Phải là thằng Tuấn, chính thằng Tuấn
leo cây hái dừa chứ không được ai khác. Mặc dù thằng Hùng lên tiếng xin cho em,
nói nó thấy thằng Tuấn hôm nay trông như không được khỏe, ba nó cứ nhất
mực không tha. Thằng Tuấn cũng quen rồi những chuyện đại loại như thế nên cũng
cố gắng vì không khéo lại bị những ngọn roi tàn bạo của ba nó vun vút
trên lưng. Ăn đòn xong thì cũng phải làm cho xong việc, vậy thì nó chần chừ làm
gì. Nó leo tuốt lên cây chặt những quày dừa
trĩu quả, rồi cột dây cho ba và anh nó chuyền xuống xuồng mang ra chợ bỏ mối.
Ba nó huấn luyện nó ngay từ nhỏ bằng những đòn roi. Miết, thành ra nó leo rất
giỏi, thoăn thoắt như vượn vậy đó. Nhìn nó leo dừa chuyên nghiệp ai cũng tâm
tắt thán phục, dù ở xứ cù lao này leo dừa là chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ nhưng không ít người thành què
quặt hay liệt nửa thân người từ những chuyện nhỏ này. Có lẽ chính vì vậy mà nó
phải là người chuyên leo trèo trong chiếc ghe mua dừa đem đi bỏ mối của ông Tư
Đời chứ không phải là ai khác.
Mười bốn tuổi đầu nó đã biết đời chẳng có
gì vui khi trong đầu nó luôn lởn vởn những ngọn roi, cái tát rất đau mà kẻ ban
phát cho nó không ai xa lạ chính là người đàn ông nó gọi bằng ba. Một an ủi duy
nhất trong đời, đó là vòng tay ôm ấp của má nó, những giọt nước mắt nóng hổi
của má nó ướt mái đầu xanh của nó mỗi khi biết ba đánh nó hoặc giả may mắn có
hôm chỉ có hai mẹ con ở nhà, má nó ôm nó vào lòng mà nước mắt như mưa. Thằng Hùng lớn hơn nó hai tuổi, anh kế nó
mất khi mới chào đời, nó là Út bởi khi sanh ra nó má nó phải mổ vì đẻ khó
nên không thể sinh nở thêm. Nó bị hắt hủi ngay từ lúc vừa mới lọt lòng.
Thằng Hùng, anh nó, cũng bắt chước theo ba nên tuổi thơ nó cơ cực, nhọc nhằn
lắm. Nhưng càng lớn, như càng hiểu ra sự việc Hùng dần bớt ăn hiếp em hơn. Bênh
vực thì không dám, bởi dù gì chỉ là phận làm con. Còn nó, mỗi khi đón nhận những trận đòn
tét da chỉ dám ngẩng mặt lên trời khóc và thầm hỏi vì sao? Vì sao, có ai biết
không trời?
Đâu có chuyện gì xảy ra mà không có nguyên
do. Nguyên do chuyện nó bị ba nó hành hạ là đây: đó là chuyện của
hai mươi năm trước.
* * *
Nguyệt bơi xuồng qua con rạch, mang mớ
bông điên điển còn tươi rói sang chợ Vĩnh Long bán. Chỉ cách mấy mươi phút chèo
đò mà phân biệt rõ nông thôn, thành thị. Miệt cù lao đèn đóm tù mù, bốn bề song
nước còn bên này nhà hàng, quán xá... Cái chợ thị xã lớn nhất tỉnh nằm sát cạnh
bờ sông, nườm nượp ghe xuồng, xe chạy quanh quanh.
- Mèn ơi, Nguyệt! May quá,
cho chú em này quá giang tới nhà Hai Thành nghe. Cháu của chú Hai Thành nè!
Nguyệt chưa kịp quay mũi ghe vào bờ
đã nghe tiếng dì Sáu Mèn hỏi:
- Mà chú em mày tên gì vậy?
Dì Sáu Mèn bán quán tạp hóa ven đường,
tính rổn rảng mà dễ gần, dễ quen. Người thanh niên đương còn xa lạ với cảnh
sinh hoạt của vùng đất song nước này nên hình như khá rụt rè, giọng nho nhỏ:
- Dạ, cháu tên Kha,
Vạn Kha!
- Í mèn, tên lạ hén.
Dì chỉ tay về phía cô gái chèo xuồng đi bán bong điên điển nói: “Nó tên Nguyệt,
nhà kề bên nhà Hai Thành! Quay sang Nguyệt dì nói lớn: Chú em này ở Đà Lạt
xuống chơi…
Bao nhiêu câu hỏi
dành xã giao dì Sáu Mèn giành nói hết trơn! Nguyệt chỉ biết gật đầu chào, nhoẻn
nụ cười dễ thương và hỏi câu rất thừa vì mình đã biết ráo trọi:
- Anh tìm nhà chú Hai Thành hả?
Rồi bơi xuồng sát bờ cho người thanh niên
bước xuống.
- Làm phiền cô Nguyệt nghe, tôi
không biết chèo!
Nguyệt cười bẽn lẽn:
- Anh quá giang mờ, ai chấp
chi.
Tiếng dì Sáu với theo lanh
lảnh:
- Mèn ơi, nó ở thành phố nên
sợ sông nước lắm nghe mậy!
Chú Hai Thành có mấy công
vườn chôm chôm nên cuộc sống cũng tương đối khá giả, theo vợ là dân Cù
lao về đây lập nghiệp. Vạn kha vai cháu, họ hàng xa. Tuy vậy, chú Hai Thành và
ba của anh học chung lại đồng tuổi nên thuở trai tráng cũng là đôi bạn thân.
Chú Hai Thành ngỡ ngàng khi
thằng cháu ở miết miền xa đến chơi, mấy năm rồi chú không về quê vì kinh tế ngày
một khó khăn. Vạn Kha đậu đại học ở Sài Gòn, hè năm thứ ba quen nước quen cái
mới lò mò theo địa chỉ ba anh cho, về đây để tìm thăm chú Hai Thành.
Xem mòi, hai đứa cũng
xứng, lại được mấy tháng hè thư thả nên chú Hai Thành ra sức vun bồi tình duyên
cho cháu.
- Nguyệt sống
trên vùng cù lao này quanh năm suốt tháng, từ nhỏ đến giờ, không biết có chịu
rời chân nếu có chồng xa xứ không á? Nguyệt có ưng không hả? Vạn Kha nói bóng
gió, úp mở.
- Tui nghèo thấy mồ, ai thèm
ngó mà ưng với hổng ưng!
- Có mà, khi yêu thật lòng
ai phân biệt giàu nghèo, Nguyệt ưng tôi nghe!
Nguyệt mắc cỡ, hồi nào giờ có nghe ai nói
chuyện này đâu à, người đâu sổ sàng quá trời. Không trả lời, Nguyệt chạy vào
bếp, quét hoài cái nền đất lâu ngày nên nổi vẩy rồng láng cuộn.
Chuyện Nguyệt và Vạn Kha xứng
đôi bay đi khắp xóm, chú Hai Thành còn khoe rằng hè năm sau thế nào Nguyệt cũng
thành cô dâu xứ Đà Lạt sương mù.
Hết hè, Vạn Kha đi biền
biệt, có thể đã quên cô gái cù lao nhưng xứ cù lao vẫn nhớ con Nguyệt hái bông
điên điển là cháu dâu hụt của chú Hai Thành.
Nỗi buồn thênh thang theo những tiếng chèo
khua. Nguyệt trầm lặng, sợ ai nhắc đến tên người xưa. Mỗi
khi phải qua ngang quán dì Sáu Mèn, Nguyệt đưa thuyền ra giữa dòng để đừng nghe dì oang oang nói:
- Mèn ơi, thằng Kha lâu rồi
hông xuống hén mậy, chắc nó sợ sông nước mênh mông này!
Ừ thì sông nước mênh mông, nếu yêu thì sẽ
không còn sợ. Như chú Hai Thành nè, chứ có đâu xa. Giờ không nói có ai biết chú
người thành phố, chú chạy ghe tam bản lướt sóng sông Tiền đi Vĩnh Long hà rầm
đó, sợ gì đâu? Trách là trách lòng người bạc bẽo.
Chú Hai Thành quyết về
thăm quê nhưng cốt để hỏi cho ra lẽ cái thằng cháu trời đánh sao đi gieo thương
gieo nhớ cho người rồi lẳng lặng như không. Vạn Kha cười khà khà
nói là chuyện có gì đâu, hai đứa chưa ra mắt gia đình với nhau, chưa có trầu
cau sính lễ gì thì không có chi ràng buộc nhau cả, nhắn Nguyệt có chồng đi,
đừng đợi chi nữa.
Ba năm sau đó thì Nguyệt lấy
chồng, thì cũng coi như là cho xong duyên phải nợ. Người thanh niên nghèo khó
đi đào đất mướn cho nhà chú Hai Thành để lòng thương mang trầu cau dạm hỏi. Có
cưới xin đủ lễ dù là đơn sơ, nho nhỏ. Con gái lớn rồi, phải lo yên bề để an
lòng cha mẹ.
* * *
Hai vợ chồng Tư Đời ở xứ vườn nhưng
ít đất, thiếu cây. Tât nhiên rồi cái nghèo cũng sẽ đeo theo miết. Con xuồng nhỏ
ngày nào hái bong điên điển sang chợ bán phải gánh thêm cây trái cù lao, rẽ
sóng về chợ cho mấy miệng ăn mới vừa đủ no.
Ấy là lúc thằng Hùng ra
đời vừa ngấp nghé thôi nôi. Năm sau đứa kế cũng ngo ngoe nhưng chưa đầy tháng
đã viêm phổi mà chết.
Đã xa thì xa đi, ai biểu anh vậy, ai biểu
anh về thăm cù lao nữa mà chi để nhìn nhau ngại ngùng. Cái xứ tù mù đèn đóm này
nhà lại ở cách nhau mấy gốc nhãn thôi, hỏi ai không buông lời dị nghị. Nguyệt
lúc lánh trong nhà, lúc theo chồng mua trái. Càng tỏ lạnh lùng, xa lạ thì anh
chồng Tư Đời càng nghi, mọi người càng ngờ. Tư Đời càng ngấu nghiến, vật vã
thân xác vợ rã rời. Đàn ông càng ít nói ghen càng dữ dội hơn thì phải. Kha muốn
sang nhà làm quen nhưng thấy Tư Đời cau có, lại thôi, qua lại xem ra không phải
là điều tốt trong lúc này nên chỉ hai ngày lưu lại nhà chú Hai Thành, Kha
đi.
Khi con bìm bịp kêu nước lớn, chú Hai vấn
khăn lên đầu hối Kha xuống bến, Kha không cầm lòng được nói vói sang khi thấy
Nguyệt khom khom cái lưng quét nền bếp nghe sột soạt:
- Kha biết
Nguyệt giận Kha lắm. Xin lỗi, xin lỗi Nguyệt nha, Nguyệt ơi!
Người đàn bà đã qua ba lần sinh nở không
nói không rằng khẻ lấy tay chùi nước mắt. Kha chầm chậm quay lưng, thoáng thấy
bóng Tư Đời sau vườn cách con mương nhỏ. Tư Đời vào nhà, Nguyệt quay mặt đi tản
lờ làm bếp nhưng hai con mắt đỏ hoe kia của Nguyệt không thể ngụy trang bằng
cái gì hết. Nó càng làm cho đôi mắt Tư Đời long lên xồng xộc.
Vừa mấy hôm Nguyệt nói mình cấn thai, là
Thằng Tuấn được đẻ ra sau này đó. Xem ra nó bị ghẻ lạnh của Tư Đời ngay từ bụng
mẹ. Nguyệt càng vất vả trăm chiều khi trong đầu Tư Đời lúc nào cũng nhớ đến
năm, đến tháng mà Vạn Kha về cù lao lần thứ hai, lúc nào cũng rõ nồm một cái
dáng phong lưu của Kha í ới gì đó sang nhà và nhớ cái cặp mắt đỏ hoe của Nguyệt
cố tình quay đi. Tư Đời càng sôi sục cơn ghen.
Tư Đời không vũ phu với vợ bằng roi vọt,
đấm đá như những người đàn ông khác mà bằng sự lạnh nhạt thờ ơ và những cú sốc
tinh thần. Bao nhiêu đòn roi vun vút trên tấm thân gầy yếu của thằng Tuấn.
Nguyệt càng xót xa bao nhiêu, Tư Đời càng ghen nhiều hơn bấy nhiêu. Trớ trêu,
thằng Tuấn lại có gương mặt bầu hơn mặt thằng Hùng, cặp mắt tròn hơn mắt thằng
Hùng và cái mũi gần như cao hơn mũi thằng Hùng…
Năm lên tám tuổi, đang cuốc khoai thuê
trên rẫy nó rủ thằng Hùng bắt cào cào làm mồi cho má nó câu cá. Những con cá rô
béo ngầy ngậy trong mương vườn ông chú Hai Thành luôn làm nó thèm bởi vì má nó
kho cá rô rất cừ, mà ba nó cũng thích rau mác non giòn chấm nước cá rô má nó
kho nữa mà. Bữa đó ba nó dùng cán cuốc đánh nó thừa chết thiếu sống, bắt nó
phải đi bằng đầu gối hết mấy luống khoai mặc cho thằng Hùng van xin ba nó hết
lời.
Nó tấm tức khóc khi má nó xức dầu trên
những vết đánh chuyển màu bầm tím, môi cắn kìm những cơn đau:
- Má, con có phải là con của
ba không vậy má?
Trời đất, đến thằng con rứt
ruột sinh ra mà nó cũng nghi ngờ sao? Chỉ là tủi thân nên nó mới hỏi vậy thôi
chứ chuyện người lớn dằn vặt nhau nó còn quá nhỏ đâu đủ trí khôn để biết đến.
- Tao thèm mía lắm, thằng
Tuấn đi chặt về một cây coi.
Ba nó ra lệnh lúc ấy trời mưa
rỉ rả, chập choạng tối. Đám mía cuối vườn đã cao bộn, thân ngang đầu nó rồi.
Bình thường không sao nhưng sang nay người ta vừa chôn người chết phía bên kia
vườn cách bụi mía một con mương ranh. Má nó lại khóc vì biết thừa những ý đồ ba
nó. Cũng tại tối ấy trời gió, cái gió miền sông nước mát lạnh mà buồn thấu tim
gan. Gió thổi từng chặp, gió như cùng những cành nhãn lao xao kể lể làm má nó
ngước nhìn ra xem. Và ai biểu dì Năm Trầu chết, rồi anh Thắng con của dì
đem chôn đó chi để cho ba nó tối nay thèm mía.
- Nó là con ông mà. Ông ác chi
mà ác dữ vậy?
Câu nhắc không làm Tư
Đời thức tỉnh mà càng sôi gan. Nguyệt từng quỳ lạy từng thề thốt bán mạng mình
để bảo vệ thằng Tuấn càng quyết liệt, Tư Đời càng tin chắc thằng con oan
nghiệt kia là giọt máu của thằng tình địch nên Nguyệt thương nhiều.
Tuấn cầm con dao, mặt tái
mét, mắt len lén nhìn về phía má. Nó biết má nó sẽ không thể làm gì hơn nhưng
tuổi nhỏ mà, gặp chuyện gì cũng muốn bàn tay che chở của mẹ.
- Đi đi mày, đàn ông con trai
phải mạnh dạn lên, ma cỏ có gì mà sợ! Tư Đời quát oang oang.
Nguyệt vụt đứng dậy cầm con dao từ bàn tay
Tuấn rồi nắm tay dẫn Tuấn ra vườn. Tuấn thút thít:
- Sao ba ghét
con dữ vậy má?
- Ba hiểu lầm
thôi. Sau này con lớn, con đừng oán giận ba nghen Tuấn.
Hai mẹ con ôm nhau khóc
ngoài vườn. Tuấn còn chưa thôi ấm ức:
- Ba đánh con đau quá chừng. Ngày
nào con cũng no đòn vậy mà má còn biểu con đừng giận ba. Sao vậy má? Hổng lẽ
con đáng đánh đòn lắm sao?
Nguyệt chỉ biết khóc rồi vuốt lên tóc con:
- Cứ nhớ lời má, sau
này con lớn con sẽ hiểu.
Hai má con còn phải chặt mía rồi mau chóng
vào nhà. Cầm cây mía ngắm nghía, Tư Đời quật mạnh vào lưng Tuấn nói nó chặt mía
non lạt nhách sao ăn rồi vùng vằn bỏ đi vào buồng. Nguyệt biết, nếu lúc nãy
mình không đi chắc có lẽ là thằng Tuấn không bị trận đòn này. Chú Hai Thành đôi lần chứng kiến cảnh Tư
Đời hành hạ thằng Tuấn, láng máng nhận ra nguyên nhân. Tin là tin Nguyệt vậy,
mấy chục năm ở chung xóm, gần nhà mà chẳng lẽ không biết sao cái nết cái na con
nhỏ. Nhưng mở lời sao đây? Chỉ thỉnh thoảng nhắc khéo Tư Đời qua những câu tâm
sự: phàm làm việc gì nên suy nghĩ chín chắn, có những việc khi biết mình sai sẽ
dằn vặt lương tâm suốt một đời.
Mười sáu năm đau khổ, mười sáu năm sống
trong cay nghiệt âm thầm của chồng, Nguyệt lâm bệnh mà chết. Lần cuối, bên vợ
đang hấp hối, Tư Đời còn hỏi câu cuối cùng thật tàn nhẫn rằng thằng Tuấn đích
thực là con ai? Nguyệt thều thào, câu trả lời một ngàn lần có hơn rồi:
- Tôi không hề trái đạo làm vợ. Sao
mình không để tui có ngày vui? Sao mình tàn nhẫn với con ruột của mình vậy hả
mình?
Có lẽ đau xót oằn nhói lên tim
trong giờ phút cuối mà Nguyệt đi nhanh hơn, nói vừa hết câu mà chưa kịp nghe
hay thấy cái gật đầu của Tuấn:
- Tuấn ơi, dù ba có lỗi con cũng
nhớ đừng oán trách ba nha con!
Nguyệt đi và không chịu nhắm
mắt.
Vạn Kha đã đi định cư ở nước ngoài nhiều
năm rồi. Hôm về thăm quê được gia đình nhắc đến Hai Thành rồi biết chuyện của
Nguyệt, Kha tức tốc về Cù Lao. Căn nhà lá nhỏ năm nào còn nằm đó. Dù có ba con
người ra vào, ngó nghiêng ông khách tới thăm nhà Hai Thành kề bên mà sao như
lạnh lẽo quá chừng.
Vạn Kha cùng chú Hai Thành sang nhà xin
thắp nén nhang cho Nguyệt. Mối tình đầu nên thơ ai dễ quên đâu, Kha biết Nguyệt
cũng vậy mà.
- Nguyệt ơi, tưởng xa nhau để cho em
có những ngày vui… ai ngờ em đau khổ đến vậy hả Nguyệt?
Tư Đời lắng nghe Vạn Kha kể về mối tình
xưa, mắt không còn long sộc mà đỏ au vì khóc. Nguyệt trong trắng lắm, đáng yêu
lắm. Hai đứa mơ những ngày hạnh phúc sẽ bên nhau với đàn con. Cha mẹ lưu lạc từ
miền Trung trong những năm khói lửa nên không biết gốc gác bà con thân thuộc ở
đâu. Nhưng sau cuộc chia tay lần đầu đầy bịn rịn, Vạn Kha phát hiện mình
vô sinh không thể chữa được. Kha quyết định không liên lạc với Nguyệt nữa để
Nguyệt không còn hy vọng gì với Kha mà có chồng, sinh con. Ai mà đi nhớ thương
kẻ bạc tình.
Lần thứ hai về thăm chỉ muốn nhìn
tận mắt mái ấm gia đình của Nguyệt cũng là để an tâm sang Pháp định cư.
Chỉ là như thế mà Kha đã vô
tình gieo oan trái cho Nguyệt, và gieo mầm đau khổ cho đứa bé bị cha ruột không
thừa nhận.
Khỏi cần Kha nói, Tư Đời cũng đã tin. Bởi
éo le, thằng Tuấn lúc nhỏ không chịu giống cha để khi má nó chết, nó cũng vừa
vào tuổi trưởng thành, trổ mã lại giống, giống ơi là giống Tư Đời. Giống từ nét
mặt, vành môi. Chỉ đôi mắt là giống má nó mà thôi. Đôi mắt ấy luôn chưa nỗi buồn xa xăm dù
biết rằng bây giờ ba nó đã chịu nhận nó là con.
Tuấn chèo xuồng đưa ba nó sang Vĩnh Long
khám bệnh. Bận về, ba biểu ghé tiệm bà Sáu Mèn mua xị rượu uống cho ấm ruột.
Mấy hôm nay gió nhiều, trở lạnh nên ba nó ho, ho nhiều lắm. Bà Sáu chợt buột
miệng nhắc tên má nó:
- Cái thằng tướng chèo xuồng giống
con Nguyệt! Mà cái mặt nó y chang bây nghe Tư, thiệt là…
Thiệt là gì hả bà Sáu, hai mảnh đời,
hai con người vắt lên nhau để tạo ra nó thì chuyện giống nhau có gì lạ, nếu
chịu nhìn sẽ thấy được thôi mà, đâu đợi nó lồ lộ ra ngoài mới gật đầu chấp
nhận. Tiếc là ba nó không chịu cân nhắc để cho tuổi thơ nó trôi đi trong đau
khổ triền miên.
- Í mèn, sao bây khóc vậy Tư?
Tư Đời lắc đầu không nói, khẽ ôm vai Tuấn:
- Ba con mình xuống xuồng về nhà đi
con.
Gió vẫn thổi, từng chăp mang hơi lạnh từ
sông, dừng lại thì thầm cùng những cành nhãn bên hông nhà. Những lúc này Tuấn
nhớ má nó da diết. Tư Đời cũng vậy, ông hay lẳng lặng tuột xuống võng men ra
cuối vườn, không phải thèm mía mà ngồi bên nấm mộ người vợ một đời buồn khổ vì
ông. Ông lầm thầm câu xin lỗi muộn màng.
Tuấn biết vậy nên cũng thường chậm rãi đi
theo sau ông. Đợi ông nói những gì cần nói cho thỏa lòng rồi dìu ông vào nhà
nghỉ ngơi. Lần nào ông cũng nói với Tuấn:
- Ba có lỗi với con nhiều, đừng oán
giận ba nghe con!
Tuấn không oán giận chẳng
phải vì miễn cưỡng nghe theo lời trăng trối của má nó mà vì nó biết chắc chắn
rằng nó là con ruột của ba nó, ông Tư Đời. Mà phải chi thuở trước ba nó đừng
lầm lẫn đáng tiếc thì gió từ sông đâu có buồn nhiều đến như vậy.
Rất vui được có lời chào đầu năm qua trang viết "Hương Quê Nhà". Kính chúc anh Hữu Duyên và các bạn đọc năm mới 2012 thật hạnh phúc, nhiều may mắn!
Trả lờiXóa