Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang
Cổng nhà ngày mưa ướt nhẹp. Đôi sọt vứt lăn lóc dưới gốc đào đang bắt đầu héo dần vì bị nhậy đục. Thuần bước xuống taxi vội vàng bế con đứng trong hiên nhà ngó quanh tìm mẹ. Bố đi làm xa nhà, mấy anh em Thuần cũng mỗi đứa một phương nên mẹ thường lầm lũi một mình. Hôm nay biết mẹ con Thuần về chắc mẹ đã đội mưa đi chợ tìm mua mớ tôm tươi nhất, chọn từng quả mận cơm ngon nhất. Những cô bác bán hàng khó tính nhất cũng phải chiều lòng mẹ vì “hôm nay con gái tôi về”. Mẹ là thế, chăm chút và chiều chuộng các con đến từng bữa cơm từng giấc ngủ. Như thể muốn bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi của tụi Thuần trong tháng ngày xa xứ. Mẹ biết các con có những lúc ăn uống qua loa, có nhiều khi cơm canh nguội lạnh.
Thuần đặt con nằm ngủ nhìn xung quanh đã thấy phòng được dọn gọn gàng, chăn chiếu thơm tho mùi nắng. Giá sách đã được phủi bụi, cửa sổ cũng đã được lau chùi. Đi một vòng quanh nhà mọi thứ vẫn thân thuộc như thể Thuần chưa từng đi xa suốt một năm trời. Thuần ra hiên nhà ngồi co mình nhìn màn mưa chờ mẹ. Bỗng thấy có một đứa bé tuổi lên mười đen nhẻm vụt chạy ra từ thân xác của mình. Thoắt cái đã thấy cái dáng loắt choắt của nó ùa vào ôm chân mẹ ngoài ngõ nhỏ. Mẹ da trắng, tóc xoăn cười hiền lành lôi tận đáy làn gói kẹo bột và quả thị vàng ươm thơm bừng mũi. Mắt Thuần nhòe đi không biết vì mưa hay vì nhớ. Cúi xuống lau nước mắt, lúc ngẩng lên đã thấy mẹ dựng xe ở góc sân. Tấm áo nilon không đủ che cơn mưa rào xối xả. Khi mẹ bước lên hiên Thuần tưởng như cả cơ thể ấy đang tan ra, nước rỏ tong tỏng xuống nền nhà. Mẹ cười hỏi “hai mẹ con về khi nào thế? Có bị ướt mưa không?”. Thuần chạy lại đỡ làn cho mẹ. Chị cằn nhằn mưa gió thế này mẹ đi chợ làm gì, ăn một bữa cơm rau cũng đâu có chết. Trong chiếc làn ướt nhẹp nước mưa chị thấy mớ tép đồng vẫn còn tươi nguyên, bụng căng tròn trứng. Mấy hiếc bánh đa vừng được mẹ bọc kỹ đến mức Thuần phải loay hoay mãi mới mở được ra. Túm dâu da đất quả nào cũng to, vỏ chín đỏ chưa ăn đã ứa nước miếng vì thèm. Trong góc bếp thoảng mùi rau sắn ngâm chua. Thuần kêu “mớ tép này mà kho với rau sắn thì ăn tốn cơm phải biết”. Mà phải rau sắn do tự tay mẹ ngâm ăn mới ngon. Ngọn non mập mạp, hái bỏ những cọng già được mang đi phơi nắng cho héo lại. Mẹ vò thật kỹ trước khi ngâm, sau vài ngày đã thấy từng ngọn rau vàng ươm. Khi nấu lên ngửi mùi thơm thôi cũng thấy đã đời. Trong lúc Thuần rửa tép thì mẹ đã bắc nồi lên bếp, tiếng bẻ củi lách cách quen thuộc đến mủi lòng. Áo ướt mẹ còn chưa kịp thay đã vội vàng đi xay thịt, thái rau nấu cháo
cho cháu. Thuần bảo cứ để đấy con làm nhưng dễ gì mẹ nghe. Mẹ là thế, phải tự tay chăm sóc con cháu mới thấy yên lòng. Một năm không được về bên mẹ Thuần buộc phải trưởng thành như cách của con bướm cựa mình thoát thân khỏi kén. Đã có những đêm chị nằm co mình ôm con nước mắt giàn giụa vì nhớ mẹ. Ăn bữa cơm nhà chồng thấy đắng nghẹn trong cổ họng. Lòng tự hỏi sao những người đàn bà lại phải rời gia đình mình để đến sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Ở đó phải ngó trước phòng sau, cười hay khóc cũng đều cần ý tứ. Đâu như nhà của mẹ, Thuần luôn thấy mình là lá cỏ góc vườn, là vạt nắng sớm mai, là cột khói cơm chiều, là con mèo nhỏ đủng đỉnh giỡn đùa cùng chiếc đuôi của chính mình…
- Ngoài vườn có bụi chuối chín cây. Mẹ để phần con mà bọn chim chuột nó đã ăn vài quả. Dưới ao cũng còn mấy con cá chép. Phần từ khi biết tin con có bầu, vậy mà giờ mới về. Đợt vừa rồi mưa to tràn ao không biết còn con nào không nữa.
- Hôm mang bầu bé Thóc con bị ngộ độc cháo cá chép nấu tía tô ngoài quán. Kể từ đó đến giờ con sợ nhất nhất mùi lá tía tô.
- Sao không về mẹ nấu cho ăn…
Mẹ bỗng ôm ngực ho sặc sụa từng cơn. Thuần nhìn mẹt thuốc bắc đã ngấm nước mưa đang được mẹ sấy trên bếp củi mà lòng trào lên nỗi xót xa. Mẹ đã vì Thuần mà nhiều lần ướt mưa, nhiều đêm thức trắng. Từ cái thuở phải chạy ăn từng bữa, sấp ngửa mưu sinh. Cho đến khi Thuần đã làm vợ, làm mẹ biết giấu nước mắt vào trong mỗi khi trở về nhà mẹ. Thuần cứ ngồi đó nghe những âm thanh quen thuộc quanh mình. Mấy tiếng chim dính mưa ướt nhẹp ngoài vườn trú tạm đâu đó trong vòm cây xanh lá. Những thân cây đã cùng mấy anh em Thuần khôn lớn rồi lại cùng bố mẹ đứng đây thức đợi sự trở về. Mùa nào quả ấy, ngóng từ lúc cây mới trổ nụ đơm hoa cho đến khi quả chín đỏ từng chùm. Hẳn từng có buổi chiều nào đó trong đời, mẹ ngồi ngoài hiên ngóng ra đường thấy trước mắt mình những thước phim quay chậm. Thuần ngồi loanh quanh góc sân nhặt mớ rau tập tàng chuẩn bị bữa cơm chiều. Hoặc vắt vẻo trên cây nhãn hái những trái đầu mùa nhằn hạt. Hoặc ngủ thiếp đi trên tay mẹ trong cơn sốt dai dẳng mệt đến đuội người. Hoặc ngồi nép mình ngoài đống rơm khóc một mình khi con lợn nái là tài sản lớn nhất của gia đình vừa lăn ra chết. Mẹ chắc hẳn sẽ đau đớn khi nhớ về hình ảnh Thuần từng quay mặt vào tường, vai rung lên kìm chế từng cơn nấc khi đói nghèo khiến cha mẹ cãi vã lẫn nhau. Ký ức đôi khi trở thành thuốc đắng mà người già phải tự mình uống mỗi ngày. Trong khi anh em Thuần còn mải miết trôi nổi trong bể đời mênh mông đơn độc.
* * *
Thuần theo chồng về làm dâu phố thị. Ngột ngạt trong bốn bức tường lạnh lẽo. Mẹ chồng Thuần bận rộn làm, bận rộn chơi nên không có thời gian chăm sóc gia đình. Thuần về nhà chồng khi đã mang bầu ba tháng. Chưa bao giờ mẹ chồng vào bếp nấu một món nào đó cho con dâu tẩm bổ. Đi chợ cả buổi có khi trở về không có gì ngoài áo đầm, váy lụa cho mình. Thuần đi đẻ mẹ chồng vào được một hôm thì nằm ngủ ngon lành đúng lúc con dâu chuyển dạ. Bảy ngày nằm viện Thuần không biết đến một miếng cơm nhà. Đều đặn ngày ba bữa chồng mua cháo lá ngót nấu với thịt xay. Nhìn những sản phụ khác được chăm chút bồi dưỡng đủ món ngon Thuần ứa nước mắt vì nhớ mẹ. Nếu mẹ không đau ốm, nếu khoảng cách không quá xa xôi thì có lẽ mẹ đã ở đây lụi cụi chăm chút cháu con. Thuần từng không thể nào lý giải nổi cách sống của mẹ chồng. Bà hời hợt với người thân nên lúc nào cũng chỉ lo vất vả. Bà chưa từng tắm cho cháu một lần. Chưa đêm nào phải mất ngủ vì cháu. Chưa một bữa cơm nào ăn vội vàng vì tiếng quấy khóc trẻ thơ. Thuần sinh chưa được mười ngày đã phải tự mình làm mọi việc. Từ giặt giũ đến cơm nước cho cả gia đình. Vết mổ đẻ vẫn còn đau, nhiều lúc Thuần chỉ thèm có ai đó bế hộ con một lúc để đặt lưng cho đỡ cực. Nhưng mẹ chồng lúc nào cũng kiếm cớ mới từ ngoài chợ về bụi bặm, nhặm nhượi nên không bế cháu. Chỉ thỉnh thoảng bà ngó đầu vào phòng cháu nựng nịu vài câu. Nên Thuần thấy yêu thương ở nhà chồng nó quá chừng xa cách. Thuần nhớ mái nhà quê. Nhớ mẹ…
Những ngày nằm ốm ở nhà chồng, Thuần mê man lần tìm về nhà của mẹ. Đâu đó mùi cá kho tương từ nhà hàng xóm bay sang dẫn dụ Thuần trở về với hương vị trong ký ức. Căn bếp của mẹ nhọm nhẹm củi rơm khói cay mắt người nhưng tỏa ra cả ngàn hương vị. Đã có lúc Thuần nghĩ những món ăn mẹ nấu thực ra không quá cầu kỳ, ngoài góc vườn chỉ có tỏi, hành, riềng, sả, gừng cay. Thế nhưng bao giờ cũng trở nên đặc biệt trong tâm thức những đứa con xa quê. Ấy là bởi vì chúng được nấu từ bàn tay của mẹ. Được nêm nếm bằng thứ gia vị yêu thương thấm vào từng ngọn lửa, từng thớ thịt, cọng rau. Chồng Thuần không thích cơm nhà bằng cơm quán. Lấy nhau về mới biết anh không có khái niệm bữa cơm gia đình nên thường đi sớm về khuya. Ăn món gì Thuần nấu cũng chê không ngon bằng ăn hàng. Đến ngày giỗ, anh em họ hàng về đông đủ mà còn tính đặt cỗ ở ngoài về thắp hương. Cũng phải thôi, làm sao trách được chồng khi bao nhiêu năm qua mẹ anh chưa từng nấu một bữa cơm tươm tất. Nhà chồng rất lạ, phận ai người ấy lo. Hôm nào Thuần nấu cơm cũng phải chia năm sẻ bảy để phần. Mỗi người về một giờ, có thể chẳng thèm ngó qua phòng bếp. Nếu có ăn cũng mỗi người một bát chui tọt vào phòng chúi đầu vào màn hình điện thoại. Thuần có lần thắc mắc, mẹ chồng cười giòn tan “sống vậy cho khỏe”. Đã có lúc Thuần tự hỏi nếu chồng mình đi xa, anh ấy liệu có gì để nhớ?
Một năm qua Thuần không về nhà vì không muốn mẹ nhìn thấy bộ dạng tiều tụy của mình. Đau đớn thịt da không bằng sự giày vò tinh thần. Dù biết rằng làm sao giấu được mẹ bằng môi cười mắt thắm. Nhưng ít ra lòng Thuần phải thực sự nhẹ nhõm khi trở về bên mẹ. Chị giống như thân cây đang lớn lên ở mảnh đất lành tươi tốt rồi vì tiếng gọi tình yêu đã tự bứt mình đến vùng đất khác. Khô cằn. Thân cây ấy nếu không biết tìm cách thích nghi thì rồi cũng sẽ cô đơn mà chết. Thuần không muốn mẹ buồn. Đời mẹ khổ nhiều rồi Thuần muốn mẹ thảnh thơi mà sống. Thuần ngồi ở cuối giường, nhìn mẹ nựng nịu hôn hít cháu mà lòng rưng rưng. Đã có lúc Thuần định buông mình cuốn theo nhịp sống nhà chồng, cứ mặc kệ đến đâu thì đến. Cũng đã có lúc vì thương mẹ cả đời nhịn nhục, hy sinh. Việc gì khổ đều nhận về mình nhưng có miếng ngon luôn để phần con cháu. Áo rách không dám mua mới. Đau ốm không muốn đi bệnh viện vì sợ tốn tiền. Thuần đã ước gì mẹ sống trọn một ngày giống như mẹ chồng mình. Biết chăm chút bản thân và đừng nghĩ gì cho người khác. Nhưng nếu không có mẹ thì cuộc đời này sẽ trở nên vô vị. Những đứa con như Thuần làm sao còn biết đường tìm về nhà mỗi lúc cô đơn? Kho ký ức sẽ trống rỗng. Ngày mới sẽ nhạt màu. Con cháu sẽ bơ vơ. Thuần giờ đã làm mẹ nên sẽ học cách để vun vén gia đình Để lôi chồng về với bữa cơm gia đình. Để con được lớn lên trong tình yêu thương chăm chút.
Thuần nhắm mắt ngủ thiếp đi trong tiếng bà ru cháu. Mưa ngoài trời vẫn rơi. Cây ngoài vườn vẫn xanh. Dưới bếp, tiếng lửa bập bùng dậy lên bao hương vị…
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét