Sơn Trần
1. Làng Năng Tự thuần nông xưa nay yên bình nay đã xảy ra chuyện lớn. Cô Ngữ dở hơi có chửa và miếu thờ linh thiêng ngay sát bờ sông bị kẻ xấu ném lư hương, đập phá nham nhở. Tư Hiền- vợ Hai Đông, dừng giần,vừa gom gạo bỏ thúng vừa chép miệng, điềm dữ rồi. Hai Đông đang ngồi ở bậc thềm, phà dở hơi thuốc, vội dừng lại cau mày rồi lúng túng vơ lấy cán vỉ đập ruồi, buông thỏng một câu gì đó không rõ nhưng nghe nặng nỗi lòng. Bà Thiền- mẹ hắn thì lắc đầu ngán ngẩm, đôi mắt buồn khó tả. Bà lụm khụm đến bàn thờ thắp hương lẩm bẩm điều gì đó rồi đứng lặng nhìn di ảnh chồng nhạt nhòa sau làn khói nhang. Đoạn, bà gõ từng nhịp mõ và đọc một hồi kinh sám hối buồn nẫu. Bà Thiền quy y tam bảo và có thói quen đi chùa từ ngày chồng mất. Tư Hiền nhìn mẹ chồng rơm rớm nước mắt. Còn Hai Đông thì lẻn ra vườn châm thêm điếu thuốc. Từ đó, không ai nói với nhau về chuyện ấy. Như thể hữu sự vô tâm.
Hai Đông bảo sẽ ở nhà, không lang bạt nữa. Ở quê cũng có việc để làm, cũng có cái ăn, tội gì phải rày đây mai đó, vất vả quá, lại xa vợ nữa. Bà Thiền vội rót rượu chìa trước mặt con. Hắn ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên thấy mẹ mình uống rượu và được mẹ cho phép uống cùng. Bà Thiền bảo với con trai rằng uống rượu như nuốt sự đắng cay của cuộc đời vào lòng. Tư Hiền đứng dưới bếp nhìn lên, cau mày. Thái độ của chị không phải vì mẹ chồng cho chồng mình uống rượu mà vì cái quyết định dừng bước của chồng đối với chị là quá đột ngột, khó tin. Có cái gì đó bất thường xảy ra với người đàn ông đầu ấp vai kề với chị rồi. Linh cảm của một người vợ hiểu tính chồng như chị luôn đúng. Hắn cũng giống cha hắn trước đây thôi. Họ đều là người của những chuyến đi, đi để thỏa chí tang bồng chứ không phải để kiếm tiền lo cho gia đình. Cũng như cha chồng, chồng chị không phải tuýp người của gia đình, thấy vợ than không có tiền, hết gạo hay công việc nhà nông kham không xuể là cuống cuồng lên, chạy vạy, lo lắng. Hắn thì mặc kệ, hễ đi thì chớ, về là chẳng việc gì hắn đụng tay, cứ ra ngoài quán nước đầu làng chuyện phiếm. Và uống rượu. Có tí men là chòng ghẹo mấy cô mấy chị đi làm, đi chợ ngang đấy. Cô Ngữ dở người mà hắn cũng không tha. Hắn ỡm ờ, bóng gió với cô ấy, có hôm dúi vào tay cô ít tiền nữa. Tư Hiền không nói gì vì chị biết tính chồng nhưng đôi lúc cũng nghiêm mặt khi hắn sổ sàng, bông lơn với cô Ngữ rồi kể lại với chị, rằng cô Ngữ không ngớ ngẩn chắc khối kẻ mê. Cặp mông vồng lên, căng mẩy, lại đôi vú nữa, đàn bà như thế, chà chà đẻ giỏi phải biết. Nghe chồng nhắc đến chuyện sinh đẻ, Tư Hiền giật mình, lúng túng. Chị biết gia đình chồng đang khát con, khát cháu lắm nhưng chị lại không thể cho họ toại nguyện. Chị đau khổ vì điều này. Ông trời đã bất công với chị, chị đành chấp nhận. Thành thử, Hai Đông có đi biền biệt chị cũng không dám ngăn cản hay giận dỗi. Có dạo nghe đâu chồng cặp kè với cô này cô kia trên phố, chị cũng làm thinh dù rất sợ nhỡ đâu người ta có con với chồng là chị phải cuốn gói ra khỏi nhà. Nhiều đêm nước mắt xót xa rơi không ngớt. Tiếng con trẻ khóc nhà bên cũng làm chị tan nát cõi lòng. Chị nghĩ, nếu chồng là người thương yêu vợ sẽ ở nhà, chia sẻ động viên, ít nhiều chị cũng thấy được an ủi, nguôi ngoai. Đằng này hắn ta không đoái hoài gì đến tâm trạng của chị. Đêm nằm cạnh nhau, chị khao khát một vòng ôm của chồng, một câu hỏi thăm bình thường thôi cũng không có. Hắn đặt lưng xuống là ngáy khò khò. Nhìn chồng ngon giấc, chị ngậm ngùi cho số phận mình, chị âm thầm khóc vì lẽ ra chị sẽ được hờn giận, trách móc, được vùi đầu vào bộ ngực vạm vỡ rám nắng kia để hít thở, để tận hưởng cái mùi vị đàn ông. Nhưng chị đã trông chờ và bẽ bàng trước sự thờ ơ của chồng. Có đêm, Hai Đông về từ quán nhậu, say xỉn, chân bước không vững, miệng lảm nhảm mấy câu tục tĩu. Và hắn đã vồ lấy chị như con thú khát mồi. Tư Hiền bất ngờ nhưng đón nhận. Những ẩn ức dồn nén lâu ngày như được dịp bùng phát. Chị ôm riết lấy chồng, hổn hển thở và tận hưởng, cả mùi men rượu xộc vào mũi, vào miệng lúc này chị cũng thấy dễ chịu làm sao. Thế nhưng, cái cảm giác lẽ ra chị được tận hưởng nhiều hơn nữa đã dần lơi ra, tắt phụt. Hắn đã đẩy chị ra rồi ngã vật xuống giường, thở dốc, mồ hôi vã ra khắp người. Chị hụt hẫng, đau đớn nhìn chồng trong bộ dạng của kẻ thua cuộc, nhàu nhĩ và đáng thương. Còn tâm hồn chị thì đang bị tổn thương ghê gớm. Kể từ hôm ấy, chị âm thầm chịu đựng sự thờ ơ của chồng với tâm hồn nguội lạnh, xót đau.
Thường mọi khi Hai Đông ở nhà hai ba hôm lại đi. Bà Thiền can ngăn mấy lần, vợ hắn cũng tỉ tê đôi bận nhưng không giữ được chân hắn, thì thôi chứ biết làm sao. Dần dà thì quen, cả nhà coi như hắn là khách, một năm vài dịp hắn về, mua ít quà bánh, dúi vào tay vợ ít tiền, cho mẹ hộp thuốc trị bệnh thấp khớp là xong. Chuyện nhà, việc họ hàng, hiếu hỉ, giỗ chạp một mình Tư Hiền lo liệu. Bà Thiền, nghĩ lại chuyện trước kia, chồng bà cũng hay đi để bà lủi thủi một mình nên tỏ ra thương con dâu, nhiều lần quát hắn dữ lắm. Hai Đông bảo con phải đi kiếm tiền. Khốn nỗi tiền đâu không thấy. Mỗi lần về, trông hắn gầy, tóc bạc nhiều hơn. Thế nên cái quyết định không đi đâu nữa của hắn khiến vợ hắn nghi ngờ, đâm lo.
2. Chuyện miếu thờ bị đập phá, lúc đầu ai cũng đổ cho cô Ngữ. Họ bảo chỉ có người dở tính dở nết như cô ấy mới dám làm chuyện ấy. Thêm nữa, do uất ức việc người ta hãm hiếp đến mang bầu thành ra vậy. Một đồn mười, mười đồn trăm như đám cháy rừng cứ lan ra mãi. Cô Ngữ, chắc nghe cả nhưng cô cứ cười cười rồi bỏ đi, tay chân vung vẫy, gặp cây cối dọc đường là bứt phá.Thế rồi, nghe đâu đã tìm được thủ phạm còn tác giả cái bụng ngày càng nhô cao sau làn áo cô Ngữ thì chịu. Người ta cũng dần xao nhãng, không ai nhắc đến nữa. Bà Thiền thì ngược lại, bà hay hỏi thăm con dâu về cô Ngữ vì Tư Hiền chơi khá thân với cô Ngữ. Cô Ngữ xem Tư Hiền như chị. Hai người hay qua lại nói chuyện với nhau. Tư Hiền bảo chắc cũng gần sinh rồi. Bà Thiền bảo phải lo ít tả lót, quần áo sơ sinh và mấy thứ cần thiết cho cô Ngữ. Tư Hiền ngạc nhiên, thắc mắc nhưng cũng lục tung hòm đồ cũ. Bà Thiền lầm lũi sắp xếp đồ đạc, nói như thể với chính mình, không lẽ để nó khổ sở coi sao được.
Cô Ngữ con bà lang Ái chột một mắt nhà ở cuối làng. Quê bà ở đâu không ai tường, chỉ biết khi bà về làng này thì dắt theo cô Ngữ, chừng mười tuổi. Cô Ngữ dáng người mảnh mai, gương mặt xinh xắn. Cô Ngữ dậy thì sớm, mới mười ba mười bốn tuổi thân hình đã phổng phao, đôi má ửng hồng, cặp mắt đen láy trông rất ưa nhìn. Bọn con trai làng trên xóm dưới hay dòm ngó, chọc ghẹo. Hai Đông cũng trong số đó, dù hắn đã có vợ. Một hôm Hai Đông cùng vợ ra đồng, dọc đường gặp cô Ngữ vớt bèo về cho lợn, hắn đã ngẩn ngơ, nhìn theo không chớp mắt. Đến khi Tư Hiền lấy cán cuốc thúc vào mạn sườn hắn mới tỉnh. Làng xóm xì xầm, Hai Đông mê cô Ngữ rồi. Có người còn bảo thấy Hai Đông dấm dúi với cô Ngữ gì đó nữa. Hỏi thì hắn cười hề hề, tỏ ra không phủ nhận cũng không xác minh là đúng. Ông Thiền đe nẹt con trai, mày liệu hồn đấy, có mà xớn xác. Hắn sợ cha, im thin thít. Tư Hiền thì lại đơn giản, gái đẹp thì ai chẳng ưa. Chồng chị ngắm và khen cô Ngữ đâu có gì lạ. Cô Ngữ thì quá đẹp lại lễ phép, gặp ai cũng chào hởi rồi thẹn thùng cúi mặt bước đi. Cô hay theo bà lang Ái vào rừng kiếm thuốc nam hay qua bên kia sông mua vài vị thuốc mà bên này không có. Bà lang Ái không chồng thì phải, vì người làng không thấy cha cô Ngữ về bao giờ. Thỉnh thoảng cũng có mấy người đàn ông lạ tạt qua, nhưng họ là khách trên vùng thượng xuống cắt thuốc. Ông Thiền cũng hay tới nhà bà lang Ái cắt thuốc dù chỉ cảm sốt sơ sơ hay nhức mỏi do thời tiết. Mấy triệu chứng này trước kia bà Thiền ra vườn lội một nhoáng sẽ có nồi lá xông hay chai dầu cao hổ để đầu giường là hiệu nghiệm. Mỗi lần ông Thiền tới nhà bà lang Ái đều ghé quán mua bánh kẹo cho cô Ngữ. Ông bảo với vợ là hoàn cảnh mẹ góa con côi tội nghiệp quá. Bà Thiền ậm ừ rồi lặng lẽ vô buồng nằm.
Cô Ngữ ở cùng bà lang Ái không thuận lắm vì thỉnh thoảng họ hay to tiếng với nhau. Người làng bảo cô Ngữ đẹp người nhưng xấu nết, con gì mà chửi lại mẹ như con hát. Nhưng có người công bằng hơn, cho rằng bà lang Ái khổ quá thành ra quá đáng, khắt khe bắt cô Ngữ quần quật suốt ngày nhưng lại cho ăn không đủ no. Bà lang Ái lại keo kiệt hiếm khi sắm quần áo mới cho cô Ngữ. Nhưng có người lại bênh vực, rằng bà lang Ái bị phụ tình, đâm ra hận đời. Nghe đâu người đàn ông đã ngon ngọt hẹn non thề biển với bà rồi lặn mất tăm khi biết bà mang thai. Bà phải di chuyển nhiều nơi với nghề làm thuốc để tìm người đàn ông đốn mạt kia. Nhưng sao bà lại về đây, lại ở lâu như thế? Mỗi người mỗi ý, suy luận rồi dự đoán nhưng không đâu vào đâu cả. Chỉ thấy bà lang Ái ngày càng vui hơn, vì khách đến bốc thuốc nhiều hay vì đã gặp được cha của cô Ngữ. Cũng không ai biết được điều đó. Cô Ngữ thì buồn hơn, tuổi biết sửa soạn chăm chút bản thân mà phải mặc quần vá áo rách, ra đường ngượng lắm. Cô hay tâm sự với Tư Hiền. Những lúc ấy, bà Thiền ngồi nhìn chứ không nói gì. Đôi lần mời cô Ngữ ăn củ khoai lang mới dỡ hay gói xôi trắng nấu sáng mai. Cô Ngữ ăn ngay, rất tự nhiên. Ông Thiền góp vài lời, bảo rằng, rảnh qua đây chơi cho vui. Cô Ngữ gật đầu nhìn bà Thiền như thể coi bà đồng ý hay không. Bà Thiền cười. Ánh mắt của bà lúc ấy không biết vui hay buồn.
Cô Ngữ có người yêu. Đó là chú Tần xóm bãi, dân chài. Mới đi bộ đội về. Xóm bãi nguyên là bãi bồi, lâu dần thành xóm, dân tứ xứ về giành đất cất nhà. Dân chài trước kia ở dưới thuyền nhưng cá tôm dần cạn kiệt vì sông suối ô nhiễm nên họ lên bãi dựng lều, làm thêm nghề nông kiếm sống. Chú Tần cũng theo cha mẹ lên bãi sống, đi học cùng với mấy đứa trẻ của làng . Chú bị cô lập, hay bị đánh hội đồng. Chú to con, da ngăm đen khỏe mạnh nhưng nhiều lần cũng vỡ đầu mẻ trán. Một hôm trời mưa. Đường cái lầy lội, trơn trượt. Cô Ngữ đi trước, chú đi sau. Hai người đã biết nhau vì trên dưới một lớp, phòng học lại sát vách. Bỗng, cô Ngữ trượt chân ngã, bê bết bùn và nước bẩn. Chú Tần nhanh chân đỡ cô Ngữ dậy, không ngờ mất đà ngã dúi vào người cô Ngữ. Lại mặt đường trơn quá nên hai người cứ giẫy đạp nhau một hồi. Chứng kiến cảnh ấy, mấy người đi học về cùng. Họ nhốn nháo cả lên, trêu chọc rồi thêu dệt, rằng cô Ngữ bị chú Tần hãm hiếp giữa đường. Chuyện tới tai bà lang Ái, không đợi cô Ngữ giải thích, sẵn đang bực mình, bà vơ đòn gánh dựng góc nhà đánh cô Ngữ một phát nhằm đầu. Cô Ngữ ngã xuống đất bất tỉnh, máu me tuôn ra lai láng. Tỉnh dậy cô Ngữ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Sau vụ ấy, chú Tần hình như trốn biệt vì chú sợ bà lang Ái. Chú không dám đi ngang nhà mà phải vòng lên một đoạn xa đến trường. Mấy người bạn học cũng không còn đánh chú nữa, có lẽ họ biết mình quá đáng khi đã làm cô Ngữ bị bệnh. Rồi chú Tần xung phong đi bộ đội. Nghe đâu, trước ngày lên đường hai người gặp nhau dưới gốc cây đa cạnh miếu thờ. Cô Ngữ không còn ngớ ngẩn nữa mà rất tỉnh táo. Buổi chiều hôm ấy cô tắm gội sạch sẽ, quần áo gọn gàng ra đầu ngõ đợi chú Tần. Lúc này bà lang Ái đi khỏi chứ nếu không sẽ bắt cô trói vô cột rồi. Chú Tần đưa cô Ngữ xuống bến sông, ngồi trên phiến đá to, đen nhánh như lưng trâu tâm sự. Người làng ai cũng ngạc nhiên rằng cô Ngữ dở tính như vậy sao chú Tần lại yêu, hay vì chú thấy mình có lỗi. Không ai lý giải được nhưng thấy họ lén lút quấn quýt bên nhau, cười nói vui vẻ, người thì lắc đầu cám cảnh, kẻ thì buộc miệng, trời đày chú Tần rồi. Bà Thiền thì lại vui, bà bảo biết đâu chính tình yêu sẽ làm cho cô Ngữ khỏi bệnh. Mà hình như là vậy, từ ngày có chú Tần bên cạnh, cô Ngữ trông vẻ hiền hơn, xinh đẹp hơn và cũng cười nhiều hơn.
4. Cánh đồng làng rất rộng tiếp giáp với bờ sông, phía trong làng là ruộng lúa, phía bờ sông trỉa bắp, gieo vừng. Nhà bà Thiền có hai sào ruộng khoán và miếng đất nhỏ trồng hoa màu. Chị Tư Hiền làm cả, thỉnh thoảng Hai Đông mới ló mặt ra xem chừng, coi lúa hay hoa màu đến kì thu hoạch chưa. Hôm ấy, chị Tư Hiền ra đồng nhổ cỏ bắp. Trên đồng lác đác vài chiếc nón trắng lắc lư, tiếng cười nói, trêu nhau vang xa. Họ là những cô gái mới lớn, đang xới cỏ đậu ở mảnh đất đằng kia. Chị thấy vui vui, cũng muốn nghỉ tay đến đó góp vài câu chuyện. Nghĩ vậy thôi chứ chị đâu dám, họ còn trẻ, còn chị đã có chồng, biết nói gì đâu. Ngay trong lúc chị đang bâng quơ nghĩ ngợi thì văng vẳng tiếng một người con gái đưa lại, loáng thoáng rằng chồng chị là tác giả của cái thai mà cô Ngữ đang mang. Chị nghe mà choáng váng. Có cô còn cạnh khóe, rằng cây độc không trái gái độc không con, vậy chồng không đi kiếm con ở ngoài mới lạ. Mà không kiếm ai lại kiếm ở con dở người mới chết cơ chứ. Kèm theo những lời độc địa ấy là một tràng cười dài, xoáy vào óc chị đau buốt. Đêm ấy về Tư Hiền đã gặp một cơn ác mộng khủng khiếp. Chị đã bị đuổi ra khỏi nhà. Người xô chị ngã không ai khác là cô Ngữ. Chồng chị thì nhếch môi khinh bỉ, xua tay khi chị khóc lóc van xin. Còn mẹ chồng, lâu nay luôn đứng về phía chị thì buông một câu lạnh tanh, vô cảm rằng bà cần một đứa cháu nối dõi hơn là một đứa con dâu không biết đẻ rồi dúi chị ngã sóng soài nên sân gạch. Chị đã hét lên, mồ hôi tứa ra đầm đìa. Tỉnh dậy, miệng chị vẫn còn ú ớ.
5. Cô Ngữ sinh bẻ trai, trông khôi ngô lắm, nhưng da trắng ngần chứ không ngăm đen như chú Tần. Người làng bàn tán, chú Tần là cà cưỡng nuôi tu hú rồi. Chú Tần im lặng, xăng xái lo cho cô Ngữ. Hai Đông dò hỏi, Tư Hiền buồn bã đáp lời chồng chiếu lệ rồi lủi thủi ra nhà sau, cho lợn ăn. Chị đã chắc mười mươi sự thật, lòng quặn thắt, nước mắt cố lắm mới rỉ ra từng giọt. Bà Thiền nhìn vẻ mặt trầm ngâm của con trai, lắc đầu ngán ngẩm.
Bà lang Ái sau trận ốm, nay yếu lắm rồi. Bà Thiền hay thắp hương cho chồng, lầm rầm khấn vái và siêng đi chùa hơn. Thỉnh thoảng bà qua chăm sóc bà lang Ái, nấu cháo trứng gà cho bà ăn nữa. Cô Ngữ sinh xong, bệnh cũng đỡ hơn. Ánh mắt ngời lên hạnh phúc. Chú Tần xin cha mẹ tới dạm hỏi cô Ngữ. Bà Thiền bảo con dâu qua giúp được gì thì giúp, còn đưa tiền cho bà lang Ái nữa. Hai Đông từ ngày ở nhà thì đi xây, nếu không đi xây cũng kiếm việc gì đó để làm, quần quật cho hết ngày, chiều về tắm táp, cơm nước xong là lủi vô buồng nằm. Hắn không còn thời gian chuyện phiếm ở quán nước đầu làng nữa. Tiền kiếm được đều đưa cho vợ, hắn chỉ giữ một ít tiêu vặt thôi. Cuộc sống vật chất gia đình bà Thiền coi như ổn định. Nhưng hình như họ có điều gì đó giấu nhau, không dám nói với nhau. Nhất là từ hôm Hai Đông bị mời lên xã vì tội tham gia phá hoại miếu thờ. Thì ra đấy là âm mưu của Hai Đông, hắn muốn vu vạ cho chú Tần vì chú Tần và cô Ngữ hay hò hẹn nơi ấy, chướng mắt lắm.
Hôm chú Tần đưa cô Ngữ về bên nhà, Tư Hiền dậy sớm lo việc nhà rồi đạp xe theo. Bà Thiền dặn dò điều gì đó rồi cũng mặc áo lam lên chùa. Hai Đông nghỉ việc nằm nhà, đung đưa chiếc võng ngoài hiên, mặt tư lự ra chiều suy nghĩ. Đoạn, hắn ngồi tựa lưng vào cột nhà, ném vốc gạo cho lũ gà con ăn. Trông hắn nhấp nhổm không yên, lắc đầu như thể ai đó vừa hỏi một câu gì. Hắn ra vô mấy lần rồi xếp đồ đạc và đi.
6. Cái miếu thờ được trùng tu lại, đường xuống bến sông cũng được tráng bê tông, xây mười bậc cấp tới mé nước. Đã nửa năm Hai Đông vẫn chưa về. Chị Tư Hiền bảo với mọi người rằng ngựa quen đường cũ, trói chân không được thì cứ để tung hoành. Bà Thiền thì triết lý Phật giáo, âu cũng là cái duyên. Thương con dâu vào ra một thân một mình, đến mụn con hủ hỉ sớm chiều không có, bà Thiền tụng niệm nhiều hơn. Tư Hiền buồn lắm nhưng trước mặt mẹ chồng chị cố làm vui, chuyện trò này nọ. Thỉnh thoảng lọc cọc đạp xe qua nhà chú Tần chơi với cô Ngữ, đùa với cu con tí rồi về. Chú Tần được vô Uỷ ban xã làm việc. Cô Ngữ thì ra chợ thuê lại gian hàng để bán tạp hóa. Hôm Tư Hiền ra đồng, ngang qua nhà bà lang Ái, biếu bà gói trà, loại mà ngày trước ông Thiền hay uống. Bà lang Ái cầm gói trà mà nước mắt rưng rưng. Chị Tư Hiền lúng túng, nói dăm câu rồi quày quả ra về.
7. Bà lang Ái mất đột ngột không ai ngờ, chỉ qua một trận ốm xoàng. Bà đi nhẹ nhàng, không kịp trăng trối điều gì. Bà Thiền rước thầy trên chùa về tụng niệm đông lắm. Bà bảo Tư Hiền gọi điện cho chồng về. Tư Hiền chần chừ, biết chồng ở đâu mà gọi, gọi về có kịp không. Nói vậy nhưng chị vẫn đạp xe lên bưu điện văn hóa xã gọi điện cho Hai Đông nhưng máy không liên lạc được.
Bà lang Ái được an táng cách mộ ông Thiền một khoảng chừng vài chục mét. Họ hàng bà không có ai, chỉ có người làng Năng Tự chưa đầy năm chục người đưa tang. Đi sát sau linh cữu bà là chú Tần, cô Ngữ ôm thằng cu con, bà Thiền và chị Tư Hiền. Ra đến nghĩa địa, sau tràng kinh độ trì siêu thoát, bà Thiền cầm bó nhang rẽ đám người đến mộ chồng. Bà lầm rầm khấn vái, hình như bà khóc thì phải. Chị Tư Hiền cũng khóc. Không biết chị khóc thương cho bà lang Ái hay khóc vì lòng quặn đau bởi số kiếp mình đang lãnh mang những oan nghiệp của gia đình chồng. Và ngay trong lúc mọi người ngạc nhiên, nhìn nhau xì xầm to nhỏ khi thấy cô Ngữ ôm cu con đến bên mộ ông Thiền khóc ròng thì chị Tư Hiền ngửa mặt lên trời, nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa.
S.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét