Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!”
(thơ Tố Hữu)
Làng tôi, trước kia, ai cũng gọi mẹ bằng bầm, gọi cha bằng thầy. Dần dần, dân làng tôi, người đi công tác, người đi học nơi xa, hoặc đi làm ăn buôn bán ở ngoài nên sự giao lưu đã làm thay đổi cách xưng hô, từ “bầm” chuyển sang “mẹ” cho bớt vẻ nhà quê. Giờ thì đại đa số con cái gọi những người sinh thành ra mình là bố, mẹ. Tôi không muốn thay đổi cách gọi này vì lúc nào tôi cũng cảm thấy mình còn bé bỏng bên cạnh bầm và mỗi lần cất gọi “bầm ơi”, tôi thấy trào lên một tình yêu thương ấm áp khó tả. Tôi biết lúc ấy, bầm tôi cũng rất vui. Tình cảm tôi dành cho bầm lây sang cả bè bạn gần xa và bầm tôi trở thành bầm của cả các bạn tôi. Mỗi lần đến nhà hoặc hỏi thăm qua điện thoại, các bạn tôi đều không quên hỏi “Độ này bầm có khỏe không?”. Quê tôi rừng cọ đồi chè, bên dòng Lô Giang có “bóng người sầm uất bến Then,” hầu hết gọi mẹ là bầm. Bầm tôi xuất thân từ một gia đình khá giả họ Dương. Ông ngoại làm nghề thầy lang nên bầm cũng học được một vài phương thuốc chữa bệnh bằng cây thuốc Nam lấy trên rừng. Bầm tôi lấy thầy tôi, và ăn ở với thầy tôi được ít năm thì thầy tôi hy sinh trong một trận chống càn của giặc Pháp. Bắt đầu từ đó, cuộc sống của gia đình tôi lâm vào cảnh vô cùng nghèo túng.
Ở vậy nuôi các con, bầm phải làm rất nhiều công việc, từ đồng áng đến chạy chợ, trời rét như cắt da cắt thịt phải vác cuốc ra đồng. Có ngày, 3 giờ sáng phải quảy gánh củi nặng hơn 50 cân đi chợ huyện cách xa 9 cây số, bán đi lấy tiền đong gạo. Nhà tôi có thửa ruộng ở cánh đồng Cầu Trộm- nửa sào, bầm phải cuốc hết một ngày. Hai chân bầm được đôn bằng tấm ván dày 3 phân, dài 2 m, đặt nổi trên bùn, đứng trên tấm ván vung tay cuốc để không bị thụt. Vùng ruộng lầy này, nếu người thụt chân xuống là ngập hết đầu. Trâu, bò bị thụt xuống là chết ngạt. Tôi đi theo giúp bầm cuốc ruộng. Một hôm, bầm bảo tôi về trước nấu cơm. Về nhà, tôi nằm lăn ra ngủ. Trưa, bầm về thấy bếp nguội tanh, nồi vẫn để bên góc nhà. Bầm gọi, tôi pha trò: “Các cụ đã bảo “gạo dé hé nắng là chín!”. Bầm tôi bật cười “Cha bố cái thằng, chỉ tài chống chế”. Vào đầu mùa mưa, những buổi đi cày, chân bầm bị đỉa bám đầy.
Bầm chuẩn bị sẵn cái que, ở đầu buộc một nắm vôi trộn bồ hóng gói trong mảnh vải. Gạt một cái, lũ “đỉa phải vôi” tuột khỏi chân, để lộ ra vệt máu loang trên mặt ruộng. Hình ảnh đó cứ đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ. Sau khi thầy tôi mất, vừa phải vật lộn với cuộc sống lao động vất vả hàng ngày, bầm còn tiếp tục làm giao liên, chuyển tài liệu mật cho một vài cơ sở cách mạng trong huyện. Bầm kể: Mấy lần bị địch nghi ngờ trong quang thúng có tài liệu mật của Việt Minh. Chúng lật tung lớp bèo tây ngụy trang bên trên, nhìn thấy lũ cua bò lổm ngổm, chúng để bầm đi. Chúng có ngờ đâu tài liệu được cuộn cho vào ống sậy rồi được buộc chặt ở dưới đáy thúng.
Bầm tôi có 4 người con. Ba anh em trai chúng tôi lớn lên từ củ khoai, củ sắn của bầm. Lớn lên, anh cả tôi đi bộ đội vào Nam chiến đấu, hy sinh nay chưa tìm được chỗ anh nằm. Anh hai tôi năm sau cũng đi bộ đội, bị thương cụt một chân đến tận háng. Còn tôi, tưởng bầm giữ ở nhà, nào ngờ khi tôi xung phong nhập ngũ thì bầm động viên: “Con đi chân cứng đá mềm, hẹn ngày chiến thắng, chờ con trở về.” Tôi bị nhiễm chất độc da cam, nay thì không hy vọng gì đường con cái. Bầm nuốt nỗi đau vào lòng, nhiều đêm bầm ngẫm cảnh đơn lẻ, khóc cạn khô dòng nước mắt. Trong suy nghĩ và từ sâu thẳm tình cảm của mình, bầm tôi thực sự là Bà mẹ Anh hùng, vĩ đại như biết bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác.
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét