Những ngày cuối năm ở Paris cứ bồn chồn đến lạ. Qua tết Tây rồi sẽ
đến tết cổ truyền Việt Nam,
năm nào cộng đồng người Việt ở Pháp cũng tổ chức tết cổ truyền. Từ bé nó vẫn
được cha mẹ dẫn đi các khu chợ của người Việt để mua sắm tết. Nào là bánh chưng,
nào giò lụa, hoa đào, mứt tết. Thứ gì cũng có nhưng nó vẫn thấy nhớ ngai ngái
cái mùi tết tuổi thơ ở quê nhà.
Cái thời ngồi
canh nồi bánh chưng đỏ lửa suốt đêm 29 tết, rồi chạy theo ông đi ăn đụng thịt,
bốn năm đứa trẻ con chỉ nhanh nhau cái đuôi “quẫy quẫy” của chú lợn béo quay.
Càng để kí ức trở về miền tuổi thơ, nó càng nhớ quê nhà khi tết cổ truyền sắp
đến. Bồn chồn biết bao khi mẹ bảo năm nay cho về Việt Nam ăn tết, thế là ngóng ra ngóng
vào suốt cả năm trời, chỉ mong sao cho ngày tháng chóng qua. Thi thoảng lại
điện về nhắc ông: “Ông ơi tết này cháu về ăn tết với ông”, ông mừng vui chẳng
nói được lên lời mà thấy cay cay sống mũi. Mười lăm năm xa quê chưa một lần trở
lại, nhiều đêm mơ thấy cánh diều tuổi thơ đứt dây bay về miền xa lắc. Lúc tỉnh
dậy thấy nhớ thương cánh đồng nơi từng ướm bàn chân tuổi thơ mình để rồi chạy
khắp thế gian.
*
* *
Từ sân bay nó phải bắt taxi hơn một trăm cây số mới về
đến quê. Trên đường về ông ngoại điện thoại cho nó luôn, cứ một lúc lại hỏi:
- Về đến đâu rồi bay? Cẩn thận mà bị lạc đấy, ngày bé
bay lạc tau còn biết đường tìm chứ bây giờ đến mặt mũi bay thay đổi ra sao tau
còn chưa rõ thì ta biết đâu mà tìm bay về.
Nó cười hì hì, chọc giận ông:
- Ông yên tâm, đường quê mình bé bằng bàn tay, cháu
làm sao mà lạc được. Mà nếu có lạc sang Trung Quốc thì càng hay, coi như đi du
lịch.
Ông nổi sung:
- Tổ cha bay, nếu thế thì bay ở bên ấy luôn đi còn vác
cái mặt về đây làm gì. Bay học rộng đi nhiều bây giờ bay chê quê mình bé như cái
bàn tay. Bé thế đấy nhưng mà đi cả đời bay cũng chưa hết đâu, đừng có mà vội
bờn nhờn.
Nó lại cười hì hì mà mắt đã rơm rớm khóc. Đường về quê
sao mà dài thế, đi mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng thân quen của những đồi cọ trải
dài xòe tán lá, một rừng cánh tay của tạo hóa chào đón những người con xa quê
như nó trở về. Chưa thấy đâu là đồi sắn, rừng chè ngút xanh tầm mắt, đâu dáng
những người phụ nữ khom lưng dưới cánh đồng cho kịp một mùa lúa mới. Nó vẫn nhớ
lắm chứ, quê nó mùa này các dì, các cô đang cố gắng cấy cho xong thửa ruộng, để
đón một cái tết thảnh thơi không vướng bận mùa màng. Những con đường đã đổi
thay nhiều, mười lăm năm trước hầu hết là đường đất, mỗi lần xe cộ đi qua đều
cuốn theo một lớp bụi mù đỏ quạch. Bây giờ mọi thứ đều đã gọn ghẽ sáng sủa hơn,
nhìn những khuôn mặt người cũng tươi mới hơn, bớt khắc khổ hơn. Anh chàng lái
taxi thấy cô gái cứ hau hau nhìn cảnh vật xung quanh, thi thoảng lại cười một
mình, hát những bài hát vui nhộn như trẻ nhỏ thì lấy làm lạ lắm. Nó dường như
cũng đoán bắt được những suy nghĩ ấy nên cười bảo:
- Tôi thuộc đường lắm đấy nha, nếu có ý định bắt cóc
tôi là không xong đâu đấy.
Anh chàng cười:
- Cô về nước ăn tết bao giờ lại đi?
Như không để ý đến câu hỏi ấy, nó nhìn theo những hàng
cây trứng cá hun hút ở đại lộ thành phố Việt Trì, rồi thong thả bảo:
- Bắt đầu về đến quê tôi rồi đấy. Nói là đổi thay
nhưng cũng chẳng đổi thay là mấy. Tôi vẫn nhận ra mọi thứ. Tất cả mọi thứ, kể
cả con đường này tôi chỉ đi qua có một lần mà vẫn nhớ.
Rồi một sự im lặng kéo dài suốt quãng đường còn lại,
như thể để nhường chỗ cho nỗi nhớ đã ùa về tràn ngập. Thi thoảng lại vọng lên
tiếng ông ngoại bên tai:
- Về nhanh còn canh nồi bánh chưng cho tau. Để tau xem
bay có còn biết làm ăn gì hay là đi vài năm về lại vụng thối vụng nát ra rồi.
Nó bảo:
- Con vụng là để dành phần cho người khác. Chứ cái gì
cũng giỏi thì ai người ta mê.
Ngoại lại bảo:
- Cha bay chứ, thổi được nồi cơm không nhão thì khô
lại còn bày đặt…
Nó cười hì hì, mắt lại cay cay. Nó ra đi đã mười lăm
năm mà hình như lúc nào ông ngoại cũng nghĩ nó vừa mới ra đi thôi, nó vẫn là
con bé ngày nào hấp tấp và ẩu đoảng. Cái ý nghĩ ấy khiến nó thấy ấm áp vô cùng.
*
* *
Ông ngoại đón nó ở cổng làng, trông ngoại đã yếu lắm
rồi, tay run run, tóc bạc trắng rụng gần hết chỉ còn lơ thơ vài sợi. Ngoại cứ
hết xoa đầu lại nắn nắn hai bàn tay nó. Ngoại bảo:
- Cha bay, lớn thế này rồi à?
Mắt ngoại rơm rớm, nó biết người già là hay tủi thân
lắm, nó cũng sắp khóc đến nơi rồi. Nó ôm chầm ngoại, miệng láu táu trêu:
- Ông nhớ bà cháu quá hay sao mà tóc rụng hết cả rồi.
Nay mai khéo bà không nhận ra ông mất.
Ông lấy bàn tay gầy guộc vừa lau mắt mũi tèm nhem vừa
bảo:
- Tổ cha bây, tau sống đến cái tuổi này còn nhung nhớ
gì nữa.
Nó bảo:
- Thế ông có nhớ cháu không?
Ông cười móm mém:
- Bay có nhớ tau thì nhớ, chứ tau thì chẳng nhớ nhung
gì hết.
Nó xị mặt:
- Ông không nhớ cháu thì ngày mai cháu lại đi cho ông
xem.
Tưởng ông sẽ cười mà chửi “tổ cha bay” ai ngờ ông vừa
khóc vừa nói dỗi:
- Bay bây giờ đủ lông đủ cánh rồi, thích đi lúc nào
thì đi, về lúc nào thì về. Cái thân già này làm sao mà giữ nổi. Như cha mẹ bay
ý, đi mãi mà cũng chẳng thèm về thăm cái thân già này. Chúng bay có giỏi thì cứ
đi luôn đi. Tau sống được đến chừng này là tau không cần chi hết.
Nó chạy lại ôm ông, nó bảo:
- Cháu trêu ông thôi, chứ cháu về ở luôn với ông đây.
Chỉ sợ ông không có cơm mà nuôi cháu.
Thế mà ông vui lên hẳn, ông bảo:
- Bay nói thật đấy chứ? Cứ về đây rồi tau sẽ kiếm cho
bay một tấm chồng tử tế.
Nó hỏi:
- Chồng làm ruộng à ông? Cháu chẳng lấy đâu, về phải
đi cấy còng lưng khổ lắm.
Ông gõ vô cái trán bướng bỉnh:
- Còn hơn chán lũ trai Tây đấy.
Nó cười hì hì, nghĩ bụng ông có biết gì về trai Tây
trai ta đâu mà cũng chê bai, nhưng thấy ông vui hẳn lên, nó lại thấy thương
thương vì đã trót dối ông. Người già vẫn thường hay cả tin, cả tin đến tội.
Tối ấy các cô, dì, chú, bác đến thật đông, người mang
biếu ông vài cân gạo nếp gói bánh, người dăm ba lạng thịt, người đem biếu gói
kẹo, hộp mứt. Mọi người đến lễ tết thì ít mà đến để nhòm xem mặt mũi con bé
cháu đi tây đi tàu hơn chục năm trời về có khác nhiều không? Thím Bưởi xoa xoa
đầu nó bảo:
- Tao tưởng mi đi tây về tóc lại vàng hoe, ăn mặc
không khác gì mấy con xuống phố làm ăn. Không ngờ tóc vẫn để đen dài, vẫn quần
bò áo cánh thế này là ổn rồi.
Nó bảo:
- Thế tết này nhà thím có mổ lợn không? Nếu mổ thì nhớ
phần cháu cái “quẫy quẫy” nhé!
Mấy ông anh họ đang dở tay gói bánh chưng, cũng ngẩng
lên góp chuyện:
- Con bé này ngày xưa chuyên tranh cái đuôi lợn của
mình. Bây giờ đi Tây về vẫn vậy, không sợ ăn đuôi lợn thì không lấy được chồng
à?
Nó ngồi nghịch mấy miếng thịt mỡ để gói bánh, ghé lại
sát tai ông trêu:
- Không lấy được chồng thì cháu ở cho ông nuôi báo cô,
ông nhỉ?
Ông vui lên cả tối ai hỏi gì cũng ờ ờ rồi cười suốt.
Nó cũng vui. Cả căn nhà ba gian của ông ngoại vang lên tiếng cười nói rôm rả.
Hôm nay đã 27 tết, đã rất lâu rồi nó mới có cái cảm giác háo hức, bồn chồn chờ
đón tết như lúc nhỏ.
Đêm ấy ông giao cho nó nhiệm vụ canh nồi bánh chưng,
nồi bánh rất to, đặt giữa sân nhà, nó hì hụi ôm củi chất đầy bốn phía. Phải
nhóm mất ba cái lá cọ khô thì củi mới bén lửa, mới nhìn thấy khuôn mặt ông hồng
hào giữa mùa rét mướt. Nó ôm ông trêu:
- Ông nấu bánh cho cả tiểu đoàn ăn hay sao mà nhiều
thế? Hay ông nấu để cháu mang sang bên kia nữa ạ?
Ông vỗ vỗ vào vai nó, ông bảo:
- Cháu có muốn nghe ông kể cổ tích không?
Nó gật gật đầu. Ông lại bảo:
- Chuyện cây khế nhé?
Nó lắc lắc đầu, củi đã bén lửa bốc cháy đùng đùng. Ông
phải dụi bớt củi ra. Nó ngồi bó gối, mắt ánh lên niềm vui. Nó bảo:
- Ông kể chuyện Thạch Sanh cứu công chúa đi ông.
Ông cười bảo:
- Cháu của ông muốn được làm công chúa à? Ừ! Rồi thể nào cháu của ông cũng được làm
công chúa, thể nào cũng có chàng hoàng tử. Nhưng mà ông vẫn muốn cháu về nước
rồi lấy chồng, sinh con. Thấy con cháu cứ ở xứ người hoài mà ông buồn lắm.
Nó nắm bàn tay nhăn nheo của ông, cười cười bảo:
- Để xem nếu mà có hoảng tử thật thì cháu sẽ ở lại với
ông. Ông có tin không?
Ông lại ờ ờ, cười móm mém. Bếp lửa nổ lép đép, ông cời
than ra nướng chả. Nó lĩnh nhiệm vụ canh xem lúc nào nước trong nồi bánh cạn là
lại múc nước giếng cho vào. Tiếng gầu rơi giữa giếng khơi trong đêm khuya nghe
như một âm thanh đơn độc. Nó chợt thắc thẩm: “Sao bao lần bố nhắc mẹ gọi điện
về cho chú thím bảo xây bể nước cho ông mà vẫn chưa xây. Giếng thì sâu, thành
giếng đã lở nham nhở. Nhỡ ông sa chân thì khổ”. Ông ở trong nhà gọi vọng ra:
- Hiên ơi! Giếng trơn đấy, cẩn thận nghe bay.
Nó bảo “Không sao đâu ông ạ”, rồi hát thật to, nhưng
sống mũi cay cay, thấy đôi vai se lạnh. Nó lại lẩm bẩm một mình: “Quái! Sao nồi
bánh lại nhanh cạn nước thế. Một lúc là
lại phải đổ thêm rồi”.
Đêm. Nó trải chiếu nằm ngủ giữa sân cạnh nồi bánh
chưng, ông ngoại gọi dậy bảo vào trong nhà nằm không sương độc lắm. Nó ngái ngủ
bảo:
- Bánh chín rồi hả ông?
Ông bảo:
- Ừ! Chín rồi, chín rồi.
Nó dụi mắt đi loạng choạng vào nhà nằm ngủ mê mệt cho
đến sáng. Lúc tỉnh dậy thấy ông vẫn đang ngồi canh nồi bánh. Đống than củi khời
ra đã được hai thúng, xem chừng đêm qua đã đun hết gần hai bó củi. Thứ củi ông
tích cóp cả một năm trời, cứ cành cây nào to là lại bảo để tết đun bánh. Nên
nhiều khi củi đun cơm thì hết mà củi đun bánh chưng thì chất đầy sau nhà hết
năm này qua năm khác. Thế mới biết nồi bánh chưng ngày tết ý nghia biết nhường
nào, nó cũng giống như cái hồn, cái no ấm, cái đủ đầy của cả một năm trời dài đằng
đẵng. Dáng ông lom khom hết mở vung nồi lại đậy vào, nó hỏi:
- Ông ơi sao vẫn chưa vớt bánh?
Ông chậm chạp khời chỗ than còn ứ đọng trong lòng bếp
để ra ngoài. Ông bảo bánh chưng càng đun lâu thì càng nhừ hạt gạo, mỡ và đậu
xanh bện chặt vào nhau ăn càng ngon. Nó lại bảo:
- Ông già rồi ăn được bao nhiêu mà nấu chi lâu cho tội
thân.
Ông lại khời từng cục than, lại đổ thêm nước vào bánh,
lại giục củi cho đầy bếp. Ông nói tết vui là ở tấm lòng, cả một năm trời vất vả
đến cái tết thì phải tận tình. Mình ăn uống không là bao nhưng còn tổ tiên, còn
những người thân đã khuất, cả năm cũng chỉ được đón tết một lần, no ấm hay
không là tùy người sống. Nên nhất định phải chu đáo. Nó ngồi im lặng nghe ông
nói, những điều ấy bố mẹ hay những người sống ở Paris chưa bao giờ dạy cho nó biết.
Tết người Việt tại Paris vẫn được tổ chức thường niên, mẹ vẫn
dẫn nó đi mua sắm đủ mọi thứ cần thiết cho một cái tết cổ truyền ở các trung tâm thương mại. Có nhiều khi cộng
đồng người Việt tổ chức đón tết chung một đến hai ngày. Đêm 30 cũng có mâm cỗ
cúng giao thừa, cũng có đốt đèn ngoài trời, cũng cắt bánh chưng quây quần như
cả năm một có một đêm, một thời khắc vậy. Nhưng đó cũng chính là thời khắc con
người ta cảm thấy buồn nhất, ai cũng cố nói cười để giấu đi nỗi nhớ quê hương, nhớ
người thân, nhớ một không khí tết đặc trưng mà không khi nào có được khi ở xứ
người. Tết của những người xa quê cũng giống như tết của những đứa trẻ con nhà
nghèo lúc nào cũng thấy thiêu thiếu một cái gì đó, chờ chờ, mong mong một cái
gì rất lạ.
Nó đang cảm nhận được từng hơi gió lạnh quện vào da
thịt, gió cũng có mùi của tết. Mấy cụ già trong xóm rủ nhau mổ chung con lợn,
chưa cần biết chia phần thế nào cũng cứ đánh dăm bảy bát tiết canh, luộc bộ
lòng dồi gọi con cháu đến ăn. Ai cũng bảo nhau “Ăn dần đi là vừa, đến tết ngán
thịt thà lại không ăn được”. Các cụ thì bảo “tết sướng nhất là được nghe tiếng
lợn kêu khắp làng, vắng nó, thế thì còn gì là tết”.
*
* *
Đêm giao thừa, nhà chỉ có một ông một cháu. Ông hì hụi
dưới bếp từ chập tối, thịt con gà, thổi nồi xôi rồi sắp mâm cúng giao thừa. Ông
bảo:
- Ra lạy tổ tiên đi con.
Nó mặc áo len dài in hình hoa mai vàng, tóc gội hương
bồ kết. Đứng luống cuống bên ông không nhớ nổi cách vái lạy tổ tiên thế nào cho
phải phép. Ở Paris,
trong căn nhà nhỏ mẹ cũng lập một ban thờ, nhưng đó là nơi chỉ có mẹ hay đặt
chân vào. Mẹ có thói quen khoanh tròn trên đốc lịch Việt Nam, khoanh nho nhỏ vào những ngày
âm. Mẹ bảo đó là ngày giỗ của bà, ngày tết mồng năm tháng năm, mồng mười tháng
mười, tết ông Công ông Táo. Đêm nay giao thừa ông thắp nhang vòng, mùi nhang
thơm phảng phất khắp ngôi nhà ba gian. Ông nhắc nhỏ:
- Cháu thay mặt bố mẹ cháu cầu xin tổ tiên phồ hộ độ
trì đi.
Rồi ông khấn lâm râm, khuôn mặt ông thanh thản như ông
đang nói chuyện với bà những buồn vui của cả một năm trời, cả một đời người.
Dưới đường thanh niên đã tụ tập nhau đi hái lộc. Ông dọn cỗ, bóc gói bánh nó
mang từ bên Tây về. Ông bảo nó cũng như đứa trẻ con, giao thừa là phải bóc cái
ngon nhất, đẹp nhất không thì cả năm mất dông. Rồi ông lom khom vào trong nhà,
mở cái hòm đạn từ thuở nảo thuở nào lấy ra một bọc tiền, ông chọn những đồng
phẳng phiu nhất để phát vốn cho nó. Nó nhất định không cầm:
- Cháu lớn bằng cái bồ rồi, cháu phải mừng tuổi ông
chứ sao ông lại mừng tuổi cho cháu. Thế này thì đến bao giờ cháu của ông mới
lấy chồng được.
Ông lẩm cẩm:
- Ý nó chê ông già rồi đây. Ông già nhưng vẫn sống để
bế chắt ngoại được đấy. Chỉ sợ bay lại chẳng chịu lấy chồng sớm cho ông nhờ.
Nó bảo:
- Cháu bảo với ông rồi mà, nếu cháu gặp một chàng
hoàng tử thì cháu sẽ ở lại lấy chồng rồi sinh cháu cho ông bế.
Ông nhìn ra ngoài vườn, cái khí lạnh của đất trời như
làm con người ta cần đến nhau hơn. Giấy phút ấy nó biết là ông đang nhớ những
người con xa quê và nhớ cả những người đã khuất.
Trong làng chó cắn inh ỏi, ông bảo nghe thấy tiếng chó
cắn đến đâu thì là lộc đến đó vì thanh niên cả làng tụ nhau đi xông non năm
mới. Nó nghe mà thấp thỏm, bồn chồn hết ra ngõ ngóng lại đi vào ngồi trước
gương. Vì ông bảo năm nào thanh niên cũng đến nhà ông sớm vì biết ông đón tết chỉ
có một mình. Ông còn bảo năm nay nó cũng phải thay ông đi chúc tết mọi nhà
trong đêm giao thừa, nó thấy nóng bừng hai má. Cứ một lúc lại hỏi ông “Cháu mặc
thế này có được không ông? Trông có lòe loẹt quá không ông? Thanh niên làng
mình có nhiều người bằng tuổi cháu không? Cháu có biết những người ấy không ông
nhỉ?”. Ông chỉ cười, đi ra đi vào pha hết ấm nước chè này đến ấm khác mà đám
thanh niên vẫn chưa thấy đâu. Nhìn đứa cháu ngồi ngó nghiêng ngoài hiên, ông
lại lẩm cẩm: “Cái lũ ranh này, sao năm nay lại chậm đến là…”.
*
* *
Ấy thế mà cái tết sau mười lăm năm trời xa cách và
mong đợi cũng đã trôi qua. Nó hụt hẫng như vừa đánh rơi một cái gì đó rất quý ở
quãng đường vừa đi qua hun hút xa, muốn quay lại tìm cũng không được nữa. Lại
sắp đến ngày quay trở về Paris
với những vui buồn nhớ nhung thường nhật. Chưa xa nhưng đã thấy nhớ nôn nao cái
dáng khom lưng gầy guộc của ông bên thành giếng đã bị lở nhiều. Nhớ cái mùi tết
đặc trưng như quện chặt vào da thịt. Và…nhớ cả ánh mắt của chàng thanh niên
thôn quê hôm nào làm nóng bừng đằng sau gáy. Chàng thanh niên có khuôn mặt thật
hiền, đôi mắt đen tròn thật thà, dễ mến. Người vẫn mang theo cây đàn guitar đến
xông non năm mới mọi nhà, hát những bài ca vui nhộn làm ấm lên cái làng quê vốn
quen bình lặng. Người đã hứa mùa bồ kết năm nào cũng sẽ hái để phần nó trên gác
bếp, bồ kết gội đầu, tóc con gái mượt và đen lắm. Nó nghĩ nếu nó nói với ông là nó đã mến một
người, chẳng biết ông có cười không. Có thể ông sẽ vui vì nghĩ rằng chàng trai
đó sẽ níu được nó ở lại nơi này, không đi về miền hun hút xa, hun hút nhớ.
Đêm cuối cùng nó bảo ông kể chuyện cổ tích nó nghe.
Ông bảo:
- Kể chuyện gì hả bay? Chuyện gì tau cũng kể cho bay
hết rồi còn gì. Lần sau bay về, có khi bay phải kể cổ tích tau nghe. Chứ tau
bây giờ cũng đễnh đãng gần quên hết mất rồi.
Nó bảo:
- Ông còn khỏe chán, ông còn nhớ được trên đầu cháu có
bao nhiêu cái sẹo do hồi bé đánh nhau. Bao nhiêu cái do nghịch dại, còn bao
nhiêu cái không rõ nguyên do. Thế thì làm sao ông quên được cổ tích. Mà cháu
vẫn thích ông kể chuyện Thạch Sanh cứu nàng công chúa.
Ông móm mém trêu:
- Sao bay không kiếm lấy một thằng nó kể chuyện đó cho
bay nghe. Tau kể nhiều lại hóa vô duyên.
Nó hỏi:
- Nếu cháu đi xa thì chàng hoàng tử có đợi được cháu
không?
Ông cười. Ông bảo nói chuyện với nó cứ mơ mộng như mấy
cái phim Hàn Quốc mà bọn choai choai vẫn thích xem. Ông già rồi không hấp thụ
được cái thứ ấy. Nó lẩm cẩm bảo đúng là ông già thật. Hoàng tử có đợi hay không
cũng không biết thì còn nói chuyện gì. Ông lại lật đật đi đun lại nồi bánh
chưng, hết tết rồi nhưng ông bảo đun lại cho nó mang đi. Nó định bảo ông gói
mang đi làm gì, bên ấy có thiếu gì đâu, năm nào mẹ mua về chẳng để mốc rồi vứt
đi. Nhưng nói thế nghĩ tội cho ông nên lại ra giếng múc nước đổ vào nồi. Nó lẩm
cẩm bảo kì này về bên ấy nhất định dặn mẹ gửi tiền về xây lại giếng cho ông. Nó
nghĩ mà mắt lại cay cay, tiếng ông ho sù sụ đi lẫn vào căn nhà ba gian rộng đến
rỗng rễnh. Chó nhà ai lại sủa lên inh ỏi, tiếng chó sủa gần dần làm tim nó cứ
đập liên hồi, má lại đỏ, sau gáy lại nóng bừng. Hôm nay người ấy thể nào cũng
qua nhà chào nó. Mà ông cũng hay thật, nó chỉ hỏi xem chàng hoàng tử có đợi nó
hay không mà ông cũng không biết cách trả lời. Nó nghĩ chả nhẽ lại đi hỏi thẳng
người ta như thế thì ngại chết. Tiếng ông lại ho lên sù sụ, tiếng chó sủa gần
hơn, hai má nó lại nóng bừng bừng…
V.T.H.T (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét