Nhân đọc 2 tập thơ “Cầu vồng
thu” và “Nước mắt hoa đào” của Bùi Nhựa
Cách
đây hơn 20 năm, năm 1989, tập thơ đầu tay của anh Bùi Nhựa với tên gọi “Thơ cho
người đang yêu” đến với độc giả gần xa. Cứ ngỡ với bút lực sung sức, vài ba hay
dăm năm, anh Bùi Nhựa lại dâng hiến dòng đời một tập thơ mới. Vậy mà mãi đến
năm 2012, anh mới cho sinh thành tập thơ thứ hai có tựa đề “Cầu vồng thu”. Rồi
năm tiếp theo, năm 2013, cùng lúc anh gửi tới người yêu thơ hai tập “Trăng và
xưa và nay và những con đường” và “Nước mắt hoa đào”. Cả 3 tập đều do Nhà xuất
bản Hội Nhà văn ấn hành. Đằng đẵng hơn hai mươi năm ấy, nào có phải anh Bùi Nhựa
vì cơm áo, gạo tiền, hay mê mải với hướng đi khác… xa lánh nàng thơ? Không,
trong suốt thời gian từ 1989 đến 2012, tôi vẫn gặp đều đặn thơ của Bùi Nhựa in
trên các phương tiện thông tin đại chúng Bình Dương và nhiều tỉnh khác, và còn
nhiều lần nhận giải thưởng về thơ nữa. Như thế, theo tôi hiểu, không muốn đều đều
ra tập thơ riêng như bạn bè, anh Bùi Nhựa muốn gửi hết trí lực, tình yêu, chiêm
nghiệm cuộc sống vào những con chữ trong 3 tập thơ in ấn 2 năm vừa qua… Nhưng với
bài viết này, tôi chỉ xin gửi đến độc giả cảm nhận của mình về thơ Bùi Nhựa qua
2 tập: “Cầu vồng thu” và “Nước mắt hoa đào”. Còn riêng với tập “Trăng và xưa và
nay và những con đường”, có cả trường ca và diễn ca thì phải để có thời gian thấm
đẫm chữ nghĩa vào hồn vía mới phê cùng bình được. Hẹn bài viết sau tôi sẽ đề cập
đến tập thơ này.
Với “Cầu
vồng thu” như tác giả của nó đã bộc bạch cùng người đọc qua thư ngỏ “… Tôi thích
làm thơ về cái đẹp”. Cái đẹp là cảm xúc chủ đạo trong “Cầu vồng thu”. Nên từng
chữ, từng câu thơ của anh Bùi Nhựa trong tập thơ này đều dạt dào “cái đẹp của
cuộc sống con người, của sự vật, cái đẹp về thiên nhiên, đất nước…” Độc giả hãy
cùng tôi thưởng thức cái đẹp của từng con chữ, qua chắt lọc của tác giả bật ra
thành những câu thơ say đắm: “Ơi giếng làng/Mật ngọt quê ta/Nuôi tình yêu muôn
thuở/Giếng trong như mắt người thiếu nữ/Uống vào mát tận tâm can” (Bài “Giếng
làng”). Hay: “Ngày bên nhau gửi lại/Chút buồn trong mắt ai/Xanh cuối trời vời vợi/Em
ơi! Nói gì đây” (Bài “Chiều”). Và: “Hoa quỳnh nở một mình lặng lẽ/Đợi đến bốn
canh anh chẳng đến một lần/Tiếng gà gáy bốn canh trời đã sáng/Em đếm nhầm giấc
ngủ của năm canh” (Bài “Đêm tứ tuyệt hoa quỳnh”… Trong “Cầu vồng thu” còn nhiều
câu thơ sâu lắng như thế, trong các bài “Chia tay chiếc lá cây”, “Hương gió núi
đất ngàn hoa”, “Dã quỳ 1, 2, 3”, “Mùa thu chiều ngõ vắng”. Phải là người không
chỉ yêu mà hiểu về cái đẹp tinh tế thì mới sản sinh ra được chữ nghĩa như vậy…
Trong “Cầu
vồng thu”, tôi còn khoái mảng thơ anh Bùi Nhựa viết về những miền đất anh đã
qua, đã sống, đã gửi gắm lòng mình để nhận ra cái đẹp và yêu da diết. Có thể lấy
ra đây những câu thơ lấp lánh tình người, lấp lánh tình đất. Ở bài thơ “Hồi ức
thủ đô”, Bùi Nhựa cảm nhận “… Mây và nước mắt/Phía cuối trời những đoàn quân
hung dũng vang xa/Lên đường ra mặt trận/Những đường hoa Hà Nội đi xa/Hòa vào
tình yêu thơm ngát/Em đến trường với thủ đô thao thức/Trời Ba Đình nắng sáng
dõi lung linh/Và hiên ngang dữ dội sông Hồng/Nước chảy xuôi về dạt dào sóng quê
hương…” Bởi “Hồi ức thủ đô” của anh là hồi ức về Hà Nội có chiến tranh chống lại
không lực Mỹ… Còn với vùng quê lúa Thái Bình, trong bài thơ “Nhớ Thái Bình”, anh
đằm thắm nhớ nhung: “Tám năm ăn cơm Thái Bình/Tám năm mặc áo Thái Bình/Ba mươi
năm chưa một ngày trở lại/Một ngày dầu sống vẫn chưa xanh…/Trời vẫn cao xanh
cao/Lúa vẫn thơm dạt dào/Riêng lòng ta chưa trọn/Mênh mang hoài bể dâu.” Với Huế,
với Nha Trang, với vùng cao nguyên… anh cũng có những câu thơ nặng nợ, nhiều
duyên như thế… Những bài còn lại của “Cầu vồng thu” viết về nhiều đề tài khác
nhau, ở đề tài nào Bùi Nhựa cũng vắt kiệt tiềm năng gửi gắm đến người đọc những
bài thơ sinh động, ẩn chứa cái đẹp của cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai ngày.
Xin được kể ra đây một số bài thơ mà tôi tin rằng không chỉ tôi mà nhiều người
cùng đồng cảm như: “Chiều”, “Ru em”, “Cầu vồng thu”, “Ngẫm”, “Đêm bâng quơ”,
“Giếng Mỵ Châu”… Đến đây, tôi tạm chia tay “Cầu vồng thu” để cùng độc giả đến với
tập thơ mới nhất của anh Bùi Nhựa, tập “Nước mắt hoa đào”, xuất bản cuối năm
2013. So với “Cầu vồng thu”, “Nước mắt hoa đào” đầy đặn hơn nhiều. Có đến 83
bài thơ dài ngắn dồn nén trong hơn 100 trang khổ giấy 13x20. Thấy tựa đề “Nước
mắt hoa đào” là lạ, mình mới gặp lần đầu, tôi tìm ngay bài thơ ấy để đọc, bởi
hiện nay các tác giả thường hay chọn đứa con tinh thần ưng ý nhất để đặt tên
cho tác phẩm. Và khi đã đi hết 43 câu thơ, tôi hiểu cái ví von của anh Bùi Nhựa.
Nước mắt hoa đào chính là những giọt sương đã được ướp đẫm hương thơm tinh khiết
của loài hoa chủ đạo của mùa xuân phương Bắc. Tôi thích những câu thơ: “… Những
mảnh sương đào phảng phất cuối đông/Và nụ đào vương ngọn gió xuân nồng/Mưa ơi
phùn nhè nhẹ/Rét cứ vơi đầy trắng bến sông…” hay “… Nỗi thương hoa đào khắc sâu
lặng lẽ/Một cánh đào hoa đỏ hồng sương mở/Những vật linh của đời người quý
giá/Theo ta đi suốt cuộc đời”. Có lẽ người đọc, qua sự thiêng liêng của hoa đào
đối với tác giả, cũng sẽ nhận được niềm thiêng ấy với loài hoa ai đã một lần
chiêm ngưỡng đều thích cách ví von, so sánh “nước mắt hoa đào” của thi sĩ.
Ở “Nước
mắt hoa đào” anh Bùi Nhựa dẫn dắt độc giả đến với nhiều đề tài khác nhau trong
cuộc sống đời thường. Vui cũng nhiều mà trăn trở cũng không ít. Điều ấy chứng tỏ
tác giả đã chịu khó đi, chịu khó nghĩ để mọi khía cạnh của tháng ngày đều có thể
hóa thân thành thơ. Có thể kể ra đây một số bài thơ có chiều sâu nội tâm, dù đề
tài thơ không đao to búa lớn: “Hoa chiều nở muộn”, “Vô đề”, “Người tạc tượng
chính mình”, “Buồn vui”, “Bờ xôi”… Với kinh nghiệm sống và tấm lòng đôn hậu của
mình, tôi thiết nghĩ nếu như anh Bùi Nhựa đầu tư sâu đậm cho mảng thơ về đời
thường thì sẽ thành que diêm chạm vào đâu cũng cháy, như anh mong muốn. Đến
đây, tôi dành chữ nghĩa đàm đạo về thơ bốn câu, được in đến vài mươi bài trong
“Nước mắt hoa đào”. Tôi không gọi là thơ tứ tuyệt, mà gọi là thơ bốn câu cho nó
dân dã. Cứ nâng lên tứ tuyệt thì có gì đó không ổn. Hỏi anh Bùi Nhựa đã dồn nén
vào những bài thơ bốn câu của mình không ít thời gian trí lực để có: “Hoa quỳnh”,
“Thôi miên”, “Đêm ngắn đêm dài”, “Mùa sao không có tháng”. “Chiều Sapa”… Nhưng
dường như tác giả của “Nước mắt hoa đào” không có duyên với thể loại thơ bốn
câu lắm. Ở loại thơ này, từng con chữ phải tự nó chuyển tải được cái nhìn của
tác giả trước điều mình thể hiện hay bộc bạch nội tâm. Có thế người ta mới nâng
nó lên thành tứ tuyệt. Còn ở Bùi Nhựa, bốn câu của anh còn thật thà quá, đọc
lên chưa có dấu ấn gì ám ảnh tâm tư. Và cả nhạc điệu, gieo vần của anh cũng còn
phải lao động nghệ thuật sáng tạo hơn nữa.
Trong tập
“Nước mắt hoa đào”, ở trang 5 anh Bùi Nhựa có mời gọi “Mong được sự phê bình,
góp ý của độc giả.” Thế là cầu thị, thế là muốn thơ mình mỗi ngày một bay cao,
bay xa hơn nữa. Được lời như cởi tấm lòng, nếu như trong thời gian anh Bùi Nhựa
làm bản thảo cho hai tập thơ “Cầu vồng thu” và “Nước mắt hoa đào”, tôi được đọc
thì sẽ đưa ra lời khuyên chân thành như sau: Hai tập ấy chỉ nên gộp lại thành một
mà thôi. Bỏ bớt đi những bài ý tứ trùng lặp, những bài chưa có độ chín, những
bài lê thê… Ở độ tuổi 70 rồi, cần cái chất của chữ nghĩa sống được hơn là cần
cái lượng 2 tập hay 3 tập. Bởi thời buổi này in thơ dễ lắm, cứ tự bỏ tiền ra là
ai cũng có “tập” được tất. Và một điều nữa, năm tháng ta đang sống, giấy má ngập
tràn, tại sao anh Bùi Nhựa còn in thơ đội đít nhau làm gì. Mỗi bài, dù là bài bốn
câu thôi, hãy để cho nó một trang, tập thơ sẽ sang trọng hơn. Còn in đội đít
như thế, sẽ tự mách bảo với mọi người cái tỉnh lẻ của mình. Một lần gần đây,
trò chuyện với anh Bùi Nhựa, tôi biết người hội viên kỳ cựu của Hội văn học Nghệ
thuật Bình Dương dù tuổi tác đã cao, nhưng vẫn còn đắm say nàng thơ lắm lắm.
Tôi tin rằng đắm say và cần mẫn, năm tháng tiếp theo, anh Bùi Nhựa sẽ gửi đến độc
giả nhiều bài thơ ấm áp hơi thở cuộc sống…
P.M.D (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét