Bùi Thị Xuân bắn tên mắng Nguyễn Vương.
Nguyễn Long Nhương sai sứ hòa Tiêm Quốc.
* * *
Nhắc lại Đô đốc Đặng Văn Trấn vâng lệnh Trương Văn Đa về Quy Nhơn cấp báo cùng vua Thái Đức.
Vua Thái Đức liền sai quân nổi trống thiết triều. Đủ mặt bá quan văn võ, vua bồi hồi nói:
- Đô úy Đặng Văn Trấn từ Gia Định về báo rằng: Phúc Ánh cầu viện nước Tiêm La. Hiện quân Tiêm La đem thủy bộ binh năm vạn tiến sang. Phò mã Trương Văn Đa và đại đô đốc Đặng Văn Long lui binh về giữ Trường Đồn. Nghe giặc Tiêm La tàn hại đồng bào, hãm hiếp phụ nữ, vơ vét của cải, ta thật thương lương dân gặp nạn, giận lũ giặc tham tàn. Vậy nay ta lệnh cho Long Nhương Nguyễn Huệ làm chánh tướng, Tiết Chế Nguyễn Lữ làm phó tướng được trọn quyền điều động binh lương. Huệ và Lữ hãy lập tức xuất binh đuổi ngoại xâm ra khỏi biên thùy, cứu muôn dân thoát vòng nước lửa, chớ phụ lòng mong đợi của ta.
Các tướng cùng quỳ tâu:
- Xin bệ hạ an lòng, chúng thần nguyện một lòng quét sạch quân Tiêm ra ngoài bờ cõi, bắt Phúc Ánh về cho bệ hạ trị tội bán nước buôn dân.
Bỗng Vũ Văn Dũng từ ngoài chạy vào nói lớn:
- Xin bệ hạ cho thần vào Nam đánh quân Tiêm Nguyễn chứ thân làm võ tướng mấy năm nay trần thủ Quảng Nam, không được đánh đấm gì cả, thật tay chân ngứa ngáy vô cùng.
Nguyễn Huệ bước ra hỏi:
- Tam sư đệ Vũ Văn Dũng đang cùng Võ Đình Tú trấn thủ Quảng Nam vì sao lại có mặt ở kinh thành?
Dũng vung tay đáp:
- Tôi từ Quảng Nam về đây bẩm báo tình hình biên ải. Từ ngày Phạm Ngô Cầu vào trấn thủ Phú Xuân, Thuận Hóa. Lấy đèo Hải Vân làm ranh giới án binh bất động không có ý dòm ngó đất Quảng Nam ta. Nào ngờ mới về đến đây nghe Phúc Ánh cõng rắn cắn gà nhà, rước giặc Tiêm La dày xéo nước ta. Tôi nghe qua như lửa đốt trong lòng. Xin bệ hạ và đại sư huynh cho tòng chinh vào Nam đánh giặc.
Nguyễn Huệ ôn tồn khuyên Vũ Văn Dũng:
- Quân Trịnh ở Phú Xuân, Thuận Hóa còn hai vạn binh tinh nhuệ đang chờ dịp xâm phạm đất Quảng Nam ta. Thế nên việc trấn thủ đất Quảng Nam phòng quân Trịnh, ngoài Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú còn ai làm nổi. Dũng nên nhớ rằng có yên được mặt bắc thì mới đánh thắng mặt nam. Vậy Văn Dũng hãy trở về cùng Võ Đình Tú trấn thủ Quảng Nam, ấy là đã lập nên công lớn đó.
Vũ Văn Dũng vâng lệnh lui ra.
Hôm sau Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh hai trăm chiến thuyền và hai vạn tinh binh cùng các tướng Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết , Nguyễn Văn Lộc, Đặng Văn Trấn đi đường bể vào Nam đánh giặc. Vua Thái Đức đích thân ra đến tận cửa Thị Nại tiễn đưa. Vua tự tay rót rượu cho Huệ và Lữ rồi nói:
- Hai em đã vì anh xong pha nơi hòn tên mũi đạn, chinh nam phạt bắc. Chuyến này vào Gia Định hãy gắng công mau báo tiệp khải hoàn cho an lòng anh.
Huệ và Lữ cùng nâng chén uống cạn. Huệ nói:
- Xin hoàng huynh chớ nên lo lắng. Em đi đánh giặc phen này xin hứa sẽ quay về ăn tết Ất Tỵ.
Vua Thái Đức nghi ngờ hỏi:
- Nay đã là ngày hai mươi tháng mười một năm Giáp Thìn, chỉ còn bốn mươi ngày nữa là đến tết Ất Tỵ. Tính thời gian đi ra đi vào mất hết hai mươi ngày, chỉ còn hai mươi ngày em nghĩ rằng có thể phá được giặc sao?
Huệ đáp giọng tự tin:
- Khi hay tin Đặng văn Long và Trương Văn Đa đem toàn quân về cố thủ Trường Đồn thì kế sách đánh giặc em đều tính tóan cả rồi. Quân ta vào phen này chỉ đánh một trận là tiêu diệt xong quân Tiêm Nguyễn mà thôi. Xin hoàng huynh chớ ngại.
Nói rồi bái biệt toan bước xuống thuyền, bỗng nghe tiếng gọi lớn:
- Long Nhương tướng quân xin dừng bước!
Mọi người giật mình nhìn lại, thì ra nữ đô đốc Bùi Thị Xuân đang lướt ngựa xông đến. Bùi Thị Xuân nhảy xuống ngựa thi lễ với vua Thái Đức. Xuân nói:
- Xin bệ hạ cho tôi tòng chinh vào Nam đánh giặc Tiêm Nguyễn.
Vua bảo:
- Ta đã trao quyền điều binh khiển tướng cho Nguyễn Huệ, việc này do Huệ định đoạt vậy.
Nguyễn Huệ nói đùa cùng Xuân rằng:
- Ta vào Nam chuyến này tinh binh hai vạn, hổ tướng có thừa. Cô Xuân là nữ nhi anh kiệt thiên hạ đều biết tiếng còn xin theo chinh chiến làm gì?
Bùi Thị Xuân nét mặt dàu dàu đáp:
- Chẳng phải tôi muốn làm nữ nhi anh kiệt. Nhưng Nguyễn Phúc Ánh rước quân Tiêm La về tàn hại dân ta là do tội của tôi. Nay tôi xin theo tướng quân đánh giặc, quyết trừ Phúc Ánh mới lấy công chuộc tội của tôi được. Nếu Long Nhương không cho tôi quyết quỳ mãi nơi này.
Nguyễn Huệ hỏi Trần Quang Diệu:
- Cô Xuân đã quyết lòng như thế. Ý Trần Quang Diệu thế nào?
Diệu đáp:
- Năm xưa phu nhân tôi hai lần truy đuổi đều để cho Phúc Ánh chạy thoát, nên trong lòng áy náy tự cho rằng mình có tội. Nay Phúc Ánh rước giặc Tiêm La tàn hại dân lành, phu nhân tôi lại càng bị lương tâm cắn rứt. Xin tướng quân hãy cho phu nhân tôi tòng chinh ắt trong lòng sẽ thanh thản hơn. Ấy là tướng quân đã ban ơn cho vợ chồng tôi đó. (Nguyên lần tha Nguyễn Phúc Ánh; Bùi Thị Xuân giấu cả chồng mình là Trần Quang Diệu nên Diệu chỉ biết có hai lần: “Một lần Phúc Ánh chun xuống giường sản phụ mà trốn, một lần ở cửa Hàm Luông, Phúc Ánh nhờ bão thoát thân”.)
Nghe Diệu nói xong, Nguyễn Huệ vui vẻ cho Bùi Thị Xuân tòng chinh. Xuân mừng rỡ khóc lạy tạ ơn. Nguyễn Huệ cảm động hỏi:
- Ta đã bao lần nói với cô Xuân rằng: Xưa nay có sách binh thư nào nói không bắt được tướng giặc là có tội bao giờ? Sao cô Xuân lại cố chấp tự làm khổ mình như vậy.
Bùi Thị Xuân chỉ gạt lệ không đáp.
Nguyễn Huệ hạ lệnh xuất binh. Hai trăm chiến thuyền và hai vạn quân Tây Sơn dong buồm ra cửa bể thẳng đường nam tiến. Nguyễn Huệ đi rồi thái giám Vũ Tâm Can tâu với vua Thái Đức:
- Long Nhương tướng quân vào Nam phen này đem theo các tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đều là tay chân của Long Nhương cả. Điều ấy không đáng ngại hay sao?
Vua Thái Đức giận lắm nạt:
- Giặc Tiêm La đang hại dân ta. Nếu không phải là Nguyễn Huệ cầm quân thì liệu ai có thể phá được năm vạn binh lang sói ấy. Trong lúc ba quân tướng sĩ đều vì nước vì dân, xả thân chinh chiến ngoài biên ải, ngươi lại buông lời gièm xiểm thật là đáng chết.
Nói xong vua truyền quân lôi Vũ Tân Can ra chém.
Võ sĩ lôi Vũ Tâm Can đi xong, vua Thái Đức nghĩ lại rằng: “Năm xưa cha nó là Huyền Khê Vũ Tất Thận vì uống rượu phạm vào quân lệnh bị ta xử tội trước dân ở ấp Tây Sơn hạ phải tự vẫn mà chết. Từ ấy ta tự nguyện nuôi nó như con. Nay nếu giết đi chẳng hóa ra ta là người bất nhân bất nghĩa hay sao?”
Nghĩ xong liền hối quân xá tội cho Vũ Tâm Can, rồi quay về ngự điện. Vũ Tâm Can thoát chết về nhà hỏi mẹ:
- Những lần trước con nói gièm rằng: Nên đề phòng Nguyễn Huệ đem nanh vuốt ra ngoài biên ải thì Nguyễn Nhạc giật mình liền cho người tâm phúc theo để chia binh quyền với Nguyễn Huệ. Sao lần này Nguyễn Nhạc lại toan giết chết con?
Vũ mẫu đáp:
- Nguyễn Nhạc có tính hay đố kỵ người tài đức hơn mình, nhưng lại rất thương kẻ cùng đường cố thế. Lần này Nguyễn Nhạc chỉ nghĩ đến việc nhân dân Gia Định bị quân Tiêm La tàn hại, mà quên việc sợ Nguyễn Huệ lấn quyền. Lần sau nếu muốn báo thù cha con phải lựa thời mà nói.
Vũ Tâm Can thưa:
- Con xin vâng lời mẹ dạy! Nguyễn Nhạc những ngày khởi binh ở Tây Sơn Thượng nhờ cha con đem hết gia đình của cải theo giúp. Cha con chỉ vì phạm tội uống rượu mà phải bị Nguyễn Nhạc xử tội chết. Con thề sẽ phá tan cơ nghiệp của anh em Nhạc Huệ báo thù cha mới thỏa lòng căm hận.
* * *
Nói về Nguyễn Huệ đem hai vạn binh vào Nam, lần này Huệ không vào cửa Cần Giờ lên thành Sài Côn mà cho chiến thuyền vào cửa biển Hàm Luông theo sông Tiền Giang tiến vào thành Trường Đồn. Phò mã Trương Văn Đa và Đô đốc Đặng Văn Long hay tin tự trói mình ra đón Nguyễn Huệ. Trương Văn Đa quy thưa:
- Quân Tiêm sang xâm lược nước ta. Cháu và đại đô đốc Đặng Văn Long không chống nổi phải đem toàn quân về cố thủ Trường Đồn bỏ hết một nữa đất đai Gia Định về tay giặc. Xin thúc phụ trị tội!
Nguyễn Huệ sai quân mở trói cho hai tướng rồi an ủi:
- Tránh thế mạnh của địch lúc ban đầu bảo tòan lực lượng quân ta lui về giữ nơi hiểm yếu, ấy thật là thượng sách. Lần trước rút binh về Quy Nhơn ta đã để Đặng Văn Long ở lại giúp Trương Văn Đa trấn thủ đất Gia Định, vậy kế này có phải của Đặng Văn Long chăng?
Trương Văn Đa đáp:
- Thưa thúc phụ, kế này chính là do Đặng đô đốc bày ra.
Nguyễn Huệ hạ lệnh:
- Trương Văn Đa đã lập nên công lớn giết chết thằng bán nước Chu Văn Tiếp, vả lại Đa đang bị thương vậy ta lệnh cho ngươi quay về trấn thủ thành Sài Côn để dưỡng thương.
Đoạn quay sang Đặng văn Long, Huệ nói: - Đặng Văn Long quay về thành Trường Đồn trấn thủ. Các tướng sĩ không được nghỉ ngơi theo ta tiến lên đồn Trà Tân đánh quân Tiêm Nguyễn.
Đặng Văn Long can rằng:
- Quân ta đi đường xa mới đến ắt có phần mỏi mệt ít nhiều. Quân Tiêm Nguyễn đóng một nơi an nhàn mạnh khỏe, lấy quân mệt đi đánh quân khỏe e rằng bất lợi. Xin đại sư huynh xét lại.
Huệ cười đáp:
- Ta hẹn với hoàng huynh về Quy Nhơn ăn tết Ất Tỵ, mà nay đã là mồng một tháng chạp. Ta gấp rút đem quân tiến đánh là muốn phô trương thanh thế quân ta và xem thực lực của giặc mà thôi. Ta đâu dại đem quân mình vào chỗ chết. Tứ sư đệ chớ lo!
Nói rồi không nghe lời Văn Long, Huệ lệnh quân thừa lúc nước thủy triều đang lớn thẳng tiến về đồn Trà Tân.
* * *
Nơi đại bản doanh Tiêm – Nguyễn quân do thám về báo cùng Nguyễn Phúc Ánh và Chiêu Tăng:
- Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đang tiến đánh quân ta.
Phúc Ánh giật mình nói với Chiêu Tăng:
- Quân Tây Sơn chủ động tấn công trước chắc là Nguyễn Huệ đã đem đại binh vào đến nên chúng mới do dám to gan như vậy.
Nói rồi Ánh liền cùng Chiêu Tăng đích thân ra ngoài thủy trại xem xét. Đến nơi thấy từ xa thuyền Tây Sơn lớp lớp, ào ào lướt sóng tiến về phía quân mình, lại thấy chiếc soái thuyền dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn trương cờ đề “Long Nhương đại tướng quân”, Phúc Ánh lại giật mình nói với Chiêu Tăng:
- Xin tướng quân hãy lệnh quân sĩ giữ vững doanh trại. Dùng thủy trại và đồn Trà Tân làm thế ỷ dốc với nhau. Nếu quân Tây Sơn tiến đánh thủy trại, thì đại bác trên đồn Trà Tân bắn xuống giặc ắt phải lui.
Chiêu Tăng nhếch mép cười bảo:
- Việc gì mà chúa lại sợ Huệ đến thế? Lần trước Đặng Văn Long giả danh cho quân sĩ hô lên rằng: “Long Nhương tướng quân đến”, khiến chúa sợ bóng sợ gió không dám tiến binh, nên Đặng Văn Long mới lui về Trường Đồn được an tòan. Rồi khi quân do thám của ta về báo rằng giặc Tây Sơn ở đồn Trà Tân về cố thủ Trường Đồn thì chúa lại bảo rằng: “E Nguyễn Huệ dùng kế không thành”. Lần hồi mãi đến nay mới chiếm lấy Trà Tân bỏ trống. Ấy thật là chúa vì sợ, thấy gà hóa cuốc làm chậm bước tiến của quân ta mà thôi.
Phúc Ánh xấu hổ chẳng biết trả lời thế nào. Chiêu Tăng lại nói tiếp:
- Nay trời đã xế chiều xuất quân không tiện, ta cứ án binh phòng thủ xem Nguyễn Huệ làm gì được ta nào.
Chiêu Tăng vừa nói xong đã thấy chiến thuyền Tây Sơn tiến sát thủy trại. Nguyễn Huệ đứng trên soái thuyền hạ lệnh tiến công. Quân Tây Sơn bắn đại bác ầm ầm vào thuỷ trại quân Tiêm Nguyễn. Chiêu Tăng phất cờ hiệu, đại bác trên đồn Trà Tân bắn xuống và đại bác trong thủy trại quân Tiêm bắn ra. Chiến thuyền nhỏ quân Tây Sơn trúng đạn vỡ mất vài chiếc. Nguyễn Huệ liền hô quân lui ra khỏi tầm đại bác. Huệ bảo các tướng:
- Quân Tiêm rất đông mạnh, thuyền và súng đại bác của chúng chẳng kém quân ta. Chúng lại lập thủy trại dưới sông Tiền Giang và bộ binh trên đồn Trà Tân làm thế ỷ dốc với nhau. Nếu chúng không ra đánh ta thật khó mà thủ thắng. Phải làm sao dụ chúng ra khỏi trại mà tiêu diệt mới xong.
Nguyễn Văn Tuyết vểnh râu nói:
- Để tôi bảo quân sĩ gọi thằng bán nước ra mà chửi xem thử nó có chịu ra đánh hay chăng?
Nói xong Văn Tuyết bảo quân đồng thanh hô lên rằng:
- Thằng bán nước Phúc Ánh, có giỏi thì ra mà đánh với ta! Thằng bán nước Phúc Ánh, có giỏi thì ra mà đánh với ta!
Trong doanh trại, nghe quân Tây Sơn chửi; Phúc Ánh nói vơi các tướng:
- Cứ án binh bất động, lát nữa nước triều rút chúng cũng sẽ rút theo.
Quân Tây Sơn chửi mãi mà quân Tiêm – Nguyễn vẫn không ra. Trời tối nước triều rút, Nguyễn Huệ truyền đánh thu binh. Khi quân lui về đến nửa đường từ Trà Tân đến Trường Đồn, lòng sông bắt đầu mở rộng chừng vài dặm, Huệ bảo:
- Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc, hai ngươi hãy lãnh ba ngàn quân và ba chục chiếc đại thuyền lập thủy trại giăng ngang sông cố thủ nơi này. Hễ sáng thủy triều lên thì đem binh đến trại địch khiêu chiến. Đến khi thủy triều rút thì lại lui về đây. Nếu giặc đem đại binh tiến đánh thì lập tức lui quân về Trường Đồn. Khi chưa có lệnh ta cứ như vậy mà làm.
Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Tuyết vâng lệnh đem chiến thuyền giang ngang sông lập thủy trại.
Nguyễn Huệ lại tiếp tục đem chiến thuyền lui về Trường Đồn. Đến đoạn sông có một nhánh sông nhỏ đâm ngang nơi tả ngạn, lòng sông lại mở rộng hơn. Giữa sông nổi lên một cù lao dài chừng mấy dặm. Huệ hỏi các tướng:
- Các tướng có biết sông và cù lao này tên gọi là gì chăng?
Đô úy Đặng Văn Trấn thưa:
- Nhánh sông nhỏ này tên gọi là sông Rạch Gầm. Cù lao này là cù lao Thới Sơn.
Huệ lại hỏi:
- Các ngươi có biết vì sao ta quan tâm đến đoạn sông này chăng?
Các tướng đều đáp:
- Chúng tôi không được biết. Xin Long Nhương giải cho.
Huệ trỏ tay xuống sông nói lớn:
- Nay là mồng một tháng chạp. Các ngươi hãy nhớ lấy lời ta, ngày mồng chín tháng chạp ta sẽ giết giặc ở đoạn sông này!
Nguyễn Lữ hỏi:
- Em không hiểu vì sao lại là ngày mồng chín. Xin anh cắt nghĩa rõ hơn?
Huệ nhíu mày, vầng trán đầy nếp nhăn rồi chậm rãi nói:
- Đợi chín ngày nữa thắng giặc rồi anh sẽ giải.
Nói xong Nguyễn Huệ xuôi về Trường Đồn lập đại bản doanh.
Hôm sau trời vừa hừng sáng nước thủy triều lên mạnh. Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc lại đem chiến thuyền đến Trà Tân khua chiên trống inh ỏi. Quân Tiêm – Nguyễn vẫn cố thủ không ra đánh. Quân Tây Sơn tiến đến gần lại bị súng đại bác trên đồn Trà Tân bắn xuống phải lui ra. Tuyết và Lộc lại bảo quân gọi tên Phúc Ánh mà chửi. Quân Tây Sơn hô vang:
- Thằng Phúc Ánh bán nước buôn dân, mau ra đây chịu chết!
Chửi mãi đến lúc nước triều rút chảy quân Tây Sơn phải kéo nhau về. Lộc bảo Tuyết:
- Quân Tiêm – Nguyễn chỉ thủ mà không đánh. Ta cứ tiến lên rồi lại lui về thật hoài công vô ích.
Văn Tuyết nhăn nhó nói:
- Long Nhương căn dặn ta chưa có lệnh cứ như vậy mà làm. Ngày mai lại khiêu chiến nữa xem sao.
Lộc bảo:
- Đêm nay ta sai người về bẩm báo cùng Long Nhương xem người có kế gì chăng?
Nói rồi sai quân mang thư về Trường Đồn dâng Nguyễn Huệ. Huệ xem xong cười bảo:
- Tuyết và Lộc thấy giặc cố thủ không ra đánh, nóng ruột xin lệnh tấn công. Quân bây quay về bảo đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc cứ y lời ta dặn mà làm. Nếu trái lệnh chém đầu.
Bùi Thị Xuân bước ra thưa:
- Xin Long Nhương cho tôi ngày mai theo đô đốc Tuyết và Lộc ra trận. Tôi có kế dụ Nguyễn Phúc Ánh phải ra đánh.
Huệ lắc đầu bảo:
- Phúc Ánh nghe ta đến đây, dù gan trời cũng chẳng dám xuất quân.
Bùi Thị Xuân hỏi:
- Nếu tôi khích được Phúc Ánh ra trận thì Long Nhương tính thế nào?
Huệ cả cười đáp:
- Nếu được thế ta nhường quyền đều binh khiển tướng cho cô Xuân. Nhược bằng không, từ giờ về sau ta sai đâu thì phải y lệnh không được xin xỏ gì cả.
Xuân cương quyết nói:
- Xin dượng rể chớ có quên lời, phen này dượng rể ắt là phải thua cuộc rồi.
Sáng ngày thứ ba, Bùi Thị Xuân theo Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc ra trận. Đến thủy trại quân Tiêm – Nguyễn thấy soái thuyền Phúc Ánh từ xa, Bùi Thị Xuân quấn một phong thư quanh thân tên rồi nhằm thuyền Phúc Ánh mà bắn. Lúc ấy Lê Văn Quân đứng trên mũi thuyền bắt được tên thư bèn giở ra xem. Thư viết rằng:
- Nữ đô đốc Tây Sơn là Bùi Thị Xuân gởi Nguyễn vương Phúc Ánh.
Năm xưa chúa ta bắt được hai chúa Thái thượng vương và Tân chính vương ở cửa Hàm Luông. Ta đuổi theo bắt được mẹ con ngươi. Thương mẹ và em ngươi là phận đàn bà, lại thấy ngươi là thằng con nít. Nên ta mới tha chết cho ngươi. Ngờ đâu ngày trước ngươi quì lạy dưới gấu quần của ta, nay lại giở thói hèn hạ ấy quì lạy Tiêm La nước giặc về tàn hại dân lành. Ta bảo ngươi, nay ta đến đây quyết bắt ngươi để chuộc tội ngày xưa tha cho thằng tiểu nhân đê tiện bán nước cầu vinh. Ngươi hãy bảo quân Tiêm La đem binh thuyền ra giữa chiến trường huyết chiến một phen. Đừng chui rúc trong hang như loài chim chuột, thân nhi nữ khuê môn bất xuất như ta cũng lấy làm xấu hổ lắm thay!
Lê Văn Quân xem xong rồi đem vào dâng lên Phúc Ánh. Ánh giở thư ra đọc xong xé nát thư đỏ mặt nói:
- Con tỳ tiện này ngày trước đuổi ta ở Hàm Luông, nhờ bão nên ta và ngươi cùng Trương Tấn Bửu mới chạy thóat. Nay Nguyễn Huệ thấy ta cố thủ không ra đánh, mới sai Bùi Thị Xuân đặt điều nói bậy để khích ta mà thôi.
Phúc Ánh nói xong xua tay ra hiệu cho Lê Văn Quân ra ngoài. Quân đi xong Ánh nghĩ thầm: “Việc Bùi Thị Xuân tha chết cho ta chỉ có ba mẹ con ta biết. Nay thêm Lê Văn Quân nữa là người thứ tư. ”
Bùi Thị Xuân bắn tên đưa thư cho Phúc Ánh xong, chờ mãi vẫn không thấy quân Tiêm – Nguyễn ra đánh bèn sai quân gào lên: “Nguyễn Phúc Ánh ra mà lạy, nữ đô đốc sẽ tha chết cho”.
Trong doanh trại quân Tiêm – La, Chiêu Tăng nghe vậy nói với thủ hạ:
- Quân Tây Sơn đã ba ngày liền kêu tên Phúc Ánh chửi mắng mà Phúc Ánh vẫn không xin ta ra đánh. Chứng tỏ Phúc Ánh sợ Nguyễn Huệ đến dường nào.
Chiêu Sương hỏi:
- Kế sách đánh Tây Sơn tướng quân liệu thế nào?
Chiêu Tăng đáp:
- Quân Tây Sơn mới tới khí thế đang hăng, ngày nào cũng ra khiêu chiến. Ta cứ án binh bất động lâu ngày chúng nản lòng ắt sinh lười nhác. Khi ấy ta thừa cơ tiến đánh tất phải thắng.
Ngoài sông Tiền Giang, quân Tây Sơn chửi mãi đến lúc nước rút lại kéo nhau về. Bùi Thị Xuân về Trưòng Đồn yết kiến Nguyễn Huệ, nói:
- Tôi dùng mọi cách để khiêu khích, Phúc Ánh vẫn cố thủ không ra đánh.
Nguyễn Huệ cả cười bảo:
- Con người của Phúc Ánh dám cam tâm lạy lục ngoại bang về tàn hại dân nước mình, thì cái nhục nào mà không chịu được. Có chửi mắng thế nào cũng vô ích mà thôi.
Nói rồi Nguyễn Huệ gọi tên quân đến bảo:
- Ngươi mau tới thủy trại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc truyền lệnh ta bắt đầu từ ngày mai án binh bất động canh phòng cẩn mật, không phải đến trại địch khiêu chiến nữa.
Quân lãnh lệnh đi ngay. Huệ lại hỏi:
- Nay ta muốn giảng hòa với quân Tiêm La. Phan Văn Lân có thể vì ta đi sứ được chăng?
Phan Văn Lân bước ra hỏi lại Nguyễn Huệ:
- Tôi thân làm võ tướng gặp giặc thì đánh. Sao Long Nhương lại sai tôi đi sứ?
Huệ cười hỏi:
- Văn Lân có can trường của võ tướng nhưng lại có vóc dáng của một thư sinh, ắt Chiêu Tăng không nghi ngờ rằng ra sai tướng sang dò thám địch tình. Văn Lân lại không làm được việc này sao?
Phan Văn Lân đáp:
- Nếu là tướng lệnh của tôi lại sợ chúng hay sao.
Huệ cả mừng nói:
- Hay lắm! Vậy Phan Văn Lân hãy kíp sang doanh trại Tiêm La gặp Chiêu tăng nói như vầy… như vầy… Chiêu tăng ắt sẽ trúng kế của ta. Nhất định ngày mùng chín hắn sẽ đem binh tiến đánh.
* * *
Nói về Chiêu Tăng ngày hôm sau không thấy quân Tây Sơn đến khiêu chiến, liền mời Phúc Ánh đến nói:
- Nguyễn Huệ vừa kéo binh đến đây, ba ngày liền cho quân khiêu chiến. Hôm nay lại không thấy đến chẳng biết là có ý gì?
Phúc Ánh chưa kịp đáp, xảy quân vào báo:
- Thưa đại tướng quân, có sứ giả quân Tây Sơn xin vào ra mắt.
Chiêu Tăng hỏi:
- Sứ giả Tây Sơn xin vào gặp ta hay gặp chúa Nguyễn vương?
Tên quân đáp:
- Sứ giả nằng nặt đòi gặp riêng đại tướng quân.
Chiêu Tăng bảo Phúc Ánh:
- Phiền chúa hãy tạm lánh mặt để tôi tiếp sứ xem Nguyễn Huệ muốn gì.
Ánh liền đến nấp sau bức bình phong, Chiêu Tăng cho gọi sứ giả vào. Phan Văn Lân vào tới, Chiêu Tăng nạt thị oai:
- Tên học trò kia không sợ chết sao mà dám vô lễ đến đây gặp đại soái?
Phan Văn Lân điềm nhiên đáp:
- Long Nhương tướng quân tôi vì sợ chết nên mới sai tôi đến đây gặp đại soái xin giảng hòa.
Chiêu Tăng cười to nói:
- Nguyễn Huệ to gan dám phạm oai trời, ba ngày liền cho quân khiêu chiến chửi mắng suốt ngày. Nay thấy không thắng nổi quân ta mới giảng hòa chăng?
Văn Lân đáp:
- Quân Tây Sơn tôi chỉ kêu Phúc Ánh mà chửi chứ dám đâu phạm đến oai trời. Nay Long Nhương tướng quân sai tôi đến đây thưa với đại soái rằng: “Việc của chúa Nguyễn Phúc Ánh và vua Tây Sơn là việc của nước tôi. Vua tôi với Tiêm vương vốn không thù oán, việc gì đại soái phải gây cuộc đại chiến cho tổn hại sinh linh. Nếu đại soái bằng lòng rút binh về nước, để người nước tôi tự giải quyết lấy chuyện riêng thì sau khi xong việc, vua nước tôi theo lệ hằng năm nộp cống. Ấy chẳng phải là được lợi cả đôi bên sao?”.
Nghe Văn Lân nói xong, Chiêu Tăng giả vờ ngẫm nghĩ rồi nói:
- Lời ông cũng hữu lý. Vậy phiền ông hãy về trước thưa cùng Long Nhương tướng quân chờ tôi suy nghĩ lại rồi sẽ sai sứ sang bàn bạc với Long Nhương sau.
Nói rồi Chiêu Tăng ân cần sai quân tiễn đưa Phan Văn Lân ra về. Nguyễn Phúc Ánh từ sau bình phong bước ra lo lắng nói:
- Xin tướng quân chớ nghe lời dối trá của Nguyễn Huệ. Năm xưa hắn làm loạn ở đất Tây Sơn lấy danh nghĩa là đánh đổ Quốc phó Trương Phúc Loan, tôn phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương. Vậy mà về sau bắt được hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Huệ liền giết chết. Đến như việc cả thiên hạ đều biết hắn còn trở mặt, thì một lời hứa suông đã lấy gì làm chắc? Nay tướng quân lui binh về nước bỏ mặc tôi, nếu sau này Nguyễn Huệ nuốt lời tướng quân lại một lần nữa đem binh sang hỏi tội hay sao? Khi ấy chúa tôi của Ánh này không còn nữa thì tướng quân lấy danh nghĩa gì để động binh? Và lấy ai dẫn đường cho tướng quân đánh Tây Sơn?
Nghe Phúc Ánh nói xong, Chiêu Tăng cười to bảo:
- Việc gì mà chúa phải hoảng lên như thế! Đời nào tôi nghe lời Nguyễn Huệ rút binh. Nay Nguyễn Huệ thấy ta hùng mạnh liệu không thắng nổi mới phải xin hòa. Tôi giả vờ ưng thuận làm kế hoãn binh rồi bàn với chúa xem có kế gì phá giặc hay chăng?
Phúc Ánh mừng rỡ:
- Tôi thật tình xin lỗi vì đã hiểu lầm ý tốt của tướng quân. Theo tôi, tướng quân cứ giả vờ hòa cùng Nguyễn Huệ hẹn ngày rút binh về nước, Nguyễn Huệ ắt lơ đễnh việc phòng bị, khi ấy ta bất ngờ đem thủy bộ binh hai đạo cùng tiến đánh tất phải phá được Nguyễn Huệ.
Chiêu Tăng vỗ tay nói:
- Ý của tôi cũng như ý chúa vậy. Phen này phải phá tan giặc Tây Sơn để Nguyễn Huệ biết tài thao lược của ta.
Nói rồi Chiêu Tăng bèn sai tướng là Chiêu Thùy Biện sang doanh trại Tây Sơn gặp Nguyễn Huệ nói chuyện giảng hòa.
Thấy sứ Tiêm La đến, Nguyễn Huệ vờ mừng rỡ sai quân bày yến tiệc tiếp đãi rất trọng hậu. Chiêu Thùy Biện nói:
- Nay đại tướng quân sai tôi sang đây nói với tướng quân xin hẹn ngày rút binh về nước. Sau khi dẹp được Phúc Ánh, xin tướng quên chớ quên lời nộp cống hàng năm.
Huệ hỏi Chiêu Thùy Biện:
- Vậy chiêu tướng quân định bao giờ sẽ rút binh về ?
Biện đáp:
- Nay là ngày mồng năm tháng chạp, đại tướng quân tôi xin hẹn đến ngày mười lăm sẽ rút binh.
Nghe Biện nói xong, Nguyễn Huệ cười thầm trong bụng, sai người tiễn sứ ra về. Chiêu Thùy Biện đi rồi, Nguyễn Huệ tủm tỉm cười mãi. Nguyễn Lữ hỏi:
- Vì cớ gì anh cười mãi thế?
Huệ vẫn cười vui vẻ đáp:
- Đúng như ta dự đoán. Chiêu Tăng hẹn mười lăm sẽ rút binh, ắt trong đêm mùng chín chúng sẽ tiến binh đánh ta. Phen này ta quyết tiêu diệt năm vạn quân Tiêm La trả thù cho dân ta mới hả dạ.
Nguyễn Lữ lại hỏi:
- Vì sao anh lại quyết đoán rằng chúng sẽ tiến đánh vào đêm mùng chín?
Các tướng đồng thanh hỏi:
- Phải! Vì sao tướng quân đoán chắc là ngày ấy?
Huệ cười đáp:
- Đến hôm ấy các em sẽ rõ vì sao chúng sẽ tiến quân đánh ta vào đêm mùng chín. Khi ấy ta sẽ phục binh ở đoạn sông Rạch Gầm và cù lao Thới Sơn tiêu diệt quân Tiêm – Nguyễn.
Nói xong Nguyễn Huệ cùng các tướng xuống thuyền đi thị sát trên sông Tiền Giang. Đến thủy trại đô đốc Lộc và Tuyết, Huệ bảo hai tướng rằng:
- Bắt đầu từ ngày nay trở đi Tuyết và Lộc cứ làm như vầy… như vầy… Đêm mùng chín Chiêu Tăng và Phúc Ánh sẽ đem thuyền tiến đánh. Hai tướng vờ như bị đánh bất ngờ giả thua mà chạy. Đến đoạn sông Xoài Mút thì quay lại cố sức mà đánh. Ta sẽ đích thân đem quân tiếp ứng.
Đặng Văn Long hỏi:
- Vậy đại sư huynh hãy lệnh cho chúng tôi chia quân mai phục sẵn. Ngộ nhỡ chúng tiến đánh ta sớm hơn ngày mùng chín thì sao?
Huệ cười đáp:
- Liên quân Tiêm – Nguyễn chỉ có thể tiến đánh ta vào đêm của ngày mùng chín. Không thể sớm hơn hoặc muộn hơn được. Việc quân cơ phải tuyệt đối bí mật. Ta cho quân mai phục trước nếu lộ việc quân thì kế ta ắt hỏng. Khi ấy ba vạn quân ta muốn thắng năm vạn quân Tiêm – Nguyễn tất phải hao binh tổn tướng rất mhiều. Ta muốn đánh thế nào cho năm vạn binh giặc không đường chạy thoát, còn quân ta vẫn bình yên vô sự ấy mới là phương châm đánh giặc của ta. Các tướng hãy yên tâm, điều ta tiên đoán không thể nào sai được. Đợi đến rạng sáng ngày mùng chín ta đem quân mai phục, đêm của ngày mùng chín sẽ tiêu diệt giặc cũng chẳng muộn gì đâu.
Nguyễn Lữ thật thà hỏi:
- Ngày xưa em và anh cùng học với thầy Trương Văn Hiến. Chưa nghe nói thầy dạy cho anh thuật bói tóan bao giờ. Anh dựa vào đâu và dám cả quyết giặc sẽ tiến đánh ta vào đêm mùng chín?
Nguyễn Huệ cả cười bảo:
- Ấy là ta tính toán việc quân cơ. Chứ ta nào có bói toán bao giờ! Thôi không hỏi nhiều lời nữa, các tướng cứ y lệnh của ta mà làm.
Mọi người đều thắc mắc nhưng chẳng dám hỏi. Nguyễn Huệ liền quay thuyền về đại bản doanh ở Trường Đồn.
* * *
Nói về sứ Tiêm La là Chiêu Thùy Biện quay về gặp Chiêu Tăng thuật lại lời hẹn với Nguyễn Huệ rồi nói:
- Khi nghe tôi hẹn ngày mươi lăm rút binh. Nguyễn Huệ rất mừng bày yến tiệc thiết đãi. Xem ra Nguyễn Huệ đã tin lời thuận hòa của ta.
Chiêu Tăng cả mừng nói:
- Hay Lắm! Hãy cho quân dọ thám xem quân Tây Sơn động tĩnh thế nào?
Hôm sau quân do thám Tiêm La về báo với Chiêu Tăng:
- Tiền thủy binh của Tây Sơn do đô đốc Tuyết và Lộc thống lãnh suốt ngày bày rượi thịt ăn uống, rủ nhau đờn ca hát xướng không đề phòng gì cả.
Chiêu Tăng cả mừng bảo quân:
- Hay Lắm! Mau cho mời chúa tôi Nguyễn vương đến thương nghị.
Chúa tôi Phúc Ánh đến. Chiêu Tăng phân ngôi chủ khách mời ngồi rồi nói:
- Nguyễn Huệ đã tin lời hẹn ước rút binh của ta, nên tiền thủy binh Tây Sơn mới lơ đễnh việc canh phòng. Nay ta xuất kỳ bất ý đem đại binh ngày mai tiến đánh ắt là phá được Nguyễn Huệ. Nếu để lâu ngày e lộ việc quân cơ.
Nguyễn Phúc Ánh dè dặt nói:
- Theo tôi, Nguyễn Huệ có gian kế gì chăng chứ lẽ đâu hắn lại dễ mắc lừa như vậy?
Chiêu Tăng nóng nảy lớn tiếng:
- Gian kế như của Đặng Văn Long bày quân hô vang Long Nhương tướng quân đến, khiến chúa sợ bóng sợ gió không dám tiến đánh Trà Tân để Đặng Văn Long và Trương Văn Đa lui khỏi đồn Trà Tân được an toàn. Lúc đồn Trà Tân đã bỏ trống chúa cũng không dám tiến binh sợ lầm kế không thành của Nguyễn Huệ. Nếu chúa sợ hắn bày gian kế thì tôi rút binh về nứơc, tùy chúa muốn liệu thế nào thì liệu.
Phúc Ánh sợ Chiêu Tăng rút binh về thật, bèn nói hoãn:
- Xin tướng quân chớ vội giận. Ý tôi muốn nói rằng ngày mai ta chưa thể tiến quân được thì ta tiếp tục cho quân do thám dò xem Nguyễn Huệ có gian kế gì chăng?
Chiêu Tăng kiên nhẫn hỏi:
- Vì sao ngày mai lại chưa thể tiến binh?
Ánh ôn tồn giảng giải:
- Nay là mồng bảy, đang là ngày đổi con nước của thủy triều, nên mực nước sông không lên không xuống trong ba ngày là ngày mồng sáu, mồng bảy, mồng tám. Nếu ta xuất quân trong các ngày này thì không thể lợi dụng sức nước để tiến binh thần tốc được. Vì lẽ ấy tôi mới nói ngày mai chưa thể xuất quân được đó mà.
Chiêu Tăng nghe Phúc Ánh nói hợp lý liền hỏi tiếp:
- Vậy theo chúa ngày nào xuất quân được thuận lợi?
Ánh đáp:
- Chỉ cần ta hoãn lại một ngày, đến ngày mùng chín nước phát, thủy triều lên xuống rất mạnh ta sẽ tiến binh. Nguyễn Huệ bất ngờ ắt trở tay không kịp. Nếu ta tiến binh sớm hơn ngày mồng chín thì không lợi dụng được sức nước, muộn hơn ngày mùng chín thì e Nguyễn Huệ thấy nước chảy mạnh tất sẽ phòng bị.
Chiêu Tăng vỗ tay khen:
- Chúa thật liệu việc hơn người, sao lại còn e Nguyễn Huệ đến thế.
Nói rồi truyền cho các tướng chuẩn bị hai ngày nữa là ngày mùng chín sẽ xuất quân. Nguyễn Phúc Ánh về đến doanh trại hội các tướng nói:
- Kế hoạch của ta thật là chu đáo. Nhưng ta vẫn lấy làm lo lắm.
Ngô Tùng Châu hỏi:
- Xin hỏi chúa lo về việc gì?
Ánh nói giọng ngờ vực:
- Lần này sao Nguyễn Huệ lại dễ mắc lừa như thế?
Ngô Tùng Châu đáp:
- Lần này Nguyễn Huệ bị mắc lừa là vì hai lẽ: Một là xưa nay Nguyễn Huệ ra trận chỉ có thắng chẳng có thua, nên ngỡ rằng quân Tiêm La cũng sợ hắn mà chịu giảng hoà rút binh. Hai là hắn thấy nay đang là ngày nước kém nên cho rằng ta chẳng thể tiến binh. Vì hai lẽ ấy nên Nguyễn Huệ mới không phòng bị.
Phúc Ánh lại bảo:
- Xưa nay Nguyễn Huệ dùng binh thần tốc lại rất là cẩn thận. Việc này dự tính của ta tuy rằng kỹ lưỡng nhưng ta vẫn lấy làm lo lắm!
Lê Văn Quân bước ra thưa:
- Năm xưa thần làm trấn thủ dinh Long Hồ, nên có biết ít nhiều địa thế vùng này. Nếu Nguyễn Huệ có gian kế thì chỉ có thể cho quân mai phục ở đoạn sông Rạch Gầm và cù lao Thới Sơn mà thôi. Nay ta dự tính ngày mồng chín sẽ tiến quân thì ngày mai mùng tám sai quân đến đấy dọ thám xem có quân Tây Sơn mai phục chăng? Nếu ngày mai mùng tám không có quân Tây Sơn mai phục ở cù lao Thới Sơn, ắt lần này Nguyễn Huệ phải lầm mưu. Ngày mùng chín ta tiến binh trăm phần chắc thắng.
Nguyễn Phúc Ánh khen phải liền cho quân do thám đi ngay.
Sáng sớm hôm sau mồng tám tháng chạp. Nguyễn Huệ đang ngủ trong trướng nghe phía ngoài lao xao tiếng người liền gọi quân hỏi:
- Việc gì mà ngoài kia ồn ào thế?
Quân đáp:
- Thưa Long Nhương, tiết chế Nguyễn Lữ và các tướng Đặng Văn Long, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Bùi Thị Xuân đều đến xin ra mắt.
Huệ ngồi dậy bảo quân:
- Mau mời em ta cùng các tướng vào đây.
Các tướng vào đến; Huệ cười vui vẻ hỏi:
- Các em vì nóng lòng phá giặc nên đến gặp ta chăng?
Nguyễn Lữ nói lẫy:
- Giờ này mà anh còn cười được sao? Hôm trước anh bảo rằng quân Tiêm – Nguyễn sẽ đánh ta vào đêm mồng chín, nay đã là mồng tám rồi sao không thấy anh bày binh bố trận, nên chúng tôi rủ nhau đến hỏi cho rõ.
Huệ vẫn cười bảo:
- Ấy là do các tướng nóng lòng quá mà thôi. Hôm trước ta có bảo là đêm mồng chín giặc sẽ tiến đánh ta, sáng mồng chín ta sẽ bày trận mai phục. Nay mới là ngày mùng tám kia mà.
Đặng Văn Long cẩn thận hỏi:
- Sao đại sư huynh không cho chúng tôi đem quân mai phục trước một ngày nào có hại gì?
Huệ lại cười đáp:
- Ngày nay nếu ta cho quân mai phục, giặc sai người đến do thám thì sao? Nếu bắt quân do thám của giặc lại, thì Phúc Ánh không thấy quân do thám trở về ắt không dám tiến binh. Còn nếu thả chúng quân cơ bại lộ, Phúc Ánh lại dám tiến binh sao? Sáng nay các tướng đã đến đây hãy cùng ta uống rượu giết thời gian, sáng ngày mai sẽ bày binh giết giặc.
Nói rồi Huệ sai quân đem rượu thịt cùng các tướng lên mặt thành ăn uống không lo lắng gì cả.
(Hết chương 32)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét