Hoàng cung là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả trẻ Võ Chí Nhất. Tập sách là đứa con tinh thần mà anh đã dày công chăm chút, bỏ nhiều thời gian và công sức cho nó. Đó là sự cố gắng, niềm đam mê rất đáng được ghi nhận của một cây viết trẻ như anh.
Võ Chí Nhất cho biết: “Tôi yêu thích văn chương từ nhỏ, đặc biệt là những gì có liên quan đến lịch sử nước nhà. Tôi cảm thấy hụt hẫng và buồn khi một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ Việt Nam không biết gì về lịch sử của chính dân tộc mình. Điều ấy đã nung nấu và thôi thúc tôi phải viết cái gì đó liên quan đến lịch sử. Tôi nghĩ, các bạn trẻ hôm nay cũng cần phải biết và có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ hơn lịch sử nước nhà. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết Hoàng cung tôi đã xem, đọc, học, viết trong khoảng thời gian ròng rã hơn 3 năm”. Điều đó chứng tỏ Võ Chí Nhất đã làm việc một cách nghiêm túc, không mệt mỏi để tích lũy vốn sống, kiến thức lịch sử cũng như học hỏi kinh nghiệm để hoàn thành nên cuốn tiểu thuyết Hoàng cung.
Tác phẩm cho thấy một phương diện của thực trạng đời sống trong hoàng cung những năm Lý Thánh Tông tại vị. Theo tác giả, viết về hoàng cung, anh không chỉ chú ý khai thác ở phương diện các vấn đề của đời sống chính trị mà anh còn tập trung làm rõ ý thức, bi kịch tình yêu, quan tâm tới số phận con người. Đó là yếu tố làm nên cái mới và sức hấp dẫn ở cuốn tiểu thuyết này.
Hoàng cung là những chuyển động, những biến đổi, những bước ngoặt qua số phận của nhiều nhân vật, không nhân vật nào không phải trải những va đập của lịch sử, của hoàn cảnh và số phận.
|
Bìa sách "Hoàng cung" |
Ở nước ta, tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử đã có nhiều những nhà văn đã thành công và khẳng định được tên tuổi trên văn đàn. Và đa phần họ đều là những tác giả đã lớn tuổi, đã có nhiều những trải nghiệm về con người, cuộc đời và thời cuộc. Viết tiểu thuyết đã khó, viết tiểu thuyết lịch sử lại khó hơn gấp bội phần vì đòi hỏi người viết phải hội đủ nhiều phẩm chất, nhiều yếu tố. “Tiểu thuyết lịch sử là một loại của tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử, do đó mà có tên gọi “lịch sử”. Đồng thời đó là tiểu thuyết, chứ không phải là truyện sử hay kí sự lịch sử, bởi nó không chỉ kể lại sự kiện và nhân vật, mà còn tái hiện lại cuộc sống con người với cả không khí thời đại, các chi tiết về tâm hồn, cá tính, trang phục, nhà ở, đồ dùng, lời ăn tiếng nói, bài ca, trò chơi…, và đặc biệt miêu tả đời sống cụ thể sinh động của nhân vật lịch sử, một trải nghiệm của một con người có tính cách, cá tính, trong dòng chảy của lịch sử, khiến cho người đọc không chỉ đọc một câu chuyện, mà còn sống, thể nghiệm với thời đại ấy nữa. Tiểu thuyết cũng cung cấp một bức tranh có tính bách khoa về thời đại mà nhân vật lịch sử của mình sống. Và vì thế bên cạnh nhân vật lịch sử, buộc phải hư cấu thêm nhiều những nhân vật khác. Bởi vì các tài liệu sử học mà nhà văn dựa vào thường chỉ nêu các sự kiện chính và nhân vật chính. Bản thân sự kiện và nhân vật trong sách sử cũng rất giản đơn, sơ lược thiếu chi tiết, khi viết buộc nhà văn phải tưởng tượng thêm thắt. Nhân vật lịch sử còn có anh em, họ hàng, có vợ con, người hầu, có bạn bè, tình nhân, hàng xóm, những điều mà các cuốn sử không không mấy khi kể đến, mà có kể đến cũng thường không có các chi tiết về khuôn mặt, giọng nói, tính nết. Mà không có chi tiết thì không viết tiểu thuyết được. Như vậy vai trò sáng tạo của nhà tiểu thuyết không phải là nhỏ và tiểu thuyết lịch sử không chỉ có nhân vật và sự kiện lịch sử mà còn có nhiều nhân vật, sự kiện hư cấu”.
Bối cảnh câu chuyện trong Hoàng cung là vào những năm Lý Thánh Tông tại vị. Bên cạnh những nhân vật lịch sử có thật (Thánh Tông, Thường Kiệt, Thượng Dương Hoàng hậu, Hiền phi, Võ Quý phi (Ỷ Lan), Giang Thuận, Triệu Khải, Triệu Tuấn…); tác giả còn xây dựng thêm những nhân vật khác để làm cho câu chuyện trở nên gay cấn, sinh động, hấp dẫn hơn (Băng Châu, Thi Sương, Mã Đô, Thánh phi và Võ quý phi (một số chi tiết lấy từ Nguyên phi Ỷ Lan)…
Nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm là Băng Châu, Triệu Tuấn, Triệu Khải, Thi Sương. Các nhân vật lịch sử được soi chiếu từ nhiều chiều với đầy đủ đời sống nội tâm và các cung bậc tình cảm, những mặt tốt – xấu của con người.
Hoàng cung là tiểu thuyết cổ trang lịch sử, tình cảm lãng mạn. Qua tác phẩm tác giả muốn gửi đến độc giả là hãy sống hết mình, yêu thương trọn vẹn vì cuộc đời con người không ai được sống 2 lần để yêu. Và tác giả có một ước nguyện là trong thiên hạ những người đang yêu sẽ thành đôi thành cặp và sống hạnh phúc với nhau.
Văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng hướng đến các đề tài về gia đình, tình yêu, đạo đức… hướng vào các giá trị nhân bản.
Hoàng cung đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời phong kiến. Bi kịch tình yêu, các mối thù hận, sự tráo trở, lợi ích cá nhân - lợi ích dòng họ, mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với quốc gia - dân tộc và ngay cả những vấn đề mang tính chất hệ trọng liên quan đến chủ quyền, biên giới quốc gia, liên quan đến cả vận mệnh và sự tồn vong của dân tộc.
Sách sử thường viết về các nhân vật theo kiểu một chiều và cứng nhắc, các nhân vật thường được thần thánh hóa. Nhưng ở cuốn tiểu thuyết lịch sử này tác giả có cái nhìn linh hoạt, đa chiều để đánh giá, nhìn nhận các nhân vật một cách công bằng hơn. Mỗi nhân vật đều có những phẩm chất, nét tính cách vừa ẩn tàng vừa hiển hiện tạo nên một thế giới nhân vật đa dạng. Tất cả đều thể hiện một cái nhìn đầy trăn trở của tác giả về số phận của con người và thời đại.
Nhân vật Dương hoàng hậu: Hiện ra trong dáng vẻ của một vị hoàng hậu mẫu mực, quyền trọng tước cao được người người ngưỡng mộ nhưng cuối cùng lại là một kẻ thông địch phản quốc…
Võ quý phi: Là vị phi tần bị thất sủng của Thánh Tông hoàng đế. Bởi nàng không cam tâm trước hành động “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng” của Dương hoàng hậu nên đã chuẩn bị lực lượng dấn thân vào những âm mưu cung đình to lớn…
Hoàng cung lại có được một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ. Việc viết tiểu thuyết lịch sử buộc nhà văn phải lao vào một hành trình tìm kiếm và kiến tạo cho một cái nhìn mới. Qua nhân vật ta có thể thấy được sự am hiểu sâu sắc, tinh tế của nhà văn về cuộc sống xã hội và con người.
Với cách xây dựng nhân vật theo lối tự nhiên, theo quy luật tâm lý nhưng cũng có những chi tiết và tình huống tạo sự bất ngờ cho người đọc. Võ Chí Nhất đã dẫn dụ độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chẳng hạn: Nhân vật Thi Sương là một ví dụ. Thi Sương là nha hoàn chân tâm nhất, luôn ở cạnh Băng Châu chăm sóc nàng. Sau một lần nghe được bí mật của Võ quý phi, Thi Sương bị cắt lưỡi. Nhưng đó chỉ là kế sách quý phi đối phó Dương hoàng hậu. Nàng mang danh là một kẻ câm cùng theo Băng Châu đến Bắc triều hòa thân, trong một lần Băng Châu bị Uyển Nhi vu khống giết chết long tử trong bụng, chính diệu kế giả câm của Thi Sương đã cứu Băng Châu thoát nạn.
Câu chuyện kể gói gọn trong giai đoạn lịch sử triều Lý. Thời đại có nhiều người tài, có thể nói đó là thời có “vua sáng, tôi hiền”; nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc. Tuy vậy, ngay trong nội bộ triều đình và cả các thế lực bên ngoài lúc nào cũng có những “xung đột”. Những xung đột ấy, được tác giả chuyển tải trong tác phẩm rất cụ thể, rõ ràng.
Võ Chí Nhất đã đem đến cho người đọc những trang viết sinh động, với những câu chuyện lý thú, thấm đẫm chất nhân văn. Cách kể chuyện đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ kể chuyện hiền lành, từ ngữ trong sáng, cách hành văn trôi chảy. Nhiều đoạn tái hiện lại khung cảnh, không khí cổ xưa rất phù hợp với bối cảnh thời phong kiến. Tôi cho rằng, đây là thành công và cũng là thế mạnh của Võ Chí Nhất và Hoàng cung thực sự là một cuốn tiểu thuyết chững chạc. Tuy vậy, vì đây là tập sách đầu tay của một người trẻ tuổi, lại chọn thể nghiệm ở thể loại tiểu thuyết lịch sử nên không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Võ Chí Nhất vẫn chưa tạo dựng được những biểu tượng nghệ thuật có sức ám ảnh sâu sắc và khả năng khơi gợi, lay động mạnh mẽ đến độc giả.
Trong tình hình xuất bản sách ồ ạt như hiện nay, giữa bạt ngàn rừng sách, tìm cho mình tập sách có chất lượng để đọc là điều vô cùng cần thiết. Nhưng tôi tin rằng tiểu thuyết Hoàng cung của tác giả Võ Chí Nhất là một tập sách đáng để đọc.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét