Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Bóng chiều đổ dài những tia nắng dịu nhẹ xuống khoảng sân tráng xi măng sạch sẽ trước nhà. Hồi đó sân này luôn ngập nước mỗi mùa mưa và đầy cát mùa nắng bụi. Nhưng từ khi sắp có cu Bin là ba tôi tráng láng o bằng lý do “Chân em bé yếu, mới tập đi mà đầy cát té dơ mà đau nữa. Mấy đứa phụ ba tráng cho sân đẹp cho cháu chạy chơi yên tâm nha”. Cái sân cáng láng lẫy dù đứa bé chỉ vừa tượng hình trong bụng mẹ.
Lại nhớ hồi thằng em trai kế tôi sắp cưới vợ. Đêm lạy gia tiên, ba tôi rơi nước mắt và nói rất nhiều. Hồi tôi lấy chồng, ba cũng đâu có dặn dò nhiều như thế, bởi ông quan niệm “Con gái lấy chồng là cha mẹ hết trách nhiệm”. Vậy mà thằng bé Ba lấy vợ, ba lại dặn như…trối vậy. “Con à, đời người làm cha làm mẹ đã bắt đầu cực từ khi biết con tượng hình trong bụng. Nuôi con khỏe mạnh lớn khôn là một quá trình, nuôi con ăn học lại càng cực nhọc. Nhưng cha mẹ nào có kể công gì. Nhưng từ nay con đã là chồng, rồi sẽ là cha, là người đàn ông thành gia chi mỹ. Con không chỉ phải kính trọng cha mẹ vợ, mà còn phải yêu thương và độ lượng với vợ mình. Vì người ta yêu thương con vô cùng nên mới theo con về sống cảnh làm dâu làm vợ. Con mà đối xử không phải với vợ, để người ta phải buồn phải hận thì con của con sẽ không vui. Ví như ba đây mà không tốt với mẹ con thì các con có vui không? Người đàn ông khi bắt đầu thành gia lập thất là mới bắt đầu sống đó con ạ. Vì mình sống không chỉ cho bản thân mình…”
Bài giáo huấn của ba kết thúc, thằng em tôi vào phòng nằm vật ra “Trời ơi, yêu là cưới thôi, còn gì từ từ tính. Gì mà ba ca bài ca con cá thấy ớn vậy trời? Hông lẽ giờ… hoãn cưới? Nổi gai ốc hà!”.
Nhưng rồi đám cưới cũng xong xuôi.
Giữa lễ tân hôn, mẹ chồng cho con dâu bao nhiêu vàng cưới là chuyện của mẹ. Còn ba tôi thì ngoắc con dâu lại cho thêm chiếc phòng bì “Đây là ba tặng con cho cái xá vừa rồi mà con vừa xá con trai ba đó. Con có biết hết ý nghĩa không? Là phải luôn tôn trọng nhau, tương kính như tân đó. Cố gắng mà chiều nhau để ngày nào tụi con cũng rạng rỡ và yêu thương, vui vẻ với nhau như ngày cưới hôm nay nhé”.
Có người nói ông sui trai ‘khó chằn ăn”, rồi nàng dâu sẽ khó sống. Có người bảo, thời đại 4.0 mà còn có được ông già biết dạy bảo con cái lễ nghĩa vậy là cô dâu chú rể có phước ba đời, tụi nó sẽ nhìn vào ông mà sống.
Vậy mà…
Khi thằng cu Bin lên ba tuổi thì vợ chồng tụi nó đã không còn tiếng nói chung nữa. Thằng “cục vàng” của ba tôi giờ cách ông gần năm trăm cây số để giọt lệ già rưng rức nhớ khoảnh sân này thằng nhỏ hay chạy nhảy, góc tường kia thằng bé hay níu ông nội chơi trốn tìm…
- Hông biết giờ thằng cu Bin có ai rước chưa ha bé Hai?
- Chắc có ông bà ngoại Bin mà? Mình xa nó mấy trăm cây số, lo có được gì ba?
- Biết là hông được, mà tại thương con thương cháu…
Ba tôi đánh sượt tiếng thở dài rồi đi vào nhà. Bóng dáng già nua cao lênh khênh của ba đổ dài trong bóng chiều chập choạng.
***
Thằng bé Ba chỉ có thằng con trai duy nhất trong bầy con năm đứa của ba tôi. Học nghề xong ở trường Trung cấp thì nó đi Bình Dương làm, tại đây đây nó quen cô gái quê Bình Thuận và nên câu duyên nợ. Em dâu tôi ít khi về nhà, từ cưới tới sinh con chỉ ở nhà chồng hai lần là vào dịp tết nguyên đán với mấy ngày sau cưới.
Nhưng sau 6 tháng hậu sản thì vợ chồng nó quyết định đem con về cho ông bà nội chăm bé bằng lý do “Vừa an toàn, vừa tiết kiệm chi phí vì bên này cái gì cũng đắt như vàng”.
Mẹ tôi gần sáu mươi, cũng còn chăm con nít được, nhưng để thức đêm rồi tã sữa cho đứa bé mới biết lật thì quả là quá sức với mẹ. Vậy là huy động cả ông nội thằng bé bằng công việc chia rõ rệt: ban đêm bà chăm bé, ban ngày là trách nhiệm của ông. Bù lại, bà sẽ đi chợ, nấu ăn.
Rồi thằng bé cũng được ba tuổi. Mập mạp tròn ủm như lợn con. Mấy tiếng nói bập bẹ đã đớt “Ông nhội oi, cho chon cái bắn” là ba tôi cười nghiêng ngả. Với bà nội thì thằng bé Bin luôn đeo theo vạch áo “Bà nhội oi, cho chon bú miếng. Xèm víu dá”.
Ba năm nay, thằng bé không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn là một cây gây cười cho họ hàng. Phải nói rằng vì chăm sóc thằng bé mà ông bà nội nó gầy đi năm bảy ký, có mấy lúc đi ra vườn, ba đã té ngã vì chóng mặt do mệt mỏi, mất ngủ. Nhưng để giúp cho con cái yên tâm làm ăn, ba mẹ không than thở lời nào.
Từ Bình Dương về Tây Ninh có hơn hai giờ đồng hồ chạy xe nhưng có khi ba bốn tháng cha mẹ thằng Bin mới về thăm nó một lần. Tới nhà trưa thì vừa ngã nắng chiều đã ra đi để lại tiếng khóc non dại đến xé lòng. Nhưng nhờ ông bà khéo dỗ nên Bin cũng nín rồi ăn uống.
Tụi nó làm công nhân như hàng vạn công nhân khác. Nhưng được cái là thằng chồng không nhậu nhẹt hay thuốc lá đàn đúm gì. Thành ra bắt đầu dư dả bằng một bảng kế hoạch tài chính. Lương chồng gửi một nửa về nuôi con, nửa còn lại chồng cất vào tài khoản. Lương vợ nuôi hai lao động chính, dư thì vợ… tự nhiên cất luôn. Thảng hoặc về thăm con, tụi nó cũng mua sắm một món đồ chơi trẻ em giá vài chục ngàn đồng cùng bọc trái cây “Biếu má ăn lấy thảo” chứ chẳng phải tay xách nách mang như người ta.
Nhưng má tôi không phiền. Ai nói mẹ chồng hay xoi mói chứ với vợ thằng bé Ba thì mẹ tôi là một “mụ gia” cực dễ tính. Vợ chồng nó về thì cơm nước. Ăn xong chúng nằm “phè cánh nhạn” nựng con. Ba tôi ngại cho con dâu cũng ngoắc thằng con trai bảo “Bây kêu nó đi rửa mấy cái chén đi, để má bây làm hoài coi sao được”. Vậy chứ con dâu vừa kéo xẹt… xẹt…đôi dép xuống nhà dưới là mẹ tôi cản:
- Thôi… con cứ chơi với cu Bin đi. Để mẹ làm hết cho, tội nghiệp mẹ con cả mấy tháng mới gặp.
Thế là con dâu lại quay lên chui tọt vào phòng và mẹ con nó lại cười hăng hắc. Mệt rồi thì ôm nhau ngủ, cùng lúc đó mẹ tôi bắt gà làm thịt, phần nào rang muối ớt cho mang thì mang, phần gà sống thì ướp vào thùng đá nhỏ xíu “Để tụi nó đỡ tiền chợ vài ngày”. Lựa thêm mấy chục quả trứng gà trong chuồng, ký chanh trong vườn và cặp bưởi, trái mít nữa…Mùa nào thức ấy để gói ghém cho con mang đi “đỡ đồng nào hay đồng đó” vì mẹ biết quê người đắt đỏ, phòng trọ 12 mét vuông chỉ là nơi ăn và ngủ chứ có trồng tỉa được thứ gì.
Con dâu ban đầu còn từ chối lấy lệ. Sau thì a thần phù vác chất lên xe. Vui tay còn ngắt thêm nắm ớt xiêm xanh hay vốc trái tắc “để dành uống nước”.
Tôi không nói quà cáp là thể hiện yêu thương. Nhưng quà cáp chính là xuất phát từ tấm lòng. Mà lòng con dâu của mẹ tôi đối với bà không đậm lắm. Bốn năm hôn nhân mà lon sữa người già, viên thuốc bổ cho cha mẹ, con dâu cũng chưa một lần mua được.
Nhưng ba mẹ tôi nào có để tâm, vì nước mắt luôn chảy xuôi, sóng mũi lúc nào cũng quay xuống. “Em con làm ăn xứ người cực khổ lắm, nó lo cho con nó bao nhiêu hay bấy nhiêu, còn ba mẹ thì… chấp gì”. Ba tôi hay nói thế. Vậy mà tuần trước đây, mẹ thằng Bin về “ăn cắp” thằng nhỏ đi mất.
Nó về một mình chứ không có chồng, thấy cha chồng đang chơi với con mình, nó nói:
- Anh Toàn bận công việc không đi chung con được. Nhân dịp em gái con từ nước ngoài về chơi, gia đình còn đang ở Vũng Tàu nên con xin phép ba, cho con ẳm cu Bin ra cho dì nó mừng.
Thì con nó, nó ẵm. Cha chồng biết nói gì. Nhưng ba tôi bảo con dâu hãy chờ mẹ chồng của nó về, để bà soạn cho Bin mớ áo quần thì mẹ thằng bé bảo “Xe đang chờ, con không đợi bà nội về được ạ”. Rồi nó ẵm con tất tả ra xe. Sự việc quá nhanh khiến ông nội thằng bé không kịp làm gì cả. Định thần lại, ông gọi cho con trai mới hay vợ chồng nó gây lộn hơn hai tháng nay, vì bất đồng nhiều quan điểm trong cuộc sống. Đứa ở một nhà trọ riêng từ lâu rồi.
Mẹ tôi đi chợ về biết chuyện thì cuống cuồng, đòi chồng chở ra bến xe để “chặn nó lại”. Ba tôi bần thần “Nó đi xe du lịch, sao mà chặn được”.
Dù con trai đã nói rõ, có thể vợ chồng nó sẽ ly hôn, con dưới sáu tuổi sẽ giao cho mẹ. “Rồi nó lớn lên, lá cũng rụng về cội thôi, ba lo cái gì”. Em trai tôi nói nhẹ hều.
Tôi gọi điện cho em dâu, bảo việc đâu còn có đó, coi bộ em gấp gáp quá? Nó tru lên trong làn sóng âm “Chị mà biết cái gì? Hai đứa làm ca tréo ngoe nhau. Em sáu giờ sáng tới hai giờ chiều, ảnh hai chiều tới mười đêm. Công nhân xưởng gỗ chị nói ngon lành lắm chắc? Tiếng ồn kinh thiên động địa, bụi mạc cưa, mùi sơn cứng mũi, xì- trét nặng nề mà chồng không hiểu cho. Sáng thì ảnh ngủ tới mặt trời xỏ lổ tai, dậy ăn sáng là 11 giờ rồi ngồi bấm game hoặc lai rai với mấy cha bạn trọ. Em nhờ đi chợ nấu ăn cho em về được chén canh nóng cơm dẻo thì ảnh… kêu quán đem tới, nổi ôn không? Nhưng chuyện để em quyết định chia tay là ảnh dám đem người đàn bà khác về phòng trọ của vợ chồng, cô ta còn ngủ trên nệm của em. May bữa đó xưởng cho nghỉ sớm nên em về và bắt gặp. Ảnh bảo rằng, cô ta là em thằng bạn cùng dãy trọ, ở quê lên tìm anh nhưng anh cô ta đi làm chưa về. Ảnh tội nghiệp nên cho vô phòng mình nghỉ tí, ai ngờ cô ta tắm gội rồi ngủ luôn. Ảnh ngồi nhậu ngoài hiên nên không biết được là cô ta vô tư nằm trên nệm của vợ chồng mình. Chị là em, chị tin được không? “Một lần bắt được năm mười lần không” nha chị! Em không bỏ qua được cái kiểu chồng “chơi cha” như vậy! Nên em ly hôn, con em em nuôi”.
Tôi lại gọi em trai, hỏi về câu chuyện, nó bảo vợ nó nói không có gì sai. Chỉ là nó và cô gái kia không có gì với nhau hết. “Vợ chồng mà không tin tưởng nhau được thì sống bên nhau làm gì. Nó muốn ly hôn thì em chiều”.
Cái tôi ai cũng to hơn cả cân nặng bản thân nên xem như cha mẹ tôi bó tay.
“Ừ thì con nhỏ ở với mẹ là hợp lý; ừ thì lá rụng về cội… nhưng biết cội già này có chờ được đến ngày lá rụng về không hả con? Rồi bao lâu nay mẹ nó không ở gần, làm sao biết sở thích nó như thế nào khi ngủ, biết nó thích ăn món gì, chơi trò gì mà chiều chuộng? Thằng nhỏ sẽ khóc vì nhớ ông bà, rồi nó ốm yếu bệnh tật thì sao hả con? Thiệt… người trẻ họ ly hôn dễ lắm, nhưng sao họ không nghĩ đến tâm tư người già và con trẻ của họ để bớt hăng chút?”
Ba tôi hỏi nhưng tôi cũng không làm sao trả lời được. Khi tuổi già và tuổi trẻ đã có nhiều cách biệt về quan niệm sống thì tư tưởng càng khó gặp nhau. Chỉ thương ba tôi chiều nào cũng thẫn thờ nhìn khoảnh sân mà nhớ những bước chân sáo tung tăng của thằng cháu nội.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét