Bà nội của tôi vốn là người thành phố nên rất nghiêm khắc, gia trưởng. Kháng chiến chống Pháp bà cùng gia đình tản cư về Phố Then huyện Lấp Thạch (nay là huyện Sông Lô) tỉnh Vĩnh Phúc, rồi ngụ cư ở đó cho đến sau này. Bà chỉ sinh được một mình bố tôi. Bố tôi đi lính, gặp mẹ tôi nơi rừng cọ, đồi chè và làm đám cưới. Tôi là đứa con đầu lòng, tuy vậy bà nội tôi không thương yêu tôi lắm, vì bà ghét mẹ tôi. Làm dâu mười mấy năm trời mà mẹ vẫn không giành được cảm tình của bà. Nhiều lần thấy mẹ ngồi khóc tôi cảm thấy thương mẹ và ghét bà kinh khủng. Điều đáng buồn nữa là vì tôi xinh đẹp, lại càng làm cho bà không muốn cho tôi bay nhảy, chơi bời. Bà cho rằng tôi sẽ hư hỏng nếu không được giáo dục kỹ càng, đặc biệt khi bà thấy tôi thích hoạt động, yêu tự do và là người không chịu an phận, vì tôi rất giống tính mẹ tôi. Sau này nghĩ lại cũng thấy mình có tính quá bướng bỉnh và tôi tương phản hoàn toàn với bà. Bà muốn tôi trở thành người phụ nữ cổ điển, nghĩa là học vừa phải, sau đó lấy chồng và gắn bó với cái bếp. Bà bắt tôi học nấu ăn, thêu thùa, may vá, nhưng tôi cứ xin bố mẹ cho đi học. Biết chuyện, bà đập tay xuống bàn quát:
- Mày là đứa bất trị, mất nết, hư thân…
Tôi lẳng lặng về buồng với những lời của bà như vậy. Tôi đã học cách sống cho riêng mình: phớt tỉnh. Năm học gần hết cấp 3, tôi quen anh Dũng người cùng phố trong những lần sinh hoạt thanh niên. Anh đến nhà chơi, khi anh về rồi bà hỏi tôi:
- Thằng nào đó?
- Dạ bạn con
- Hừ, mới nứt mắt ra, không lo học hành đã tính chuyện yêu đương…
- Bà đừng nói vậy, con còn nhỏ chưa có ý định yêu thương ai. Cái đích con đặt ra trước mắt là phải vào đại học. Bà gì mà lúc nào cũng nghĩ xấu cho con cháu…
Bà tức lên:
- Cho mày ăn học để mày đem cái chữ cãi tao hả? Con mẹ mày không biết dạy thì để tao dạy.
Bố tôi nghe ồn liền chạy lại can:
- Mẹ kỳ quá, bạn nó đến nhà chơi đàng hoàng thì có gì xấu đâu.
- Mày mà cũng nói như vậy hả? Con gái con đứa mà không biết dạy, cứ để lông nhông, trai gái có ngày hối không kịp đấy con ạ!
- Cháu nó đi học chứ đi đâu hả bà?
- Hừ đi học! Đi chơi với các thằng đó chứ có mà học, rồi cũng có ngày hư thân…
Tai tôi như ù lên. Tôi bỏ chạy ra khỏi cổng trong tiếng gọi nghẹn ngào của mẹ. Tôi đi lang thang không biết vào đâu, khoảng gần một tiếng đồng hồ, thấy mỏi chân và vô cùng buồn chán, tôi ghé vào nhà anh Dũng. Nghe tôi kể lể, nước mắt trào ra, anh cũng tỏ lòng thương cảm. Anh lấy khăn mùi xoa ra rồi nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi. Thấy tôi cứ khăng khăng không chịu về anh khuyên:
- Em đừng bướng bỉnh như vậy, bà la mắng vậy là vì bà thương em thôi. Con gái bỏ nhà đi là không tốt đâu…
Cuối cùng tôi đành ngoan ngoãn nghe lời anh, khoảng mười môt giờ đêm tôi mới về đến nhà. Lúc đó mọi người trong nhà vẫn chưa ai ngủ, đều ngồi trong phòng khách. Thấy tôi mẹ chạy đến nức nở:
- Con đi đâu vậy, mẹ lo cho con quá?
Tôi nắm tay mẹ trấn an:
- Con không sao đâu.
Còn bà tôi hầm hầm quát:
- Buông nó ra- Bà quay sang tôi nét mặt giận dữ - Còn mày biết giờ là mấy giờ rồi không? Mày đúng là đứa cứng đầu, cứng cổ, không coi ai trong nhà này ra gì gữa, phải không?...
Tôi không nói gì bỏ về buồng. Bố tôi vẻ mệt mỏi gắt lên giọng khô cứng:
- Thôi mẹ để cho nó yên.
Căn buồng này bây giờ thực sự là giang sơn riêng của tôi. Trên tường tôi treo đầy ảnh các diễn viễn, ca sĩ, những người mà bà nội cho là “một lũ thác loạn”. Tôi buông người xuống giường, nghĩ lại những việc đã xảy ra. Tội nghiệp cho anh Dũng, có lẽ anh buồn lắm khi biết bà tôi không có cảm tình với anh. Mong rằng anh sẽ hiểu cho tôi. Từ sau chuyến đó bà nội không thèm nhìn mặt tôi. Dự định thi vào trường luật, bố tôi không nói gì, ông tôn trọng sự lưạ chọn của con gái. Anh Dũng rất ủng hộ tôi, anh cho rằng tính tình của tôi hợp với nghề này, chỉ có bà tôi là phản đối:
- Tòa án không phải là chỗ đứng của con gái. Hay ho gi kiếm tiền bẳng cách bán nước bọt.
Trời! Không biết bà tôi đang sống trong thời đại nào đây? Tất nhiên là tôi không nghe lời của bà. Đỗ tốt nghiệp xong tôi nộp đơn thi vào trường luật. Ngày báo kết quả biết tin mình thi đỗ, tôi muốn điên lên vì mừng. Còn bà tôi ngồi nói mỉa mai:
- Mai đây khi nó trở thành luật sư chắc chẳng coi ai ra gì.
Cuộc sống ở ký túc xá giúp tôi lớn hơn. Bạn bè ai cũng quý mến tôi. Điều đó đôi khi là niềm kiêu hãnh của riêng tôi. Bà tôi không biết rằng tôi thu phục được tình cảm của nhiều người chứ không phải là đứa chẳng ra gì như bà tưởng. Nghỉ hè, tôi trở về quê giữa niềm vui của bao người. Duy chỉ có bà là vẫn lạnh lùng như trước. Tôi buồn nhưng cố giấu. Bố mẹ tôi và cả anh Dũng khuyên tôi phải xin lỗi bà, nhưng tôi vẫn một mực không chịu, dẫu khi ra Hà Nội học, nhưng đêm nằm một mình tôi òa lên khóc vì thương bà, nhớ bà, nỗi nhớ rất khó tả vừa gần lại vừa xa, vừa thân thương lại vừa bực bội. Bà nay già rồi, móm mém nhai trầu, cái cằm nhọn khô cứng in bóng lên bức tường vôi mang nét một chân dung của người trung cổ. Nếp nhăn trên khuôn mặt bà mỗi ngày một nhiều, trông như quả táo tầu. Bà trầm ngâm nhìn vào bóng đêm với đôi mắt nheo nhúm lam lũ đã từng gánh trên vai thay cho ông nội nuôi con nuôi cháu trưởng thành. Những đồng tiền ngày tôi đi học bà cho qua tay bố, tôi nào đâu có biết. Bạn bè tôi biết chuyện chúng thường thở dài:
- Mày bướng bỉnh lắm! Độc đoán, bảo thủ không phải là tính tốt đâu.
Qua năm thứ hai, đúng lúc đang thi học kỳ thì được tin bà mất đột ngột. Tôi cố bình tĩnh thi nốt môn cuối cùng rồi vội vã về nhà. Bà đã được chôn cất 3 ngày. Mẹ tôi kể lại:
- Lúc hấp hối, bà nhắc đến con luôn. Bà nói rất vui nếu con thành đạt trên đường học vấn. Con cũng biết bà là người có bản lĩnh, chồng mất sớm, một tay gây dựng lên tất cả nên nếu bà có độc đoán con cũng cố chịu. Đằng này con lại chống chọi với bà. Lần đầu tiên có người không phục tùng nên bà tức lắm. Nhưng dù sao bà cũng mừng vì con là đứa thông minh, biết lo học hành vươn lên bằng chị, bằng em. Số tiền hàng tháng mà bố gửi cho con một nửa là của bà. Bà không cho bố mẹ nói với con, bà sợ con không chịu nhận.
Nghe mẹ nói tới đây nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi khóc, có lẽ chưa bao giờ tôi khóc như thế. Lòng tôi quặn đau. Trong đầu tôi hình ảnh của bà đang như mỉm cười với tôi, càng nhìn lên di ảnh bà lòng tôi càng chua xót ân hận. Tôi càng khóc to đến nỗi ngất đi. Buổi chiều khi tỉnh lại tôi ngồi thẫn thờ như ngưới mất hồn. Ôi! Sự thật bao giờ cũng làm cho người ta đau lòng. Tôi đứng dậy mệt mỏi:
- Mẹ cho con qua thăm mộ bà.
Ra tới mộ bà, tôi quỳ xuống khóc nức nở:
- Bà ơi, đứa cháu bất hiếu của bà đây. Khi con hiểu ra mọi việc thì đã muộn rồi phải không bà? Con thương bà và bà cũng thương con. Chỉ tiếc là bà cháu mình cứ giấu tình cảm đó đi và quay lưng lại với nhau dù chẳng ai muốn thế, chỉ vì ai cũng cũng muốn khư khư làm theo ý mình. Khi bà còn sống con đã từ chối không xin lỗi bà, nay bà ra đi con xin bà hãy tha thứ cho con, bà bằng lòng nhé!...
Tôi gục đầu xuống khóc nức nở. Kỷ niệm từ xa xưa bỗng hiện về, khi tôi còn là cô bé tuổi lên hai, lên ba ngô nghê chỉ biết nói hai tiếng “bà và mẹ”. Hồi đó bà nội bắt tôi buổi sáng phải uống ly sữa, trưa phải ngủ một giờ, không được bước chân ra đường, không được đi chân đất… Rồi dần con bé lớn lên trong ngỗ ngược và bướng bỉnh. Con bé đó là tôi bây giờ. Một thời tôi ghét uống sữa, ghét ngủ trưa. Tôi đi chân đất và ra nắng không đội mũ...
Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi:
- Về đi con mọi chuyện đã qua rồi.
Tôi nhìn hình bà nội được lồng trên tấm bia, chắp tay lạy bà và nói với bà lời cuối cùng thổn thức:
- Đến bây giờ con mới biết là con và bà rất giống nhau.
Đi về. Nắng cuối ngày nhạt nhòa trên những ngôi mộ càng tạo thêm vẻ đìu hiu. Tôi hít sâu một hơi, bước nhanh lên phía trước để cố ngăn dòng nước mắt lại trào ra.
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét