SỰ TRINH BẠCH CỦA NGỌN NẾN
Anh chú thích cuộc đời anh vào cỗ cuối cùng
của trang giấy còn lại
bằng những con chữ trinh bạch
sự trinh bạch của ngọn nến tự hủy
không đồng lõa bóng tối
Anh từng bật khóc
và từng nhìn người đời khóc nhiều về nỗi bất hạnh
nhưng vẫn yêu hơn những giọt lệ nến
bởi chúng không như sương khói chóng tàn
chúng biết đóng dấu nỗi đau lên mặt đất
Đấy là thú đau thương
được cấy trên cánh đồng khát vọng.
Anh chú thích cuộc đời anh bằng nỗi đam mê
không hề che giấu
không biết hóa trang
không mặc cả thiệt hơn
Thế mà chả ăn thua gì
trước sự trinh bạch của ngọn nến!
GIẾNG QUÊ
Kính tặng các làng giếng GIO AN (1)
Mạ tôi bảo:
Con ơi, những lúc muộn phiền soi mặt vào giếng nước quê ta
nỗi đau mù sương theo gió lên trời
hạnh phúc long lanh kết thành chuỗi hạt
hãy đem tặng người phiêu dạt xa xôi.
Cha tôi bảo:
Những lúc nguy nan lấm bụi đường lạc bước
hãy tìm về mắt giếng mẹ gương soi
con sẽ thấy nhân gian mất, được
không gì buồn hơn giếng - tuổi - thơ rơi.
Chị tôi bảo:
Tìm tình yêu đừng đi đâu xa
giếng làng mình trong veo mắt biếc
con gái làng mình ăn cây rau Liệt (2)
nên ngàn năm roi rói lộc quê nhà.
Em tôi bảo:
Khi nào anh thơ thẩn vào ra
nói câu trước, quên câu sau hãy nhớ
ra giếng hỏi Bống có về thả lá
sao bùa mê giăng mắc giữa thiên phòng?
Và riêng tôi:
Khẩn nguyện trước vô cùng
Ơn giếng làng - hồn trời đất bao dung.
V.V.L
(1) Gio An, một địa danh có nhiều giếng cổ (giếng Chăm) được xếp hạng Di tích QG.
(2) Rau Liệt: Còn gọi Xà lách xoong, một đặc sản nổi tiếng của Gio An, Gio Linh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét