Nhà văn Nguyễn Văn Học (Hà Nội)
Thằng Kiên bị thói a dua bùng lên, dày vò. Nhìn thấy chúng bạn thay xe hơi như thay áo, nó muốn đua nhưng thuyết phục rát cổ, ông bố vẫn chưa chịu bán cây sưa. Mặc dù nó mòn mỏi thúc giục, tìm nhiều lý lẽ đấu tranh mặt ông bố vẫn cứng như thép. Lòng ông không gì xoay chuyển. Thằng Kiên chưa chịu đầu hàng. Hôm rồi có khách về trả lão Sưa hai sáu tỉ đồng để bứng cụ cây khổng lồ hiên ngang nổi tiếng cả vùng. Đó là núi tiền mà cả dòng họ lão Sưa và cả xã Tiến Thắng không bao giờ dám mơ tới. Nhưng ngay cả khi đặt trước mặt lão cả núi tiền, lão cũng chẳng động lòng.
Tên thật lão là Hoàng Thống Nhất, đời thứ sáu trông nom cụ sưa. Vì lúc nào cũng nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ gia phong, noi gương người đời trước trông nom cụ sưa nên người làng gọi lão Nhất là ông Sưa, lão Sưa. Lão Nhất thấy ổn nên chấp nhận ngay và quen dần mỗi khi ai đó gọi như vậy. Lão vui vì điều đó.
- Bố không thấy các dòng họ khác người ta ngời ngời phát triển, rầm rộ xây nhà cao, mua ô tô, rồi tổ chức khao làng, khao họ. Mấy thằng cu nứt mắt trong dòng họ nghèo khó cả bốn năm đời, rồi bỗng chốc cưỡi cún tiền tỉ tí tởn lượn khắp làng trên xóm dưới khoe của. Nhìn chúng nó con thấy ngứa mắt. Chúng còn thách thức con, thách thức họ nhà ta, gia đình ta. Con muốn đè bẹp chúng bằng con cún khủng. Gia đình ta có lợi thế thể hiện trên phân.
Cún là cách bọn thanh niên rửng mỡ trong làng nói về những chiếc xe hơi tiền tỷ. Bọn chúng đua nhau sắm cún. Cún càng cưng càng đẳng cấp. Mỗi con cún được dắt về là mỗi lô đất, sào đất, mẫu đất được bán đi.
Biết thằng con dễ bị kích động trước trào lưu đám đông và mỗi lần bị tát vào mặt bằng thói thực dụng của bọn trẻ, kiểu gì cũng về hành bố, nên lão chỉ cười khẩy.
- Mày định làm gì? Tao không bán cụ sưa. Đời tao không mạt như thế. Mày thừa biết rồi. Tao không để mày đú đởn đua theo bọn trẻ con mới nứt mắt đã học làm sang. Toàn lũ bóc ngắn cắn dài. Điên dại!
Mặt lão đỏ gay, thằng Kiên bước thêm một bước, tay vung qua đầu, nài nỉ:
- Vậy bố cứ cưa một cái cành đi. Cổ thụ ba trăm năm cũng chẳng chết được. Cây vẫn cứ sống. Bố vẫn sống và cũng chẳng rơi vào thời mạt nào hết. Còn con được thể diện.
- Tao cấm! - lão Sưa gắt lên. Vợ lão tưởng chuyện gì ở dưới bếp chạy lên. Thằng Kiên vùng vằng, mím môi quay đi. Nhìn là biết điệu bộ của nó. Chắc trong bụng nó muốn nện lão một trận cho gục xuống rồi đứng lên giành quyền quản lý cây sưa. Hoặc có thể tự ý gọi bán lấy tiền.
- Con nhà mất dạy!
Lão ném về phía thằng con một câu rồi thả mình xuống ghế, bật quạt cho hạ hỏa.
Vợ lão đứng thẫn thờ, thở dài và bao giờ cũng kèm theo cái lắc đầu. Bà biết thằng con quái quắt lúc nào cũng muốn ăn sống nuốt tươi cây sưa, còn lão chồng cố chấp. Hai bên đang hành hạ nhau. Chỉ khổ bà lúc nào cũng phải chứng kiến cảnh hai bố con đấu khẩu, hằm hè nhau. Bên thì muốn giữ, bên muốn đổi xe hơi.
Lão ra ngồi ngả lưng vào gốc sưa - khối vàng lộ thiên quý giá ở giữa ngôi vườn mà hàng trăm kẻ buôn gỗ lượn lờ đánh xe hơi đến đặt vấn đề, thuyết phục chủ nhân bán cụ sưa. Có đợt một mụ ngực thỗn thệ sánh bước bên đại gia đồ gỗ ở Đồng Kỵ về gạ gẫm, ngọt nhạt, tốn biết bao nước bọt nhưng vẫn không thuyết phục được lão Sưa. Sau cùng mụ bực bội lấy tay khép bộ ngực bự lại rồi lên xe chuồn thẳng. Lão thấy mình cứng cỏi và dũng cảm. Lão nhủ: Đúng, không dũng cảm thì đã ngã sấp mặt trước áp lực của đồng tiền rồi. Ai chả muốn sống sung sướng. Nhìn thấy đồng tiền, nhất là người nông dân quanh năm vất vả, ai chẳng ham. Thấy người làng xây nhà to, sắm đủ thứ đắt tiền, tậu ô tô, lão cũng buốt ruột lắm, có lúc xốn xang không chịu nổi. Nhưng lão nhận trọng trách đời trước giao lại. Đời trước không cho lão không dám động đến. Lúc này ngước nhìn lá sưa trên cao xanh phơi phới, xạc xào, như đang tạo nhạc. Bầy chim đang lích chích nhảy múa. Vài tia nắng khỏe khoắn lọt qua kẽ lá. Lòng dịu lại. Lão thấy các cụ tổ trong dòng họ thì thầm khen ngợi. Lão thấy cha mình mặt giãn ra, hồng hào, miệng cười tươi như hoa, mãn nguyện vì quyết tâm của người con.
“Cha rất tự hào về con. Con đã không hổ danh họ Hoàng, gia đình có truyền thống hiếu học và giữ gìn nếp nhà cổ, cổ thụ. Con vẫn phải truyền lan tinh thần ấy cho đời sau…”.
Lão nghe tiếng cha mình, cụ Huyễn, một người rất hiểu nho, y, lý, số nói trong rì rào diệp lục, giữa ngôi vườn đã tích trữ cả trăm năm năng lượng của đời cây. Lão là cái cây được trồng trên đất tốt. Lão được tôi luyện trong biết bao ràng buộc, quy định của đạo đức. Lão cũng bị đè nặng bởi những lời răn dạy của đời trước. Nhưng chao ôi, thời nào chả thế, sự hiếu kính luôn xa xỉ và hết mực tốn kém. Bỗng chốc tai lão ù đi, buôn buốt.
***
Đầu làng xôn xao thằng Ễnh con ông Ương dắt mới cún về. Trị giá hai tỷ. Ễnh học cùng Kiên. Hai thằng thi đỗ vào trường thương mại, học gần hết năm thứ hai thì bỏ về nhà đi buôn. Riêng chuyện bỏ học của thằng Kiên đã khiến lão Sưa đau đầu. Nay thằng Ễnh mua con xe mới không chỉ khiến lão Sưa lo lắng mà nhiều ông bố bà mẹ ở làng sốt vó. Sẽ lại sinh ra các cuộc so bì gay gắt, rằng thằng Ễnh chưa đầy hai mươi tuổi đã mua được xe SH vì bố nó bán mảnh đất đầu làng, nay nó bán thêm ba sào ruộng khác để mua ô tô, cớ gì mình không? Mấy gã nhiều tuổi cạo trọc đầu thích chơi trội cũng đã mua xe đua sĩ diện với đám thanh niên. Bọn họ luôn là những kẻ thích khua môi múa mép, tung hỏa mù vào đám choai choai mới nứt mắt. Chẳng ít ông bố bà mẹ như cám hấp trên vung, bị đám trẻ xỏ mũi dắt đi, vì “các ông bà ấy” cũng ngứa ngáy sôi sùng sục cùng lũ trẻ, chạy đua theo kiểu bầy đàn. Họ cũng tập tành lái xe, bĩu môi nhà này mua con xe ghẻ, nhà kia mua cún đời “tàn phế”. Đêm nằm mắt nhắm đấy mà đầu óc vẫn sốt ruột trước mỗi tin thời sự trong làng. Sự đua tranh, ghen tị, một khi đã mọc mầm trong các dòng họ, gia đình lớn sẽ âm ỉ trở thành những cái cây toàn chất độc, luôn được nuôi dưỡng tưới tắm sự khắc nghiệt. Sẽ khó lòng làm nó phai đi.
Nỗi sợ của lão Sưa chẳng nằm trong đáy sâu nếp nghĩ nữa. Nó đã trườn ra, bám riết, lan ra các thớ thần kinh và đau điếng khi thằng Kiên lại bổ vào đầu lão những lời cay độc.
- Bố không thấy mình hèn sao? Tại sao chúng ta phải chịu cảnh nghèo khó này? Bố vẫn bảo con làng mình giàu có lắm cơ mà? Giàu sao chúng con vẫn khổ? Anh Thiên con, cũng vì lệch quan điểm với bố mà bỏ ở lì ngoài phố, giờ chẳng màng đến gia đình. Vì sao? Là vì bố quá cố chấp. Bố không phải người của ngày hôm nay. Bố cổ lỗ sĩ, lạc hậu, chậm tiến. Bố không thương các con.
Lời thằng con làm lão chùng xuống. Với bản tính của người đã từng được tôi luyện qua quân ngũ, lão không dễ đầu hàng. Nếu yếu bóng vía, kẻ khác dọa một cái đã vãi tè, lão đã chẳng tồn tại được ở Đại Điền.
- Con mắng bố được lắm. Bố không phủ nhận những điều con vừa nói. Trừ một việc ngược lại là bố thương các con, muốn giữ tài sản gia đình cho các con. Từ đó chung quy lại là bố đang làm đúng. Không thể a dua với con, với anh con hay với đám đầu trâu mặt ngựa ngoài kia, miệng còn tanh mùi sữa đã nói chuyện tiền tỷ, chỉ tìm có cái gì của bố mẹ để lại là cuỗm đi nuôi ô tô.
Thằng con hét toáng. Thế này cũng không được. Thế kia cũng không xong. Tôi sống còn ích gì nữa!? Tôi sống cho người khác cười vào mặt tôi và cái dòng họ này.
Lão Sưa không cầm nổi cơn giận. Ông quát:
- Giỏi thì mày cứ biến đi theo thằng anh mày. Cứ cút đi nếu thấy không sống được. Con nhà mất dạy!
Lão thấy máu dồn lên đầu quá nhiều, chỉ thêm chút nữa thôi là nó sẽ phụt ra từ hai hốc mắt trũng sâu vì lo lắng. Lão ngồi thở phì phò.
Gần chục năm nay lão Sưa không đi làm đồng mà chỉ lo chăn nuôi mấy con lợn, đàn gà ở quan vườn nhà. Việc đồng áng do vợ lão đảm trách. Mục đích của lão là bảo vệ cây và lúc nào cũng muốn để mắt đến. Ngoài gia công lại tường bao quanh vườn, làm cửa sắt kiên cố, lão thắp điện đêm dưới gốc cổ thụ để đề phòng bọn trộm đánh úp. Lão không muốn chút sơ sểnh nào xảy ra, bởi không con lão thì bọn trộm cắp lúc nào cũng nhòm ngó. Ở làng Đại Điền, những thằng học đòi lố lăng như thằng Ễnh phải có hàng chục. Con xe chẳng làm nó trở nên sang trọng. Ngồi con xe tiền tỷ nhưng chúng chẳng giầu, dẫu khoác lên mình tấm áo hợm hĩnh nhưng chúng vẫn rỗng tuếch, rặt lũ trọc phú, chỉ là phường chân đất mắt toét. Số tiền khuân đi mua là từ bán đất tổ tiên, cha mẹ để lại. Chính thằng Ễnh cũng bỏ bố đẻ nó quằn quại trong bệnh tật cho đến chết. Nếu nó quan tâm đưa đi viện chữa trị, thì ông Ương đã chẳng về chầu tiên tổ sớm đến thế. Chính ông Ương chẳng muốn một li một tí đất đai nào hao mòn. Ông muốn giữ cho thằng Ễnh, em thằng Ễnh là thằng Ang, con Hến và con cháu của bọn chúng. Nhưng vợ chồng ông Ương đã bị đánh úp. Thằng Ễnh bóc ngắn nhưng đã cắn quá dài. Điều làm lão Sưa sợ nhất là qua sự kiện này sẽ làm bùng phát mạnh hơn thói đua chen của đám thanh niên làng, trong đó có hai con trai của lão. Lão cũng lo sợ đến một ngày, chính đám con cũng đối xử với lão như con cái ông Ương. Rồi lão thở phào, mặc cha chúng mày cứ chạy đua, mình tao chạy chiều ngược lại.
***
Hai chục năm trước, trận bão lớn đổ bộ. Khi mới nghe dự báo, lão lo cụ cây nên đã đùng nhiều thân tre lớn chống xung quanh, níu dây chắc chắn. Vợ lão bảo cây sẽ không đổ được đâu, ông đừng nhọc sức. Nhưng lão vẫn làm. Phòng luôn tốt hơn chống. Ngộ nhỡ bão lớn, cây gặp nạn thì biết trách ai. Bão lớn ào về trong xót xa. Cây cối trong làng đổ quềnh quàng. Cả chục cây trong vườn lão đổ nhưng dựng lên, cứu lại được ba cây, trong đó có một cây sưa non. Cây sưa còn được gọi là trắc thối, vân thớ đẹp, phần lõi có giá cực đắt. Cụ thân sinh lão truyền lại, thời phong kiến vua chúa thích dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu. Hơn ba mươi năm qua, người Trung Quốc đổ xô săn lùng gỗ sưa nên đội giá gấp cả chục lần thứ gỗ này, khiến bao thôn làng nháo nhác vì sưa bị chặt trộm. Ngày đó, làng Đại Điền có tới hai chục cây to, nhưng nay chỉ còn vườn lão còn. Phần vì bị trộm, phần người ta bán đi để xây nhà, tậu đất, tậu xe. Vụ trộm đình đám nhất là hai cây sưa trong đền Cả bị tróc tận rễ, đúng vào một đêm mưa gió bịt bùng. Năm đó, có kẻ về trả giá hai cụ sưa ba tỉ đồng, nhưng các cụ trong làng không bán. Ủy ban nhân dân xã chung ý kiến giữ lại cổ thụ cho làng. Nhưng bọn trộm táo tợn lợi dụng trời mưa, sự mất cảnh giác để hành động. Sau vụ đó, lão Sưa vô cùng hoang mang. Lão quyết không bao giờ xa nhà một ngày. Có việc phải đi, lão cử vợ thay. Kể cả khi làng có cỗ bàn, đám hiếu đám hỉ buộc phải có mặt, lão bắt vợ ngồi canh dưới gốc.
Có đận, vợ lão bảo, ông một mình một ý làm gì, khổ cả đời rồi, giờ cứ sống buông tay theo trào lưu. Người ta có nhà đẹp, mình cũng phải có. Đằng này ông có của mà không biết sướng, khư khư giữ nếp nhà cổ thấp tè, động mưa là dột. Hay là ông chịu khổ quen rồi, sướng không chịu được? Lão rân rấn nhìn vợ. Sự sốt ruột, tâm tư của vợ, lão hiểu. Với không khí và nếp sống ở làng thì hiện vợ lão đang chịu đựng. Chịu đựng cách sống kham khổ, từ chối vinh hoa của lão. Giá lão cứ phiên phiến một chút, thực dụng, nghĩ cho bản thân một chút, là chỉ cần cưa một cái cành, cây sưa cũng không chết, nhưng đã có thể chạm tay vào đống tiền, đủ để rủng rỉnh cả đời không phải khổ. Thế mà ai khuyên lão cũng không nghe. Lão bảo, như thế khác gì cưa cái tay mình đi. Ví như một người nghèo nhưng lành lặn, khi cưa đi một cái tay và đổi lại được hưởng vinh hoa phú quý, người ta có chấp nhận không? Có người hô lên, dám đánh đổi, đáng đánh đổi lắm chứ. Bớt đi một cánh tay nhưng cả đời chả phải làm gì nữa, thì có gì bất tiện đâu. Lão nghĩ theo chiều ngược lại. Lão không thể dốc hết những ý nghĩ mà cụ thân sinh nhồi vào lòng lão, để tống vào đó mớ thực dụng. Áp lực với lão tăng lên khi thằng Tân, con trai lớn đỗ xịch chiếc xe ngoài ngõ, xuống xe khệnh khạng đeo kính đen bước vào khiến lão Sưa đứng chết chân. Lão hỏi, con mượn xe về à? Tân cười khẩy, con mua đấy! Tiền ở đâu mà mua? Thằng Tân nói con bán quả thận, cộng với ngần ấy năm làm thuê ở phố.
Lão suýt đứng không vững. Nó nói thật sao. Đây là thành quả của mấy năm trời nó bỏ ra phố, chẳng đoái hoài đến gia đình, vợ con, cộng với việc bán một quả thận - thứ góp phần hoàn thiện thân thể - món quà mà đấng sinh thành đã ban tặng cho nó. Sao có thể thế được. Chỉ vì đua chen, nuôi lớn thói hợm hĩnh cho bằng bạn bằng bè mà bất chấp như thế. Lão lắc đầu. Không thể thế được.
- Con đùa hay sao?
Thằng Tân chỉ ra tán sưa giữa vườn:
- Chả có gì phải đùa cả. Bố chịu bán cái thứ kia đi thì con đã chả xẻo thận đi bán đâu. Con còn định bán nửa lá gan cho đủ mua cái xe rẻ tiền này đấy.
Nói rồi, thằng Tân nhễ nhại quay xe rồi biến đi đâu đó, bỏ lại lão Sưa cùng một nỗi trống vắng không gì tả nổi. Ngực lão quặn thắt, như ai đó vừa móc vào moi quả tim.
Lão lại dựa lưng vào cổ thụ. Mỗi lần phiền lòng, đau khổ, lão chỉ tìm gốc sưa. Chẳng hiểu sao khi dựa lưng hoặc áp má lên sần sùi thớ vỏ của cụ sưa, lão thấy mình được chia sẻ, nhẹ nhõm hơn. Cụ sưa đã trở thành người bạn tri kỷ của lão già sáu lăm tuổi. Lão Sưa cảm nhận rất rõ, khi ngồi dưới gốc thì cây sưa luôn có một hiện tượng lạ, tán lá lưa thưa như có ai lay mạnh, kêu xạc xào, xạc xào. Có lúc phát tiếng rì rào. Hay là thần giao cách cảm. Cây chào lão. Hoặc lời thủ thỉ của bạn tâm giao? Lão gật đầu. Dù thế nào cây và lão chắc chắn là hai người bạn tốt. Bạn tốt thì phải bảo vệ nhau, cây nhỉ. Lão nói với cổ thụ. Ta đau đầu lắm đây. Nói thật là trong lòng ta xáo trộn nhiều nỗi niềm…
Sự kiện thằng Tân đánh xe về làng cũng là đánh thức thêm hàng triệu nơ-ron thần kinh thực dụng đang thiêu đốt tâm trí thằng Kiên. Đại Điền gần thị trấn thứ hai của huyện. Trên thị trấn đám trai học đòi trọc phú nhiều vô kể, thành lập cả hội xế hộp để tổ chức ăn nhậu, vui chơi, câu cá, đánh bạc. Luồng gió ấy thổi tới tấp vào Đại Điền, tiếp tục thiêu đốt đám con dân mới nứt mắt đua đòi bỏ học sớm. Làng hơn hai mươi con xe. Làng hai mươi tám con xe. Rồi ba mươi tư con xe. Chưa kể số công nông đầu ngang làm vận tải chuyên chở vật liệu xây dựng hay số xe của một số con em trong làng, mới thành đạt đang sống ở ngoài phố. Số ô tô tăng lên chóng mặt, điều mà hai chục năm trước người Đại Điền có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi. Hãnh diện lắm chứ khi những anh nông dân đi dép tổ ong đánh xe đi làm đồng, chở bố già thăm lúa. Lão Sưa hiểu, luồng gió độc đó càng thổi mạnh lão sẽ càng khổ, với áp lực ngày càng tăng. Bọn săn gỗ, đám thanh niên chơi với thằng Tân, thằng Kiên sẽ không ngừng công kích, khích đểu hai thằng về hành bố.
Thằng Kiên nghĩ ra cách để có cơ hội cưa một cành cây sưa. Nó muốn sắp đặt một chuyện thật khôn khéo. Hôm đó nhà có giỗ, Kiên dự định chuốc cho bố say đi ngủ, nó sẽ hành động. Nó tính toán: Cây sưa cách buồng ngủ của lão Sưa hơn hai mươi mét, dùng cưa tay với tiếng động nhẹ sẽ không để lộ. Nhưng khi cành gãy, chùm lá ập xuống đất sẽ khó tránh khỏi tiếng động rào rào. Nó tính sẽ nhờ bạn, dùng dây thừng níu để hạ từ từ, tránh tạo tiếng động. Nó nghĩ cách này hợp lý. Lão Sưa một khi đã rượu vào, ngủ rất say. Nhưng nó chưa biết nên hành động ban ngày hay ban đêm, và làm thế nào để người mẹ đi ra ngoài hoặc cũng ngủ say.
Cơ hội đến với thằng Kiên vào ban đêm. Cỗ giỗ được tổ chức chính vào ban trưa nhưng còn kéo dài vài người khách ở bữa tối. Kiên tạo điều kiện cho những bình rượu trong nhà ăm ắp và lão Sưa cũng như những vị khách hào hứng ứng uống khi công việc trọng đại đã hoàn tất. Lão Sưa không hề biết dã tâm của thằng con trai. Lão uống thật lực. Lâu rồi lão không có hứng đến thế, nhất là những vị khách thân thuộc bàn về một đề tài vô cùng hấp dẫn là bọn trẻ trong làng xã và cả vùng này. Tư duy cuộc sống của chúng thay đổi chóng mặt. Chúng cũng làm hoen ố chẳng ít người già vốn gần cả đời chỉ biết đến ruộng đồng. Thằng Kiên cũng hăng hái uống nhưng nó biết cách để mình không say. Nó nhắn tin cho hai thằng bạn đang chờ thực hiện kế hoạch giúp nó. Kiên dễ dàng cưa một cành sưa mà nó áng chừng nặng gần ba tạ. Mấy con chó không sủa một tiếng vì chưa bao giờ nó đề phòng cậu chủ Kiên. Sáng sau tỉnh dậy lão thấy những chú chim lích chích góc vườn, không phải với tâm trạng xốn xang vui mà giống một sự xáo trộn hơn. Lão chạy ra thì phát hiện những cành lá nhỏ của sưa la liệt dưới gốc. Một cành sưa lớn đã bị cắt mất. Lão hét lên: “Chỉ có thằng Kiên. Thằng Kiên đâu? Thằng Kiên cưa trộm sưa rồi!”.
Lão lao lên nhà tìm, vừa tìm vừa hét. Không thấy Kiên, chỉ vợ lão hốt hoảng hỏi chuyện gì? Bà quặn thắt khi thấy cây sưa bị cắt một cành. Ba cành lớn tạo thế vững chãi của cây sưa, đã giúp cổ thụ đứng vững trong biết bao giông gió cuộc đời, nay trống huơ hoác một phía. Lão Sưa lững thững tiến về gốc cội, quỳ thụp xuống, bưng mặt khóc. Chưa bao giờ lão khóc thảm thiết đến thế. Vợ lão cũng ứa nước mắt. Bà biết, tội này chỉ có thằng Kiên làm. Nó từng nói ráo trước đó. Không có thằng trộm nào mở cánh cổng, cưa cây xong rồi đi khóa lại. Bà tiến lại gần chồng, an ủi: “Ông bình tĩnh lại, rồi xem có chuyện gì”.
***
Cầm chắc số tiền bán cành sưa, Kiên đi mua xe, sau mới vác mặt về gặp bố. Kiên quỳ thụp xuống, xin lỗi. Nó biết, cùng lắm lão sẽ mắng con, đánh con một trận chứ sẽ không dám giết. Nó coi như chuyện đã rồi và lão Sưa sẽ chẳng thể thay đổi tình hình.
Lão Sưa nhìn Kiên, không chớp mắt, không nói. Thằng Kiên cúi gằm mặt chờ đợi trận lôi đình giáng xuống.
Tự dưng lão khuỵu xuống, ôm ngực, rồi lịm đi. Kiên nhào ra đỡ bố, hét toáng: “Bố ơi, bố đừng sao nhá. Con biết lỗi rồi. Bố ơi!”.
N.V.H
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét