Bà chìa về phía tôi tô canh mà tôi biết chắc nấu từ lá mào gà, lá mồng tơi, đọt nhãn lồng. Giọng bà ngập ngừng:
- Cháu dùng cho vui với dì… mà cháu đừng cấm hai đứa bé hái hoa nhà dì nhé… con nít phải táy máy mới vui.
Tôi cười trừ và nói “cảm ơn” rất khẽ. Nhà tôi chưa đến mức thiếu thốn, nhưng chồng cứ lên bữa là nhai nuốt trệu trạo, hôm nào có tô canh lá mào gà hay rau tập tàng là anh ăn cứ như bị đói từ lâu. Hai con tôi cứ rước từ trường về là nhào sang mảnh vườn bé tí mà đào, mà xới, mà nhổ chứ không chịu ngồi yên bên tivi hay máy tính bảng như con người khác. Mặc tôi vừa làm bếp vừa trông con, vừa kêu gào rất mệt. Ông chồng thì đi làm thêm tới chín mười giờ đêm mới về nên chả nhờ cậy gì.
Bà là hàng xóm mới đến tầm một năm nay. Nhà cất sâu giữa khoảnh đất, sân trước trồng ngập hoa. Nào dừa cạn, mào gà, bươm bướm, ngọc nữ, nguyệt quế… Toàn hoa nhưng chả cắt cắm vào bình được. Đã vậy, hàng rào bà còn thả thêm mấy dây bình bát, gió thổi đến mang theo vài hạt chùm bao, mồng tơi. Mấy khi chị gió hào sảng còn thổi cho vài hạt già của mấy loại rau cỏ đó sang sân nhà tôi, để rồi dăm hôm lại thấy một cây mầm lạ.
Hai đứa trẻ nhà tôi mới đầu còn lạ lẫm với một căn nhà lá sâu hút trong vườn với một bà chủ nhà gầy ốm hom hem. Sau quen dần, cứ nhè mớ mào gà đang ra hoa của bà mà sang ngắt về xả đầy phòng. Hôm nào không ngắt hoa thì khều hạt mào gà bụm vào tay rồi thổi vào mắt nhau la chí chóe.
Hoa bươm bướm chúng ngắt xong thì ép vào tập, nhòe từng trang sách cái màu vàng nhức mắt. Mấy lần cô giáo mời tôi vào rầy rà chuyện học trò không biết giữ gìn sách vở làm tôi rất bực, cấm tiệt con hái hoa nhà hàng xóm.
Ông chồng quý hóa húp xoàm xoạp tô canh sau khi tôi đã làm nóng, hể hả khen:
- Trời ơi! Canh gì mà ngon ác, ngon như mẹ nấu ấy! Em hổng biết chứ ngày đó anh em nhà anh lớn lên nhờ món canh này không đó!
- Ăn canh không hả? Tôi hỏi không thiện chí.
- Cũng có tương mắm chứ! Tương hột mẹ anh làm, thơm lừng mùi đậu nành, hạt tương vàng chứ không nâu đỏ nhé! Mắm thái từ dưa leo, thơm, cải muối, củ sắn… Rau tập tàng nấu canh, rau má vườn thơm lừng mùi đất, chấm tương mẹ làm, cơm gạo mới, phải nói là vét thủng đít nồi!
Tôi không lớn lên trong nghèo khó như anh, lớp hai đi học đã có xe đưa đón. Lớp chín đã đòi một chiếc xe… hơi “để con tự lái cho oai”. Ba cười một tràng dài rồi vẫn kiên trì bảo chú tài xế lái xe đưa tôi đi học. Đại học, ai chật chội trong phòng trọ, ký túc xá chứ tôi đã có một căn hộ nguyên căn thênh thang một mình một cõi với bà dì họ xa luôn túc trực nấu ăn, giặt giũ.
Chuyện đời không ai lường trước được. Tôi năm ba đại học thì ba bị tai nạn giao thông qua đời. Rồi “trát” đòi nợ đến ào ào. Tang thương tất cả. “Tiểu thơ” bây giờ phải đi dạy kèm kiếm sống, may mà vốn tiếng Anh kha khá. Rồi quen ông thầy dạy nhạc của học trò để sau đó nên vợ nên chồng.
Anh là con trai quê với năm anh em toàn “đực rựa”. Nhà người ta vợ không sinh được con trai thì chồng bỏ, đàng này mẹ anh sinh toàn trai, mà ba thì muốn tìm một đứa con gái “cơm thuốc” nên sau khi mẹ sinh thằng em út, ông… sợ quá. Bỏ đi biệt tăm. Mẹ anh vai gánh chân gồng nuôi năm thằng con rồi cuối cùng cũng lớn. Anh là con thứ ba, cố lắm cũng học xong đại học. Anh Hai thì làm giáo viên cấp một, ba em sau làm thợ hồ, thợ cửa sắt. Vậy mà trời chẳng chìu lòng người, khi các con nên vai nên vóc thì mẹ lại mất rồi. Chính xác là mẹ chồng tôi mất cách đây bảy năm, khi tôi đang cấn bầu thằng con lớn.
Vuông sân nhỏ, anh cũng vác về mớ rau cỏ thôn quê. Nhiều nhất là hoa mười giờ, hoa móng tay. Còn dựng ở góc vườn cây mít mật con con, nói mai mốt lớn, lấy bông mít trộn nước tương, đập giập thêm một bụm chùm ruột là khỏi cần mua vé cũng trở về tuổi thơ. Vậy mà mít chẳng có được cái bông nào lấm tấm phấn vàng như anh nói, chỉ khẳng khiu và vươn mãi lên cao. Tôi bảo cây “mít dặc” (nói láy là mắc dịch) anh nói, sao cũng được, cứ để đó, coi như là một kỉ niệm, cho con và bạn bè con biết cây mít là cây gì em ạ!
Anh giáo viên âm nhạc. Không dạy thêm dạy bớt được gì. Vậy là để đủ đầy cho vợ con, anh nhận thêm vài "sô” đám cưới, tân gia, đánh nhạc ở quán ăn... Cuộc sống cũng không đến nỗi, chỉ là tôi tám năm lấy chồng, vẫn chưa thích nghi được với những “cây nhà lá vườn” mà chồng yêu thích.
Đêm nay chồng tôi đi đàn về lúc 10 giờ. Tắm táp qua loa chưa kịp ăn uống gì thì anh than mệt. Mặc tôi năn nỉ ăn chút cháo hãy đi ngủ nhưng anh vẫn nằm im. Nghĩ là chồng mệt như mọi ngày nên tôi không quan tâm lắm. Ủi xong mớ quần áo định đi ngủ thì bỗng tiếng ngáy ồ ồ vang lên. Trước giờ anh đâu có ngáy. Tôi vào phòng thấy anh nằm nửa trên nửa dười giường, xốc anh lên thì nghe cơ thể anh mềm oặt. Hai con đang say giấc, nhà nội ngoại không gần, bây giờ lại gần nửa đêm.
Nhìn qua nhà bà hàng xóm "nhà quê” vẫn thấy còn sáng đèn. Mà nhà bà thì không có hàng rào chi cả. Tôi vội vàng vứt bỏ bao sĩ diện chạy ào qua nhờ bà trông chừng hai đứa nhỏ để đưa chồng đi bệnh viện.
Mới ba ngày chồng nằm viện mà tôi đã rối như canh hẹ. Nào đưa đón con, nào nấu nướng giặt giũ. Việc làm xin phép nghỉ nhưng đâu thể nào nghỉ hoài. Hình như ba đêm nay, chưa lúc nào tôi ngủ được vài tiếng đồng hồ. Sáng nay thì đã hợp đồng với bác xe ôm đầu ngõ việc đưa đón con để toàn tâm toàn ý lo cho chồng; nhưng còn việc nhà…
Bóng áo hoa cà gầy gầy xuất hiện ở cửa phòng. Bà ngập ngừng:
- Tui hỏi thăm mấy hộ lý dữ lắm mới đi đúng phòng… Chú ấy sao rồi? Cô chắc mệt rồi phải không?
Thì ra là bà hàng xóm.
- Cảm ơn dì, chồng con đã khỏe, lao động quá sức thôi. Nhưng chắc vài hôm nữa mới xuất viện.
- Cô đừng cười tôi nhiều chuyện… thấy cô vất vả chạy ngược chạy xuôi, mà tôi thì không việc gì làm…nấu miếng cơm mang vô cho cô chú…
Tôi rưng rưng xúc động nhận chiếc gà- mên từ tay bà hàng xóm. Quả thật ba ngày nay tôi chưa được ăn miếng cơm nhà. Hai đứa nhỏ cũng vậy, cứ là cơm tiệm mẹ mua về rồi uể oải nuốt.
- Cảm ơn dì trông chừng hai đứa nhỏ nhà cháu mấy ngày nay…
- Ôi… hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau mà ơn nghĩa gì. Tôi quý con nít lắm, nếu thằng Thành còn, giờ chắc cháu nội tôi cũng bằng hai đứa trẻ nhà cô.
- ???
Thì ra bà có một kỉ niệm buồn nơi miền quê ruột thịt. Chồng mất sớm khi vừa có một đứa con trai. Anh Thành lớn lên theo sà lan đi hút cát, thu nhập cũng khá nhưng bà luôn bảo con “nhứt phá sơn lâm/nhì đâm hà bá”, của cải dưới nước là của thủy thần, đừng tranh giành làm gì. Anh Thành không nghe, cho rằng hà rầm người làm chứ có phải một mình mình đâu. Mẹ quan niệm xưa cũ lạc hậu chỉ tổ khổ thân. Mà… nhà mình không vốn liếng, con không nghề nghiệp trường lớp như người ta, làm gì cũng vậy, thôi theo sà lan cho gọn.
Rồi một hôm mưa gió bão bùng, hai sà lan không thấy nhau. Tai nạn xảy ra khi anh vừa tròn 25 tuổi. Đau đớn hơn là trong dòng nước đục ngầu luôn cuộn chảy đó, bà đã thuê hàng chục thợ lặn nhưng tìm ba ngày cũng không được xác con trai.
Để bớt đau buồn, bà quyết định bán thửa đất đang ở khi cây cầu vừa bắt qua, đất lên giá đến gấp mười lần. Lấy tiền lên thị xã sống gần cô cháu họ xa. Bà nghĩ rằng đời mình sẽ nương nhờ đứa cháu này nên bao nhiêu vốn liếng đưa cho nó kinh doanh hết. Ai dè cô cháu cứ báo thua lỗ mãi. Ba năm sau thì “lật bài”: “Con không có khả năng trả nợ cho dì, dì muốn thưa kiện gì thì thưa đi”.
Không thưa kiện làm gì cho khổ thân thêm. Nhưng bây giờ vợ chồng cô cháu gái cứ "đá thúng đụng nia” mỗi khi bà ăn, bà nghỉ…”. Tiền có thể hết, chứ tình thân đừng để mất”, bà nghĩ vậy nên ra khỏi nhà cô cháu gái. "Của hộ thân” chỉ còn đủ mua thửa đất một trăm hai mươi mét vuông trong hẻm nhỏ vùng thị tứ này.
Xa quê nhưng không làm sao gói được nỗi nhớ quê. Vậy là bà biến ngôi nhà của mình thành một vùng nông thôn thu nhỏ với hoa lá cỏ cây ngập sắc đồng quê.
Hôm đó, tôi không nhớ mình đã ăn cách nào để hết cà ga-mên cơm của bà hàng xóm.
Rồi mấy ngày sau, bà đều mang cơm cho vợ chồng tôi, trông chừng hai đứa con tôi như chính con cháu của mình.
Bây giờ chồng tôi đã xuất viện. Tình thân hai gia đình khắng khít nhờ mấy tô canh tập tàng và con ngõ ngập hoa mào gà đó. Tôi mở lời bảo chồng xin bà đồng ý làm mẹ nuôi, không hẳn vì cảm ơn tình láng giềng tối lửa tắt đèn mà vì muốn mang lại niềm vui cho bà và cả gia đình tôi.
Khỏi phải nói anh vui mừng như thế nào. Bà cũng rơi nước mắt khi chúng tôi gọi “mẹ”.
Hoa mào gà vàng đỏ bây giờ đã xôn xao ngập hai con ngõ, nhà mẹ nuôi và nhà của chúng tôi.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét