GIÓ MÙA VỀ - Truyện ngắn Trương Hồng Phúc
Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016
Hơi gió heo may tràn về bên phố, những chùm hoa sữa nô nức kéo nhau về đượm hương cả một vùng trời; báo hiệu mùa đông đã về. Mùa đông của lạnh giá, của cô đơn; mùa đông của những sự đổi thay theo quy luật, cũng giống như vòng đời của một loài cây nào đó: sinh sôi vào mùa xuân và tàn úa vào mùa đông, hoặc sinh sôi vào mùa đông và tàn úa vào mùa xuân...
Với tôi cũng vậy, thênh thang trên con đường dài và rộng, xung quanh chỉ toàn những cánh hoa dã quỳ vàng trơ trụi không lá và bóng ngả ngà ngà của những bóng thông đang là là trên mặt đất. Lòng tôi chợt man mác nhớ về những ngày đông hôm nào. Trong vòng tay thân thương của cả cha và mẹ, tôi đã lớn lên trên mảnh đất này, nơi cao nguyên lộng gió.
Vẹn nguyên trong kí ức của mình, tôi còn mường tượng ra hình ảnh của ngày xưa thơ bé, khi ấy tôi chưa nhận thức được nhiều về tự nhiên, chỉ mang máng rằng cứ mỗi khi tiết trời chuyển từ thu sang đông tôi lại được sống trong màu vàng rực của một loài hoa dại ven đường – nó không lấp lánh trong ánh nắng mai hay ấp ủ những giọt sương mai còn sót lại sau một đêm heo may giá lạnh như những loài hoa khác; nó cứng cáp, khô khan nhưng lại thấm đậm sức sống, cứ như là vượt lên để tồn tại trong những khe đá khô cằn kia vậy.
Hoa chen hoa đua sắc lấp đi những chiếc lá khô gầy, cứ như thế rộ lên rồi tạo thành một khung trời vàng ửng – đẹp lạ thường.
Tôi hỏi mẹ:
- “Hoa gì hả mẹ?”
- “Dã quỳ đấy, con ạ!”
Vậy là tôi đã biết, hoa ấy là dã quỳ. Nắm tay mẹ mà lòng sung sướng như biết được bí mật về một kho báu trong khu vườn cổ tích mà mẹ tôi vẫn kể vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Bước đến trường làng, tôi hân hoan kể cho lũ bạn nghe như đang bật mí về bí mật của kho báu ấy, rồi tự hào rằng tôi là người biết đầu tiên, để rồi tôi thao thao bất tuyệt. Cứ như thế, mỗi ngày đến trường tôi đều hỏi mẹ về loài hoa ấy. Và, tôi biết được rằng:
Loài hoa ấy xuất phát từ tình yêu trong sáng và chung thủy của chàng trai K’lang – con của núi rừng và nàng H’lim – con của suối; ngày ngày chàng K’lang vào rừng săn bắt thú rừng, còn nàng H’lim khéo léo dệt tấm chăn kiệu chồng, rồi tối tối họ lại quây quần đốt lửa và múa hát cùng dân làng trong buôn. Cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của họ cứ thế mà trôi đi.
Cho đến một ngày kia, khi H’lim chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy K’lang đi săn về, nàng lo lắng, từ buôn sóc, nàng đi tìm K’lang, nàng cứ đi, đi mãi, đi hết mười mấy con suối, mười mấy ngọn đồi rồi mà không thấy người yêu của mình đâu cả. Trong lúc mệt quá nàng ngủ thiếp đi và trong giấc mơ nàng thấy K’lang gọi nàng và bảo nàng hãy đi thêm một con suối nữa sẽ gặp chàng ở đó. Nàng giật mình tỉnh giấc rồi đi tiếp đến cuối nguồn; nàng nhìn thấy K’lang đang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng trói chặt. Nàng chạy lại ôm lấy chàng để cho những mũi tên, những ngọn giáo đâm vào da thịt. Mặc cho bao nhiêu đau đớn nàng vẫn quyết bảo vệ cho người yêu cho tới khi nàng bị trúng mũi tên độc cuối cùng của chàng La Rihn – con trai tộc trưởng Lasiêng. Thực ra là La Rihn đã thầm yêu H’lim, vì quá hờn ghen với tình yêu của H’lim dành cho K’lang, chàng đã buông lơi mũi tên hận tình. Chàng cũng không ngờ người lãnh trọn mũi tên nghiệt ngã ấy lại là H’lim – người con gái mà chàng ngày đêm thầm thương trộm nhớ nhưng không được đáp lại tình cảm.
Kể từ đó cứ mỗi độ tháng mười về, nơi nàng H’lim chết lại nở ra một loài hoa có màu vàng rực. Người ta thường gọi là hoa dã quỳ. Cây hoa dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh như mũi tên lao vút lên bầu trời, những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt ấy như tượng trưng cho tình yêu chung thủy của H’lim và K’lang.
Vào lúc ấy, khi nghe xong câu chuyện, tôi chỉ thấy man mác buồn xen chút phẫn nộ về sự phải và trái, thiện và ác. Càng lớn lên tôi lại càng thấm thía hơn, tôi chợt thấy nghèn nghẹn trong lòng.
Cứ mỗi độ thu qua, đông về, khi đất trời Tây Nguyên được bao phủ sắc vàng choi chói, đầy tự tin và khao khát chiếm lĩnh lấy màu xanh của núi rừng bởi loài hoa ấy; tôi nhớ lại câu chuyện năm xưa, mắt xa xăm hướng về khoảng đồi trước mặt – nơi rộ rực những đóa dã quỳ đang kiên cường vươn lên, thể hiện tình yêu chân chất, mộc mạc, đầy tự nhiên của con người bản địa. Chợt, tôi khựng lại:
- “Giá mà… không có sự đố kỵ, giành giựt trong tình yêu… thì…”
Ấy vậy mà tôi lại tự vấn bản thân mình: “Nếu không có câu chuyện tình yêu ấy, liệu có xuất hiện hoa dã quỳ không?”. Như trước đây, chắc hẳn tôi đã hỏi mẹ, nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng, nếu có hỏi thì câu trả lời mà tôi nhận được cũng chỉ là một nụ cười hiền hòa, sâu thẳm bên trong tâm hồn của mẹ mà thôi. Bởi lẽ, đó là quy luật của cuộc sống, của con người, và cũng chính là quy luật của tình yêu.
Tôi nhận ra rằng, hương vị của mùa đông đã trở thành món ăn tinh thần tuyệt vời nhất mà tôi từng nếm trong cuộc đời. Chính làn gió heo may của mùa đông đã cho tôi những bài học về tình yêu chung thủy, về những mất mát, đau thương mà con người ta phải gánh chịu trong rét buốt đêm dài. Nàng H’lim chết đi để lại tình yêu thương, tiếc nuối, sụt sùi của chàng K’lang, và sự ân hận, đau khổ, day dứt của La Rihn, phải chăng đó chính là lý do mà mùa đông của vùng đất này lại cắt cứa lòng người đến vậy… lạnh buốt đầy êm dịu, lặng lẽ trôi đi không một lời từ biệt để nhường chỗ cho một mùa xuân tươi mới. Phải chăng, đó chính là lời nhắc nhở cho chúng ta về cách sống, cách yêu thương và thể hiện?... Câu trả lời tồn tại trong chính trái tim của mỗi chúng ta; với tôi, đó lại là một câu chuyện cổ tích hay thần thoại nào đó sẽ mãi mãi được lưu truyền để nhắc nhớ về nguồn gốc của một loài hoa hoang dại…
T.H.P
Tags:
TRUYỆN NGẮN,
Trương Hồng Phúc,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét