Minh họa: Ngô Vũ Hà Mi
Anh thường vào blog của tôi comment bằng nick Nông Dân. Tôi thích
cái nick này, thích luôn những comment nghịch ngợm dễ thương của anh.
Anh xin số điện thoại. Đối với người hâm mộ
văn của mình, tôi không đắn đo mấy khi nhắn lại số cho gã đàn ông xa lạ chưa
một lần gặp mặt ở ngoài đời. Lần đầu anh nhắn tin cho tôi:
- Mình chỉ nhắn tin thôi,
đừng có gọi, em nhé!
- Sao vậy anh?
- Tại anh bị… cà lăm.
Tôi ôm bụng cười ngất.
Kệ, người ta có cà lăm hay
không thì mặc kệ. Mà vậy cũng hay, ngoài công việc trợ lý cho mẹ, tôi dành hết
thì giờ cho viết lách, không còn rỗi để tiếp chuyện với độc giả của mình, thật
tai nạn nếu anh là người… già chuyện.
Anh nhắn tin cho tôi rời
rạc. Tôi giữ thông lệ từ đầu tự mình đặt ra là chỉ trả lời anh chứ không bắt
chuyện trước. Những dòng tin của anh thường đem đến cho tôi niềm vui như những
dòng comment hài hước thông minh, chẳng Nông Dân chút nào cả. Nếu bẵng đi những
tin nhắn này cả mấy ngày thì tôi như thiêu thiếu một điều gì quen thuộc.
Có lần thức khuya để
viết bài, chuông tin nhắn vang lên. Là anh ư, tôi lẩm bẩm, tưởng anh biến luôn
rồi nữa chứ!
- Em còn thức phải không?
- Dạ.
- Em nghe anh đàn hát nhé!
- Ủa, nghe nói anh bị cà lăm
mà.
- Mỗi lần say anh lại hết bị
cà lăm.
- Xạo quá! Anh hát đi.
Anh vừa đệm đàn guitar vừa
hát bài Xin còn gọi tên nhau:
- Tình trong cơn ngủ mê rồi
phai trên hàng mi. Để khi mình nhớ về, mộng thành mây bay đi, còn gì trên đôi
tay. Nên thầm hờn dỗi mình. Cho tình càng thêm say.
Ôi, làm sao mà anh lại biết
tôi thích bài này, thích những đêm thức khuya, có tiếng hát của ai đó không
phải là ca sĩ, không phải phát ra từ máy tính, mà từ một nơi nào đó trên bãi bờ
của biển đêm, hay từ đồi cao vi vu tiếng thông reo.
Anh chỉ hát một khúc thôi
rồi im bặt. Say mà sao khôn thế? Chắc là sợ… hết pin.
- Anh ca hay quá, mai mốt
anh ca tiếp cho em nghe nhé!
Im lặng không nói, không một
chữ trả lời. Người chi mà lạ lùng.
Có lần mới năm giờ sáng anh
đã nhắn:
- Phượng Vỹ ơi, chắc là anh
mê em rồi!
- Em tin là anh không xạo.
Mà xin anh đừng manh động. Tội nghiệp em! Em đang run đây nè!
Tôi không run, chỉ nghe mình
choáng váng.
Không biết anh đang ở nơi xó
xỉnh nào, tôi tạm tin anh để nhắn cà phê với anh.
- Anh đang ở xa em lắm, lại
sợ gặp mặt sẽ mê em thêm.
- Mê thêm thì sao?
- Khó dứt ra được!
- ???
Im lìm!
Lại có lần anh nhắn cho tôi
mấy câu thơ:
Ta đang uống rượu một mình
Thấy tình ta tựa như hình
mây bay
Thấy đời mòn mỏi cuộc say
Say từ tiền kiếp đọa đày yêu
em.
Là sao đây? Anh lại say nữa
rồi. Cái ông Nông Dân này, mỗi lần say là toàn nhạc với thơ.
- Thơ của ai vậy anh?
Lại im lìm!
Đó là tin nhắn cuối cùng của
anh gửi cho tôi.
Bỏ quy ước tự đặt ra cho
mình, tôi nhắn tin rồi gọi trước cho anh. Tất cả đều bặt vô âm tín.
Người chi mà lạ kỳ, chắc là
nông dân này về quê cày ruộng rồi! Hóa ra đàn ông ai cũng đều như cánh chuồn
chuồn, khi vui thì đậu khi buồn… chuồn luôn.
Mỗi lần mở blog ra, tôi đều
thầm chờ đợi anh xuất hiện. Vẫn trắng toát khung comment trống không nằm hoang
vu lạnh lẽo. Vẫn đôi mắt quầng thâm hiền hiền của anh nhìn tôi từ một nơi nào
rất xa lại rất gần. Vẫn tiếng hát anh còn vọng dư âm vương víu từ ngõ hồn tôi
xôn xao. Và tôi cũng thấy mình quá ngu ngơ khi khù khờ gửi tin yêu đến cho
người trên mạng ảo. Rồi nhơ nhớ, tiêng tiếc một điều gì dấu ái vừa vuột mất đi.
Có thể nào mi lại nhớ người ta dễ dàng thế sao, này lòng kiêu hãnh của ta ơi?
Nhiều câu hỏi được đặt ra
cho sự im lặng trống vắng này, và tôi hoảng hốt khi nghĩ có điều gì không may
đã xảy đến cho anh.
oOo
Khí hậu Đà Lạt mùa này không
lạnh như tôi tưởng, đủ se se dễ chịu cho những người quen chịu đựng cái nắng
nóng bức của Sài Gòn như tôi. Lần đầu tiên đến, phố núi đối với tôi thật tuyệt.
Nơi nào cũng hoa, đường nào cũng dốc. Nhà cửa phố xá quanh quanh theo sườn đồi.
Sương mù không nhiều, chỉ thấy xa xa phía sau hậu viên khách sạn, mấy lớp sương
mỏng như khăn voan hờ hững choàng qua vai đồi thông xanh thẳm.
Khuôn viên của khách sạn
rộng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế mây trong góc quầy cà phê, ngắm màu nắng nhàn
nhạt dưới thung lũng dưới kia. Dây tầm xuân bò dọc theo lan can nở mấy nụ xanh
rung rinh. Nhạc Phạm Duy mở vừa đủ nghe, tha thiết buồn buồn: Nghìn trùng xa
cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...
Một góc bên kia là bàn của
mấy ông uống bia đang rôm rả nói cười. Hình như mấy ông thuộc hội văn nghệ của
phố núi này. Qua loáng thoáng câu chuyện của họ, tôi đoán như vậy. Và dễ dàng
nhận ra nhà văn trẻ Đinh Vũ, vì anh có bộ tóc dài thượt và râu quai nón. Chân
dung anh thường xuất hiện trên báo chí.
Rượu vào thơ ra, họ hứng chí
đọc thơ oang oang. Mấy ổng là vậy, có khi ngồi quán cóc bên đường cũng xua tay
múa chân đọc thơ như nơi nào cũng là nhà của họ vậy.
- Ê Vũ, mày ngâm thơ không
được thì hát hò đi chứ!
Cả bàn vỗ tay, cây đàn
guitar được người phục vụ mang ra đưa cho Đinh Vũ. Anh vừa so lại dây vừa cười:
Xin còn gọi tên nhau nhé!
Tôi quay phắt lại vì cái
giọng hát tôi quen chứ không phải vì bài ca tôi thích. Đúng là anh rồi, không
lầm lẫn đi đâu được. Vẫn chỉ một điệp khúc đó, vẫn tiếng đệm đàn đó, vẫn giọng
trầm trầm đó. Tôi bước qua đứng trước mặt anh:
- Là anh Nông Dân đó phải
không?
Anh ngẩng đầu lên nhìn tôi
thảng thốt:
- Ôi, Phượng Vỹ!
Anh đứng dậy dựng cây đàn
lên ghế, bối rối nhìn tôi:
- Em lên đây bao giờ
vậy?
Tôi không trả lời anh mà chỉ
muốn khóc.
Các bạn của anh đồng loạt rộ
lên:
- Hơ hơ, thằng Vũ đang bị em
tầm nã!
Họ đứng dậy đùa bông lông
thêm mấy câu nữa rồi ra về. Chỉ còn anh và tôi.
- Ngồi xuống đi em. Em uống
gì nào?
- Cho em ly rượu vang.
Nhìn vẻ mặt buồn buồn của
anh, tôi không nỡ hỏi nhiều. Mà đối với anh, tôi có quyền gì để hỏi chứ? Tôi
thật là con nít.
Uống nửa ly rượu vào, đứa
con gái rụt rè trong tôi biến mất. Tay tôi níu tay anh, mắt tôi ngó sâu vào mắt
anh:
- Có phải bốn câu thơ nhắn
lần cuối cùng bữa đó cho em là thơ của anh làm phải không?
- Có gì quan trọng? Mà sao
em biết hay vậy?
- Anh coi thường sự nhạy cảm
của em rồi, mấy câu đó nói là anh đã… yêu em! Mà đã lầm lỡ rồi, sao không dũng
cảm xưng tội, để phải… chạy trốn nhỉ?
- Dạ, tại quá ham chơi nên
trốn học… mấy tháng thôi “cô cô” ơi!
Tôi phì cười. Trước đây anh
cứ xưng mình là Dương Quá và gọi tôi là “cô cô” để nhờ tôi truyền nghề… viết
văn. Người chi mà khôn quá. Trong truyện Thần điêu đại hiệp của Kim Dung, chẳng
phải là học trò Dương Quá cứ đòi cưới cô cô Tiểu Long Nữ đó sao?
Đến lượt tôi đánh trống
lảng:
- Quá giỏi ha, còn thêm một
tội nữa! Nhà văn mà giả nai bái sư với con bé lơ tơ mơ mới vào nghề này nhé!
Và nhắc lại câu hỏi mà anh
chưa trả lời:
- Sao anh trốn em?
Anh buông một câu rất sến:
- Anh viết văn không đủ nuôi
thân mình, nên đành hẹn kiếp sau sẽ không trốn em nữa.
- Sao anh không nói rõ?
- Anh sợ nói ra em sẽ cho
anh hèn nhát đào thoát! Anh khổ như con chó từ hồi bé đến giờ rồi, nên không
muốn lây vạ cho em.
Đó là một trong nhiều điều
mà tôi đã suy đoán, là điều làm tôi nhẹ nhõm hơn tất cả mấy điều.
- Anh có biết em lo cho anh
đã có chuyện không may xảy ra không? Anh ác độc hơn cả… mụ phù thủy!
- Ô, mà trước đây anh nào
thấy dấu hiệu gì em sẽ lo cho anh đâu?
- Anh xạo quá đi!
Người phục vụ nhắc chúng tôi
đã đến giờ khách sạn đóng cổng. Tôi tiễn anh:
- Thôi anh về đi, em chỉ còn
hai ngày ở lại đây thôi. Ngày mai anh phải chở em đi chơi cho khắp hết Đà Lạt.
Chừng nào em về lại Sài Gòn rồi thì anh thích trốn tiếp thì cứ trốn. Chứ đừng
trốn sớm. Bỏ em bơ vơ một mình ở xứ lạnh này, tội nghiệp.
Tôi cũng vừa buông một câu
dài dòng rất sến! Ai đó đã nói thường khi yêu, đôi khi hai người sẽ trở thành
sến tất!
Lúc này, trong tôi có hai
nửa. Một nửa cuồng nhiệt muốn trì níu anh làm của riêng mình. Một nửa kia nhu
mì lỏng tay cho anh muốn trôi đi đâu thì đi. Nửa sau yếu ớt này không còn là
của tôi mà là của anh, tùy thuộc vào anh có đủ dũng cảm để dắt tay tôi đi về
phía trước hay không.
Lúc này, tôi nhẹ tênh cả
người. Chỉ cần ngày mai bên anh nơi phố núi này là đủ rồi. Cảm ơn thành phố của
hoa, sương mù và tình yêu sẽ cho tôi có một giờ bên anh. Huống chi tôi sẽ có
đến cả hai ngày!
Đêm bình yên. Tôi tưởng
tượng ngày mai tôi sẽ ngồi sau chiếc xe máy Trung Quốc cà tàng của anh. Anh chở
tôi lòng vòng hết những con đường của Đà Lạt. Cuối cùng dừng lại bên vệ đường
có ngọn đồi thoai thoải bạt ngàn hoa dã quỳ vàng. Chúng tôi nắm tay nhau chạy
băng trên cánh rừng này. Và tôi mơ tôi và anh từ từ bay bổng lên, từ từ tan
loãng giữa khoảng không. Tôi hòa tan vào màu hoa, anh hòa tan vào màu nắng. Màu
vàng hoa nắng không còn buồn bã nữa mà rực rỡ lên màu lạ thường.
TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN (Bình Phước)
Truyện viết rất dễ thương! Phong cách nhẹ nhàng, lôi cuốn người đọc!
Trả lờiXóa