Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Ai bảo chăn trâu là khổ
Sáng hôm sau ông Yêm dắt con nghé sang trả cho bố mẹ
tôi. Tôi thực sự không tin vào mắt mình khi thấy một con vật cũng mang danh là
con nghé, con trâu mà sao nó ghê tởm đến vậy. Khắp người nó ghẻ kềnh ghẻ càng.
Cái mông, cái đít cần phải to thì tóp lại, cái bụng cần nhỏ thì lại phình to
như chiếc trống đình.
Tôi đặt tên cho nó là con Cóc Cụ. Chị Thắm gật gù khen
tôi khéo đặt tên. Đặt tay lên lưng Cóc Cụ, bố tôi bảo:
- Từ nay hai chị em
cùng chăm sóc con trâu và nghé này nhé. Chăn thế nào để mấy tháng nữa không ai gọi
nó là Cóc Cụ nữa mà là con Ếch Mà!
Hai đứa chúng tôi ngay sau đây dắt nó ra cái mương cạnh
đường làng kỳ cọ tắm rửa cho nó rồi mới dắt đi chăn.
Tôi cầm sợi dây thừng lôi Cóc Cụ đi trước. Trâu bò dễ
điều khiển nhất là khi nó đã được xỏ mũi. Con Cóc Cụ này cũng đã đủ lớn rồi,
vậy mà không biết vì sao, ông Yêm vẫn chưa chịu xỏ mũi cho nó, vẫn cho nó “vô
sừng vô sẹo”, ngoài vòng pháp luật đến tận bây giờ. Lúc này, kiềm tỏa nó chỉ trông
chờ vào sợi dây thừng buộc cổ. Mà nó cứng đầu cứng cổ thế kia, sợi dây thừng nào
có ra gì với nó.
Hôm nay tôi
cũng rất khó khăn khi giong nó đi. May mà có chị Thắm đi đằng sau, vừa đẩy đít
vừa cầm roi quất vào mông, nó mới chịu nhúc nhích.
- Kiểu này thì làm sao điều khiển được nó! Ra ngoài
đồng không khéo nó lại ăn hết lúa mạ của người ta mất thôi. Thôi, cho nó quay
về nhà nhờ ngườixỏ mũi cho nó đã.
Tôi nói ý này với bố tôi. Bố tôi tán thành. Ông nói: Đây
là một bước ngoặt đối với đời một con nghé, là bước chuyển từ trạng thái tự do
vô ý thức sang sự ràng buộc tự nguyện, ở nhiều nơi, người ta coi giai đoạn này quan
trọng lắm, nên trước khi xỏ mũi thường
lập đàn cúng bái. Nhưng với chúng ta, thời buổi “dân chủ cộng hòa” rồi, chả nên bày vẽ ra làm gì mà chỉ cần tắm
rửa, vệ sinh cho nó khỏi nhiễm trùng là được.
Hai chị em tôi dắt Cóc Cụ ra con mương cạnh đường
làng. Tắm rửa xong, Cóc Cụ xinh đẹp và đáng yêu hẳn lên. Chắc nó thấy trong
người rạo rực hay sao mà sau đấy cứ “động cỡn”, hết nhảy cẫng, lại lồng lên, cắm
đầu cắm cổ chạy ra tít ra xa mới quay đầu lại.
Chúng tôi dắt Cóc Cụ về đến nhà, đã thấy bố mẹ tôi để
sẵn một nồi cám sống với một rổ củ khoai lang để bồi dưỡng cho nó. Nhìn nó ăn
ngon lành, cái đuôi đập lên đập xuống rối rít, hai cái tai vẫy vẫy liên hồi, cả
nhà tôi không ai không vui.
Nhưng rồi, cả tôi và chị Thắm buồn xịu đi ngay, khi
nhìn ra ngõ thấy ông Thược, người chuyên thiến và xỏ mũi trâu bò thuê trong
làng, thấp thó ngoài ngõ.
- Vậy là đến lúc Cóc
Cụ bị đau rồi, chị Thắm ơi!
Tôi không thấy Thắm nói gì, chỉ thấy ở khóe mắt chị ứa
ra hai giọt nước mắt.
Việc xỏ mũi con Cóc cụ xảy ra chóng vánh đến mức không
ngờ. Đầu tiên tôi thấy ông Thược cột đầu Cóc cụ vào thanh gỗ gióng chuồng. Sau
đấy ông dùng chiếc đũa bằng tre cật vót nhọn, luồn vào hai lỗ mũi của nó, kéo chếch lên, rồi bất thình lình xiên mạnh
một cái. Tôi vội quay mặt đi. Lúc quay lại mọi việc đã xong xuôi. Một đoạn chạc
tơ dứa, dài khoảng 3 tấc, được thắt nút một đầu, còn đầu kia thui nhọn, luồn
nhẹ nhàng vào mũi con nghé, qua nơi vừa xiên thủng.
Tôi hỏi ông Thược làm thế này con nghé có đau không, ông cho biết vách ngăn
giữa hai lỗ mũi của nó có một điểm bằng sụn, xiên que nhọn vào chỗ ấy, con vật
không bị đau và không bị chảy máu.
Tôi cảm thấy đỡ xót lòng. Chị Thắm hình như cũng thế.
Tôi thấy chị vừa quệt nhanh giọt nước mắt, vừa đút củ khoai lang vào miệng Cóc Cụ.
Nó nhai ngon lành. Vậy là yên tâm!
Công việc xỏ mũi nghé như thế là xong. Giờ đây tôi và
chị Thắm có nhiệm vụ dong hai người bạn thân yêu ra ngoài bãi tha ma cho chúng
ăn cỏ.
Mẹ tôi dúi cho hai chị em tôi gói cơm nắm với muối
vừng. Bà bảo, trưa khỏi về nhà, dành thời gian cho trâu, nghé ăn cỏ.
Thế là chúng tôi ra khỏi cổng nhà. Con trâu đực thiến,
gõ móng cồm cộp xuống nến sân gạch, tạo nên một âm thanh ngồ ngộ, vui tai. Con
Cóc Cụ thì quên cả người chăn dắt, hí hửng chạy theo con trâu. Chắc nó tưởng đó
là mẹ nó vừa về với nó.
Cứ thế, chị Thắm dắt con trâu đi trước. Tôi dắt Cóc
Cụ đi sau. Bốn chúng tôi rầm rập tiến về phía trước.
Chị Thắm bảo tôi “Hôm nay mình chăn trâu đồng xa,
không chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu” cậu nhé. Chị bắt chước câu ca quen
thuộc trong vở chèo Tấm Cám. Tôi hỏi chị, chăn ở đồng nào. Chị bảo ra khu mả
Cao. Khu ấy rộng gấp chục lần mả Vần,
chị thường đến đó lâu nay.
Mả Cao ở cuối làng tôi. Khu mả này nguồn gốc có từ bao
giờ dân làng tôi kể cả các cụ già cũng ít người được biết. Các ngôi mộ phần lớn
là vô thừa nhận, không người chăm sóc nên lâu dần biến thành bãi cỏ hoang, tha
hồ cho bọn trẻ đến đây, chỉ cần quấn sợi dây thừng lên hai sừng trâu (hoặc bò)
rồi đuổi chúng chạy ùa sâu vào trong mả, là thỏa sức chơi khăng, đánh đáo hoặc thả
diều.
Cuối khu mả có một ngôi miếu cổ, gọi là miếu Âm hồn,
quanh năm hương tàn khói lạnh. Trưa hè trời nắng chang chang hoặc những ngày
đông, gió bấc mưa phùn, đám trẻ trâu và những người làm đồng, thường đến đây
tránh nóng, trú mưa. Ngôi miếu cổ nhờ đó mà bớt lạnh lẽo, hoang vu, thậm chí
còn là nơi ấm áp tình người.
Bấy giờ đang là mùa xuân. Xung quanh khu mả, những
ruộng rau cải xanh, rau cải củ…đang nở đầy những bông hoa trắng muốt, những
bông hoa vàng rực rỡ dưới bầu trời âm u, nơi những đám mây nhẹ như tấm khăn
quàng đang bay là là sát mặt đất, khiến những người làm đồng có cảm giác giơ
tay lên là cuộn được nó mang về nhà.
Khác hẳn những giống hoa khác, hoa cải (cải xanh cũng
như cải bẹ) biết mình sinh ra không được
người đời nâng niu làm cảnh, nên không thể
kiêu căng đứng làm đẹp một mình mà phải nương tựa nhau, hòa vào nhau, khi ấy
mới thực sự là đẹp. Đó là lý do vì sao những bông hoa cải khi đứng một mình,
không ai thấy đẹp nhưng khi thành những cánh đồng hoa thì nó tạo nên một sắc
đẹp diệu kỳ, đầy sức cuốn hút, mê hoặc lòng người.
Hôm nay sau khi thả con trâu, con nghé vào trong mả
Cao, chị Thắm rủ tôi vào trong miếu Âm hồn.
Ngồi được một lúc, chị lại kéo tôi ra ruộng cải trước cửa miếu. Chị ngắt
một nhánh hoa, cài lên mái tóc đen nhánh, nghiêng mình làm dáng rồi hỏi tôi:
- Cậu thấy chị thế
nào? Đẹp không?
Tôi bĩu môi (giả bộ) đáp:
- Rất đẹp! Đẹp như
tép kho tương. Kho đi kho lại tép trương phềnh phềnh…
Tôi chưa kịp nhìn xem bộ mặt của chị phản ứng trước
câu nói của tôi ra sao thì đã thấy chị nhảy bổ lại, vật ngửa tôi ngã xuống luống
hoa cải rồi cứ thế vừa đấm thình thịch, vừa bóp cổ tôi:
- Có thật chị xấu
thế không?
Tôi thấy nghẹt thở những trong lòng vẫn không muốn chị
buông tay ra. Da thịt của chị hôm nay lạ lắm. Có một lực hấp dẫn nào đấy cứ hút
lấy tôi, khiến tôi không muốn buông người ra khỏi chị.
Trong cơn nghẹt thở, tôi ú ớ nói đứt quãng:
- Vậy chị cho em
nói lại nhé. Chị rất xinh. Xinh nhất làng này.
Chị
buông tay ra, thở hổn hển:
- Ừ, có thế chứ.
Ngồi trong miếu Âm hồn được một lúc, cảm thấy chán,
chị bảo tôi ra ngoài khu mả để xem con trâu, con nghé ăn uống, đi đứng ra sao.
Đi đến bên con trâu đực thiến, chị âu yếm vỗ lưng nó,
rồi hỏi tôi:
- Cậu đã cưỡi trâu bao giờ chưa?
Tôi thú thật với chị là chưa. Chị nói ngay:
- Vậy hôm nay chị
em mình cùng cưỡi trâu nhé!
Tôi gật đầu, khoái trá. Chị nhẩy phốc một cái, ung
dung chễm chệ ngồi trên lưng trâu. Trong khi đó, tôi leo mãi, không sao trèo được
lên lưng nó. Bởi tôi thì thấp mà trâu lại cao, mấy lấn nhảy là bằng ấy lần thất
bại.
Chị nhảy xuống đất bảo tôi:
- Ngốc ạ! Không đủ
sức leo lên mình trâu thì phải dùng mẹo chứ. Này, xem đây.
Chị
chạy ra đằng sau con trâu, mở to khẩu độ ngón chân cái và ngón bên cạnh ra, kẹp
vào sợi gân ở phía sau chân trâu, lấy đó làm điểm tựa, leo lên.
Tôi làm theo chị, không được. Cả ba bốn lấn đều không đạt
kết quả. Kẽ chân tôi thì hẹp mà sợi gân chân con trâu thì lớn.
- Thua keo này bầy,
keo khác, cậu theo chị.
Chị đi đến phía đầu con trâu, hai tay dúi mạnh đầu
nhọn của cặp sừng xuống rồi hét, ra lệnh:
- Cúi xuống!
Như trước người dạy thú chuyên nghiệp, con trâu ngoan
ngoãn từ từ cúi đầu. Chị bảo tôi:
- Ngựa đã thuần rồi,
mời ngài lên!
Chị bắt chước một câu trong một vở chèo. Thấy tôi tỏ
ra lúng túng, chị làm mẫu, đặt một chân lên đầu con trâu làm bậc thang, rồi từ
đó leo phắt lên mình trâu. Tôi nhìn chị mà kính nể.
Đến lượt, tôi vẫn sợ. Tôi cứ tưởng tượng đến cảnh, con
trâu đang yên lành, bất thình lình, hất mạnh cái sừng nhọn, đâm thẳng vào bụng
tôi, rồi bêu lên cao. Tôi sợ hồi lâu cứ đứng im, không hề dám nhúc nhích.
Chị Thắm dậm chân phành phạch:
- Con trai gì mà
nhát thế. Trứng dái của cậu bé bằng hột mây phải không?
Tôi ngượng chín người, đành phải như thằng bù nhìn rơm,
mềm nhũn cho chị bế bổng vứt lên lưng trâu.
Rồi chị cũng leo lên lưng trâu, vòng hai tay ôm chặt
lấy tôi phía đằng sau. Thấy tôi yên vị đâu vào đấy rồi, chị mới cầm đầu sợi dây
thừng quất nhẹ vào mông nó một cái. Con trâu lồng lên, rồi co vó chạy, càng lúc
càng nhanh. Phi trâu một vòng rồi hai ba vòng trên bãi tha ma, tôi phát hiện
đám trẻ trâu khác, thấy thế, cũng bắt chước chúng tôi. Chẳng ai bảo ai, chẳng
có trọng tài, giám khảo, cuộc thi tự phát, càng lúc càng háo hứng, sôi nổi. Tôi
mệt nhoài nhưng vui quá nên cũng chưa muốn nghỉ. Con trâu theo đuổi cuộc thi
đến cùng hôm ấy là trâu nhà tôi. Các con khác đều phải bỏ giữa chừng.
Mãi mãi sau này tôi không mấy khi có được cảm giác rạo
rực phấn chấn như lúc này. Con trâu càng lồng lên, chị càng ôm chặt tôi hơn.
Hình như chị sợ tôi bị ngã. Toàn thân tôi nóng bừng bừng. Nóng nhất là ở phía
lưng. Ở đó, con tim chị nghe chừng đập mạnh lắm. Cứ thình thịch, thình thịch. Ở
đó của chị, còn có cái gì khác thường nữa. Cứ mềm mềm, cưng cứng, trên lưng
tôi.
Con gái 18 tuổi chứ đâu phải là người thường.
Kết thúc cuộc đua, con trâu đang chạy về điểm xuất
phát thì bỗng dưng chị kêu to lên tiếng
“họ”. Nó dừng phắt lại. Người chị ngã dúi về phía trước đẩy luôn cả tôi xuýt
ngã theo. May mà được chị ôm chặt, nếu không,
chắc chắn tôi bị lộn nhào xuống đất.
Chị nhảy khỏi lưng trâu, bảo:
- Chờ chị một lúc
nhá! Chị phải vào trong miếu lấy cái này.
Tôi ngồi lại một mình trên lưng trâu. Cảm giác sợ lại
đến. Bây giờ mà nó vằng cái sừng nhọn hoắt ra phía sau thì tôi chỉ còn lòi ruột
ra mà chết.
Tôi nhớ
đến một câu chuyện đăng trên tờ bán nguyệt san được đọc đã lâu. Một đứa trẻ bị đâm
thủng bụng chết. Lúc đầu người ta nghi có người giết nó. Cảnh sát điều tra cũng
dồn về hướng đó. Vậy mà không. Nguyên do
lại từ đầu nhọn chiếc sừng con trâu khi chú bé mục đồng này cưỡi.
Chị Thắm đã trở ra. Trên tay cầm cây sáo trúc. Chị khoe:
- Chị phải giấu kín
nó ở ngoài này. Vì trong xóm nhiều người không thích đàn bà, con gái thổi sáo!
Tôi khích bác chị:
- Chị mà biết thổi
sáo?
- Cậu có biết chị con
nhà ai không mà hỏi thế?
- Con cụ Kép Mầm,
hát chèo hay nổi tiếng vùng này. Em nghĩ ông chỉ biết hát.
- Không phải thế
đâu. Ông thổi sáo, kéo nhị hay cực kỳ. Môn sáo này là do ông dạy chị đấy. Mới
đó mà chị đã vắng cha 4 năm nay…
- Chị có biết hiện
giờ ông ở đâu không?
- Hình như đang hát
cho một gánh chèo ở Hà Nội tạm chiếm.
Chị
Thắm quay trước quay sau rồi nói:
- Ôi, cậu ơi, Cóc Cụ
đâu rồi? .
Chị đưa lại cây sáo cho tôi rồi chạy biến về phía cuối
bãi. Khi quay lại, chị khoe:
- Thì ra cu cậu ăn
no, đang nằm nhai lại ở gốc bụi tầm xuân kia kìa. Mùa này hoa tầm xuân nở rộ
đẹp quá. Sao chị mê hoa tầm xuân thế không biết. Sau này, có gia đình nhất định
chị phải trồng quanh nhà những giậu tầm xuân. Mà sao hoa tầm xuân lại cứ bị
người đời khinh rẻ thế cậu nhỉ?
Tôi lí nhí đáp:
- Có lẽ nó đẹp
nhưng lắm gai!
- Ờ, hình như là
thế!
Thấy tôi không nói gì thêm, chị giật lấy cây sáo, đưa
lên miệng định thổi. Tôi bảo chị:
- Lên lưng trâu đi
chị. Cưỡi trâu, thổi sáo thế mới hay.
Chị reo lên:
- Ừ phải đấy.
Chị lại phải bế tôi lên lưng trâu. Rồi lại nhảy lên
ngồi sau lưng tôi. Chị bảo lúc này không cho trâu phi nước đại mà là nước kiệu.
Có thế mới thổi được sáo.
Chị hỏi tôi thích nghe chị thổi bài nào nữa không.
Nghĩ đến mấy bài anh Phụng mới dạy, tôi bảo thích bài Thiên Thai. Chị đưa sáo lên miệng. Tôi không ngờ chị cũng
thổi được bài ấy.
Giây phút
sau, âm thanh kỳ lạ vang lên. Tiếng sáo nhưng tôi lại nghe thành tiếng hát:
“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng- Nhớ Lưu
Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên- Kìa đường lên tiên . Kìa rừng ao xuyến… ”
Tiếng sáo của chị vang lên rồi cứ thế, bay vút lên
cao, lên những đám mây đang bay là là trên đầu, rồi lại bay trên bãi cỏ non. Đàn trâu đàn bò, ngừng ăn, ngẩng đầu ngơ ngác.
Tiếng sáo bay qua cánh đồng hoa cải vàng, hoa cải trắng, bay qua những cái đầm
hoang hoa bèo tây nở tím ngắt, bay qua những bụi hoa tầm xuân hơn phớt hồng,
bay qua cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn.
Trưa hôm ấy, tôi và chị lại vào miếu Âm hồn, ngồi bệt
xuống những viên gạch lát nền mốc meo vì từ lâu không có bước chân người qua
lại, giở cơm nắm ra ăn. Mùi mốc của ngôi miếu không hề làm giảm đi sự ấm cúng
của một bữa cơm đạm bạc có một không hai của chúng tôi.
Tôi vừa mới bẻ
nắm cơm chưa kịp đưa lên miệng đã thấy từ ngoài cửa miếu xồng xộc bước vào một
thanh niên quần vẫn còn xắn móng lợn, bùn đất đầy người. Hóa ra là anh Thặng,
làm canh điền bên nhà ông Sáu, chú tôi.
Chẳng cần chào hỏi, Thặng đã bô bô:
- Cơm ngon quá nhỉ.
Cho tôi một miếng. Kiến đang bò trong bụng đây.
Anh ta sà ngồi vào giữa tôi và chị Thắm. Tôi rất khó
chịu. Nhưng Thặng không nhận ra điều đó, vẫn cứ ăn nói bờm xơm với chị Thắm,
nhìn chị bằng hai con mắt láo liêng.
- Anh Thặng đang làm
gì vậy?
Chị Thắm hỏi. Thặng chớp cơ hội, trả lời ngay:
- Tôi bừa dược mạ cho
ông Sáu. Bừa thứ này chán bỏ xừ. Cả đồng lúa đã lên xanh, cánh đồng đã vãn bạn
cày. Không còn bạn cày tức là không có bạn thuốc lào. Cái điếu cầy dắt lưng từ
sáng đến giờ, thèm thuốc cũng chả muốn bỏ ra hút
Thặng tra thuốc
vào nõ điếu cày, bật lửa hút sòng sọc. Duỗi chân dài trên nền miếu, anh ta ngửa
cổ thở khói thuốc mịt mù, hai con mắt đờ ra lim dim .
Thắm
hỏi lấy lệ:
- Anh chưa ăn cơm
à?
- Chưa! Không biết vì
sao hôm nay, họ mang cơm, mang cỏ cho người cho trâu muộn thế?
Chị Thắm cắt cho Thặng một miếng cơm nắm. Thặng giơ
bàn tay đầy đất bốc lấy bỏ tọt vào mồm, nhồm nhoàm nhai:
- Cơm đã ngon, qua
hơi bàn tay con gái càng ngon hơn.
Thặng tán gái trắng trợn quá. Tôi bực mình nhưng vẫn
cố ngậm bồ hòn làm ngọt, đưa miếng cơm lên miệng nhai mà lúc này tôi thấy như
nhai trấu. Giữa lúc ấy, Thặng lại thì thầm bên tai Thắm:
- Ăn xong mình có
chuyện muốn nói với Thắm.
- Chuyện gì vậy
anh?
- Chuyện bên nhà bà
Tộ thịt lợn!
- Vậy nói ở đây
không được sao?
- Chuyện người lớn
nói ở đây có trẻ con nghe không tiện.
Tôi tức lắm. Đúng là kẻ ăn nói hồ đồ. Tôi đã bước sang
tuổi 13 rồi mà anh ta còn bảo là đồ trẻ con à? Đồ đểu! Tôi lẩm bẩm trong mồm. Đã
vậy, trước khi vác cày giong trâu về nhà, anh ta còn chọc tức tôi bằng một câu
nửa đùa nửa thật, tởm lợm:
- Cậu chủ làm mối cái
Thắm cho tôi đi. Tôi đang muốn lấy vợ!
Bất ngờ vì câu nói của Thặng, tôi chỉ còn
biết thốt ra hai tiếng: “Vớ vẩn”! (Hết chương 4)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét