Nhà văn - nhà báo Nam Thi (TP. HCM)
Sáng nào Toản cũng dậy lúc 5 giờ, đi bộ một vòng, đến 5 giờ 45 ghé quán cóc ở đầu hẻm Chùa, kêu một cái café sữa nóng.
Hôm ấy, khi khuấy ly café sữa, không hiểu do đâu Toản chợt nhớ câu nói của người vợ cũ mà anh đã ly dị năm trước ở Mỹ. Anh vụng về làm tung tóe café ra bàn. Có thể do ly café quá đầy, mà cũng có thể do anh bị phân tâm vì nhớ lại câu nói của vợ. Thật tình anh không muốn nhắc lại cuộc hôn nhân đổ vỡ đó để tự dày vò mình. Nhưng anh không thể quên câu nói sau cùng của Quyên: “Sao anh không biến đi?”. Quyên nói bằng tiếng Anh, nguyên văn: “Why don’t you disappear?”.
Nàng bảo anh biến khỏi căn nhà của anh vì anh đã cam kết trước tòa án San Jose dành phần tài sản của anh, tức giá trị một nửa căn nhà, để trợ cấp cho đứa con trai sáu tuổi của anh cho đến khi nó trưởng thành.
Mười năm trước anh về Việt Nam cưới Quyên qua sự giới thiệu của em gái anh. Chính anh đã dạy cho Quyên những câu tiếng Anh giản đơn đầu tiên như câu Quyên đuổi anh ra khỏi nhà. Nay Quyên khá thông thạo tiếng Anh và đã học qua đại học, có việc làm, trở thành công dân Mỹ và cố sống theo kiểu Mỹ. Quyên kém anh 12 tuổi, mập hơn thời con gái và đẹp hơn, cái đẹp của một thiếu phụ sung mãn khéo trang điểm. Anh đã từng hãnh diện vì có một người vợ đẹp và giỏi giang.
Anh không oán hận hay trách móc gì nàng. Bởi dẫu sao nàng cũng trải qua ngần ấy năm làm vợ, sinh con cho anh. Ở với nhau không được thì chia tay, thanh lý tài sản, con cái, rồi đường ai nấy đi, mỗi người có quyền tự do sống phần đời còn lại của mình. Nhưng anh khó chịu vì nàng đã dùng tiếng Anh để xua đuổi anh thẳng thừng. Có lẽ, trong trường hợp ấy, câu nói tiếng Anh ấy phù hợp với cách cư xử kiểu Mỹ mà nàng đã học được. Anh sẽ ít khó chịu hơn nếu nàng nói bằng tiếng Việt, chẳng hạn “Muộn rồi, sao anh chưa đi…”. Giọng Hà Nội của nàng chắc chắn dễ nghe hơn giọng tiếng Anh chưa chuẩn.
Đó là đêm trước lễ Giáng sinh. Anh muốn qua đêm với con trai anh lần cuối trong ngôi nhà từng là của anh. Sau câu nói đó của Quyên, anh im lặng, hôn con và chuyển mấy cái va-li ra xe, chạy một mạch về nhà em trai cách đó hơn hai trăm dặm. Ba tuần sau anh xin nghỉ việc ở một công ty IT nổi tiếng, bay về Việt Nam, trong lòng trống rỗng như đứa trẻ vừa mới được sinh ra, bắt đầu một cuộc đời khác. Có vẻ đó là một cuộc trốn chạy. Bỏ lại sau lưng San Jose và một quãng đời. Anh như chiếc lá thả trên dòng sông, trôi tới đâu, đến bao giờ anh không quan tâm.
***
Quả tình Toản đã biến mất khỏi nơi anh đã sống hơn mấy chục năm, biến khỏi căn nhà của mình. Người ta không ở nơi này thì ở nơi kia. Vắng một người nơi này, và thêm một người nơi kia đâu có gì quan trọng. Điều quan trọng là biến khỏi cuộc đời ai đó. Dường như khi vợ anh bảo: “Sao anh không biến đi” có nghĩa là nàng không chỉ muốn anh mau chóng đi khỏi căn nhà của nàng mà còn muốn anh biến khỏi đời nàng vĩnh viễn. Không ai có thể thay đổi quá khứ. Thế thì làm sao anh biến khỏi đời nàng được vì dẫu nàng không muốn nhớ thì cũng không thể quên, không thể ném quá khứ vào sọt rác như một lon đồ hộp rỗng. Đứa con của anh và nàng cũng là một chứng tích sống của quá khứ. Một cuộc ly hôn không phải là một cuộc xóa bỏ quá khứ, thủ tiêu chồng hay vợ cũ trong cuộc đời mỗi người. Quyên có quyền quyết định ly hôn vì có thể nay anh không còn phù hợp với nàng nữa. Nói trắng ra: nàng không cần anh nữa. Vậy thì chia tay, giản đơn chỉ thế, đâu cần phải nói “Why don’t you disappear?”.
Khi mang café ra ông chủ quán báo cho anh biết cụ Tuấn đã mất đêm hôm trước và cô Hương bán xôi bị xe đụng đang nằm nhà thương mấy ngày rồi. Cái quán cóc đầu hẻm là một thứ câu lạc bộ không chính thức và ông chủ quán giữ vai trò liên lạc, nhận và báo tin liên quan của các hội viên.
Thảo nào từ hôm qua không thấy cụ Tuấn ra quán. Cụ đã ngoài tám mươi, thường ngồi gần bàn anh. Biết anh là Việt kiều, thỉnh thoảng cụ cũng nói đôi điều về hai con của cụ sống ở Mỹ và cụ cũng đã mấy lần qua thăm. Cụ sống với đứa cháu trong ngôi nhà nhỏ của cụ trong hẻm bên kia đường. Cụ không muốn sống ở Mỹ vì “Sống ở xứ mình quen rồi, khỏi phiền con cái và chết chôn cũng rẻ hơn nhiều”. Vậy là nay cụ đã toại nguyện, được chết trong ngôi nhà của mình và chi phí tang lễ ở đây chỉ năm ba chục triệu, rẻ hơn bên Mỹ nhiều.
Anh dự định sẽ đến viếng cụ vào buổi trưa.
Anh nhìn về cuối đường, nơi bầu trời bắt đầu ửng sáng. Thỉnh thoảng anh thấy ngôi sao Mai hiện ra chốc lát ở khoảng trống giữa hai tòa nhà cuối đường nhưng nay thì nó biến mất. Ngôi sao đó hẳn vẫn di chuyển theo quỹ đạo vốn có của nó. Ngôi sao lẻ loi lặng lẽ hiện ra buổi sáng ở phương Đông và lại xuất hiện lúc hoàng hôn ở phương Tây, cứ như có hai ngôi sao trên bầu trời. Nó mọc sớm lúc đầu hôm và lặn muộn vào sáng hôm sau, đi sớm về muộn như một người mẹ tảo tần.
Anh nhớ đến người mẹ đã khuất của mình…
Khi Toản chuẩn bị về nhà, anh thấy con gái nhỏ của Hương mang ba lô đến trường tiểu học bên kia đường. Anh gọi nó lại, hỏi:
- Má cháu còn nằm bệnh viện không?
Cô bé đáp:
- Dạ, còn ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình.
- Khi nào cháu vào thăm má?
- Dạ, chiều ạ.
Anh ngỏ ý muốn vào thăm Hương, nó hẹn anh ra quán này lúc 4 giờ để cùng đi. Hương bán xôi trên một chiếc xe đẩy, sáng bán cho học sinh ở đây, tối bán cho người qua đường ở ngã tư đằng kia. Xe xôi của Hương thường “đậu” cách bàn anh quen ngồi vài mét, nên vô tình anh nghe những mẩu chuyện nhỏ giữa hai mẹ con, vì mỗi sáng cô bé theo phụ mẹ bán xôi cho đến khi trường mở cửa. Mỗi lần nghe được một ít, ráp nối những mẩu đối thoại của họ, anh tình cờ biết được Hương đã chia tay với chồng khi con bé mới hai tuổi, rồi về sống với mẹ. Ít lâu sau mẹ chị qua đời. Hương từng là cô giáo mẫu giáo, chiều ý chồng chị bỏ dạy, ở nhà làm nội trợ. Từ khi thôi chồng, chị phải tự bươn chải để kiếm sống và nuôi con.
Anh đoán tiền Hương kiếm được có lẽ chỉ đủ đắp đổi qua ngày, thậm chí thiếu trước hụt sau. Có lần Hương không có tiền đóng cho trường, con bé khóc và chị cũng khóc theo. Lần khác, ba lô vải của nó bị con mèo cắn rách, bị mẹ mắng, nó bảo mẹ cho mấy chục ngàn đồng để nhờ chú thợ giày trong hẻm vá lại, khỏi mua cái mới. Hôm sau, Toản mua cái ba lô mới, sợ Hương ngại không nhận nên anh đã bảo chị rằng đó là đồ cũ của cháu anh. Chắc Hương biết đó không phải đồ cũ nhưng vẫn nhận và cảm ơn anh.
Thỉnh thoảng anh vẫn mua gói xôi mè vì hồi bé mẹ anh vẫn thường mua loại xôi đó cho anh mỗi sáng. Nắm xôi gói trong lá chuối, có kèm đoạn lá dứa ngắn để xúc. Bây giờ xôi được cho vào túi nylon với một cái muỗng nhựa nhỏ. Hương thường rắc thêm nhiều muối mè vì biết anh thích thế.
Hai người chỉ chào hỏi, chưa lần nào trò chuyện với nhau. Chỉ hôm cuối năm, Hương hỏi Toản:
- Noel nầy anh có về Mỹ thăm con không?
Thấy anh bị bất ngờ, Hương nói rằng không chỉ riêng chị, bà con trong xóm ai cũng biết anh, rằng chị ở cùng hẻm Chùa với nhà em gái anh, nơi anh tạm trú từ khi về nước. Anh biết trong những con hẻm như thế mỗi khi có ai đó xuất hiện thì chỉ cần vài ngày là cả xóm đều biết nhân thân, lý lịch trích ngang. Đó vừa là sự tò mò, dòm giỏ ngó treo vừa là tình làng nghĩa xóm.
Anh bảo Hương rằng anh mới về thăm con mấy tháng trước nên không về nữa. Thật ra, anh không về vì biết Quyên không muốn anh gặp con. Tuy anh có quyền thăm con nhưng anh không muốn con anh bị giành giựt, đôi co giữa cha và mẹ. Anh hy vọng khi trưởng thành nó sẽ hiểu cho anh. Anh nhớ khi anh lên xe rời khỏi nhà, nó ngây thơ nói với anh: “Mai bố về nhé”. Anh gật đầu với nó mà lòng đau như cắt. Về sau, khi nói chuyện điện thoại với anh nó vẫn hỏi anh khi nào về.
Có lẽ, do cùng cảnh ngộ, Hương biết anh nhớ con. Quả tình mỗi khi thấy trẻ trạc tuổi con mình như bé gái con của Hương, anh nhớ con quay quắt. Nhiều đêm thức giấc, anh muốn được nhìn con, kề tai nghe hơi thở của nó, hôn trên tóc nó để ngửi mùi mồ hôi chua chua…
Cũng chính vì vậy, từ lâu anh thấy thương con gái của Hương vì nó cũng xa cha như con anh, lại chịu thiếu thốn, vất vả. Khổ nỗi anh chưa có cơ hội gần nó, thậm chí anh chưa biết tên nó nữa.
Như đã hẹn 4 giờ chiều anh đón cô bé, rồi chở nó đi bệnh viện bằng xe máy. Ngay khi nó trèo lên yên xe, anh liền hỏi tên nó.
- Dạ, cháu tên Liên – Hương Liên.
Anh ngạc nhiên:
- Hương Liên, Hương là tên của mẹ cháu mà…
- Dạ, đúng rồi. Tên của mẹ là Liên Hương. Tên con thì đảo lại là Hương Liên. Chú thấy có ngộ không?
Nó cười và anh cũng cười theo. Anh thích cách đặt tên đó.
Ở bãi giữ xe của bệnh viện, Hương Liên bảo anh: “Con đã mượn điện thoại báo cho mẹ chiều nay con đưa chú vào thăm. Mẹ mắng con đó…”. Con bé dắt tay anh lên lầu 2 nơi mẹ nó đang nằm.
Khi con bé đi giặt khăn cho mẹ, anh để bên gối Hương chiếc phong bì “lì xì” màu đỏ, Hương định ngăn lại nhưng anh đã nói: “Hương đừng ngại, chỗ người quen lối xóm, phụ với Hương chút ít thôi. Hương bị tai nạn thế nầy, cả tháng chưa đi bán được…”. Hương rơm rớm nước mắt.
Anh ở lại với mẹ con Hương cho đến hết giờ thăm bệnh để chở bé Liên về.
Những ngày sau đó, anh lại vào thăm Hương vài lần nữa, khi đi với bé Liên, khi đi một mình.
Vào thời gian đó, anh nhận lời đề nghị của một đồng nghiệp cũ tham gia dự án đầu tư ở Việt Nam của công ty IT trước đây anh đã làm việc hàng chục năm bên Mỹ. Cơ hội đến đúng vào lúc anh đang cần một việc làm để có cuộc sống ổn định, sinh hoạt bình thường như mọi người. Lòng anh đã trở lại bình yên, những mảnh vỡ của quãng đời cũ cũng đã lắng xuống tận đáy hồ.
Một thời gian sau anh không còn ra quán một mình nữa mà có mẹ con Hương đi cùng.
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét