- Ông có thể kể cho tôi nghe một câu
chuyện nào đó được không? Thời tiết hôm nay thật là oi bức, tôi sẽ chết mất nếu
nhưng không có cách nào làm đầu óc tôi nguôi ngoai quên đi cái nóng hơn 40C
này.
- Tôi biết kể cho bà nghe chuyện gì bây
giờ? Tôi già thật rồi, chẳng nhớ được bao nhiêu nữa. Mà những chuyện còn nhớ,
chẳng phải tôi đều đã kể cho bà hết rồi đấy thôi.
- Ừ thì… Mà thôi chuyện gì cũng được, miễn
là đừng im lặng. Càng im lặng thì càng ngột ngạt, bức bối.
- Ừ thì… Mà bà đừng lo, chắc chắn tí nữa
trời sẽ có gió. Như thế hẳn sẽ dễ chịu hơn rồi.
“Người ta gọi nó là cô bé đãng trí, cũng
giống nhân vật trong một câu chuyện cổ tích được gọi là “cô bé quàng khăn đỏ”.
Nó có cái biệt danh ấy cũng chỉ vì cái tính chẳng bao giờ nhớ lấy một việc gì
quá ba phút, kể cả những việc cực kì quan trọng. Ai dặn cái gì nó cũng quên, ai
hỏi cái gì nó cũng bảo không nhớ, đối với nó chẳng việc gì là quan trọng cả.
Nhiều khi nó còn chẳng biết phải làm gì với cái kho trí nhớ luôn trong tình
trạng rỗng tuếch của mình. Những lúc ấy nó thường nằm ngủ, để lạc vào một thế
giới thần tiên thật đẹp, dù cho khi tỉnh dậy nó chẳng bao giờ nhớ gì về giấc mơ
ấy cả. Dẫu sao thì cuộc đời của cô bé đãng trí ấy cũng diễn ra yên ấm suốt
những năm tháng tuổi thơ trên mảnh đất quê hương quá đỗi thanh bình.
18 tuổi, cô bé đãng trí năm nào đã
trở thành một thiếu nữ với đôi mắt thông minh, đôi lông mày đậm và nụ cười hiền
hậu. Các chàng trai thường gọi cô bé đãng trí là “nàng”, như một cách đầy yêu
thương, nâng niu một bông hồng đẹp. Nàng học xong phổ thông, nhờ người quen xin
vào trường trung cấp mẫu giáo. Xuống thành phố một năm thành bông hoa rừng rực
rỡ khiến bao người phải thầm yêu trộm nhớ. Nhưng nàng không yêu tất cả những
chàng trai hào hoa ấy, mà nàng lại đem mối duyên thâm trao gửi cho một người
con trai nghèo một xóm lao động phía tây thành phố. Chàng trai ấy làm nghề buôn
sắt vụn, nay đây mai đó, chỗ nào ở lâu nhất cũng chỉ độ nửa năm. Lúc sắp phải
đi chỗ khác kiếm ăn chàng trai có dặn nàng chỗ địa chỉ mới sẽ chuyển đến và cả
địa chỉ ở quê nhà. Nhưng ngay sau khi tiễn người yêu nàng đã quên ngay những
dòng địa chỉ ấy trong đầu. Điều đó khiến nàng đau khổ vô cùng, hàng ngày nàng
lang thang khắp các ngõ ngách trong thành phố mong tìm thấy một người từng quen
biết người yêu mình. Nàng đã gặp rất nhiều người nhưng ai cũng trả lời nàng
rằng “làm sao tôi nhớ được”. Đấy là lần đầu tiên nàng thấy căm giận cái bộ óc
rỗng tuếch của mình. Nàng đạp xe ra bờ sông, ngẩng mặt lên trời. Khóc.
Sau đấy ít lâu, nàng kết thúc việc học
hành của mình và xin về vùng núi thuộc một tỉnh miền Đông Bắc dạy học. Ở đấy,
một cuộc sống khác đang chờ đợi, cứ tưởng rồi chẳng mấy chốc nàng sẽ không còn
nhớ gì đến mối tình đầu của mình nữa. Nhưng không hiểu sao từng ngày trôi qua chỉ
càng làm cho nỗi nhớ trong nàng thêm sâu đậm. Nàng cứ hy vọng rằng những người
có duyên phận ắt sẽ gặp lại nhau, dù cho có cách trở bao xa đi nữa.
Nàng về vùng núi dạy được sáu tháng thì cả
vùng mắc một cơn đại dịch, những người mắc dịch thì bỗng nhiên lên cơn sốt cao
kéo dài ba ngày, ba đêm thuốc thang gì cũng không khỏi được. Đến ngày thứ tư
thì bệnh tự khỏi.”
- Sao lạ vậy ông? Sao câu chuyện ông kể
hôm nay chẳng giống một câu chuyện cổ tích vậy nhỉ?
- Chả nhẽ đến từng này tuổi rồi bà vẫn chỉ
thích tôi kể chuyện cổ tích cho bà nghe thôi sao. Bà thật là…
“Những người ốm tỉnh dậy, họ thấy nặng
trịch đầu óc như thể có một khối đá tảng đang đeo trên đầu. Rồi bỗng nhiên họ
nhớ ra rất nhiều chuyện, những hình ảnh trong kí ức cứ dội về tưởng chừng như
những chuyện vừa mới xảy ra đây thôi, cứ cào xé làm tim người ta nhói
buốt".
- Cô nàng đãng trí có mắc phải căn bệnh
này không ông?
- Bà không nên sốt ruột. Hãy cứ để tôi kể
từ từ.
- Nhưng… câu chuyện mà ông kể cứ như là
truyện giả tưởng ấy.
- Từ từ đã nào. Bà chớ nên nóng ruột.
“Nàng đã nhớ lại mọi chuyện sau đợt dịch
bệnh. Kể cả những chuyện hồi thơ nhỏ. Nàng nhớ có một lần đi học về đến cổng
nàng bắt gặp bố mẹ nàng đang xô xát. Mẹ kêu khóc rất nhiều, còn bố thì thi
thoảng lại đánh đập mẹ. Nàng đã rất sợ hãi, đứng nép vào bụi cây trong vườn rồi
ôm mặt khóc. Nàng lại nhớ ra một đêm, khi tỉnh dậy đi vệ sinh, nàng đã bắt gặp
hai bóng người chạy vụt ra con đường mòn dẫn ra cánh đồng sau nhà, nơi ấy
hoa cải tháng Ba đang nở vàng dưới ánh trăng lưỡi liềm lúc mờ lúc tỏ. Nàng quay
vào nhà, vén màng nhìn vào giường chỉ thấy dáng mẹ nằm co quắp, chỗ của cha đã
trống trơn, nhưng khi nàng đặt tay lên thấy nó vẫn còn hơi ấm. Khi dòng kí ức
chảy về, nàng bắt đầu thấy nhói buốt nơi ngực trái. Nàng nhặt hòn đá nơi chân
núi lên rồi nói với nó rằng “tim ta đang đau, sao bỗng nhiên lại trở nên thế
này? Ta thật lòng không muốn nhớ”. Rồi nàng ngủ quên chìm vào tiếng nấc, trong
giấc mơ nàng thấy mình là cô tiên bay gần lên vườn đào nhà trời thì gãy cánh.
Gió bão, mây mù cứ ồ ạt kéo đến vây kín lấy nàng. Trong phút chốc nàng thấy
mình rơi xuống một cánh đồng đêm, nơi ấy không có gì ngoài bóng đêm và tiếng hú
hoang dại của bầy chó sói. Nàng gào lên sợ hãi rồi tỉnh giấc. Mồ hôi nàng đầm
đìa, đây là lần đầu tiên nàng thấy mình nhớ lại được giấc mơ, nàng nghĩ có thể
trước đây nàng cũng đã từng mơ rất nhiều giấc mơ hãi hùng như thế. Nhưng nàng
đã không nhớ, nó hoàn toàn biết mất khi nàng mở mắt, nhìn thấy mọi thứ trong
thực tại. Cái đấy mới tuyệt diệu làm sao… Còn hơn cảm giác như lúc này, nó thật
là kinh khủng.
Nhà nàng làm long nhãn khô bán cho đàn ông
cả làng ngâm rượu, một tối đi đưa hàng từ làng bên về, bất ngờ nàng đã gặp một
người đàn ông chặn đường, ông ấy bế thốc nàng lên… và… Trời ơi! Nàng bóp chặt
đầu, lắc thật mạnh, cố để những hình ảnh khủng khiếp ấy tuột ra khỏi trí
nhớ. Người ta tìm thấy nàng đang nằm gục trên phiến đá ong, một vết máu chảy từ
đỉnh đầu xuống. Nhưng nàng vẫn sống, chỉ không nói năng gì suốt mấy ngày, nước
mắt chảy đầm đìa”.
- Kìa, sao bà lại khóc.
- À! Tại tôi lẩm cẩm mất rồi.
- Ừ! Nhẽ ra bà không nên khóc. Sống đến
cái tuổi như tôi với bà rồi thì mọi chuyện rồi cũng sẽ không còn to tát nữa.
“Một buổi sớm khi học sinh đến lớp, chúng
đợi mãi không thấy nàng, người dân tìm mãi không thấy nàng. Người ta ra chân
suối rồi lên đỉnh núi tìm nàng đều không thấy. Người ta bảo nhau rằng có thể
nàng đã bỏ đi đến một vùng đất khác, nơi ấy tốt đẹp hơn vùng đất thâm sơn cùng
cốc này. Nhưng chẳng ai biết rằng nàng đã đi theo tiếng gọi của một trái tim
thức giấc sau bao năm ngủ quên. Nàng đi tìm chàng trai buôn đồng nát năm nào
trong câu chuyện về một tình yêu đẹp mà nàng mới chợt nhớ ra. Nàng cần tình yêu
ấy để xoa dịu tất cả nỗi khiếp đảm, đau đớn hoang mang trong dòng chảy kí ức
của mình. Nàng cứ thế băng đi…”
- Cô gái ấy chắc sẽ không bao giờ gặp lại
chàng trai ấy phải không ông?
- Ồ! Bà lẩm cẩm thật rồi. Gặp chứ, nhất
định là gặp chứ.
“Nhưng khi gặp lại mối tình đầu của mình,
thì chàng trai hoàn toàn không còn mong đợi nàng nữa vì chàng trai đã có gia
đình. Chàng trai bảo:
- Anh đã đợi em quá lâu, tại sao em lại
không đi tìm anh?
Nàng ôm mặt khóc, nàng bảo:
- Vì em không nhớ gì hết. Trước đây
em là một cô gái đãng trí. Tại sao anh lại không thể chờ em?
Chàng trai quay đi, phía cuối con đường
nhỏ có một mái nhà và người vợ đang đứng đợi. Nàng cảm thấy tuyệt vọng, nàng
muốn đi tìm một chỗ dựa nào đó nhưng biết phải đi đâu? Quay trở về nhà ư? Nơi
mùa này cánh đồng hoa cải vàng lại nở rộ, nơi những kí ức tuổi thơ sống lại đủ
sức mạnh giết chết nàng trong đau đớn".
- Câu chuyện thật chẳng có hậu phải không
bà?
- Câu chuyện không có thật phải không ông?
- Tại sao bà lại hỏi thế?
- Vì tôi nghĩ nếu là một câu chuyện thật,
có lẽ cô gái ấy sẽ chết vì cô đơn mất.
- Thôi nào, chắc bà đã mệt rồi. Cứ dựa vào
vai tôi ý. Đấy, bà thấy không, hôm nay ông trời hào phóng ghê. Toàn gió là gió.
“Nàng tìm về với mẹ, người đàn bà vẫn nằm
co quắp một mình trên chiếc giường mối mọt mỗi đêm hoa cải nở vàng dưới cánh
đồng sau nhà. Nàng tìm về bởi nhận ra bao nhiêu năm mẹ nàng đã phải cố gắng
chịu tủi hận, đắng cay để giữ cho mái nhà không xô lệch, để cô bé đãng trí năm
nào cứ ngỡ rằng mình đã sống một gia đình yên ấm, hạnh phúc vẹn toàn. Chao ôi!
Mẹ nàng gầy đi rất nhiều. Gặp nàng mẹ luôn
tỏ ra vui vẻ, chỉ những đường gân xanh trên bàn tay gầy guộc và đôi mắt đã hằn
sâu dấu chân chim là dấu hiệu của sự già nua từ trong tâm khảm. Mẹ nàng hỏi:
- Con gái mẹ đã đi đủ xa chưa?
- Bởi con không biết bao nhiêu là đủ nên
con mới trở về.
Mẹ nhìn ra cánh đồng hoa cải vàng, đôi mắt
cũng vàng vọt, ầng ậc nước. Mẹ nàng bảo:
- Mẹ chỉ ước được đi hết cánh đồng hoa
vàng kia thôi, vậy mà khó quá. Mẹ còn chưa bao giờ dám chạm chân xuống cái thảm
vàng ấy.
- Có lẽ… mẹ nên học cách để quên đi, với
con đấy là cách để đi xa nhất.
- Lại sắp mùa mưa rồi đấy…
- Sao cha con không đi luôn?
Chỉ có sự im lặng và tiếng thở dài thả
trôi mênh mang theo cánh đồng hoa vàng. Tiếng gió như một vũ khúc lúc giục giã
dòng kí ức trong nàng thức dậy, lúc lại như muốn xoa dịu, nguôi ngoai, lúc như
muốn vỡ òa. Nàng đứng dậy, không hiểu cái ý nghĩ gì đã thôi thúc nàng một mình
rẽ cánh đồng hoa vàng mà đi. Đến giữa cánh đồng, nàng quay lại nhìn mẹ cười.
Nàng giống như một cô tiên đang cất đôi cánh trắng bay qua những buồn đau,
những sự thật, những dối lừa… để bay về một thế giới diệu kì đầy sức sống”.
- Có phải ông đang kể cho tôi nghe một câu
chuyện có thật đúng không?
- Không! Đó chỉ là câu chuyện do tôi tưởng
tượng ra mà thôi. Khi tình cờ tôi đọc được câu chuyện về những người mắc bệnh
kết tủa của một cô gái tên Thùy Anh nào đó viết đăng trên báo. Để rồi tôi tin
chắc rằng trong cái trận dịch có rất nhiều người mắc bệnh kết tủa mà cô Thùy
Anh ấy kể, thể nào cũng có cô gái mà tôi vừa kể cho bà. Bà thấy đấy, tôi cũng
đâu có già quá đâu. Tôi thấy mình vẫn còn minh mẫn lắm.
- Không, ông lẩm cẩm thật rồi. Đấy rõ ràng
là một câu chuyện có thật.
- Bà thật là… Nó chỉ là một câu chuyện do
tôi tưởng tượng mà thôi. Mà tôi quên chưa giải thích cho bà, bệnh kết tủa là…
là căn bệnh mà ai mắc phải đều nhớ tất cả mọi thứ, nhớ đến day dứt và sâu đậm.
Bà thấy tôi giải thích thế đã đúng chưa?
- Ồ! Đúng là ông đã lẩm cẩm mất rồi…
V.T.H.T
Truyện được ướp trong không gian vừa hiện thực vừa hư ảo, khiến mình hồi hộp, muốn đọc kì hết, để được chiêm ngẫm cái triết lí trong ấy. Truyện hay, mình thích lắm.
Trả lờiXóa