“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh". Những câu ca trong bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn đã khiến hồn người xa quê bâng khuâng hoài niệm về nơi sinh ra và nuôi dưỡng mình. Đặc biệt với những món ăn dân dã miền quê lại làm say lòng kẻ đi, người ở.
Cháo không phải là món ăn xa lạ với tất cả mọi người, ai cũng có thể dễ dàng bắt bếp, cho gạo, thịt heo hoặc gà, vịt vào rồi nêm vừa miệng là có thể dùng. Nhưng để làm nên vị cháo ngon ngọt, đậm đà, người dân miền Tây đã cho thêm cá lóc đồng – loài cá bắt được trên ruộng, sông những hôm nước lớn hay ngày mưa – vào nồi cháo. Qua bao năm tháng, từ món ăn thôn quê nó đã trở thành món ngon được khách bốn phương yêu thích mỗi khi có dịp về miền quê sông nước yên bình.
Đúng chất miền Tây, cháo cá lóc thường ăn kèm với rau đắng đất – loại rau mọc ở các mô đất quanh nhà, dọc bờ kênh quanh ruộng lúa, có lá nhỏ chứ không phải rau đắng công nghiệp thường thấy trong các nhà hàng. Tuy nhiên, loại rau này có vị đắng “cực đại” nên thường chỉ những người dân quê tôi mới đủ sức nếm vị siêu đắng của rau này. Nấu cháo cá lóc không quá khó nhưng dĩ nhiên, một món ăn được cho là “ngon nức tiếng” thì không phải ai cũng biết hết cách nấu đúng điệu.
Rau đắng ngọt lịm tình quê,
Anh đi lục tỉnh anh mê không về.
Cùng với các loại rau dại khác như: rau má, rau trai, rau ngót... thì rau đắng là một trong các loại rau có rất nhiều ở vùng quê tôi. Người dân quê tôi chẳng cần tìm cho nó một cái tên hoa mỹ nào mà nhằm ngay vào bản chất của nó mà gọi: rau đắng (vì đây là loại rau có vị rất đắng người không quen sẽ không ăn được).
Còn nhớ, cứ sau mỗi đợt trời sa mưa giông như hôm nay, thể nào đám rau đắng trong ruộng cũng “nhổ giò” thiệt nhanh. Khi đó, đám trẻ nít trong xóm tụi tôi lại được bữa la cà ngoài đồng hái rau đắng. Chẳng phải vì thèm ăn, mà chỉ là một thú chơi sau ngày mưa, y như thú đi bắt châu chấu, cào cào trong những ngày nắng , hay giống như thú chơi khi mỗi đợt lũ về tôi cùng đám bạn trong xóm đi xuồng ba lá nhỏ ra kênh ngồi câu cá rô, cá lòng tong, hay đi đặt sờ di bắt cá lóc đồng đem về nấu cháo.
Để rồi sau đó trong chái bếp sau nhà, có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất nóng hổi, mà má dành cho lũ trẻ chúng tôi ăn cho giải cảm, lại no bụng trong những ngày nắng oi bức. Nồi cháo giải cảm của má chỉ có vài hạt gạo trắng tinh nở bung như hoa, kèm với mấy lát cá lóc và gừng thái chỉ bốc khói nghi ngút. Má múc cháo ra tô rồi cho vào một dúm rau đắng xanh non, rắc thêm một chút muối tiêu vào, đứa nào cũng húp xì xà xì xụp rồi cười tí toét, “ má ơi!cho con chén nữa”.
Vị đắng của rau đắng đất sau khi hòa tan trong miệng lưỡi sẽ hồi đáp vòm miệng ta vị ngọt độc đáo hiếm có trên đời. Vị ngọt lạ của nó dần dần thấm sâu vào đáy dạ dày sao mà đê mê đến vậy! Rồi những miếng thịt cá lóc trắng phau thấm đẫm nước mắm ngon cay cay ớt bằm khiến ta thỏa mãn giác quan là mùi thơm của hành ngò quyến luyến cánh mũi.
Má nói, cháo cá lóc rau đắng đất còn quyến rũ ta bởi cái đầu và đùm ruột của cá - hai nơi chỉ dành cho bậc trưởng thượng “đụng đũa”. Mút xương đầu cá nghe chất béo của tủy của da cá luồn sâu cơ thể. Thịt má cá nung núc. Xương yết hầu cá, nút nhẹ, phần nạc cá nằm gọn trong họng. Thịt hai “ót” cá được người miền Tây phong tặng là “thịt gà”. Đùm ruột cá sẽ cho ta vị bùi của gan, vị nhân nhẩn đắng của mật, vị dai giòn sần sật của bao tử và vị béo của ruột cá...Phần ấy tụi bây đứa nào ăn được thì ăn không thì để đó cho tía đi đồng về ăn.
Cái nóng của món ăn làm chúng tôi xuất hạn đổ mồ hôi nhưng lại làm “tan chảy” cái nóng khắc nghiệt của đất trời hậm hực trong cơ thể. Khỏe người. Chính vì vậy mà người quê tôi thường ăn cháo trong những ngày, nhất là buổi trưa.
Nào là trời nóng, dọn nồi cháo nóng cùng rau đắng đất thì chỉ nhìn thôi đã thấy mát trong dạ rồi. Nào là rau này biết cách nấu thì ăn ngon, khi mới ăn thấy hơi đăng đắng, nhưng nuốt rau khỏi cổ họng sẽ đọng lại vị ngọt trên đầu lưỡi. Năm tháng ngày xưa dần trôi qua, dù hiện nay chỉ cần muốn ăn là dắt nhau ra quán ăn, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác không ngon bằng món cháo giải cảm cá lóc, rau đắng má nấu ngày xưa. Phải chăng hương vị ấy phải được thưởng thức cùng với mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng ở quê nhà mới ấm lòng, ngọt ngào những ai phải tha hương vì cuộc sống áo cơm.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét