1. Giống nhau
Nhà có cháu bị hội chứng Down, mọi người phải trông chừng sợ cháu đi lạc. Một
ngày ông đi làm thấy cháu đứng bơ vơ ngoài chợ, lật đật chở về. Tới nhà, thấy…
cháu đang ngồi ở cổng chờ ông. Nhìn lại, hóa ra nhầm, người kia cũng bị Down
nên mặt giống cháu. Bèn chở người ấy trả về chỗ cũ.
Vừa đi vừa nghĩ ngợi: sao cơ quan mình cũng có nhiều người giống nhau thế, dù
không phải là Down?
2. Đám
giỗ
Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng
và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế…
Ông bà lần lượt ra đi.
Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi
người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!
Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.
3. Cái bóng
Một nhà văn nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến nhiều người viết trẻ. Ông tự hào khi
học trò là “bản sao” của mình vì điều đó chứng tỏ uy tín của ông ngày một lớn hơn.
Ông quên rằng vào giữa trưa cái bóng của mỗi người chỉ đủ cho chính họ, và đến
chiều tối thì cái bóng cũng không còn nữa.
Có “đệ tử” đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngoài cái bóng của “sư phụ”. Và
đi xa hơn.
4. Bao thơ
Có vài cuộc họp được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục, nhiều thì vài
trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét túi
áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt… Nhưng nhiều người moi
hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đất.
Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn
thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó.
5. Học trò cũ
Hồi đó học trò là cán bộ đi học nên lớn hơn cô giáo vài tuổi. Trong lớp ngoài
đường gặp nhau vẫn xưng hô cô – em thân tình mà trân trọng. Nhiều năm sau, tình
cờ gặp lại trong một cuộc họp, học trò nói với mọi người “đây là cô giáo cũ của
tôi”. Quay sang cô giáo: “Em có mang danh thiếp không, cho anh…”. Cô giáo nhã
nhặn: “Xin lỗi, tôi không có danh thiếp”.
Học trò giờ là “người sang” nên cô giáo không muốn “bắt quàng” làm quen.
6. Điếc
Ông lão nghễnh ngãng nhưng đi đâu cũng nói to nói
nhiều như cãi nhau.
Một lần qua nhà hàng xóm thấy con chó lao ra sủa thì lão lại mỉa mai “nhà giàu
có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!”. Con chó
thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn.
Có những người cứ phải bị cắn như thế thì mới tỏ ra biết điều.
7. Vu lan
Từ sáng sớm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa
trái lên cúng chùa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: “Chiều mấy giờ
về để mẹ nấu cơm?”.
- Mẹ đừng chờ. Chiều tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi.
Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần.
8. Phóng
sinh
Rằm tháng bảy chủ nhà mời thầy chùa về tụng kinh, mua cá phóng sinh thả xuống
hồ nước trước nhà.
Bữa ăn tối toàn món cá: chiên giòn, canh chua, kho tộ… liền khen ngon. Thằng
con hồn nhiên khoe: cá bắt trong hồ nước nhà mình đấy.
Chủ nhà vỗ đùi đánh đét: hay, tay này buông tay kia vớt, nhà mình vẫn được
tiếng từ bi!
9. Halloween
Mới bước đến cửa mọi người đã nhao ra trầm trồ: Ồ, hóa trang ấn tượng quá! Nó
giật mình bước vào phòng vệ sinh, một gương mặt lạ hoắc trong gương đang nhìn
nó đầy nghi hoặc. Chợt nhớ: hôm nay vội đi nên nó không trang điểm gì cả, định
bụng khi đến đây sẽ tìm mua một cái mặt nạ.
Mà có khi chẳng cần mặt nạ nữa vì có ai nhận ra cái mặt thật của nó đâu.
N.T.H
(Lê Xuân Khuê sưu tầm)
Em dự định bữa nào ghé quán “Thiên Đường của chị NTH chiêm ngưỡng đây !
Trả lờiXóaVà năn nỉ Chị ký tặng cho một cuốn truyện “cực ngắn” vừa xuất bản làm kỷ niệm nhâm nhi…
Rất thích lối viết ngắn sống động của Chị , nhất là “cái bóng và điếc” rất ấn tượng &sâu sắc !
Cảm ơn anh Lê Xuân Khuê và HQN đã cho đọc lối văn cực ngắn mà “giản nở này (cừ)