N h à t h ơ
U Y Ê N L I N H
(1943 – 2015)
Tên thật: Nguyễn Văn Nở
Sinh năm: 1943 tại xã Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu
Đốc (nay là phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, An Giang).
Tham gia văn nghệ từ năm 1962.
Thơ văn đăng trên các báo, tạp chí: Khai Phá, Trình Diện
Tuổi Đất, Hiện Diện, Tiếng Chuông, Sài Gòn Mới… và nhiều báo tại Sài Gòn.
Ông sinh hoạt trong nhóm văn nghệ SOLO nổi
tiếng với nhà thơ Mộng Lynh, trong khoảng
thời gian thập niên 60’ của thế kỷ XX.Thời gian nầy khơi màu cho sinh khí văn
học nghệ thuật miền Nam, trong giai đoạn sau 1954 hướng về phong cách sáng hóa
tự lập, nên đã phát huy được nhiều nét tân hóa cho văn chương. Nhiều lớp trẻ
nối bước các cầu nối của thế hệ tiền chiến và cái hay của phong cách văn chương
phương Tây, lập dựng được tư thức sáng tạo, tạo cho chính mình nhiều cái mới để
bước thẳng vào vườn hoa nghệ thuật. Nhóm SOLO năng nổ dựng dậy văn nghệ biên
cương Thất Sơn, cộng tác nhiều tạp chí trong nước, mà Uyên Linh là con chim đầu
đàn, cật lực vận động sáng hóa trên bước đường hội nhập cùng bằng hữu trên
chiếu hoa văn nghệ thời bấy giờ.
Trước năm 1975, nhóm xuất bản nhiều đầu
sách riêng và chung của các cây bút trong bút nhóm, đồng thời là một trong nhóm
chủ trương nguyệt san Trình Diện Tuổi Đất (1967-1968). Nguyệt san nầy là tiền
thân của Tạp chí KHAI PHÁ và Nhà xuất bản KHAI PHÁ (1969-1975).
Nhà thơ Uyên Linh được chọn giới thiệu
trong bộ sách nghiên cứu phê bình Tác Giả
Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi (tập V) năm 2013.
Tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Uyên Linh
gần đây nhứt là thi phẩm Giật
Mình Tóc Trắng Như Sương,
do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào quý IV năm 2012.
Ngày 30 tháng 9 năm 2015, lúc 22h20 nhà
thơ từ trần tại quê hương Thất Sơn Châu Đốc, thọ 72 tuổi. Linh cửu được hỏa
táng tại hoa viên Nghĩa trang thành phố Châu Đốc.
Thơ UYÊN LINH
THĂM MỘ CHA MẸ
Nhạt nhòa khói tỏa hơi sương
Chim chiều đập cánh bỏ truông về rừng
Dưới chân đá sỏi ngập ngừng
Mưa giăng chi hỡi lưng chừng không gian
Mẹ ngồi tính sổ trái ngang
Ai đem hoa trắng vấn tang đưa chồng
Huyệt kia ân nghĩa mặn nồng
Nắng se núi lạnh chạnh lòng mẹ ơi!
LY RƯỢU BÊN HÈ
Ngồi đây tìm phút bình yên
Cưa hai ly đế, môi mềm năm mươi
Khề khà rộn rã tiếng cười
Gắp mồi chén bạn, ly tôi lại đầy
Huyên thuyên bàn chuyện nước mây
Quên đi thận phận một ngày lao đao
Trăng rằm ló dạng ngọn cau
Đắng cay ta uống, biết sao cho vừa?
Đèn khuya leo lét song thưa
Lời ru văng vẳng, võng đưa đều đều
Bóng tôi chân bạn xiêu xiêu
Trăm phần trăm hết dắt dìu ra đi
Chúng mình đồng cảnh suy vi
Chỉ khô với đế li chi từng đồng
Thôi về kẻo vợ ngóng trông
Chiều mai gặp lại cũng xong kiếp người.
Cái
Dầu, 15-7-93 âl
UYÊN LINH
(Trích thi tập Giật
Mình Tóc Trắng Như Sương)
Nhà thơ Uyên Linh (bìa trái), Trịnh Bửu Hoài, Ngô Nguyên Nghiễm ở Búng Bình Thiên (An Giang, 2011)
GIẬT MÌNH TÓC
TRẮNG NHƯ SƯƠNG
. TRỊNH BỬU HOÀI
Cách đây 50 năm, Châu Đốc là một thị trấn
nhỏ nhoi ở phía cuối trời Tây Nam, nằm ven biên giới hoang vu u tịch. Phía đông
là sông Cửu Long mênh mang sóng nước, phía tây là dãy Thất Sơn uy nghi xanh
thẳm chân trời. Sông Hậu chảy ngang Châu Đốc bị cù lao Cồn Tiên tách thêm một
nhánh sông tạo thành ngã ba sóng nước thơ mộng, hữu tình. Tiền tam giang, hậu
thất lĩnh… ai cũng cho rằng nơi đây là vùng địa linh nhân kiệt.
Trường trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa
được thành lập, rồi sau đó là trường trung học bán công Nguyễn Hữu Cảnh, qui tụ
những thanh thiếu niên ưu tú của vùng đất nầy đến dùi mài kinh sử. Tuy Châu Đốc
là vùng biên viễn, nhưng phong trào văn nghệ tiếp cận khá nhanh với những thành
phố trung tâm. Truyền thống thi ca được phát triển từ thời Nho học cho đến khi
chuyển sang sáng tác bằng quốc ngữ, và phong trào thơ mới cũng sớm hình thành
với các nhóm thơ ca nở rộ vào đầu thập niên 60 của thế kỉ 20. Những tập san,
tạp chí văn học nghệ thuật được những nhóm sáng tác trẻ liên tay thực hiện như Hiện diện, Trình diện tuổi đất,
Khai hoang, Khai phá… đã để lại ấn tượng cho người xem và có thể sánh vai
với các tỉnh bạn. Những gương mặt đôi mươi đầy nhiệt huyết với văn nghệ hiện
đại: Mây Viễn Xứ (Lâm Hảo Dũng), Ngô Nguyên Nghiễm, Mặc Lan Hoài, Lưu Nhữ Thuỵ,
Hàn Thanh, Yên Nhược Nguyên, Trần Biên Thuỳ, Phạm Yến Anh, Uyên Linh, Thuỳ Linh
Thuỵ Vũ, Ngô Hoài Uyên Phương, Mộng Lynh, Thạch Cương, Mai Thanh Tuyền, Hoài
Ziang Duy, Giang Thu, Mặc Nghiệm Tường, Phương Thảo Huyền… đã làm nên một diện
mạo văn nghệ Châu Đốc khá sung mãn thời bấy giờ. Là một trong những gương mặt
xuất hiện đều đặn trong nền văn học trẻ của Châu Đốc, Uyên Linh hiện diện
thường xuyên trên các tập san văn học nghệ thuật của địa phương cũng như một số
báo, tạp chí ở Sài Gòn.
Thời áo trắng hồn nhiên, lãng mạn với
những ước mơ cháy bỏng, những cảm xúc dạt dào bất tận đã khơi mở mạch nguồn
sáng tạo cho những tâm hồn yêu mến thi ca. Nhưng tiếc rằng lúc bấy giờ chiến
tranh ngày càng ác liệt, nhiều học sinh phải ngậm ngùi rời xa mái trường yêu
dấu khi tuổi xuân đang phơi phới với bao hoài bảo và ước vọng. Bạn bè ly tán,
mỗi người một số phận, một hoàn cảnh; có khi ở hai chiến tuyến và vô tình nhìn
nhau qua đầu mũi súng. Uyên Linh cũng bị dòng đời cuốn đi, mang một nỗi niềm
hoài hương, tiếc nhớ canh cánh bên lòng:
Thương con đò nhỏ xa bờ
Ai trông ai nhớ ai chờ ai đi
(Điệp ca thuỷ triều)
Có những lúc ngồi nghiệm lại một quãng đời
đã sống, trôi dạt như loài chim bạt gió, anh cảm thấy tuổi trẻ của mình bị tước
mất tất cả:
Trắng tay trắng cả tình yêu
Trắng đời lớp lớp, mây chiều trắng vương
Trắng hồn, trắng áo, trắng thương
Trắng câu chung thuỷ, trắng phương học
hành…
(Trắng)
Cuộc sống không định hướng, là người mang
tâm hồn đa cảm, anh nghe lòng trĩu nặng một nỗi niềm khắc khoải, xót xa: Tôi bỏ quên tôi giữa chợ đời. Tuổi trẻ thành thị bấy giờ gần như
mang tâm trạng chung, bế tắc, bập bềnh trôi nổi, công danh sự nghiệp ví như là:
Ví như giọt nước li ti
Nghìn sông ra biển sá gì trời xanh
(Tình tôi)
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, trái tim đôi
mươi ấy vẫn dồi dào sức sống của tình yêu. Một thời biết yêu và biết khổ để có
những vần thơ:
Ta lại trách mình quá ngẩn ngơ
Tình xưa theo gió rụng trên thơ
Biết buồn là tuổi vào đôi chín
Biết khổ khi yêu lúc đợi chờ…
(Những ngày xa)
Trên đường phiêu dạt, tình yêu và thân
phận đã tạo nên những vần thơ lang bạt, một Uyên Linh hào khí cổ phong:
Gõ nhịp ngựa già vung kiếm bạc
Phượng Cầu réo rắt nhớ Tầm Dương
Xiêm y ủ kín hồn ngơ ngác
Nửa mảnh trăng treo mấy dặm trường
Ta khóc người xưa, lá khóc hoa
Rêu phong Hoàng Hạc khách xa nhà
Trời tây nghiêng bước đâu bờ bến
Soi bóng Trường Giang ta tiễn ta…
(Điệu buồn mùa thu)
Năm 1975, đất nước hoà bình, Uyên Linh trở
về đoàn tụ với gia đình như hàng vạn gia đình khác sau khi chiến tranh kết
thúc. Anh làm trạm thu mua thuỷ sản, tụ tập bạn bè văn nghệ bù khú, ăn nhậu,
đờn ca. Anh có biệt tài nấu nướng, làm mồi rất ngon. Và cách chơi của anh cũng
rất hào sảng, kiểu người Nam bộ. Bạn bè anh nhiều phen kinh ngạc, sáng sớm mở
cửa thấy cá quẫy trước sân, sau mới biết cái của từ trên trời rơi xuống ấy là
của Uyên Linh thẩy vào khi xe cá đi ngang lúc rạng đông.
Khoảng mươi năm trở lại đây, công việc làm
ăn chững lại, anh sống đạm bạc, ít giao tiếp với mọi người. Trong thời gian
nầy, anh có nhiều bài thơ cám cảnh về cái nghèo, thấm thía về sự đời. Anh viết
rồi để đó, không phổ biến. Bằng lòng với cuộc sống an nhàn, mỗi chiều dăm cốc
rượu, thường là anh uống một mình:
Khoảnh khắc đời người tựa lá rơi
Thoáng qua tóc bạc lại da mồi
Bạn bè thân thiết giờ xa cách
Uống rượu bên hè tôi với tôi…
(Uống rượu một mình)
Qua 60 năm cuộc đời, anh có nhiều suy gẫm
về tình người, tình đời và cái tuổi già len lén đến bên mình lúc nào không hay:
Nghìn xưa cát bụi mịt mờ
Nghìn sau ta chạy quanh bờ càn khôn
Giật mình tóc trắng như sương…
(Cát bụi)
Đã trót phong lưu nên phải lụy
Nợ tình chưa trả kiếp phù sinh…
Cái chữ nghèo cũng ám ảnh thơ anh. Nhưng
anh đã làm cho chữ nghèo đó sang trọng hơn, tự hào hơn trong tâm hồn của một kẻ
sĩ.
Người ta hơn tớ chữ giàu sang
Tớ lại hơn ai một chữ nhàn…
Nhìn trời nhìn đất ta không thẹn
Thẹn với vợ con một chữ nghèo
Yêu được đời, vui được mình, hiểu được
người… và tạo cho mình một cuộc sống cỏn con, đó là cái cốt của đạo Tiên. Là
người một thời mang chí lớn, Uyên Linh rũ bỏ tất cả và đã tìm được sự an bình cho
mình khi bước vào tuổi thất-thập-cổ-lai-hy.
Một cốc men nồng, ít vần thơ bay, và trời
cho thêm chút ánh trăng vàng, Uyên Linh ngày ngày lang thang trong xứ mộng của
riêng mình với nụ cười luôn nở trên môi, và anh đã gặp, hoặc sẽ gặp, những
người bạn đồng cảm, cùng hát lên khúc ca thanh thoát:
Qua vòng nhật-nguyệt trời chưa sáng
Đến bến càn-khôn bóng xế tà…
Biên
thuỳ Châu Đốc, 18 -9 -2012
TRỊNH BỬU HOÀI
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
TỤNG
CA TIỄN NGƯỜI CỐ HƯƠNG
* Tiễn hồn Uyên Linh ( 1943-2015)
Quê nhà chợt rụng người tri kỷ
Ngọn gió biên cương nhốt kín hồn
Sơn lộ vật vờ hình bóng cũ
Thì ra, ảo giác cháy bên sông!
Hôm nay, ôm mộng quay về núi
Một ánh sao bay lạc cuối đường
Hội thánh còn chờ tin Sứ điệp
Giật mình thấy tóc trắng như sương (*)
Mươi năm gươm vẫn treo chờ khách
Gác bóng giang hồ quy cố hương
Nửa giấc sơn khê chưa chín kịp
Nồi kê ai nấu suốt ngàn năm?
Thoang thoảng nghe chim gù quán nhỏ
Đường quê âm vọng tiếng ngày xưa
Hàng dâm bụt đọng lời thiên cổ
Chờ kẻ đi xa biết lối về
Lạ lẫm bước trên từng tấc đất
Sợ làm kinh động núi non chăng?
Phôi thai đá nở từ nguyên thủy
Quyện nát hồn chuông phút tử sinh!
Lữ khách bước qua ngày đáo tuế
Bao nhiêu thơ ấu rớt sau lưng
Từng khuôn mặt khắc bên chân núi
Chạy đuổi thời gian với sắc không!
Tình cờ, đâu hẹn ngày tao ngộ
Quê cũ vừa bay chút khói sương
Bằng hữu ngày nào đầu chỗm vá
Lạc loài tóc trắng giữa quê hương
Ly rượu đầy chưa, người cố xứ
Rót thêm chút nữa, đi tri âm
Đêm nay rượu có đầy ly cạn
Soi bóng còn ai dưới ánh trăng?
Giật mình mới biết đang đầu bạc
Có nghĩa, thời gian đọng chút màu
Nhuộm phút sinh ly trên họa phẩm
Kêu đò tiếng ếch vọng ngàn dâu
Quê nhà chợt rụng người tri kỷ
Khí núi lung lay tiếng gió đùa
Cổ miếu vọng âm hồi trống giục
Nhang tàn rượu lạnh, bóng trăng xưa...
NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Thư trang Quang
Hạnh
Giữa khuya 30/9/2015
______________________
(*) Tựa thi phẩm UYÊN LINH ( NXB Thanh Niên
2012 )
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét