Ngoại tôi giờ mắt đã mờ,
chân đã chậm, tên cháu con nhiều khi không nhớ rõ. Nhưng thói quen chờ đợi của
ngoại thì dường như đã ăn sâu vào tiềm thức. Lúc nào vào thăm ngoại tôi cũng bắt
gặp cái dáng lưng còng ấy ngồi ngoài hiên, nhìn xa xôi về phía con đường làng
nhỏ xíu chạy vắt qua cánh đồng xanh mướt. Để rồi khi nghe thấy bước chân người
lại gần, ngoại giật mình vội hỏi: “Loan à? Tám à? Dì Bình đấy phải không?...”
Ngoại gọi tên tất cả các con, thảng thốt như vừa vui mừng vừa mất mát. Ngoại
không nhìn thấy rõ được nữa, nhưng chỉ cần một giọng nói cất lên là ngoại biết
đứa nào đang đứng đó. Chẳng kịp để đứa cháu nhỏ đứng bùi ngùi, ngoại cầm tay
tôi dắt vào trong gian buồng như lúc nào cũng thoảng mùi bã trầu, mùi ẩm mốc
của tháng năm dài rộng. Nhưng trong đó chứa đựng biết bao nhiêu chắt chiu, dành
dụm mà ngoại đã để phần cháu con xa xôi biền biệt.
Thỉnh thoảng cậu tôi hay
cằn nhằn cái tính chắt bóp của ngoại, có cái gì cũng dành dụm, tằn tiện giấu kĩ
trong một góc nào đó. Đến mức lúc cần đến, chính ngoại cũng nhiều khi không nhớ
rõ mình từng cất chỗ nào khiến cả nhà cậu phải nhiều phen tìm mỏi mắt. Tiền
không dám tiêu, khi thì ngoại nhét vào hòm thóc, khi thì vết nứt cột nhà, khi
thì đầu giường hay trong chiếc hộp sắt rỉ đen sì vẫn để trên chạn bếp. Mỗi lần
về thăm, tôi đều lục tìm những tờ tiền nhăn nheo đó để vuốt lại phẳng phiu, cất
gọn vào một chỗ dễ nhớ nhất. Tôi hỏi:
- Sao ngoại không tiêu cứ
dành dụm làm gì ạ?
- Ngoại có cần gì đến
tiền đâu. Để đó nhỡ đứa nào túng bấn thì có cái mà chi dùng.
Tôi cầm xấp tiền còn cả
vết gián nhấm trên tay, nghĩ đến những bữa cơm toàn canh rau dền và bát muối
vừng của ngoại mà trào nước mắt. Ngoại ở với cậu nhưng cơm nước một mình vì
không muốn phiền đến các con. Hễ đứa nào ở xa về biếu chút tiền bảo ngoại mua
thức ăn, thuốc bổ là ngoại cười để đó. Ngoại thương dì Bình chồng mất sớm, một
thân một mình nuôi bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đêm nằm ngoại nghĩ thương
cậu Tân cứ ốm đau liên miên tiền đâu mà chạy chữa. Cũng có lúc ngoại bảo tôi
“Con ra ngoài phải chi tiêu nhiều, nếu cần tiền ngoại đưa cho một ít mà lo
liệu. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ lắm đúng không? Tội nghiệp”. Nhiều khi tôi
hay thở dài trách ngoại “Cháu con thì đông, ngoại cứ thương hoài sao nổi?”.
Ngoại cười…
Có nhiều hôm trở về, vì
mệt quá và cũng vì không gian bình yên quá mà tôi thả người xuống chõng tre ngủ
một giấc ngon lành. Lúc thức dậy đã thấy ngoại lôi đủ thứ quà quê được gói ghém
cẩn thận trong nhiều lớp túi ni lông. Đó là mấy thanh bỏng gạo, gói bánh quy
hương cam, vài ba chiếc oản xanh đỏ chắc là lộc đi lễ chùa của ngoại. Đôi khi
là mấy gióng mía đã nảy mầm, quả vú sữa đã héo quắt queo hay túi bánh bông lan
hết hạn sử dụng đã mấy tuần. “Toàn thứ con thích đó, ăn đi”- ngoại nói, tay run
run chọn đưa cho tôi từng thứ một. Định bảo ngoại lần sau có gì ngon ngoại cứ
ăn hết đi, đừng để dành hỏng hết mà con cháu cũng có phải thiếu thốn gì đâu.
Nhưng cũng may đã không dám cất lời, bởi nhớ ra rằng đó thứ niềm vui tuổi già
hiếm hoi của ngoại.
Năm tháng thoi đưa,
chúng tôi cũng biền biệt mưu sinh bỏ lại vạt nắng vàng chiếu chênh chếch vào
căn buồng đượm mùi trầu không của ngoại. Ở nơi ấy níu giữ những yêu thương hiền
hòa, nồng hậu đầy tốt đẹp. Tình yêu của ngoại như phù sa chắt chiu bồi đắp, dẫu
dòng đời và dòng sông cứ lặng lẽ trôi đi. Đã có lúc mệt nhoài ngồi đợi bên bến
xe bus hay một sân ga nào đó tôi đã ước gì mình không phải đang chuẩn bị bắt
đầu cho một chuyến đi xa. Giá như những chuyến tàu có thể chở tôi về nằm ngủ
bên chõng tre buồng ngoại. Về để vuốt phẳng phiu những tờ tiền lẻ, về để nhận
từ tay ngoại những thứ quà quê được giấu kĩ trong nhiều lớp túi ni lông…
Vũ
Thị Huyền Trang (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét