứt, có gì đó đau đáu cho sự hối tiếc.
Bước chân ấy dừng lại trước mặt tôi. Không dám nhìn lên, tôi cúi đầu nhìn bàn
chân gân guốc, đen sạm của ông bám trên nền gạch bông láng bóng. Trời ơi, chỉ
mới một ngày mất chim thôi mà sao các ngón chân ông trở nên già nua quá vậy! Lẽ
nào chim chóc ảnh hưởng đến đời sống của người già nhiều đến thế sao? Hay tại
lâu nay tôi không quan tâm đến ông giờ
nhìn lại bàn chân ông tôi mới giật mình lo sợ cho một ngày tôi không còn
có ông nữa. Tôi còn suy nghĩ bâng quơ, bỗng ông tằng hắng: “Tú Anh, vào nhà
ông biểu!”. Tôi biết có chuyện lớn rồi đây, nhưng sao tôi không còn biết sợ
những lời quở trách của ông nữa. Nếu phải hứng chịu những giận dữ để ông vui
tôi sẵn sàng. Khép nép đứng sau bộ salon, tôi lí nhí: “Dạ, ông kêu con!”. Đặt
tách trà xuống, ông nói: “Cháu có muốn chuộc lỗi không?”. Chỉ chờ có vậy, tôi
ngẩng mặt lên nhìn ông phấn khởi: “Dạ, ông sai con làm chuyện gì con cũng làm,
nhảy vô lửa con cũng nghe.”. Gương mặt ông giãn ra: “Ông đâu bắt cháu phải
nhảy vô lửa.” Ngưng một chút ông tiếp: “Ngày mai cháu đón xe đò về quê một
mình, đưa cho ông Tư Râu cái thư này là con đã chuộc lỗi lầm đủ rồi.”. Tôi mừng
húm. Vậy là tôi có cơ hội chuộc lỗi rồi, nhưng sao phải đi xe đò về quê một
mình mà không đợi chủ nhật nhờ chú Năm tài xế lấy xe nhà chở đi. Tôi định thắc
mắc thì ông lên tiếng: “Đi xe đò một mình để con nếm được cái chen lấn cực khổ
với người ta, vả lại lớn rồi phải tập đi xa một mình cho quen, còn việc xin
phép ba mẹ để ông lo.”. Không dám cãi, tôi cúi đầu vào phòng chuẩn bị đồ đạc để
sáng sớm mai về quê một mình.
Cũng may ở
quê tôi còn có bác Ba, nên vừa về đến bác và anh chị mừng rỡ đón tiếp tôi một
cách nồng hậu. Sau khi tắm rửa nghỉ ngơi tôi hỏi nhà ông Tư Râu, anh Út con bác Ba cười hề hề: “Tưởng nội gửi thư cho ai xa lạ, té ra là ông Tư Râu chơi
điểu!”. Mới nghe tôi hơi ngạc nhiên, lẽ nào ông tôi chơi thân với một người
không tốt, luôn đểu giả. Thấy tôi ngớ ra, anh Út tiếp: “Điểu là chim đó em,
ông này từ xưa giờ chim gì ổng cũng chơi, từ chim nhỏ đến chim lớn. Có những
con nằm trong sách đỏ cho đến các loài cấm kị như cú mèo, chim ục ông chơi
tuốt.”. Nghe xong tôi gật gù: “À, thì ra là vậy.”. Anh Út dẫn tôi qua tới sân
nhà ông Tư, giới thiệu tôi với ông rồi ra về, không quên dặn tôi xong việc nhớ
về ăn cơm. Tôi đứng ngỡ ngàng trước một khoảng sân rộng ngập tràn tiếng chim. Từ
những loài chim quen thuộc như cu gáy,
chích chòe, họa mi… cho đến các loại chim màu sắc rực rở không biết tên gì. Tôi
ngất ngây giữa không gian rộn rã của tự nhiên, tưởng như mình đang lạc vào chốn
rừng hoang. Trong khi tôi còn chìm đắm trong muôn vàn âm thanh của núi rừng thì
ông Tư mở thư ông nội tôi ra xem. Một lúc sau ông đến bên tôi cười khà khà: “Ông nội con muốn xin ông con chim cu gáy khác. Con kia mất rồi, lỗi này là do
con phải không?”. Tôi cúi đầu nhận lỗi. Ông vuốt nhẹ đầu tôi rồi nói: “Chuyện
đâu có lớn mà phải sai đứa cháu gái lặn lội đến đây vậy.” Ngưng một chút ông
tiếp: “Được rồi, chờ ông chút!”. Rồi ông gọi: “Huy, ra đây ông biểu!”. Nhìn
theo hướng mắt ông Tư, tôi thấy từ phía sau một thằng con trai cỡ tuổi tôi lúi
húi bước lên đứng sau lưng ông lễ phép: “Dạ, ông kêu con!”. “Con lấy xe, chở
cháu này ra chòi lấy con chim chiến nhất về cho ông!”. Tôi thoáng thấy gương
mặt gã con trai lúng túng, rồi hắn nói lí nhí: “Nhưng ở nhà mình cũng có chim
chiến vậy ông, đi chi ra chòi cho xa?”. Ông Tư cười khà khà: “Ừ, cũng có, nhưng
mấy con này giọng thổ không hay lắm. Còn ngoài chòi có mấy con giọng đồng pha
kim nghe mới sướng cái lỗ tai, ông muốn biếu bạn tri kỉ của ông một con chim
thật tốt”. Tên con trai đưa mắt nhìn tôi có vẻ e ngại. Tôi không trách, có lẽ
con trai quê thường rụt rè trước con gái, mà là một người con gái đẹp như tôi
ắt sẽ làm người đối diện đôi lúc mất tự tin. Se điếu thuốc rê đặt lên môi ông Tư nhìn tôi giới thiệu với gã con trai: “Đây là Tú Anh, cháu gái ông Hai ở
thành phố mới về quê, ông muốn cho nó đi cùng con ra chòi coi mấy con chim hay,
sẵn dịp con cho nó biết chút ít về miền quê cũng tốt vậy con.”. Tôi cười
thầm. Cha, ông già hiểu tâm lý mấy người thành thị khoái cảnh miền quê đây. Còn
tên con trai này thật là chảnh, tưởng tôi thích đi chung lắm hả, còn lâu. Tại
tôi cũng muốn chính mắt mình nhìn thấy con chim gáy tốt, gáy hay như thế nào để
khi về còn có cái nói với ông.
Suốt dọc
đường đi ra chòi, gã con trai tên Huy cứ
im lặng cầm tay lái. Người gì đâu khó hiểu, không phải tôi muốn trò
chuyện với hắn, nhưng ít ra hắn cũng phải biết ngồi phía sau yên xe của hắn là
một đứa con gái chứ không phải là một vật thể vô tri. Thôi kệ, quan tâm chi cho
mệt, người như hắn đâu cần phải mất thời gian suy ngẫm. Tôi chỉ cần ra đến chòi
coi chim giùm ông là đủ lắm rồi. Ngồi phía sau tôi tha hồ đưa mắt nhìn bên trái
rồi bên phải. Cảnh vật ở đây thật yên ả và đẹp đến mê hồn. Trên mấy giồng đất
cao người ta trồng khoai từ, khoai lang từng luống dây leo xanh rì bò thẳng
tấp. Lúp xúp ở chân đồi mấy vạt mía trổ cờ trắng xóa, nhìn từ xa như mây trên
trời sà xuống đất thật tuyệt vời. Vọng giả trong không gian có tiếng lộc cộc
của mấy chiếc xe bò chở rơm rạ về xóm, mùi ngai ngái của cỏ úa lan tỏa khắp
đường quê. Chiêm ngưỡng cảnh vật hai bên đường một hồi lâu tôi quay đầu về
chính diện thì trước mặt tôi là cái ót ngâm đen của gã con trai. Phải công nhận
tuy hắn là tuýp người không tình cảm khó gần nhưng hắn có cái ót rất đẹp. Với
mái tóc cắt gọn ghẽ tạo cho cái ót có một sức trẻ lạ lùng, mớ tóc mai lưa thưa
phía trên cùng làm cho vùng sau gáy của hắn thật lãng mạn. Nhìn hắn từ phía sau
ót một hồi lâu tôi thấy tên này có cái gì đó cũng hay hay, nhưng không phải vì
vậy mà tôi có cảm tình với một gã luôn lấy im lặng làm thước đo lòng người. Rời
khỏi cái ót vuông vức có chút ngạo mạn của hắn, tôi nhón người lên đưa tầm mắt
phóng qua đầu hắn nhìn về phía trước, xa xa nơi lưng đồi lác đác vài mái tranh
vàng óng. Chắc là gần tới chòi rồi đây, tôi nghe lòng mình phấn khởi. Nhưng có
lẽ do tôi nhón người lên một cách đột ngột nên chiếc xe lảo đảo, làm cho hắn
phải đưa hai chân ra giữ thăng bằng. Hắn lên tiếng: “Bộ ngồi xe đường quê
nhiều ổ gà làm đằng ấy đau lưng hả?”. Dữ hôn, trời gầm cóc mới mở miệng. Tôi
cười khúc khích: “Không phải do con đường dằng, mà do tài xế chạy xe im lặng quá đôi lúc cũng làm cho
người ta nhức xương cốt.” Hắn cười to: “Nếu vậy thì ngay bây giờ đằng ấy vịn cho chắc tôi sẽ cho xe chạy xuống ổ gà để lấy lại cân bằng.”. Dứt lời hắn lao
chiếc xe xuống cái ổ gà trước mặt làm cho cả người tôi nhào về phía trước, bất
giác tôi chụp lấy đôi vai của hắn níu lại. Khi chiếc xe chạy lại bình thường
tôi ngẫm nghĩ, thì ra tên con trai này cũng biết trả miếng chứ không phải lầm
lì như tôi nghĩ. Lúc tôi níu bờ vai của hắn làm cái áo thun xệ xuống để lộ ra
cái nốt ruồi ở giữa hai bờ vai. Mà theo như
trong sách tử vi ông tôi thường xem lúc rảnh rỗi, thì những người có nút
ruồi nằm đúng vị trí ấy là quí tướng, khôn lanh, giàu có bậc nhất thiên hạ.
Không biết sách tử vi nói có đúng không chứ theo tôi với cái bản chất bất
thường pha chút láu cá như tên này, nhất định sau này không làm nên trò trống
gì cả.
Xe đến
chòi, tôi chưa kịp quan sát cảnh vật xung quanh, hắn lẹ làng dẫn xe dựng bên gốc
bằng lăng rồi kêu lớn: “Chú Mười ơi, con ra bắt chim về cho ông nội!”. Tôi nghe
có tiếng người trả lời lại ở phía sau chồi: “Ừ, bắt con nào thì bắt đi, nhớ
lấy thêm lúa về cho nó ăn nghen!”. Khác với những gì lầm lì lúc đi trên đường,
giờ đây hắn huyên thuyên kể tôi nghe về đặc tính của các loài chim. Nếu trời sắp
có mưa bão lũ bù chao thường lao xao gọi bầy, loài này sống có tính cộng đồng
rất tốt. Còn ngày nào trời quang đãng thì từ sáng sớm tiếng cu gáy cứ rúc lên
từng chập nghe thật bình yên. Nghe hắn giảng một hồi lâu tôi hỏi: “Ngoài tính
năng dự báo thời tiết ra, chim không còn biết hót để biểu hiện cái gì nữa hả?”.
Hắn cười: “Còn chứ, ví dụ như làm duyên với bạn tình thì tiếng hót trở nên
ngọt ngào tình tứ. Có khi còn pha chút lẳng lơ, màu mè nếu đó là chim mái. Hoặc
muốn làm quen với một loài chim lạ mới mang về, chim chủ nhà thường hót rất nhỏ
có khi còn im lặng quan sát đối tượng.
Khi đã quen rồi thì giọng hót trong veo thật thân mật… Rồi còn hót báo động
nguy hiểm cho nhau, hót đòi ăn, hót đòi tắm rửa, hót đòi nhiều thứ khác…, đằng
ấy muốn nghe nữa không?”. Thôi đủ rồi, sao lúc trên đường từ nhà đến đây không
nói nhiều bây giờ nói như két vậy?”. Hắn cười to để lộ hàm răng đều ro, trắng
ngần. Đôi môi dầy nằm dưới hàm râu lưa thưa chạnh ra thật có duyên. Ngay cả lũ
chim không biết đồng tình hay phản đối tiếng cười của hắn mà cũng im bặt tiếng
hót, lẽ nào nụ cười của hắn đẹp đến mức “chim câm gió lặng” thế sao? “Tôi tập
cho mình không nói chuyện nhiều trong lúc chạy xe, vì sẽ không tập trung có khi
gặp nguy hiểm!”. Rồi hắn nghiêng đầu qua tôi chỉ tay lên cái lồng chim treo trên
cành mít. Cái nghiêng đầu có thể là tình cờ, nhưng sao tôi có cảm giác như hắn
muốn gần tôi để khoe mái tóc dầy đen óng của hắn, người gì đâu tự tin phát ớn.
Rồi hắn lên tiếng: “Mình bắt con cu gáy đó nghen Tú Anh! Tuy nó còn nhỏ chưa
trổ mã đều nhưng coi bộ gió gọn gàng nhất định sẽ là chim hay”. Nghe hắn gọi tên
tôi một cách tỉnh bơ hệt như tôi với hắn đã quen nhau từ thuở nào. Tôi trề môi:
“Sao biết chắc là nó sẽ hay, làm như anh là thầy của nó không bằng.” Hắn nhìn
tôi cười: “Thôi được, tôi xin cam đoan nếu con này đem về mà nó không hay tôi
sẽ đền con khác, được chưa?”. Tôi không rành về cách xem tướng của chim nhưng
thoáng nhìn qua tôi thấy con chim này cũng bệ vệ, nên gật đầu. Trùm cái áo lồng
lại tôi và hắn lên xe về nhà.
Trên đường về
tự nhiên hắn nhẹ giọng xin lỗi tôi về việc đã cho xe chạy xuống cái ổ gà lúc
đi, để tôi phải mất hồn. Nghe hắn xin lỗi tôi giả bộ lên mặt. Chứ thật ra tôi
đã quên chuyện đó từ khi phát hiện cái nốt ruồi quí tướng của hắn. Tôi lên
tiếng: “Vậy mai mốt nếu có chở một người con gái khác nên nhớ đến tôi là không
chạy ẩu nữa nghen!”. Hắn quay lại nhìn tôi thật nhanh rồi nở nụ cười thân
thiện, nụ cười chỉ thoáng qua mà sao đẹp gì đâu: “Tuân lệnh!”. Ngưng môt chút
hắn tiếp: “Nhưng xe tôi không quen chở người lạ, chỉ quen chở người đẹp tên
Anh thôi” rồi hắn cười khúc khích. Sẵn đôi tay rảnh rang tôi nhéo vào hông hắn
một cái đau điếng. Hắn ẹo lưng nhưng vẫn cố kìm cho chiếc xe lướt trên đường quê
thật êm dịu, ráng chiều đã len lén phía sau lưng làm cho bóng tôi và hắn cứ
chập chờn ngả về một phía…
***
Con chim được
đem về nhà đã hơn ba tháng, nhưng nó vẫn im lặng buồn so. Lẽ nào xa bầy nhớ bạn
mà nó không hót. Ông tôi hết đi ra lại đi vô miệng cằn nhằn: “Chẳng lẽ thằng
cháu ông Tư thấy con nhỏ này mặt lớ ngớ nên bắt con chim mái cho mình? Nếu vậy
thì còn gì là tình tri kỉ”. Nghe ông nói tôi vội bào chữa: “Không phải đâu ông
ơi, đây là chim trống chính hiệu, nhưng có lẽ nó còn nhỏ chưa trổ mã đều nên hót
chưa thành tiếng đó thôi!”. Nói xong câu này tôi mới giật mình, không biết có
phải do chính mình nói với ông hay là tôi bê nguyên xi câu nói của gã con trai
cháu ông Tư ra thuyết trình về loài chim. Thấy tôi trả lời một cách dõng dạc ông nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Vì theo ông, từ xưa đến giờ tôi ít quan tâm đến
chim chóc, ngay cả việc đơn giản mở lồng cho ăn mà tôi làm còn không xong. Vậy
mà chỉ sau một chuyến về quê tôi đã phân biệt được chim nào trống chim nào mái. Ông càng ngạc nhiên hơn khi nghe tôi phân tích tiếng chim và cách nhìn chim trổ
mã thế nào để biết con đó hót hay hay hót dở. Tuy nhiên ông vẫn nghi ngờ cách
hiểu biết của tôi nên cuối cùng ông quyết định rủ tôi về quê một lần nữa. Miền
quê muôn thuở vẫn êm đềm. Ngôi nhà ông Tư vẫn tràn ngập tiếng chim, hàng điều
trước nhà vẫn um tùm che bóng mát. Tôi và ông được ông Tư tiếp đãi thật nhiệt
tình. Có lẽ đã lâu lắm rồi ông tôi mới gặp lại bạn tri kỷ, nên ông rất vui trò chuyện không ngớt, hai ông
nói rất nhiều về cách chơi chim. Tôi chán nản đảo mắt nhìn xung quanh chợt nghe
trống vắng. Rồi nghe ông Tư nói: “Thằng Huy cháu tôi nó vừa tuyển thêm một con
chim trống hót chiến đấu lắm.”.Ông tôi cười khà khà: “Nhưng thằng cháu ông giờ
nó ở đâu, tôi muốn gặp cậu ấy để cho rõ
con chim tơ mà đưa cho con Tú Anh là chim trống hay chim mái!”. Châm cho ông
tôi một tách trà mới ông Tư lên tiếng: “Thằng cháu tôi nó mới về quê để chuẩn bị lên thành phố học. Trước khi đi
nó dặn tôi khi nào con chim trổ mã đều và thật căng lửa nó sẽ về để tặng cho
một ai đó. Nhưng nay chim đã trổ mã đều và hót líu lo mà nó vẫn chưa về, thôi
thì thay mặt nó tôi biếu ông con này, nó về tôi sẽ nói lại.” Rồi ông Tư dẫn tôi
và ông ra phía sau vườn chỉ con chim mà Huy đã cất công tuyển chọn. Nhìn con
chim xòe đuôi vỗ cách hót líu lo ông tôi gật đầu thích chí.
Nhìn niềm vui
của ông nội hiện rõ trên gương mặt tự nhiên tôi chợt nhớ đến Huy. Nhớ gương mặt
chữ điền và cái ót vuông vức, nhớ mái tóc đen dầy và hàm răng trắng ngần của nụ
cười thuở nào. Tuy nó chưa ấn tượng lắm
đối với tôi nhưng sao tôi cảm thấy có cái gì đó man mác đang tràn về. Và hình
như là nỗi buồn đến gần lắm, gần đến mức có thể sờ được trong một buổi chiều
gió lộng thế này. Nhưng không, tôi không được phép buồn vì từ khi làm mất con
chim của ông tôi luôn tự trách mình và hứa với lòng là làm đủ mọi cách miễn sao
ông được vui. Giờ đây ông đã vui rồi thì nỗi buồn cỏn con của tôi có đáng là
bao. Tôi thở hắt quay lưng.
Đ.V.Đ (Bình Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét