Lê Đình Danh, tác giả 2 bộ tiểu thuyết lịch
sử: Tây Sơn bi hùng truyện và Nẻo về Vạn Kiếp – vừa gửi cho Hương Quê Nhà
truyện ngắn Nước mắt trong lòng.
HQN chân thành cảm ơn anh Lê Đình
Danh và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Hôm nay thật bận rộn, vì là ngày ba tôi khai
móng xây nhà. Nhà tôi gồm hai gian; một gian phòng khách, một gian vừa là phòng
ăn vừa là phòng ngủ, còn bếp che chái ở sau nhà. Đối với tôi vậy cũng đã rộng
chán cho một gia đình chỉ có ba người: Ba, Má và tôi. Thế nhưng ba tôi lại
muốn xây thêm một phòng khách cho khang trang để dễ bề ăn nói cùng thiên hạ. Ba
tôi bảo thế. Tôi phải phụ cùng ba khiêng những chậu hoa, nhổ cọc hàng rào để
lấy nền đất làm nhà mà trong trí cứ miên man suy nghĩ về bài toán suốt đêm rồi
giải mãi không ra.
-
Chà! Ông chủ nhà có cô con gái dễ thương thật, chắc mình làm cả ngày không biết
mệt.
Một
gã thợ xây nói với mấy người bạn, tuy nhỏ nhưng cốt để tôi nghe. Khỉ thật! Lại
bị quấy rầy rồi! Tôi liếc nhìn họ. Cái nhìn không mấy thiện cảm. Họ vẫn nói với
nhau và cười cợt. Qua giọng cười, tôi biết họ vẫn cố tình trêu ghẹo tôi. Chỉ có
anh chàng mặc bộ đồ ka-ki bạc phếch, đằng sau lưng một miếng vá rõ to, chiếc
nón lát rộng vành đội rất sâu che gần kín cả khuôn mặt là chẳng nói gì. Nãy giờ
tôi thấy anh ta vẫn cặm cụi đào móng, như vô tình không nghe thấy lời trêu chọc
của mấy gã kia.
Nắng
mỗi lúc một gay gắt, khí trời đã bắt đầu oi bức; tôi vào nhà sửa soạn cho buổi
học chiều, sau khi đã ném lại cái nhìn với chút lòng thương hại về phía những
nhát cuốc nhẫn nại của anh chàng mặc áo ka-ki.
Hôm
nay tôi đến trường sớm hơn thường lệ, trong lớp chỉ lưa thưa vài đứa bạn gái
đang tụ họp nhau nói chuyện biển trời. Thấy tôi liếc mắt một vòng quanh phòng,
bạn tôi nhao nhao. Loan nói:
-
Ê Lý! Hôm qua thầy cho bài toán khó quá chắc kiếm ông Tâm nhờ giảng giùm chứ
gì? Tâm chưa đến lớp đâu. Lấy vở của mình sao y bản chính cho rồi.
Tôi
đấm vai Loan để khỏa lấp bối rối cho sự dốt toán của mình và vì cái ý bóng bẩy
“kiếm Tâm” của bạn:
-
Có giảng cho mình thì giảng, chứ cóp-pi thầy biết được thì chết! Hơn nữa bài
nào cũng pho-to hết cả sao mi?
Hồng
nhanh nhẩu:
-
Để mình giảng cho.
Loan
ngăn lại:
-
Hồng giảng Lý chẳng hiểu đâu. Chỉ có Tâm thôi. Hồng chẳng “tâm lý” chút nào.
Nói
xong Loan phá ra cười. Tôi đành cười theo bạn. Ừ! Mà Loan nói cũng đúng. Chả là
trong lớp tôi đã nổi tiếng văn hay mà cũng lừng danh dốt toán. Những chữ số,
đường gãy đường cong cứ xoắn vào nhau làm não tôi rối lên như mớ bòng bong. Gặp
những bài toán khó, ngoài thầy ra chỉ có Tâm- người bạn trai cùng lớp- giảng
cho tôi mới hiểu nổi. Tâm giảng rất rõ ràng mạch lạc, đưa ra nhiều ví dụ dễ
hiểu khiến bạn bè phải dành cho Tâm cái nhìn đầy thán phục. Tôi càng mến phục
bạn tôi hơn, khi biết nhà Tâm rất nghèo. Ba mất, mẹ Tâm buôn bán rau quả ngoài
chợ nuôi con ăn học đắp đổi sống qua ngày. Tâm học chiều, sáng phụ giúp mẹ với
lắm việc nhà mà môn học nào Tâm cũng giỏi…
-
Gần đến giờ học rồi mà Tâm chưa đến lớp. Bộ tính ngồi đó chờ ăn zê-rô sao chớ?
Tiếng
Loan kéo tôi ra khỏi dòng suy tưởng. Quả thật sân trường đã đông đúc ồn ào vời
bao âm thanh hỗn độn, bất dắc dĩ tôi đành mượn tập của Loan để “sao y bản
chính”. Mãi đến khi chúng tôi đứng lên chào thầy đầu tiết học, đúng lúc Tâm
xuất hiện. Vẫn bộ đồng phục đã bạc màu của năm học trước dùng cho năm sau.
Nhưng nét mặt mệt mỏi bơ phờ đã thay cho dáng dấp vui vẻ tự tin thường ngày của
Tâm. Nhìn đôi mắt đỏ thâm quầng tôi thầm nghĩ: “Phải chăng Tâm mất ngủ”. Tôi đã
doán không lầm. Đến giữa tiết học Tâm ngủ gật. Điều này làm tôi vô cùng kinh
ngạc. Xưa nay trong lúc thầy giảng bài Tâm không hề chểnh mảng bao giờ? Sao?...
Sao mình quan tâm đến Tâm quá vậy? Có phải vì chút lòng trắc ẩn với người bạn
nghèo hiếu học của tôi chăng?
Ngày
chủ nhật đã đến, tôi quyết định tới nhà Tâm tìm hiểu căn nguyên cho vỡ lẽ. Tâm
đã giúp tôi quá nhiều trong học tập, lẽ nào mình lại vô tình trước hoàn cảnh
khó khăn của bạn dù chỉ bằng một lời an ủi thôi sao? Nhưng thôi! Hãy cố dằn lại
nỗi lòng ray rứt đó mà đợi tới chiều; vì sáng mình phải giặt đồ cho ba nè, xách
nước cho đầy mấy cái lu nè, nấu bữa cơm trước lúc mà đi làm về nè. Ôi! Sao mà
nhiều việc thế!
Sáng
nay trời bỗng nhiên trở gió, tôi ngồi giặt đồ cạnh giếng nhìn tàn cây vú sữa
trên cao đang lồng lộn trở mình. Ngoài sân mấy người thợ vừa sửa soạn đồ nghề
vừa nói chuyện huyên thuyên. Chỉ có anh chàng phụ hồ mặc áo ka-ki là chẳng nói
gì. Hai tay anh ta xách hai thùng lớn đi đến bên giếng để lấy nước trộn hồ. Tôi
cảm thấy càng đến gần giếng đầu anh càng cúi thấp hơn. Cơ hồ chỉ nhìn thấy vành
nón lát to ngự trên đôi vai rộng. Một luồng gió mạnh từ sau lưng anh thổi đến.
Chiếc nón lát rộng vành bay về phỉa trước. Nhanh như cắt, anh vói tay theo chộp
lấy nón đội vội vã lên đầu rồi quay phắt lưng đi như chạy. Tôi đứng bật dậy kêu
lên:
-
Kìa Tâm!
Nhưng
tiếng kêu của tôi bị gió thổi ngược, không theo kịp lưng áo vá đã khuất sau bức
tường gạch còn đang xây dỡ. Phải rồi ! Người đó chính là Tâm. Thảo nào cả tuần
nay Tâm mệt mỏi bơ phờ mắt quầng thâm mất ngủ. Thảo nào người phụ hồ nón lát
đội rất sâu che gần kín cả khuôn mặt và thường cúi đầu là chẳng nói gì! Lý ơi
sao mi quá vô tình. Vậy mà còn định đi an ủi bạn bè ở đâu kia chứ?
Ngồi
trong bếp nấu cơm tôi dán mắt qua lỗ gió, nhìn Tâm đang xúc cát đổ nước trộn
hồ…lòng tôi ngập tràn niềm trắc ẩn, cộng với sự cảm phục lâu nay tạo thành một
tình cảm bâng khuâng khó tả. Sao mắt mình cay cay? Tại củi khói, hay vì ngoài
kia mồ hôi đã ướt đầm lưng áo vá của bạn tôi?
Đến
chiều, khi toán thợ ra về, tôi đợi Tâm trước cổng. Biết không tránh được, Tâm
đứng lại gương mặt tự nhiên bình thản nhưng không giấu được vẻ chán chường
trong ánh mắt đăm chiêu.
-
Sao mấy bữa nay Tâm làm ở đây mà không cho tui biết?
-
Cho Lý biết để làm gì? Ban đầu biết là nhà của Lý tui định không làm, nhưng má
tui bịnh…
-
Bác bịnh có nhiều không Tâm? Ở nhà hay nằm viện?
-
Bệnh thường thôi, nhưng má không đi bán được nên tui phải đi làm.
Tâm
trả lời như một cái máy, gương mặt vẫn vậy, ánh mắt vẫn đăm chiêu. Chúng tôi
chia tay nhau. Tôi vẫn đứng nhìn theo dù lưng áo vá và chiếc xe đạp cũ kỹ đã
hòa trong dòng người lộng lẫy áo hoa.
Sáng
hôm sau Tâm bỏ việc. Chiều tôi đến trường sớm cố ý chờ Tâm. Còn Tâm vẫn vậy,
đúng giờ học mới đến lớp và tránh cái nhìn của tôi. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn
và bắt gặp ánh mắt của Tâm; chỉ trong khoảnh khắc rồi Tâm chủ động tránh đi làm
như chăm chú nghe thầy giảng bài. Không hiểu tôi đã khôn ra từ bao giờ để nhận
biết thế nào là mặc cảm của một học sinh lần đầu tiên kiếm sống bằng cái nghề
mà thói thường thiên hạ vẫn xem là hạ tiện? Những lo âu khoắc khoải trong cuộc
sống đời thường đã làm ánh mắt chúng tôi không còn vô tư nữa…
-
Các em nộp bài hôm kia cho thầy chấm.
Tiếng
thầy làm tôi giật mình quay về thực tại để thêm một lần giật thót khi thấy Tâm
mệt mõi đứng lên:
-
Thưa thầy em chưa làm bài. Xin thầy…
Thầy
ngắt lời Tâm, ánh mắt xưa nay vốn nghiêm khắc giờ quát lên giận dữ:
-
Tại sao chưa làm bài? Tâm! Thầy đã nhắc nhở em mấy lần. Ngày mai em chép phạt
hai mươi lần cho tôi.
Không
hiểu có một sức mạnh vô hình nào đẩy tôi đứng bật dậy giọng nói rõ ràng:
-
Xin thầy cho em chép phạt giùm bạn Tâm!
Thầy
tôi trố mắt kinh ngạc. Để thầy và cả lớp khỏi phải thêm một giây nào thắc mắc,
tôi nói luôn:
-
Má Tâm bệnh, sáng bạn ấy đi làm phụ hồ, tối về lo cơm nước thuốc thang cho mẹ
nên không làm bài được, thưa thầy.
Những
nét nhăn trên mặt thầy đã giãn ra:
-
Sao em biết?
-Tâm
giấu không cho thầy và các bạn biết. Nhưng em biết vì bạn Tâm làm phụ hồ- giọng
tôi dường như nghẹn lại- xây nhà… cho ba em.
Lớp
học bỗng im phăng phắc. Không một cử động, không một âm thanh nên thầy hạ giọng
nhỏ mà nghe rất vang:
-
Tâm à, thầy xin lỗi em. Đáng lẽ thầy nên quan tâm đến hoàn cảnh của em, để
khuyến khích và giúp đỡ em. Thầy hứa…
Tuy thầy bỏ dỡ câu nói, nhưng trong thâm tâm tất cả
đều tự hiểu mình nên phải làm gì. Tôi nhận biết điều này qua hơn bốn mươi cặp
mắt đang đổ dồn về tôi và Tâm. Lớp học vẫn im phăng phắc, chỉ có Tâm từ nãy
giờ gục đầu trên bàn đôi vai rung khe
khẽ đang cố nén những tiếng nấc nghẹn ngào. Còn tôi vẫn đứng, hai chân mình
nặng trĩu vì nghe lòng như loang đầy nước mắt của bạn tôi.
L.Đ.D
Một câu chuyện cảm động ở thế kỷ 20 còn sót lại. Tôi đã đọc và mua tặng các bạn tôi nhiều lần truyện "Tây Sơn bi hùng truyện". Chúc anh Danh khỏe, vui
Trả lờiXóacám ơn anh Phương đã chia sẻ. Danh vẫn khỏe.Nếu là chuyện của thế kỷ 20 còn sót lại, vậy hóa ra thế kỷ 21 không còn sao anh? Nếu vậy thì e rằng vui không nổi anh à.
Trả lờiXóa