CÓ CHẾT CŨNG PHẢI GIỮ BIỂN
Với hơn 500 chiếc tàu có công suất trên 90CV, xã Lập Lễ
(huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) không chỉ nổi tiếng với nghề đóng tàu vươn khơi mà còn là địa phương phát triển rất mạnh nghề đánh bắt hải sản. Tinh thần bám biển, giữ biển của ngư dân Lập Lễ cũng rất đáng khâm phục…
|
Ngư dân Lập Lễ tất bật đóng tàu vươn khơi |
Ngày đêm bám biển
Một chiều hối hả ở xã Lập Lễ, chúng tôi bắt gặp trên đường đi từ UBND xã về cảng cá Mắt Rồng những khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt toát lên những niềm tin mãnh liệt. Mặc cho biển Đông đang “nổi sóng”, từng đoàn tàu đánh cá của ngư dân Lập Lễ vẫn nối đuôi nhau ra khơi đánh bắt hải sản. Lão ngư Đinh Khắc Thiện với khuôn mặt đen bóng, rắn rỏi màu sóng gió cho biết: “Trước việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều ngư dân địa phương rất bức xúc. Và hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, quyết tâm bám biển vươn khơi, khai thác nguồn lợi hải sản trên vùng biển chủ quyền của đất nước là hành động thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Mặt ông Thiện đanh lại khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về tinh thần đi biển của ngư dân Lập Lễ: “Tổ tiên, cha ông chúng tôi gắn liền với biển, có chết cũng phải giữ biển…”.
Từ đầu năm đến nay, ngư dân Lập Lễ khai thác được gần 5.400 tấn thủy sản các loại, đạt giá trị hơn 45 tỷ đồng, nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá mực, cá cơm... Không chỉ mạnh dạn đánh bắt ở ngư trường truyền thống là vịnh Bắc bộ, ngư dân Lập Lễ còn cưỡi tàu lớn, đạp sóng đánh bắt tận các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam tại khu vực Trường Sa và Hoàng Sa. Ông Trần Hùng Dũng, ngư dân đã nhiều năm đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa cho biết, dù phía Trung Quốc hung hãn, ngang ngược nhưng ngư dân Lập Lễ vẫn ngày đêm bám biển, vươn khơi. Người Lập Lễ bao đời nay sống nhờ vào biển, nhiều lần tàu của họ giáp mặt với tàu Trung Quốc nhưng họ không hề nao núng trước những hành vi ngang ngược của đối phương.
Ông Bùi Doãn Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủy Nguyên cho biết, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, góp phần giữ gìn an ninh biển đảo Tổ quốc, huyện đã vận động và tạo điều kiện để ngư dân phát triển tàu đánh bắt xa bờ. Để bảo đảm an toàn cũng như nâng cao hiệu quả khai thác, với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, những năm gần đây, ngư dân huyện Thủy Nguyên nói chung và Lập Lễ nói riêng đã thành lập được các cụm tàu vươn khơi an toàn trên biển, đánh bắt xa bờ.
Các cụm tàu an toàn được bố trí cùng ngành nghề, đánh bắt cùng ngư trường, được kết nối thông tin và tiếp nhận chỉ đạo trực tiếp từ “tập đoàn đánh cá”. Các cụm tàu an toàn trên biển không những tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, mà còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về tình hình an ninh biên giới biển, tình hình tàu thuyền nước ngoài hoạt động, giúp các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biển đảo.
Đóng thêm tàu giữ biển
Chúng tôi đến HTX đóng tàu Lập Lễ, trên bờ, dưới nước ngổn ngang những gỗ và tàu đang được sửa chữa, đóng mới. Làng nghề đóng tàu Lập Lễ nổi tiếng từ bao đời nay với khả năng đóng hàng ngàn chiếc tàu lớn nhỏ. Ông Đinh Khắc Nhân, Chủ nhiệm HTX đang tiếp một đoàn 4 - 5 ngư dân từ Nam Định, Quảng Ninh sang đặt hàng. Ông Nhân dẫn khách ra tận xưởng, chỉ tay vào mấy con tàu đóng dở với hàng trăm công nhân đang làm việc rồi bảo: “Chúng tôi chịu. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi dày kín hợp đồng đóng tàu cho khách. Các anh thông cảm!”.
|
Tàu cá của ngư dân Lập Lễ ngày đêm bám biển góp phần giữ vững chủ quyền đất nước |
Ông Vũ Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết, thấy rõ việc vươn khơi có hiệu quả, tại xã Lập Lễ, ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu công suất lớn. Từ đầu năm đến nay, các xưởng đóng tàu xã Lập Lễ hoàn thiện 20 tàu vươn khơi khai thác thủy sản, đưa tổng số tàu của xã lên hơn 500 chiếc từ 90CV trở lên. Dự kiến đến hết năm 2014, các cơ sở đóng tàu sẽ hoàn thiện khoảng 50 tàu khai thác thủy sản các loại, tàu lớn nhất có công suất 790CV, trị giá gần 10 tỷ đồng. Ngư dân đóng tàu càng lớn, khả năng vươn khơi càng xa, tìm được ngư trường mới, mỗi chuyến đi biển thu lãi hàng trăm triệu đồng, có tàu thu lãi gần tỷ đồng. Chỉ cần vài chuyến đi biển có lãi, trong khoảng 2 năm, ngư dân có thể trả xong phần vốn vay.
Thực tế như ông Đinh Khắc Thó, chủ tàu HP 90504, vay ngân hàng 600 triệu đồng, cùng vốn vay của những người thân, ông Thó đóng tàu công suất 360CV. Sau 2 chuyến đi biển có lãi, ông trả ngân hàng toàn bộ số vốn sau 4 tháng vay. Trung bình tàu từ 90CV đến 200CV sau mỗi chuyến vươn khơi cũng có lãi trên 100 triệu đồng. Đặc biệt trong năm 2013 vừa qua, tàu vó mực công suất hơn 500CV của ông Lê Văn Vinh ở xã Lập Lễ, sau gần 10 ngày vươn khơi thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Còn nhiều trường hợp ngư dân trúng cá, được giá nữa ở Lập Lễ mà chúng tôi không thể nhớ hết. Biển giàu đẹp, sản vật từ biển cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Biển không phụ công người cần lao, gắn bó và sống chết giữ biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc cho hôm nay và mai sau. Nói tinh thần bám biển, giữ biển của ngư dân Lập Lễ cũng là truyền thống muôn đời của bao ngư dân Việt Nam là thế!
THÀNH PHỐ BIỂN XANH
“Thành phố hoa phượng đỏ” hay “Thành phố cảng” là những biệt danh mà nhiều người thường dùng khi nhắc đến Hải Phòng, nhưng chúng tôi thì gọi đây là thành phố biển xanh. Cái biệt danh mới mẻ ấy không chỉ là màu xanh trong của biển cả, mà còn là những khái niệm rất mới về định hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng…
|
Cảng và hệ thống dịch vụ cảng biển là thế mạnh kinh tế lớn để Hải Phòng phát triển một thành phố xanh trong tương lai gần
|
Mặn mòi vị biển
Chuyến phà chầm chậm nối liền hai bến Phà Rừng đưa chúng tôi từ bến Bạch Đằng Giang (Quảng Ninh) hào hùng đặt chân lên đất cảng Hải Phòng. Con nước xanh trong, mặn mòi hương vị biển, xa xa hàng trăm cần cẩu tải trọng lớn vươn mình bên bờ biển sóng vỗ miên man. Thành phố cảng Hải Phòng có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của vùng Đông Bắc bộ và cả nước, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Với hệ thống cảng biển đa dạng, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Hải Phòng tăng khoảng 600% trong vòng 10 năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2013, khối cảng biển Hải Phòng đón 16.841 lượt tàu thuyền, tăng 13% so với năm 2012, mang theo 55,4 triệu tấn hàng hóa. Từng có thống kê rất chi tiết từ phía Phòng CSGT TP.Hải Phòng, nếu tất cả xe container hoạt động mỗi ngày tại thành phố biển này dừng nối đuôi nhau, tổng chiều dài sẽ bằng con đường đi từ Hải Phòng vào tận… Quảng Bình.
|
Nhiều dự án xanh, sạch đã đầu tư vào Hải Phòng để cùng thành phố này phát triển kinh tế xanh. Trong ảnh: Một góc KCN VSIP Hải Phòng Ảnh: K.VINH
|
Nhưng biển không chỉ mang lại cho Hải Phòng hệ thống cảng lớn nhất nhì cả nước mà còn là ngư nghiệp, du lịch. Hàng năm, ngành công nghiệp đóng tàu Hải Phòng mang lại cho thành phố hàng ngàn tỷ đồng đóng góp vào ngân sách. Đánh bắt hải sản gần bờ, xa bờ và nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của thành phố. Những ngày ở Hải Phòng để thực hiện loạt bài viết, chúng tôi bắt gặp và ghi nhận tinh thần quyết liệt vươn khơi, bám biển của ngư dân Hải Phòng. Họ, những con người sinh ra từ biển, lớn lên trên biển mặn bao la, luôn quyết tâm gìn giữ tổ nghiệp của cha ông và toàn vẹn lãnh thổ của toàn dân tộc.
Không chỉ giàu đẹp từ cảng, từ ngư nghiệp, Hải Phòng còn khéo léo trong việc phát triển du lịch biển. Với nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh, cộng với bãi biển Đồ Sơn, Cát Bà nổi tiếng, du lịch biển Hải Phòng đang ngày càng phát triển, thu hút sự chú ý lớn của du khách gần xa. Hải Phòng vì thế đang phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương bằng việc tích cực phát huy tiềm năng kinh tế biển của mình.
Từ “nâu” sang “xanh”
Hải Phòng đang là một trong số ít địa phương trên cả nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh” để triển khai Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về việc xây dựng Hải Phòng trở thành “Thành phố cảng xanh”. Là một thành phố ven biển, việc ưu tiên xây dựng kinh tế biển xanh hướng tới phát triển, bảo vệ biển, đảo và vùng ven biển là một nhu cầu và đòi hỏi thực tế khách quan. Chính vì thế, Hải Phòng đang nỗ lực chuyển mình để trở thành một thành phố xanh đúng nghĩa. Kinh tế xanh đang tạo cơ hội để Hải Phòng tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có kinh tế biển, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển bền vững thành phố.
Một trong những bước đi đầu tiên của việc phát triển kinh tế xanh trong tương lai gần của Hải Phòng chính là việc quy hoạch chi tiết cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng từ năm 2004. Dự kiến, cảng này khi được xây dựng, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT hoạt động trên tuyến biển xa, đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là quốc tế loại IA, với khu bến thương mại cho tàu biển trọng tải lớn tại Lạch Huyện tiếp nhận chủ yếu tàu chở container loại 4.000 - 6.000 TEU, tàu chở hàng tổng hợp 5 - 8 vạn DWT. Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc bộ (nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận cỡ tàu tới 100.000 DWT (tàu container 8.000 TEU) tạo sức hấp dẫn với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn nhận được sự hợp tác của VSIP Hải Phòng, một trong những đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng hôm nay. Về với VSIP Hải Phòng, nằm ngay vị trí sát với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, chúng tôi không thể không bồi hồi xúc động trước khí thế thi công khẩn trương của công trường nơi đây. Điều đáng mừng là sát vị trí hiện nay của VSIP Hải Phòng, trong tương lai sẽ mọc lên một trung tâm hành chính tập trung mới, là kết quả bước đầu học tập kinh nghiệm hay từ Bình Dương.
Khi đưa vào sử dụng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là trung tâm cùng với hệ thống cảng biển Hải Phòng và cảng sông trong nội địa. Đồng thời, cảng đóng vai trò như một trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế kết hợp hệ thống giao thông vận tải đồng bộ bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và hệ thống vận tải xuyên quốc gia, đặc biệt là các dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện và dự án đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đang gấp rút triển khai. Điều đó sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của TP.Hải Phòng, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như toàn bộ các tỉnh phía Bắc…
Có về và cảm nhận nhịp phát triển hối hả của con người và vùng đất nơi đây mới hiểu hết được niềm tự hào biển đảo quê hương, đất nước. Ở đó, sự thành công của việc tạo dựng và phát triển thành phố biển xanh giàu mạnh chính là bước hội nhập sâu của kinh tế biển Việt Nam với nền kinh tế khu vực và thế giới.
QUYẾT BÁM BIỂN ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN
Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Hải Phòng vẫn cương quyết bám biển để bảo vệ chủ quyền theo lời Bác Hồ dạy: “Biển bạc của ta do dân t a làm chủ”…
Càng thêm quyết tâm bám biển
Chiều trên Bến Xăm (phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng), bao hương vị mặn nồng của biển quyện vào trong gió. Những chuyến tàu đầy ắp cá tấp nập trở về trong niềm vui trào lên từng khuôn mặt vươn khơi. Giữa muôn trùng sóng gió và khó khăn do các tàu của Trung Quốc gây ra, ngư dân Hải Phòng vẫn kiên cường bám biển khai thác thủy sản. Ngư dân Ngô Văn Thanh, một chủ tàu khai thác xa bờ tâm sự: “Vùng biển của mình, thủy sản nhiều, có tàu, có lao động nên chúng tôi vẫn khai thác bình thường. Chúng tôi cũng rất yên tâm vì các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư luôn đồng hành, hỗ trợ thường xuyên, bảo đảm an toàn cho ngư dân khai thác. Mặt khác, anh em ngư dân trên biển không chỉ gắn bó, chia sẻ cùng nhau mà luôn có sự cảnh giác, cẩn trọng hơn trong mỗi chuyến ra khơi nên càng yên tâm…”.
|
Biển mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn cho ngư dân. Trong ảnh: Tàu của lão ngư Đinh Văn Sở, xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên cập Bến Xăm với 5 tấn cá mú |
Mùa cá năm nay thời tiết không ổn định, gió mùa khiến biển động nhiều hơn, lại thêm những phức tạp xảy ra ở biển Đông khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến ra khơi, lại được động viên kịp thời của cơ quan chức năng nên ngư dân Hải Phòng không quản ngại khó khăn, bám biển đánh bắt. Thượng úy Phạm Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm biên phòng Bến Xăm (Đồn Biên phòng Đồ Sơn) cho biết, trạm quản lý khoảng 700 phương tiện, trong đó có 24 tàu khai thác xa bờ với hàng ngàn lao động nhưng chưa có một va chạm hay diễn biến bất thường nào đến với ngư dân trên biển. Đặc biệt, tàu về hay chuẩn bị ra khơi, cán bộ biên phòng và địa phương luôn tiếp cận, gần gũi để tuyên truyền, giải thích về tình hình hiện nay trên biển để bà con yên tâm.
Là địa bàn không có nhiều tàu thuyền, nhưng âu cảng Bạch Long Vỹ luôn là điểm tựa của ngư dân khai thác thủy sản xa bờ. Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Đào Trọng Tuệ cho biết, thường xuyên có hàng trăm tàu của ngư dân Hải Phòng và các tỉnh, thành trong cả nước vào neo đậu trong âu cảng này. Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huyện Bạch Long Vỹ bố trí lực lượng tuyên truyền trực tiếp, qua hệ thống loa phát thanh trên đảo, đề nghị bà con tiếp tục yên tâm bám biển, bám ngư trường khai thác thủy sản. Đặc biệt, ở khu vực ngư trường Bạch Long Vỹ thường xuyên có một số tàu của lực lượng Cảnh sát biển vùng 1 và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ bà con ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, khai thác thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Cột mốc sống” trên biển
Chúng tôi gặp lão ngư Ðinh Như Sở, 61 tuổi ở xã Phả Lễ (Thủy Nguyên), người gắn bó với biển khơi hơn 40 năm, thuộc biển như lòng bàn tay trên chuyến tàu đánh bắt được hơn 5 tấn cá biển các loại vừa trở về. Ông Sở cho biết, nghề khai thác cá trên biển là nghề cha truyền, con nối bao đời nay không chỉ với gia đình ông mà còn nhiều ngư dân khác ở Hải Phòng. Cho dù trên biển hiểm nguy thế nào, trừ thiên tai, gió bão chứ không gì cản được ngư dân ra biển, bởi đó là nghiệp, là cuộc sống và hơn cả là tâm huyết trọn đời. Cũng vì hiểu ngư dân, gắn bó với ngư dân và từng đi biển nhiều lần nên Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng cho rằng, không nên xem ngư dân đánh bắt trên biển là lao động thuần túy mà hãy nhìn nhận họ như những người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc nơi tuyến đầu.
Là địa phương có hàng trăm tàu khai thác xa bờ, TP.Hải Phòng đã phối hợp với lực lượng biên phòng chú trọng công tác tuyên truyền đến bà con ngư dân về ý thức bảo vệ an ninh trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trung tá Nguyễn Văn Hoán, Chính trị viên Đồn biên phòng Đồ Sơn khẳng định: “Nếu không dựa vào dân sẽ khó nắm bắt thông tin, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm. Năm 2013, qua nguồn tin của ngư dân, Đồn biên phòng Đồ Sơn phát hiện, xử lý kịp thời 93 tàu cá Trung Quốc hoạt động đánh bắt, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Ngư dân của ta đi đến đâu, chủ quyền biển đảo được bảo vệ vững chắc vì họ chính là “cột mốc sống” trên biển…”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng Nguyễn Quý Thạc cho biết, ngoài số tàu đánh bắt gần bờ ra thì 72 tàu khai thác xa bờ với gần 500 lao động trên biển của Hải Phòng vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển, duy trì và tăng sản lượng khai thác. Thành phố và chi cục tiếp tục có cách thức động viên bà con yên tâm sản xuất, bám biển. Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện có hai tàu kiểm ngư của chi cục ra khơi, đồng hành với bà con ngư dân, kịp thời hỗ trợ, xử lý các vấn đề trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là hoạt động kịp thời để bà con bám biển, phát triển sản xuất, tham gia đấu tranh với những hành động sai trái, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Việt Nam.
Chia tay bà con ngư dân bám biển Hải Phòng, chúng tôi không thể không khâm phục trước tinh thần cưỡi sóng, đạp gió vươn khơi của ngư dân nơi đây. Tinh thần kiên cường của họ cộng với những hoạt động thiết thực, kịp thời của các lực lượng thực thi pháp luật, gìn giữ hòa bình, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển như kiểm ngư, cảnh sát biển… chính là bản lĩnh và ý chí tuyệt vời cho tinh thần giữ biển, bám biển Việt Nam.
KỲ 6: Nhớ thuở cha ông lấn biển
K.V&K.G
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét