Minh họa của Thúy Hằng
1. Đống lửa trại tắt
dần. Củi cũng đã hết. Thi thoảng vài tàn lửa gặp gió bốc lên, bay lả tả, nổ lép
bép. Những củ khoai lang, khoai mì, khoai tây… được học trò moi ra từ hồi nảo
hồi nào. Nếu còn sót lại chắc vừa kịp thành cacbon. Một số bắt đầu uể oải về trại
riêng của lớp.
Buổi
tối quậy đủ trò tưng bừng như vắt kiệt sức lực nàng. Nàng lờ mờ cảm thấy cơ thể
như đang muốn chống lại ý nghĩ của mình. Đúng lúc ấy điện thoại rung. Nàng vừa
đưa máy lên tai, ấn nút nghe thì có một tràng xối xả của chú bảo vệ “Cháu ra
đằng trước, chỗ lớp 12A1, nhanh đi, học sinh lớp cháu nhảy lầu tự tử”. Nàng tá
hỏa. Chuyện gì nữa đây? Năm vừa mới về trường cũng hội trại, sáng ra một giáo
viên điểm danh sĩ số lớp thì thiếu một em. Tìm mãi mới ra nữ sinh trong bụi rậm
phía sau trường, trên người áo xống xộc xệch, te tua. Miệng mếu máo. Mắt rưng
rức. Nay trường khang trang hơn. Công tác quản trại cũng xiết chặt hơn. Tưởng
sẽ chẳng thể có chuyện gì. Vậy mà. Lần trước là trò làm tăng dân số. Giờ lại
trò giảm dân số. Thế có bực không chứ. Phen này lãnh đủ mất thôi.
Nàng
ra đến nơi thì chú bảo vệ đã kịp đưa học trò vào phòng y tế. Là Nguyên. Trời ạ,
Nguyên lớp trưởng, một học trò nàng tin tưởng nhất. Sao Nguyên lại có hành động
trời đánh này? Tất nhiên đó chỉ là ý nghĩ trong đầu nàng. Khi chạy vào đến
giường nàng kịp nén lại.
-
Sao, em sao rồi? Cháu cảm ơn chú. Nàng vừa hỏi Nguyên vừa quay qua nói với chú
bảo vệ.
-
Dạ, không sao cô ạ. Chỉ hơi trật cẳng chân một chút. Em xoa dầu sẽ khỏi.
-
Mà sao lại nhảy từ lầu xuống?
Lúc
ấy chú bảo vệ đã bàn giao lại Nguyên cho nàng. Nên cuộc nói chuyện giữa cô và
trò diễn ra thoải mái như thường lệ.
- Tại cậu ấy không đồng ý yêu em.
Ối
trời! Hóa ra cu cậu đứng lơ ngơ khi nãy đấy. Thấy nàng vào đã lí nhí chào rồi
lẩn mất lúc nào không hay.
-
Mày nhu lắm em ạ. Có biết cái chết vì tình yêu bọ xít là cái chết nhăng nhít
lãng xẹt nhất không? Mà em đã hiểu tình yêu là thứ gì chưa, sao đòi chết vì nó?
Chỗ
này phải mở ngoặc chút. “Nhu” trong từ điển giáo viên trường này được hiểu là
“ngu”. Vì không được nói học sinh ngu khi bức xúc nên một giáo viên đã phát
minh ra từ này để không lo bị kiện cáo. Bản thân nàng không mặn mà với từ “ngu”
lắm nên cũng không dùng từ “nhu” bao giờ. Nhưng đến nước này nàng phải buột
miệng ra với cô học trò cưng.
-
Dạ. Nhưng em chưa ngu đến mức như cô nghĩ đâu. Em chỉ tính dọa bạn ấy. Định dọa
cho bạn ấy sợ phải nhận lời. Ai ngờ bạn ấy cũng lì. Con trai gì mà kiêu. Thế là
em nhảy. Cô biết em học vovinam ba năm còn gì. Nhảy xuống bám một nhịp vào cành
phượng rồi mới tiếp đất thì đơn giản. Không ngờ bóng điện sân trường tối quá em
nhìn không rõ. Hóa ra cành phượng khô. May mà có đống đất trường mới mua về
chưa kịp bón cho cây.
-
Đống đất ấy khi sáng cô thấy bác lao công mới trộn phân hóa học. Xem ra tình
yêu của em vùi trong phân rồi. Lo mà học đi. Chưa gì đã hoắng lên. Vào đại học
đi rồi cô truyền cách tán trai cho. Vừa nói nàng vừa gí ngón tay trỏ vào trán
học trò tinh nghịch.
-
Cô lo cho cô đã xong đâu. Theo cách cô lại những chiếc giỏ xe chở đầy hoa
phượng à? Sến lắm. Giờ giỏ xe mà chở hoa phượng tình yêu nó rẽ nước chạy không
buồn sủi tăm.
-
Á à, tinh tướng. Lo mấy phương trình, phản ứng, đạo hàm, tích phân… đi đã, nhé.
Lại thêm một cái cốc vào trán nữa khiến cô học trò nhỏ chỉ biết nhăn mặt chu
môi kêu oai oái.
2. Nàng đi dạy mới được
ba năm. Không hiểu sao năm nào cũng bị dính một hai sự vụ gì đó với lớp chủ
nhiệm. Toàn những sự cố trên trời rơi xuống. Nàng thấy mình có cao lớn gì cho
cam mà ông cao xanh lại cứ giáng trúng đầu.
Năm
đầu tiên mới hết học kỳ một, học sinh bỏ học đi lấy chồng. Gọi điện về gia đình
thì được biết “em nó hai ngày nay chưa về nhà”. Chết thật. Vậy mà không phản
ảnh gì với nhà trường. Hỏi lại mấy học trò chơi thân trong nhóm thì “sáng trước
bạn ấy có đi học, nhưng đến cổng trường có người yêu đến đón rồi đi chơi luôn”.
Giờ gọi điện thoại toàn nghe ò í e. Không liên lạc được. “Bạn ấy nói đi chơi
vài ngày rồi sẽ về”. Thôi chịu. Chỉ còn cách đợi chứ biết làm sao. Có ngồi trên
đống lửa cũng phải cắn răng đợi. Bảy ngày sau có tin. Ra là học trò về quê bạn
trai tận Hà Tiên để ngắm cảnh bình minh nơi tận cùng tổ quốc. Lãng mạn thế thì
cô chịu rồi. Mẹ học trò gọi điện nói “Em nó về rồi cô ạ. Nhưng nó sợ bố không
dám về nhà. Giờ nó ở hẳn bên nhà thằng kia. Một hai đòi bỏ học để cưới. Cô xem
có cách gì khuyên nhủ em với”. “Dạ dạ. Chiều em sẽ qua ngay. Chị nói anh nhà
bình tĩnh, nóng quá khéo hỏng chuyện”. Đến nhà học trò, thấy cám cảnh quá.
Trong nhà chẳng có gì, ngoài gió lùa tứ bề. Vườn cỏ mọc um tùm. Cỏ nhiều và cao
hơn cả mấy cây rau. Bố mẹ đều đi làm thuê. Nhưng vẫn muốn con học hết mười hai
với người. “Nó lấy chồng giờ thì biết gì? Làm được gì? Không lẽ lại khổ hơn đời
bố mẹ”. Nghe mà không cầm được lòng. Vậy phải xuống nhà kia ngay. Đến gặp cả bố
của cậu bạn trai. Ông xưng với nàng một tiếng cô hai tiếng cô. Nhưng xem ra lại
xuôi chiều theo con. “Ngày xưa mình đặt đâu con cái ngồi đấy nhưng giờ chúng
đặt đâu mình phải ngồi đấy, cô ạ”. Ông nhã nhặn lịch sự gọi ba ly cà phê đen ở
quán vỉa hè cạnh đấy. Nàng không dám uống. Chưa uống mà đã thấy đắng nghẹt ở
cổ. Uống vào chắc chết quá. Tiếp chuyện một hồi ông xin phép đi làm. Cả nhà mãi
tận Hà Tiên lên đây thuê nhà trọ rồi xẻ cá thuê dưới bến cá. Còn lại nàng với
hai mẹ con học trò. Lúc này nàng mới phân tích phải trái dưới trên. Nào là em
chưa đủ điều kiện để bước vào chuyện hệ trọng ấy. Về pháp luật, pháp luật không
cho ai kết hôn khi chưa đủ mười tám tuổi. Về tâm lý, em chưa đủ trưởng thành để
sống cuộc sống gia đình riêng. Cô đây này, nhiều lúc cô còn thấy mình trẻ con
huống hồ em. Về kinh tế, bạn trai em cũng làm thuê, rồi giờ em cũng thế, liệu
có nên không? Mọi thứ không chỉ màu hồng như em và bạn dệt ra đâu. Nàng đã nói
rất dài, rất nhiệt huyết. Mong vớt vát học trò ra khỏi vũng lầy mới lớn kia.
Học trò ngồi yên, cúi mặt. Thi thoảng dạ lí nhí với câu nào nàng có câu hỏi
đuôi “phải không?” Phụ huynh sụt sịt khóc theo nhịp. Quán gần đấy mở bài hát có
đoạn lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn. Vậy là đi hết một buổi chiều.
Mong qua đêm bình minh nở trên môi người. Nhưng không. Bình minh lên mà nụ cười
không kịp nở. Tuần sau học trò trong lớp nói bạn ấy cưới rồi cô ạ. Một đám cưới
buồn tê tái. Nàng nghe cũng thấy tái tê buồn.
Năm
thứ hai chưa kịp hết học kỳ hai, nàng hay tin công an báo về trường một học
sinh trong lớp bị bắt trong vụ cướp tiệm vàng ở thị trấn huyện kế bên. Hỏi ra
mới biết bị rủ rê. Chỉ có dao với mấy khẩu súng giả. Cũng bịt mặt như quân
khủng bố Trung Đông. Hành sự xong một ngày sau bị công an bắt gọn cả dây. “Bạn
ấy chỉ đi theo cô ạ”. Một học sinh trong lớp nói. Đi theo cũng là đồng bọn. Tưởng
chưa đủ tuổi để bị kết án. Ai dè học trò trước khi vào lớp nàng chủ nhiệm đã
lưu ban hai năm, trước lại đi học muộn. Thành ra dư tuổi để phải thụ án. Nàng
và cả lớp ớ người. Bình thường trên lớp học trò ấy sôi nổi nhiệt tình. Còn xung
phong làm lớp phó văn thể mỹ. Một cây nhảy hip hop và đọc popping của trường.
Vậy mà vào tù cải tạo. Mỗi lần nghĩ tới ánh mắt của cậu học trò lúc nghe nhận
án là nàng lại bủn rủn chân tay.
3. Bước chân vào trường
nàng gặp ngay cô hiệu phó. Cô hỏi “Lớp em tối qua có trường hợp tự tử à?” Nàng
“Dạ vâng. Nhưng không sao cô ạ. Chỉ là hiểu nhầm. Em đã giải quyết rồi. Em nghĩ
không nên đưa ra hội đồng trường làm gì. Lại gây xôn xao, chẳng hay lắm”. Cô
đồng ý, nhưng đi rồi còn nói với theo “Em cũng xem để ý lại mình. Nhiều người nói
em với học trò chẳng phân biệt được đâu là cô đâu là trò”.
Nhanh
thật. Chuyện vậy mà loang ra được. Tối qua chuyện chỉ nàng, chú bảo vệ, cô y tá
và thêm hai đứa học trò biết. Nàng có dặn chú bảo vệ với cô y tá thôi giữ kín
chuyện giúp. Đâu có gì hay ho. Vậy mà sáng nay cô hiệu phó đã biết.
Riêng
chuyện không phân biệt đâu là cô đâu là trò thì chẳng cần tai vách mạch rừng ai
cũng biết. Không hiểu sao mọi người lại cứ ru mãi ngàn năm điệu ấy, sốt sắng
như bị mất cắp đến nơi. Lâu lâu lại một giáo viên gọi nàng ra nói chuyện riêng.
Em bảo trò này trò kia chấn chỉnh lại. Ai đời tiết anh/chị mà nó thế kia nó thế
này. Nàng chỉ biết ậm ừ cho qua. Vâng vâng dạ dạ rồi lời bay từ tai phải vèo
qua tai trái, hay ngược lại trái qua phải, tốc độ di chuyển của âm thanh. Không
phải nàng bàng quan nàng thờ ơ. Nàng thấy nàng vào lớp nào học trò cũng há
miệng nghe giảng. Có thấy gì đâu. Nên kết luận là anh/chị nói học trò không
nghe thì anh/chị phải xem lại xem mình giảng thế nào? Hình như con người luôn
có thói quen đổ lỗi cho yếu tố khách quan, ngoài mình, chứ ít khi chịu nhìn lại
mình.
Đa
số đồng nghiệp thích làm cho học trò sợ bằng vẻ mặt căm hờn lại giục căm hờn.
Lớp học là chiến trường. Học trò quậy phá là quân thù. Học trò ngoan có thể là
tình báo của quân thù. Chiến tranh xảy ra là chiến tranh hiện đại, không dùng
vũ khí thông thường mà là ngôn ngữ, ánh mắt, cơ mặt với nếp nhăn. Phần lớn học
trò chỉ sợ trước mặt. Nhưng chúng không nể. Vậy nên mới có chuyện một giáo viên
sa sả ca bài ca hy vọng với nhóm học trò ở cuối lớp, cuối cùng chốt lại câu
“Thường những thứ cặn bã hay chìm xuống dưới”. Thường ngày nói ra rả lớp đều im
re. Bất ngờ hôm ấy một em phía cuối lớp đứng dậy, mặt đỏ gay, cứ như lò xo bị
nén hết cỡ nên phải bật ngược theo đúng định luật của nhà vật lý Hooke: “Dạ, cô
dạy đúng. Nhưng em thấy chưa đủ. Cặn bã chìm xuống dưới. Còn rác rưởi nổi lên
trên nữa ạ”.
Vụ
ấy học trò bị phê bình trước cờ vì vô lễ với giáo viên. Nàng thì thấy cô kia
cũng quá. Ai đời lại đi nói học trò thế. Khói luôn bắt đầu từ lửa mà. Nghĩ vậy
nên nàng luôn xem học trò như bạn. Tính nàng chẳng thích làm thầy ai cả. Một
tiết dạy mà không khiến cho học trò cười được vài lần, tranh luận sôi nổi được
vài lần, nàng thấy mình thật nhạt. Tiếng cười kỳ diệu lắm, nó làm con người gần
lại nhau hơn, và hiểu nhau hơn. Nó xóa được khoảng cách. Có phải vậy không mà
học trò chẳng bao giờ sợ nàng. Bù lại, chúng nể nàng. Nàng thì nghĩ nể bao giờ
cũng hay hơn sợ.
4. Về trường, nàng ở
trong khu tập thể giáo viên. Đấy là một dãy nhà cấp bốn gồm năm phòng, có hệ
thống vệ sinh bếp ăn khép kín. Khu tập thể cách trường khoảng 2km. Khoảng cách
đủ để có hai quán nhậu thịt rùa thịt thỏ khiến nàng mỗi lần đi qua lại nhớ đến
chuyện rùa và thỏ của nhà ngụ ngôn Jean de La Fontaine; thêm quán cầm đồ kết
hợp sửa điện thoại, xe đạp với câu trên bảng quảng cáo đẹp như hai vế đối “Mua
xe đạp/điện thoại cũ giá cao. Bán xe đạp/điện thoại cũ giá thấp” khiến nàng tủm
tỉm cười. Kinh doanh vậy lỗ to à, làm từ thiện à? Thật toàn những người vui
tính.
Ở
khu tập thể chỉ có giáo viên trẻ, chưa lập gia đình. Ngay chiều đầu tiên nàng
được chào đón bằng một chầu nhậu. Khi chầu nhậu vào hồi một số giáo viên nam tê
tê, nàng được chứng kiến sự kiện động trời, ít nhất là trong cái đầu non nớt
của nàng lúc ấy.
Một
nữ sinh gọi điện cho anh thầy thể dục, nói thầy ra cổng cho em gặp chút. Anh
thầy nói “Em về đi. Có gì mai thầy lên lớp sẽ gặp. Thầy đang bận”. Được lúc lại
nghe điện thoại anh thầy đổ chuông. Nhìn ra cổng nữ sinh vẫn kiên định cố thủ
như chuẩn bị ôm bom ba càng lao vào. Anh thầy miễn cưỡng đi ra. Vừa tới cổng
thì bị nữ sinh vít cổ xuống hôn cái chụt. Kèm theo câu “Thầy hèn lắm”. Nhanh
tới nỗi anh thầy không kịp phản ứng gì. Quá ngoạn mục. Lúc ấy chỉ có bóng đèn ở
cổng làm chứng. Nàng và cả hội nhìn qua cửa sổ thấy loáng thoáng, nhưng câu nói
của nữ sinh thì nghe không sai được, thậm chí còn mô tả được cả âm vực và cao
độ của lời.
Sau
này nàng phụ trách câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên của trường mới
biết câu chuyện trên chẳng thấm tháp vào đâu. Có lần một học trò nữ gọi điện
gần nửa đêm, hấp tấp hỏi “Cô ơi tinh trùng ở ngoài sống được bao lâu ạ? Nếu hai
người làm như vậy như vậy thì khả năng có bị dính bầu không ạ?” Trả lời, an ủi,
khuyên nhủ học trò xong nàng hết hồn. Kiểu này chẳng mấy chốc khéo chúng làm
thầy mình. Mình toàn nói lý thuyết chứ thực tế thì biết ất giáp gì đâu.
Trở
lại với anh thầy thể dục đắt hàng trong mắt nữ sinh. Không phải chỉ mình anh
thầy ấy. Hầu như anh thầy thể dục nào cũng có lợi thế. Bởi cái mã khá ổn. Thi
vào thể dục thể thao ít nhất phải qua khâu cân đo đong đếm ngoại hình. Cộng
thêm sự tương phản kém cỏi của các thầy cô khác. Bởi vậy trong trường thầy dạy
thể dục luôn là ngôi sao sáng, sáng nhất trong muôn vì sao. Có một thực tế học
sư phạm phần nhiều là con em xuất thân nông thôn hay diện chính sách. Nói cho
vuông là gia cảnh thấp, ít sáng sủa. Chọn sư phạm để không phải lo học phí.
Nhìn sinh viên sư phạm với sinh viên kinh tế, ngoại thương, y dược, thương mại
sẽ biết ngay. Dù thời nàng sư phạm vẫn đang là ngành hot, đầu vào cao không thua gì mấy ngành
kia, nhưng xét ngoại hình dân sư phạm đa số như vịt bầu, bên kia là thiên nga.
Không thiên nga thì cũng phải sâm cầm trong tiếng sâm cầm nhỏ vỗ cánh bay về,
chứ không phải một con vịt xòe ra hai cái cánh nó kêu rằng quác quác quác quạc
quạc quạc.
Giáo
viên trong khu tập thể không ổn định lắm. Đầu năm học thường đông vui, về cuối
năm giảm dần. Thường đầu năm có giáo viên mới về, trong số đó nhất định có nữ,
như nàng, nên mấy thầy giáo trẻ về từ những năm trước, trước của những năm
trước nữa, được gọi với mỹ từ là hàng tồn kho chất lượng cao, sẽ vào sống ở khu
tập thể để dễ bề tiếp cận mục tiêu mới. Sau thời gian thấy các cuộc tập kích có
dấu hiệu trèo cột mỡ, đổ vỡ như các công trình công bị rút ruột thì lại dần dà
lui ra ở ngoài.
Từ
ngày nàng về chưa thấy vụ nào thành công. Dù mỗi đợt ra quân đều rầm rập hừng
hực khí thế. Cứ vậy, đầu năm tăng, về giữa năm đến cuối năm giảm dần. Nói như
giáo viên vật lý là dao động điều hòa, còn như giáo viên toán có thể viết thành
phương trình parapol, vẽ thành đồ thị lên xuống xuống lên. Mỗi lần nhậu chọc
mấy anh hàng tồn kho ấy các anh lại cười ha hả nói vậy là đúng quy luật tự
nhiên. Thời giờ đa số ai muốn lên đều phải xuống trước đã, nằm hay quỳ là tùy,
sấp hay ngửa cũng tùy người, tùy giới tính. Mà ở đời có cái gì lên lại không
xuống xuống lại không lên.
5. Năm nay trường có hiệu
trưởng mới. Mọi thứ sôi lên sùng sục. Sôi mà không bốc hơi, không thể bung ra.
Nên trường giống lò bát quái.
Minh họa của Thanh Huyền
|
Nàng
nhớ ngày về trường, thầy hiệu trưởng cũ sau khi xem qua hồ sơ, niềm nở hỏi “…
Biết văn nghệ hay chơi thể thao không?” Trong dấu “…” là tên nàng. Thầy luôn
xưng là mình với tên người đối diện khi nói chuyện, dù người đó chỉ cỡ tuổi con
thầy. Cảm giác tình cảm gần gũi. Sau quen dần, có lúc thầy tâm sự “Giáo dục giờ
ruỗng quá. Mình cũng chỉ là con sâu cái kiến, con tốt trong cái guồng quay quay
cuồng ấy nên mình cố gắng hoàn thành trách nhiệm với học sinh ở mức lương tâm
cho phép. Cái gì làm được để giáo viên dễ thở hơn mình sẽ cố. Tiết chế, tinh
giảm bớt áp lực cho giáo viên được bao nhiêu mình sẽ làm. Chứ thi đua này học
tập kia đâu có thực. Giáo dục giờ như cái búi bùi nhùi, như tổ quạ. Buồn là
người ta cứ tưởng là tổ chim công tổ họa mi, cứ bắt múa cứ bắt hót”.
Nàng
được hưởng không khí lộc trời ấy hai năm. Tới năm ba, thầy hết hai nhiệm kỳ nên
phải luân chuyển. Hiệu trưởng mới về. Nghe nói khi thầy hiệu trưởng này đi khỏi
trường cũ giáo viên trường vui như dân làng Vũ Đại tiễn đưa cha con Bá Kiến về
nơi an nghỉ cuối cùng.
Hiệu
trưởng mới tên Cấu. Có lý lịch nghe rất dễ dựng lông chân. Học hết cấp ba
trường huyện, thi rớt đại học, Cấu vào lính. Nhưng Cấu biết bắn súng trước khi
vào bộ đội. Bắn khá chính xác. Kết quả là cô láng giềng ơi đã đeo ba lô đằng
trước sau khi anh thanh niên Cấu đeo ba lô đằng sau nhập ngũ. Huấn luyện xong
đúng lúc chiến sự biên giới phía Bắc xảy ra. Cấu trong đoàn hành quân về phía
ấy. Nhưng Cấu bắn súng giả thì giỏi còn bắn súng thật đạn đồng lại kém. Nghe
tiếng súng rát quá Cấu tự bắn mình bị thương để vào quân y. Sau không hiểu sao
ra quân vẫn ngẩng cao đầu, lại xin được đi dạy thể dục. Cấu thành anh giáo thể
dục có giọng hô vang khắp trường. Ít lâu nữa Cấu học văn bằng tại chức ngữ văn.
Văn vẻ như ai. Học theo phương châm nhậu nhẹt với thầy là mục tiêu, xin điểm là
chủ yếu. Có tấm bằng tại chức là ghế trên ngồi tót sỗ sàng, làm quản lý. Đúng
như bằng là… tại cái chức. Nhanh như ruồi đánh mùi thấy tiết canh. Món ăn mà
mọi người vẫn đùa là món ngậm máu phun người.
Hiệu
trưởng Cấu nổi tiếng ông vua thành tích từ hồi ở trường cũ. Ông tới đâu cờ đèn
kèn trống nổi lên rầm rập. Hiệu trưởng nhanh chóng cho thay hàng loạt khẩu hiệu
của trường. Giăng từ cổng tới phòng ban giám hiệu, kể cả nhà vệ sinh. Giáo viên
ngẩn ngơ ngao ngán nghiêng ngả chạy theo khẩu hiệu.
Ngày
đầu tiên về trường hiệu trưởng lượn một vòng. Hôm sau thấy thợ thuyền vào đào
gốc cây chỗ này trồng gốc cây chỗ kia. Phải quy hoạch lại cho đúng phong thủy.
Ai nhìn vào lại tưởng đang ngụy trang trường để chuẩn bị chống máy bay đi càn
thời chiến tranh. Hiệu trưởng cho mua thêm một loạt cây, chơi hẳn Kim Giao mới
tay chơi. Không làm thì thôi làm phải cho sang cho sáng. Một loạt giỏ rác cũ ở các
hành lang và sân trường cho nghỉ hưu sớm, thay bằng những thùng rác kiểu mẫu
hình chim cánh cụt có khẩu hiệu bảo vệ môi trường đẹp mê tơi.
Trường
thay áo mới hớn hở ra mặt. Chỉ cô kế toán và thủ quỹ méo mặt. Kêu hóa đơn thanh
toán cao quá. Theo tham khảo giá thị trường thì hóa đơn hiệu trưởng đưa đều ở
trên chín tầng trời. Đúng là tiền ơi tiền rơi bị thầy, thầy để thầy ngửi chứ
thầy không tiêu.
Chuyện
lan ra. Giáo viên hỏi nhau có con chim cánh cụt bỏ rác gì mà giá ghê vậy. Cô
chủ tịch công đoàn cười cười nói, đắt gì, chim của hiệu trưởng tất nhiên phải
giá cao. Phải chim thường đâu. Mà chẳng hiểu sao hiệu trưởng lại chọn cây Kim
Giao để trồng. Tên Cấu lại thích Kim Giao, không lẽ hiệu trưởng định dọa các cô
trong trường? Giáo viên ngồi trong phòng nghỉ giờ ra chơi được phen cười nôn
ruột.
6. Mới đấy đã rục rịch
vào mùa hội giảng. Ai nấy hồ hởi như chuẩn bị vào lễ hội hóa trang. Mà đúng hóa
trang thật. Thầy cô hội giảng thành cascadeur chứ không còn như mọi ngày.
-
Em thấy hay thật. Cứ khi nào hội giảng thầy cô mới dạy máy chiếu. Rồi chuẩn bị
này nọ. Có thầy cô còn dặn trước học sinh câu hỏi này nói thế này thế kia. Có
khi dạy đi dạy lại ba bốn lần rồi mới đưa ra hội giảng. Dạy vậy để cho thầy cô
xem chứ có phải dạy cho học sinh đâu.
Trong
một lần trò chuyện, Nguyên nói với nàng vậy. Nàng giật mình. Dù chẳng ham hố
chuyện ấy nhưng nghe học trò nói vậy chỉ muốn tìm lỗ độn thổ. Có vẻ ai cũng
biết vậy. Cũng thấy vậy. Vẫn cười cợt châm biếm nhau đấy. Nhưng khi người ngoài
nhận xét mới thấy thấm. Hóa ra tất cả chỉ là kịch. Như một thói quen cũ kỹ. Như
một món ăn ôi thiu, lâu ngày chẳng chịu đổ đi.
Khổ
nhất là một số giáo viên thế hệ trước, không kịp tiếp cận vi tính cũng thích
gồng mình chạy đua vũ trang với giáo án điện tử. Chạy đua khi mà không biết
phải làm thế nào. Tạo hiệu ứng cho một slide không biết sao chữ lại chạy ngang
chạy dọc, trong ra đến ngoài vào hệt như quạ thấy xác thú phân hủy. Đành nhờ người
khác làm giúp. Đến giờ chỉ việc enter. Nhưng khổ. Dùng chuột chưa quen lại vấp.
Câu hỏi vừa đưa ra đã lỡ tay cho đáp án nhảy bổ theo. Học sinh nhiều phen không
cần mua vé vào rạp hài vẫn được trận cười thả phanh. Người biết vi tính lại tỏ
ra sành sỏi hoa lá cành. Hình nền slide toàn chim bay bướm lượn vỗ cánh sinh
động. Học sinh chúi mũi nhìn hình nền quên luôn bài giảng. Hết ồ rồi à. Thầy
nhiều chim quá. Cô nhiều bướm quá.
Vậy
cũng xong. Cũng đánh giá xếp loại. Và tốt. Và xuất sắc. Khen theo kiểu ai thích
khen thì khen cho nó chết. Những lời nhận xét luôn được bơm theo khí hydro để
người nghe được bay lên, bay cao và bay xa. Còn sau rơi ở đâu không biết. Mùa
hội giảng thắng lợi mọi mặt.
Năm
nào đọc danh sách khen thưởng giáo viên giỏi học sinh ngồi dưới cũng không khỏi
ồ à quay qua quay lại phàn nàn “Thầy/cô ấy mà là giáo viên giỏi, dạy như tiến
sĩ gây mê, ứng dụng công nghệ đọc chép với lớp mình mà”.
7. Ở khu tập thể nàng hay
nói chuyện với Lãm. Chẳng phải có ý gì. Chỉ là bắt gặp ở Lãm những suy nghĩ có
thể chia sẻ được.
Thực
ra nàng biết người yêu của Lãm trước. Người yêu Lãm về trường cùng năm với
nàng. Nghe kể Lãm và người yêu học cùng lớp đại học. Yêu nhau từ năm hai. Người
yêu Lãm hay thơ. Lãm viết thư pháp thơ người yêu. Lại ti toe phổ nhạc thơ người
yêu, hát trong những lần sinh hoạt ở lớp ở khoa. Một cặp bài trùng đẹp và mơ
mộng, cả trường sư phạm biết. Ra trường Lãm bị rớt ở quê nhà một năm, vì xin
việc ngoài ấy, nhất là công chức giáo dục, khó hơn tìm oxy trên mặt trăng. Một
năm sau Lãm Nam
tiến theo lời kêu gọi của người yêu, về cùng trường, tức là cùng chỗ nàng.
Tưởng song hỷ lâm môn. Đùng cái. Ba tháng sau người yêu tổ chức đám cưới, với
người khác. Anh chồng tuổi đã sừng sừng, không biết thơ thẩn thư pháp, không có
ti tí tế bào lãng mạn. Bù lại đám cưới cô dâu đeo kiềng vàng vẹo cổ, chắc xoa
dầu con ó hết tuần trăng mật chưa chắc bình thường lại được. Cưới xong tân
nương chuyển về trường trung tâm chất lượng hơn. Mọi thứ nhẹ nhàng cuốn theo
chiều gió. Từ đấy Lãm ít nói hẳn, cứ lừ đừ như tàu đi trong mưa, thi thoảng lại
lẩm bẩm: Khi mê bùn chỉ là bùn/ Ngộ ra mới biết trong bùn có sen/ Khi mê tiền
chỉ là tiền/ Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm/ Khi mê dâm chỉ là dâm/ Ngộ ra
mới biết trong dâm có tình/ Khi mê tình chỉ là tình/ Ngộ ra mới biết trong tình
có dâm.(1)
Lãm
hỏi nàng năm nay có ra hội giảng không. Nàng nói không, mình chẳng bao giờ có ý
định ấy, mình không thích diễn kịch. Lãm lại nói bản chất cuộc sống là một vở
kịch, những gì diễn ra ở trường cũng là màn kịch. Chúng ta là diễn viên, dù
muốn hay không. Vậy mình là diễn viên tồi. Vì mình không biết diễn. Mình cũng
chịu. Bi kịch nhỉ? Chẳng biết là bi hay hài. Sao nhìn đâu cũng thấy người muốn
tỏ ra hơn người. Ừ, toàn người biết tuốt. Có mỗi một thứ không biết là không
biết đỏ mặt. Cậu biết không, hôm họp hội đồng giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng
nói hùng hồn lắm, cứ Makarenko nói thế này thế này Makarenko nói như vậy như
vậy. Ai cũng hãi. Mình đoán lại kiểu mới đọc vẹt đâu được vài trang nên để cho
nói đã mình mới có ý kiến, nói thầy nói hay nhưng giờ giáo dục tâm lý học sinh
đa số theo thuyết của Leonardo DiCaprio(2). Mình phịa ra mấy ví dụ
rất thực tế ở trường. Vậy là hiệu trưởng bị cắt cơn. Hiệu nghiệm phết. Những
chuyện sờ sờ trước mắt thì không đề cập, cứ nói đâu đâu. Cậu chưa nghe kể hiệu
trưởng hồi ở trường cũ nhỉ? Một hai phải xây dựng chiến lược để đưa học sinh đi
thi đường lên đỉnh Olympia.
Giáo viên nói có bột mới gột nên hồ. Hiệu trưởng bảo kiên quyết làm được, không
được bàn lùi. Đấy là cách quảng bá trường hay nhất. Báo hại hôm ấy đứa bạn mình
dẫn chương trình thi ở trường. Toàn bộ câu hỏi đã có đáp án, đưa cho học trò ôn
trước. Vậy mà lên thi ù ù cạc cạc. Học trò nói Việt Nam nằm ở Bắc Á, Số đỏ là
tác phẩm Nguyễn Ái Quốc viết trong tù, Phạm Tuân là tác giả của Vang bóng một
thời…
Lãm
cười sằng sặc, lại đọc “Dù ngồi ở bất cứ đâu? Chỉ đít đổi chỗ chứ đầu thì
không”(3)
8. Có một thực tế, nếu ai
muốn tìm hiểu về ngôi trường nào đó, cách tốt nhất, nhanh gọn nhất, là cứ đánh
úp vào khu tập thể giáo viên. Bên chiếu nhậu mọi chuyện đều được đem ra mổ xẻ
như một miếng mồi ngon.
Hôm
ấy Lãm mới đưa được hai chén qua cửa khẩu (miệng), chưa kịp để ai hỏi đã nói
“Thiên tài cùng với thằng điên/ Cách nhau chỉ một đường biên mơ hồ”.(4)
-
Có gì mà nay Lãm xì thơ nhanh thế. Thường ngày phải khi nào tây tây kia mà. Hay
đi tập huấn gì dưới Sở lại bức xúc à?
-
Tập huấn về dạy học tích hợp. Có mỗi bộ sách giáo khoa chỉnh đi chỉnh lại vẫn
rối. Rồi lại đẻ ra chương trình giảm tải, sách nội dung bám sát. Đã rối như
canh hẹ giờ lại còn dạy học tích hợp. Học sinh nói vào trọng tâm bài còn chưa
nắm hết mớ kiến thức hàn lâm để đáp ứng thi cử giờ còn ép tích hợp thêm, có
ngày học sinh tẩu hỏa nhập ma.
-
Các cụ toàn ngồi trên cung trăng. Có bao giờ biết thực tế dưới này đâu.
-
Giáo dục là quốc sách, hàng đầu, là vơđét đấy.
-
Không thì cũng đè ra để rửa tiền, giải ngân. Một năm không biết bao nhiêu lần
tập huấn hết chương trình này đến dự án kia. Toàn nói những thứ đẩu đâu. Xong
về trường chẳng thấy rục rịch gì. Có rục rịch thì cũng chẳng thấy ai về kiểm
định kiểm tra.
-
Vậy chứ cả ngày cậu làm được gì? Nàng hỏi lại Lãm.
-
Ngồi dưới làm thơ châm và viết vài mẩu chuyện cười cho báo Biếm chứ nghe gì đâu. Báo cáo viên toàn
chiếu slide và đọc chép. Chép như trong tài liệu đã phát thì anh chép làm gì.
-
Vậy cho mọi người nghiệm thu kết quả buổi học đi.
Lãm
làm thêm hớp rượu và đọc bài thơ châm mới viết.
Bài
thơ của Lãm như sau:
NĂM
ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC XE TĂNG
(Ăn
theo tên ca khúc của nhạc sĩ Doãn Nho)
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Xăng, Gas, Điện, Nước với Lương lên đường
Khi xuất kích cả năm người như một
Thống nhất cao đoàn kết với yêu thương
Nhưng
sáng nay các mẹ ở hậu phương
Giật thót tim nghe tin Lương rớt lại
Xăng vẫn tiến băng băng về phía trước
Lương bây giờ chẳng biết ở nơi đâu
Xăng, Gas, Điện, Nước bảo… ghìm thương đau
Đợi Lương thì e thời cơ vụt mất
Thêm lần nữa Lương cù bơ cù bất
Biết bao lần tiếc nuối, hẹn lần sau.
9. Thế rồi năm học cũng
kết thúc, dẫu chậm chạp như tiếng thở dài của loài bò sát cổ ở kỷ Jura cách đây
hai trăm triệu năm.
Kết
quả tổng kết quật hiệu trưởng lấm lưng trắng bụng. Mọi tỷ lệ đều dưới mức chỉ
tiêu. Hiệu trưởng thích cây Kim Giao tên Cấu coi đó là thất bại không thể nuốt
trôi. Nàng thì nghĩ bình thường. Đâu phải thất bại. Chỉ là đúng thực tế nó thế.
May
mắn thay những học trò lớp nàng chủ nhiệm đều trèo qua được kỳ thi tốt nghiệp
để ra khỏi cổng trường một cách đàng hoàng. Nguyên và vài em tốp đầu của lớp
đậu được vào những trường hứa hẹn ở thành phố. Tuyệt nhiên không thấy em nào
thi vào sư phạm. Nàng giật mình nhận ra đầu vào các trường sư phạm thấp xuống
trông thấy. Có vẻ như học trò cũng kịp hiểu, hay bố mẹ chúng kịp nhận ra, thời
nay không ai sống được bằng lý tưởng khi dạ dày chỉ co bóp với chính nó.
Lãm
nghỉ dạy, đi làm phóng viên tập sự cho một tờ báo.
Nàng
bỗng thấy chông chênh.
Công
văn triệu tập đi học mấy lớp chuyên đề và tập huấn trong hè lại về. Hè chưa
nghỉ mà như bắt đầu năm học mới. Vậy là đã ba năm nàng ở ngôi trường này. Tuổi
xuân trôi nhanh như cún chạy qua quốc lộ. Nàng tự hỏi không biết mình có thể
gắn bó ở đây mãi được không? Sao thấy như lạc lõng quá chừng. Như nơi đây đã
thừa ra một người.
Văn Thành Lê
Truyện đã đăng trên báo Đại biểu nhân dân 7-8/5/2012
________________
1,
3, 4. Thơ Nguyễn Bảo Sinh
2.Thực
ra là diễn viên chính trong phim Titanic
Bài viết rất hay! Tranh minh họa tuyệt đẹp!
Trả lờiXóa