Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, trên thi đàn Bình Định, xuất hiện một loạt cây bút trẻ tài hoa đầy cá tính. Trong số đó, có Quang Vĩnh Khương. Chàng trai này đã đến với thơ mạnh mẽ, táo bạo như ngọn sóng ngang tàng, như một tia chớp và ra đi cũng như một tia chớp.
Một trưa tháng tư năm 2001, tôi bất ngờ gặp Quang Vĩnh Khương trên đường 19, tại thị xã An Khê. Khương khoe với tôi xây nhà gần xong và vợ Khương vừa mới sinh cháu gái. Tôi mừng cho Khương sau mười năm bươn chải, cuối cùng rồi cũng có một tổ ấm, một bếp lửa...
Chưa đầy tháng sau, từ Quy Nhơn, tôi được tin Quang Vĩnh Khương đã đột ngột ra đi. Tôi bàng hoàng tiếc thương cho một ngòi bút thơ tài hoa, đa tình và mạnh mẽ. Đây là định mệnh ư? Tôi thường bắt gặp chữ định mệnh trong nhiều bài thơ của anh. Trong bài “Đối khúc mùa thu”, ngay trang đầu cũng có hai chữ định mệnh. Khương đã đến và đi như “chiếc xe ngựa cà tàng kia lao vào đêm vun vút, không phanh”. Tim tôi đau nhói.
Tôi biết Quang Vĩnh Khương từ ngày còn học cấp III ở Tuy Phước. Tôi biết chàng trai này rất khó khăn trong đời sống. Mà nếu không sống một cuộc đời lăn lộn, khổ đau như thế thì làm sao có những câu thơ hay đến cháy lòng và buốt giá như thế. Trong tay tôi chỉ có tập thơ “Tạ ơn nỗi buồn” Nxb. Trẻ ấn hành 1991 và “Hai mảnh yêu thương” in chung với Mai Thìn. Từng đó cũng đủ cho tôi kính và yêu Quang Vĩnh Khương. Khương đã sớm bươn chải, lãng du khắp hai miền đất nước, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, rồi viết kịch, làm thơ, viết truyện phim, làm báo. Cuộc đời gồ ghề và bụi bặm, trí tuệ và hào hoa, đam mê tình yêu và nghệ thuật. Tất cả đã làm cho Khương già trước tuổi.
Có thể nói, thơ Khương không có bài dở. Nó thể hiện một tâm hồn giàu có, một sức sống dồi dào, một bút lực mạnh mẽ, yêu hết mình, làm việc hết mình và sống hết mình. Nói thế, không có nghĩa Khương không có khuyết nhược điểm. Có điều, hãy nhìn Khương như một thi sĩ trẻ đã mang lại cho thi ca sức sống mới, ào ạt và sung mãn, bản lĩnh và khoan dung, cuồng say và đau khổ. Khương đã làm mới những đề tài quen thuộc, làm mới thể thơ lục bát… bởi sự hàm súc trong từ lượng, bởi logic nội tại và tiết tấu của tứ thơ, trước hết là ngôn từ.
Những bài thơ văn xuôi của Khương cũng tinh tế, sâu sắc chân thật trong tình cảm. Nó làm cho người đọc ngạc nhiên. Không ít nhà thơ lúc đó muốn đánh giá hiện thực nhiều khi phải sử dụng thể thơ tự sự, còn với Khương, thơ trữ tình cũng phản ảnh được hiện thực một cách sinh động, sâu sắc đến đau đớn:
“Thôi em! Lãng mạn thời thực dụng
Vầng trăng nào hơn tấm bánh
Dệ cỏ non đo thước tính thành tiền
Người ta dõi nhìn ra biển là mong một chuyến hàng về
Chai lì đam mê
Chết dần kỷ niệm
Những cơ tim mòn rão chuyện biệt ly
Thôi em! Đời mà…
Ta nhập cuộc”
Đọc lại Quang Vĩnh Khương, tôi muốn người đọc tiếp xúc những bài thơ của anh để có cơ sở nhìn nhận công bằng một nhà thơ trẻ tài hoa và độc đáo:
“Đêm xưa có một gã khờ
Uống trăng rồi khóc trang thơ đời mình
Uống trăng rồi khóc cuộc tình
Uống tình rồi khóc một mình dưới trăng”.
(Trương Chi)
Bài lục bát chỉ có bốn câu mà nói được cả cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa và đau khổ. Nghệ thuật ở đây là cách làm xiếc ngôn từ, luyến láy như một khúc dân ca, như ngón đàn bầu của một nghệ sĩ dân gian tài hoa điệu nghệ làm người nghe bâng khuâng man mác.
Phần lớn các bài thơ trong “Tạ ơn nỗi buồn” và “Hai mảnh yêu thương”, Quang Vĩnh Khương đau khổ, dằn vặt, tự nhận thức về những cuộc tình đã qua. Đó là những mối tình thoảng qua, ngắn ngủi, nhưng ấn tượng, đam mê và quyết liệt. Khó có ai nghĩ rằng tác giả của những bài thơ ấy là một chàng thanh niên trong độ tuổi 20. Ấy là những bài thơ tình hay. Nó độc đáo, nó khác hẳn những bài thơ tình không có tình lúc ấy. Người đọc bắt đầu chú ý và hy vọng sự thăng hoa của tác giả. Còn với “Quà tặng”, Quang Vĩnh Khương tỏ ra rất già dặn khi viết thơ văn xuôi:
“Lắng dưới mi mắt em nỗi u hoài thời con gái. Có thật đó là định mệnh hay bất hạnh của đời mình, em gặp tôi? Có thể em sẽ tan ra như tuyết sương, như nước mắt. Cánh hoa hồng này tôi lặng lẽ ép lên tim.
Ôi tháng giêng xanh tóc ngắn! Như một bài thơ hay em bước vào cánh cửa cuộc đời tôi êm đềm và dịu nhẹ. Tôi tập lang thang qua góc phố con đường, qua kỷ niệm theo dấu chân em trên cát và sỏi. Mùa xuân âm vang một nụ hôn thầm”.
Tình yêu được phản ảnh trong thơ Khương nhiều góc cạnh, nhiều chiều hướng làm cho hình thức thơ luôn uyển chuyển thay đổi:
“Mười năm tôi đi
Trong hành trang hỗn loạn
Có gương mặt em mười bảy
Nụ hôn đầu tiên rụt rè
Mười năm em sang sông
Hoa xoan rụng ơ thờ
Mười năm tôi trở lại
Cát vẫn xanh tuổi học trò
Chỉ em riêng bây giờ viền mắt tím”.
(Mười năm)
Bài thơ như cuộc đối thoại giữa chàng trai và cô gái sau mười năm gặp lại. Một âm hưởng trầm buồn, một không gian vời vợi. Cũng có thể đây là một độc thoại nội tâm!
Tôi muốn dùng mấy câu thơ này như một nén hương lòng gửi cho thi sĩ trẻ Quang Vĩnh Khương, gửi cho người em, của bầu rượu và túi thơ, người của xứ Phước Lộc, Tuy Phước - đất của thi ca và nghệ thuật.
“Yêu đến khốn nạn đời mình
Mà đâu biết con tàu số phận
Sẽ dừng chân nơi ga xép tan hợp nào”.
Tháng 5.2008
Thu Hoài
(Nguồn: NSBĐ)
|
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét