Kỳ 36:
H U Y Ề N K I Ê U
Huyền Kiêu tên thật là Bùi Lão Kiều. Bút hiệu Huyền Kiêu từ chữ Kiều mà ra. Ông sinh năm Ất Mão 1915 tại Hà Tây, sinh sống ở Hà Nội.
Ông làm thơ viết văn từ những năm đầu thập niên 40 thế kỉ 20, cọng tác với nhiều báo ở Hà Nội và sớm nổi tiếng trên văn đàn. Năm 1945, quân Pháp tái chiếm nước ta, ông ra chiến khu công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 3.
Năm 1954, Huyền Kiêu trở về Hà Nội, làm việc ở tạp chí Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi qua Nhà xuất bản Văn Học, Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 thống nhất đất nước, ông vào miền Nam và định cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm Ất Hợi 1995.
Huyền Kiêu để lại cho đời chỉ 3 tập thơ: Sang xuân, xuất bản năm 1960; Mùa cày, xuất bản năm 1965; Bầu trời, xuất bản năm 1976 và 1 tập trường ca, 1 tiểu thuyết dịch. Thơ ông giản dị, dễ hiểu nên dễ cảm và dễ nhớ, dễ lắng đọng trong lòng người yêu thơ thời bấy giờ.
Thơ Huyền Kiêu mang hơi hướm cổ phong nhưng có ý tưởng và kỹ thuật mới, thoát khỏi những sáo mòn nên tạo sự thú vị cho người đọc. Đi tìm nghĩa sự sống. Chỉ thấy hoài hư không (Mưa trên quán rượu). Trong bài Tương biệt dạ, vẫn là thể thơ thất ngôn, vẫn là những từ ngữ cũ, nhưng qua sự diễn đạt của ông hồn thơ được chuyển tải một cách bay bổng, làm rung động trái tim người đọc. Có những câu rất đơn sơ và nhẹ nhàng, nhưng nó cứ bàng bạc, man mác trong hồn người đồng cảm. Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ? Có giống như mình lưu luyến chăng? Bài Tương biệt dạ ra đời vào một đêm thu bên hồ Tây, khi Huyền Kiêu cùng mấy người bạn văn là Đinh Hùng, Thạch Lam, Thế Lữ ngồi thả hồn theo trăng nước, và chính Thạch Lam đã khơi mào cho Huyền Kiêu hình thành bài thơ để đời nầy.
Kỳ nầy, tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ gắn liền với tên tuổi Huyền Kiêu, được nhiều người biết đến. Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi. Em thơ, chị đẹp em đâu? Chị tôi hoa trắng cài đầu. Đi giặt tơ vàng bên suối… Lời thơ dịu dàng với những hình tượng đẹp, nhưng ẩn trong sự nhẹ nhàng là một nỗi buồn sâu thẳm. Chỉ 16 câu với 4 khổ thơ, Huyền Kiêu dẫn ta đi qua bốn mùa, từ cõi mênh mông hoa bướm của đất trời đến lòng huyệt mộ tối tăm của một đời người. Tài lắng đọng của ông làm ta phải suy gẫm về sự ngắn ngủi của một kiếp nhân sinh.
Năm 1973, nhà văn Viên Linh đã lấy câu thơ Hạ đỏ có chàng tới hỏi đặt tựa cho cuốn tiểu thuyết của mình do nhà xuất bản Khai Hóa ở Sài Gòn ấn hành. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Tình sầu thành ca khúc Ngày xưa một chuyện tình buồn, nhạc sĩ Việt Dzũng cũng phổ nhạc bài thơ nầy với nhan đề Thu vàng có chàng tới hỏi. Ngày nay, khi nhắc đến Huyền Kiêu, người ta nhớ ngay Xuân hồng có chàng tới hỏi… Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi…
TRỊNH BỬU HOÀI
T Ì N H S Ầ U
Xuân hồng có chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi tóc xõa ngang đầu
Đi bắt bướm vàng ngoài nội
Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa trắng cài đầu
Đi giặt tơ vàng bên suối
Thu biếc cũng chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi khăn trắng ngang đầu
Đi hát tình sầu trong núi
Đông xám lại chàng tới hỏi
Em thơ, chị đẹp em đâu?
Chị tôi hoa phủ đầy đầu
Đã ngủ trong lòng mộ tối.
HUYỀN KIÊU
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét