NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY: THANH TỊNH - Bài giới thiệu của Trịnh Bửu Hoài
Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016
Nhà thơ Thanh Tịnh
Kỳ 23:
T H A N H T Ị N H
Thanh Tịnh tên thật Trần Văn Ninh, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Năm lên sáu tuổi, ông được gia đình sửa tên lại là Trần Thanh Tịnh. Ban đầu, ông học chữ Nho, đến năm 11 tuổi chuyển sang học Quốc ngữ tại trường tiểu học Đông Ba. Sau lên trung học ở trường Công giáo Pellerin, cũng tại Huế.
Năm 1933, sau khi lấy bằng thành chung, Thanh Tịnh đi làm sở tư, làm hướng dẫn viên du lịch, rồi dạy học. Ông bắt đầu làm thơ, viết văn trong giai đoạn nầy và có bài đăng trên các báo: Ngày nay, Thanh nghị, Tinh hoa, Phong hóa, Tiểu thuyết thứ năm, Hà Nội báo… Truyện ngắn đầu tay của ông Cha làm trâu, con làm ngựa in trên tạp chí Thần Kinh năm 1934. Ông còn ký các bút hiệu: Thinh Không Pathé, Thanh Thanh, Trinh Thuần.
Năm 1937, Thanh Tịnh xuất bản tập thơ đầu tay Hận chiến trường. Vài năm sau, ông được văn đàn chú ý và nổi tiếng với bài thơ Mòn mỏi.
Thanh Tịnh thời trung niên
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Thanh Tịnh làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung bộ và ba năm sau ông vào quân đội. Ông tham gia và phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là người sáng chế ra hình thức độc tấu văn chương bằng miệng, thể hiện và diễn đạt các bài văn ngắn có tính tự sự qua cách kể, nói, ngâm; đôi chỗ pha chút dí dỏm, thu hút người xem.
Năm 1954 Thanh Tịnh làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời gian sau ông chuyên tâm sáng tác, không tham gia Ban lãnh đạo tạp chí nữa. Ông là một trong những người thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957 và là Ủy viên Ban chấp hành khóa 1 và 2. Ông còn là Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trong quân đội, Thanh Tịnh mang cấp bậc Đại tá trước khi nghỉ hưu.
Khi từ chiến trường Bình Trị Thiên ra Bắc, Thanh Tịnh rời xa gia đình để lại vợ con ở Huế. Hơn hai mươi năm trên đất Bắc ông vẫn sống một mình chờ ngày sum họp. Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về quê thì gia đình ly tán, vợ lấy chồng khác là một sĩ quan chế độ Sài Gòn, con mỗi đứa một phương. Ông trở về Hà Nội sống quạnh quẽ đến cuối đời.
Thanh Tịnh mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội. Năm 1991 ông được đưa về quê nhà cải táng tại núi Thiên Thai, phía tây thành phố Huế.
Sự nghiệp văn học của Thanh Tịnh để lại trên 10 tác phẩm xuất bản từ năm
1936 đến 1996, gồm có: Hận chiến trường (thơ, 1936), Quê mẹ (truyện ngắn, 1941), Tôi đi học (truyện ngắn 1941), Chị và em (truyện ngắn, 1942), Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943), Xuân và Sinh (truyện ngắn 1944), Sức mồ hôi (thơ và ca dao, 1954), Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956), Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ, 1973), Thơ ca (thơ, 1980), Thanh Tịnh đời và văn (1996)…
Thanh Tịnh được giải nhất về thơ (đồng hạng với Phạm Đình Bách) với bài Rồi một hôm trong cuộc thi thơ do Hà Nội báo tổ chức vào năm 1936. Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951 – 1952.
Thủ bút của Thanh Tịnh
Hầu hết các học sinh ở miền Nam trước 1975 khi bước chân vào bậc trung học đều biết Thanh Tịnh qua Tôi đi học, một truyện ngắn để lại nhiều dấu ấn của tuổi học trò bởi tâm trạng của buổi học đầu tiên được ông lột tả một cách tài tình. Về thơ, Thanh Tịnh với lối diễn đạt nhẹ nhàng: Xa nhìn bên cõi trời mây. Chị ơi em thấy một cây liễu buồn… nhưng vô cùng sâu lắng, làm người đọc thú vị với sự liên tưởng rất thông minh và đầy cảm xúc của ông. Tôi xin giới bài thơ nổi tiếng của Thanh Tịnh: Mòn mỏi…
TRỊNH BỬU HOÀI
M Ò N M Ỏ I
- Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ
- Xa nhìn bên cõi trời mây
Chị ơi em thấy một cây liễu buồn.
- Bên rừng em hãy lặng nhìn theo,
Có phải chăng em ngựa xuống đèo?
Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi
Trên mình ngựa hí lạc vang reo.
- Bên rừng ngọn gió rung cây,
Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương.
- Tên chị ai gieo giữa gió chiều,
Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu?
Trên dòng sông lặng em nhìn thử?
Có phải chăng người của chị yêu?
- Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan,
Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông...
Ô kìa! Bên cõi trời đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa
- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in?
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống,
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.
- Ngựa hồng đã đến bên hiên,
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên... vắng người.
THANH TỊNH
Tags:
NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY,
TẠP BÚT,
Trịnh Bửu Hoài,
Văn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét