Chị tần ngần giữa đống ngổn ngang đổ nát, nói là một đống nhưng chẳng qua chỉ
là mớ dây nhợ nhập nhằng, vài mảnh nhựa vỡ để lộ toang hoác các mạch điện tử li
ti dưới ánh sáng le lói của ngọn đèn đường. Chị tiếc ngẩn ngơ món đồ mà mới vài
tháng trước hai mẹ con chở nhau ra tận thị xã mua về. Món đồ mới nhìn chị cứ
tưởng là cái ti vi và cái đầu Cali
kỹ thuật số. Mấy hôm thằng con hướng dẫn cho chị nghe cải lương hát một lượt
chín, mười tuồng. Lúc mới mua về, chị thảy khúc vải bông để dành may áo kiểu
đưa cho thằng con biểu nó đậy lại cho bớt bụi, còn sắm thêm cây chổi lông gà hễ
lúc nào rảnh tay là chị quét.
Buông thõng cây chổi đánh thộp xuống sàn, chị xớ rớ không biết phải bắt đầu nhặt
từ mảnh nào, cái cục CPU bây giờ chị nhìn mới thấy thật giống cái đầu máy,
giống hệt lúc chiếu phim xong người ta mở toạc phần nắp bên trên ra cho bớt
nóng. Thất thểu đưa cái nhìn lần theo cọng dây kết nối, chị với tay lật cái màn
hình LCD đang nằm chỏng cẳng lên trời, bốn góc thì đã hết ba bể tan nát, trầy
trụa. Chị nhặt nhạnh từng mẩu nhựa vụn nát rồi nhìn vào món đồ mà đối với
chị cả đời cũng không đánh vần nổi cái tên cho chính xác. Vậy mà trong cơn say
anh đã đập bể nát.
Bởi đơn giản cuộc sống của chị cũng gần như vậy. Sau hai mươi năm,
lần đầu tiên bước chân ra khỏi nhà tắm mà chẳng còn nghe tanh tưởi mùi hải sản.
Cơ quan giải thể vì ở cái xứ hoa anh đào gì đó kiện cáo om sòm, báo đài đưa tin
rầm rộ nhiều tháng. Cầm trên tay duy nhất tấm huân chương hai mươi năm
"Giỏi việc nước - Đảm việc nhà" mà nghe lòng nặng trĩu, cữ ăn
sáng bốn, năm ngàn đã là quá xa xỉ, chị cắc củm từng đồng từng cắc lo cái ăn
cái học cho thằng con, không trông đợi gì hơn ngoài mỗi việc học để sau này nó
kí cái tên vào sổ liên lạc của con cái cho đầy đủ và tròn trịa. Tốt hơn chút
thì nó có thể sống bằng vốn liếng nó nhặt nhạnh được trong nhà trường, khỏi nhờ
vả vào cha mẹ
Lặng lẽ nhìn món đồ trị giá bằng bốn tháng
lương hưu, bất giác chị buông thõng người thở dài đánh thượt. Đèn trong nhà đã
tắt, không còn tiếng lè nhè than thân trách phận của anh, rằng anh có thằng con
trai không coi anh bằng một góc thằng bạn nó, rằng anh làm cha mà không có được
cái quyền dạy con... Anh giận, anh buồn bực, bức bối, anh mượn cớ say quá chén
để đập phá, để bươi móc những lý luận của thằng đàn ông mười bảy tuổi đang hiện
diện trong nhà anh, thằng con trai duy nhất mà anh chị mất quá nhiều công sức
để nâng niu và nuôi nấng.
Đáng lí mọi chuyện đã xảy ra vào hôm qua, nhưng chị biết anh không bao giờ là
con người thật của chính anh nếu như không có trong cơ thể cái men cồn ba, bốn
chục độ. Gần hai mươi năm sống chung chị thừa biết lúc nào anh thật khi nào anh
giả. Thật nhất là lúc này đây, lúc cái tự ái của thằng đàn ông hơn bốn mươi sắp
mất việc lên đến cao trào của đỉnh điểm. Gần hai chục năm lăn lóc, chạy đua với
những toan tính lọc lừa, những mánh khóe, thủ đoạn đúc kết được từ canh bạc
cuộc sống anh đem về quẳng cái rẹt vào cái đầu thằng con trai mười bảy tuổi.
Anh là thằng đàn ông đẻ ra nó, anh có quyền dạy con theo cách anh làm ăn ngoài
xã hội, và con trai anh, thằng đàn ông thứ hai trong nhà, tuyệt đối phải nghe
và tuân theo bất cứ điều gì anh dạy bảo.
Chị đờ đẫn tựa vào ngạch cửa, đờ đẫn nhớ cuộc tranh luận gay gắt giữa hai cha
con. Ngoài việc bảo con im và năn nỉ anh thôi không lớn tiếng thì chị chẳng biết
tìm lời lẽ nào hay hơn để nói cho anh hiểu về cách anh dạy con, cái cách mà anh
bí mật lẽo đẽo theo nó trong buổi sinh hoạt Đoàn phường, cách anh khích con như
khích thằng bạn nhậu nốc tràn ly bia cuối. Mỗi ngày lượm lặt đâu đó những thông
tin na ná như "cô bé bán khoai thi đậu lúc mấy trường đại học", câu
đầu tiên anh nói với con là: "Thấy con người ta không?". Rồi anh mang
bộ não của thằng con ra cân đo đong đếm. Anh đã vô ý hay cố tình không hiểu đó
là cái cách đặt vào giữa thằng con và anh-một tảng băng không thể nào tan chảy.
- Em
năn nỉ anh mà, đừng mà anh!
Chị nói như khóc, như khẩn thiết xin anh, thằng đàn ông đang mất dần ý thức
bằng những lon Heineken sủi bọt. Anh bê cả gia tài quý báu của thằng con trai
quẳng cái xoảng ra đường, nát bét... Rồi dường như âm thanh chát chúa ấy cũng
không khỏa lấp nổi cái giọng thằng con rằng ba phải thế này, ba phải thế nọ...
Anh xiêu vẹo lê tấm thân (mà vào thời điểm này anh tự cho là khốn nạn) ra sân,
chậm rãi nhặt cái vật mình vừa liệng ra, đưa lên cao khỏi đầu rồi bất thình
lình đập mạnh xuống, anh làm như thế đến vài lần rồi hưng hức khóc. Chị nhìn
anh đập phá, bất lực, chị ước gì những lời nói của thằng con đang còn lởn vởn
trong đầu anh cũng bể nát vụn ra như cái computer, bất quá sáng mai chị gom
sạch sẽ rồi bán ve chai cho mất dạng.
Gần sáng, bỏ mặc anh với nguyên xi áo quần
giày vớ, chị thất thểu lên gác ngả lưng xuống cạnh thằng con đang vắt tay ngang
trán. Nó cũng chẳng buồn ngước nhìn chị lấy một cái. Hôm qua, sau khi tranh
luận với anh, nó đã hứa với chị là không trả lời bất cứ câu nào với anh nữa. Nó
đã im lặng để anh đập vỡ tan hoang món đồ mà đối với nó là quý giá nhất trong
nhà, nó không tiếc món đồ trị giá bốn tháng lương hưu, nó chỉ tiếc mấy tấm hình
cưới hiếm hoi còn sót lại của hai người mà mới hôm qua, hôm kia nó vừa scan lại
lưu vào ổ cứng.
Đã lâu rồi chị quên mất mình thật sự muốn chia tay với anh, bởi chị nghĩ nát óc
cũng không tìm ra được cách nào hóa giải. Chị sẽ không phải xẹt qua nhà hàng
xóm tránh mặt (theo lời anh yêu cầu) trước khi bạn bè anh đến. Anh cũng chẳng
phải dè dặt với họ về chị, người phụ nữ anh chưa một lần kể với họ và tự hào.
Chị sẽ không còn phải giật thót tim khi anh về đến nhà mà thằng con trai còn
nhẩn nha ngoài đường với đám bạn. Chị cũng chẳng còn thắc mắc vì sao mười mấy
năm trước anh có thể cùng chị ngồi vào mâm cơm với vỏn vẹn trứng vịt chiên và
tô canh bí. Còn bây giờ chuyện anh ăn cơm nhà chỉ được chị tính trên đầu ngón
tay.
Anh lảo rảo năm bảy bận dọc đường Bùi Thị Xuân mới tìm được cửa hiệu bán máy vi
tính qua sử dụng, nhờ người quen xem máy tiện thể chở về lắp lắp ráp ráp. Phải
mua đúng cái P4 mà đêm qua cái thằng chẳng phải đàn ông trong anh đã cố tình
đập nát.
Chị ngồi đó, yên lặng nhìn anh, bất chợt chị nghĩ về tờ đơn ly hôn được được
đánh máy cẩn thận. Phía dưới, góc bên trái, chữ ký và dòng tên anh nắn nót. Còn
bên phải góc dành cho chị, có thể chữ của chị sẽ ký không tròn...
Con trai chị lại online, các entry trong blog lúc này dài thậm thượt, nó cần
chèn vào đó vài tấm hình để nhìn cho bớt nhạt nhẽo. Mở trang Google, click vào
mục tìm kiếm hình ảnh, tay lướt nhẹ trên bàn phím, nó gõ vào đấy hai chữ "LẺ
LOI".
Võ Thụy Như Phương
*******************************************
Bài cùng tác giả V.T.N.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét