Lâu rồi ý niệm của câu tục ngữ Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không vẫn
cứ in sâu trong lòng tôi. Tôi vẫn còn nhớ lúc cuộc sống khốn khó, tôi đã từng
nghĩ, ừ thì mình có thì mình có mâm lễ, còn không thì năm ba cây hương cũng
được. Rồi cũng qua chuyện cúng kiến, lễ bái.
Thế nhưng, trong tôi mãi vọng lên điệu kinh
cầu về Rằm tháng Bảy. Đây là mùa báo hiếu của các Phật tử, của những người con
đối với mẹ cha. Mục Kiền Liên là hiện thân của người con hiếu thảo. Trước tội
lỗi của mẹ, Ngài có oán trách đâu. Chỉ có lòng nguyện cầu xin lượng hải hà vô
biên của Bồ tát, cứu vớt linh hồn mẹ. Trong tôi cầu mong đạo hiếu của Mục Kiền
Liên soi rọi tâm hồn mình để ứng xử với cha mẹ, tiên tổ, với những tiền nhân
sao cho phải.
Tôi cũng được biết thêm cách hiểu khác
như là tâm niệm của nhân gian về Rằm tháng Bảy. Đó là dịp xá tội vong nhân.
Không cần biết người đã mất là ai, là kẻ thế nào, chỉ biết đó là hồn oan của
những người đã mất, những hồn tìm sự an bình trong sự cầu an của người trần
thế. Tôi cũng từng nghe bà nội tôi kể chuyện cúng cô hồn Rằm tháng Bảy là cúng
các hồn không nơi nương tựa, cúng hồn đói cái ăn - cái ăn bởi kinh bởi kệ.
Người đã chết, dù có tội, ít ra đến Rằm tháng Bảy cũng được xá tội, mong được
bình an nơi cõi phúc. Trước mắt tôi là những hồn ma vất vưởng xếp thành hàng.
Họ đi, đi âm thầm, mong được xá tội. Trong tôi hiện lên những hình ảnh của
những hồn trong “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du. Có thể họ là những kẻ đâm thuê
chém mướn, cũng có thể họ là kẻ cướp vợ đoạt chồng kẻ khác, có khi họ dối dưới
lừa trên, cũng có khi họ là kẻ có chức có quyền... Cũng có khi, họ là kẻ tranh chức đoạt quyền, cũng có khi là kẻ buôn thần bán
thánh... Nói chung, các hồn ma đều mong được ân xá. Trong tiếng cầu nguyện của
người đang sống, trong trầm hương của Rằm tháng Bảy, tôi thấy các hồn ma như
được hồi tâm. Họ thực sự ăn năn hối lỗi. Tôi như thấy các hồn đang nguyện xin
được xá tội. Duy không thấy được hồn của những kẻ bán nước cầu vinh. Tôi chẳng
thấy hồn của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống ở đâu. Nghe đâu bọn chúng đang chịu
hình phạt ở hoả ngục, phải “khóc lóc nghiến răng đời đời”(Kinh Thánh). Thảm
thay! Tội nghiệp thay !
Bất
chợt trong tôi cũng hiện lên hình ảnh những con người thực ở cõi đời, họ cũng
thiếu ăn, thiếu gạo, thiếu muối trong những ngày giáp hạt, trong những lúc bão
lũ, thiên tai... Này đây là hình ảnh còm xương của bao trẻ, bao dân lành miền
núi thèm hơi muối, chút cơm. Này đây là những bàn tay giơ ra đón nhận gói mì
tôm, chai nước. Này đây là cái chết oan khiên khi qua con suối, bờ nương... Họ
làm gì nên tội mà phải đói khổ ở cõi trần ? Họ làm gì nên tội mà phải chịu thay
cho tôi, cho bạn?
Cũng về Rằm tháng Bảy, tôi quên làm sao
được những lời của thầy tôi nói về thời cuộc, khi tôi học lớp 8 năm học 1969 -
1970 ở trường Đông Giang, rằng Rằm tháng Bảy là lễ giỗ những người chết trận. Lúc
đó tôi lơ mơ hiểu rằng đã là người chết trận là phải được người đời sau làm lễ
tưởng nhớ ghi ơn sự hy sinh của họ. Tôi nhớ lại lời kể của thầy, rằng, nước ta
có thời bị chia cắt làm hai, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Nhưng binh lính tử
trận của cả hai bên đều được đời sau hương khói. Tôi nghe lời thầy, rằng như
thế mới hợp đạo làm người. Rằng tiền nhân có lúc bất đồng ý kiến, có lúc gây gổ,
đánh nhau vì quyền lợi nào đó, nhưng suy cho cùng, để dân phụng thờ tưởng nhớ, phải
là người có công với dân tộc. Ai vì dân tộc đều được phụng thờ. Quân Trịnh,
quân Nguyễn vì ai mà một thời đổ máu? Vì ai mà hy sinh? Vì ai mà chút xương
tàn không tìm thấy? Hồn của các chiến sĩ hai bên có khác gì nhau trong và sau
trận chiến? Hồn của họ có khác gì nhau trong ý niệm của thời gian, trong sự
phán xét của người cùng thời, của hậu thế ?
Tôi bâng khuâng, như thấy trước mắt mình
hồn của những chiến sĩ hai bên thuở nào cùng lặng im nghe lời khấn niệm của
người đang sống, của giới cầm quyền, của người theo đạo này, tôn giáo nọ đang
mong linh hồn của họ được siêu thoát. Các hồn như đang trò chuyện cùng nhau.
Không có oán thù, không có tị hiềm, khích bác. Chỉ có sự hoà hợp của những hồn
chiến sĩ năm nào. Chỉ có sự nguyện cầu cho đất nước an lạc.
Bao nén hương lòng thắp trong Rằm tháng
Bảy. Khói hương vẽ đường đi cho những hồn về nơi cực lạc. Khói hương mang lòng
thành đến người đã khuất. Khói hương Rằm tháng Bảy thảo thơm hồn con dân Việt
như là tấm lòng nguyện cầu an lạc đến cả thế gian.
Tháng 7, năm Canh Dần ( tháng 8-2010)
P.T.H (Đà Nẵng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét