Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
I. Rung cảm đầu đời
Bước sang năm 13 tuổi, bỗng dưng trong tôi nảy nở một thứ tình cảm, lạ lắm, không thấy từ trước đến giờ. Bấy giờ tôi không biết là gì nhưng nhiều năm về sau, dần dà, tôi biết đó là cảm xúc tình yêu, chính xác hơn, là cảm giác muốn được yêu. Tình yêu nam nữ.
Tôi phát hiện ra điều này vào một buổi sáng mùa xuân, khi quân Pháp và quân Bảo hoàng, mới đánh chiếm được một số địa điểm quê tôi, còn nhiều nơi khác, đặc biệt là lòng dân thì chúng chưa bình định nổi nên quê tôi lúc đó vẫn là vùng tự do.
Bọn Pháp và lính chỉ đóng đồn bốt được ở một số nơi ven đường số 10 và một vài đường khác, còn bên ngoài mênh mông làng xóm, ruộng vườn vẫn thuộc về ta.
Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là ở vào thời điểm ấy, vùng quê ấy.
Một buổi chiều cuối năm, một anh cán bộ Việt Minh, khoảng 30 tuổi, đẹp trai, yêu ca nhạc, hay hát và hát hay, đặc điểm chung của những người hoạt động kháng chiến thời này, từ phía bắc tỉnh tôi, nửa đêm dán bụng xuống đất, bò sát mặt đường, trườn qua quốc lộ số 10, nơi một bên là bốt cầu Nhì, một bên là bốt cầu La, hai điểm đen của quê tôi, lúc nào cũng bị quân Pháp quét đèn pha sáng chói, soi rọi từng milimet, một con chuột chạy ngang đường cũng không lọt khỏi tầm mắt của chúng, để đến làng tôi, nơi anh được tổ chức phân công “nằm vùng” hoạt động cách mạng.
Anh cán bộ Việt Minh ấy, tên là Phụng, gọi mẹ tôi là cô, bố tôi là dượng, đến nhà tôi, vì đây nơi được anh chọn làm địa chỉ liên lạc với các đồng chí và đồng bào quê tôi.
Lúc anh đến tôi đang ngủ. Sáng sớm hôm sau, anh vô tình đánh thức tôi bằng một câu hát vu vơ. Vu vơ mà tôi lại không thấy vu vơ. Câu hát lần đầu tôi được nghe. “Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung - Người yêu thoáng qua trong giấc mộng”. Hát xong câu ấy, anh lại hát một câu tiếp nữa: “Hãy trả lời lòng anh mấy câu - Tình duyên với em trong kiếp nào”.
Tôi đứng ngẩn người ra một lúc lâu vì câu hát ấy. Câu hát rõ ràng không dành cho tôi mà sao tôi lại thấy có tôi. Tôi mới một tí tuổi đầu, làm gì có người yêu! Tôi cũng mới một tý tuổi đầu đâu có thể xưng em xưng anh với ai được?
Rõ ràng là như thế nhưng sao tôi cứ nghĩ những câu hát ấy gì thì gì cũng là dành cho tôi.
- Anh Phụng hát bài gì mà hay thế!
Tôi hỏi đùa anh. Anh Phụng đang phơi quần áo lên sợi giây thép chăng ngang sân, nghe tiếng tôi vội ngẩng lên nhìn tôi nhoẻn miệng cười.
- Chú em à! Cái giọng cóng bơ dỉ của anh mà được em khen hát hay thì là có vấn đế đấy. Vấn đề ở chỗ là em nghe nó hay thì không phải do anh đâu mà là tại em đấy.
Ôi, anh Phụng nói gì mà lạ thế? Xưa nay tôi chưa nghe ai nói như thế bao giờ. Ai đời, hát hay, không phải do người hát mà do người nghe. Lạ quá nhỉ. Câu nói của anh bỗng dưng làm tôi nhớ đến câu thơ trong truyện Kiều, tối qua bố mới giảng cho tôi. Lúc ấy, bố tôi đang nằm võng, ru ời ời đứa em 4 tuổi của tôi. Câu thơ hát ru ấy, tôi không thuộc nhưng nghĩa của nó, ông giảng giải cho nghe thì tôi nhớ lắm.
Bố tôi nói: “Người gảy đàn hay đã quan trọng nhưng người biết thưởng thức tiếng đàn ấy, quan trong hơn. Đó chuyện ông Bá Nha và ông Tử Kỳ ngày xưa. Chỉ có Tử Kỳ mới cảm nhận được hết cái hay, cái hơn người của tiếng đàn Bá Nha. Vì thế sau khi Tử Kỳ mất, Bá Nha đã đập đàn không gảy đàn nữa. Ông cho rằng không còn người biết đến tiếng đàn của ông thì ông còn tiếp tục chơi đàn nữa làm gì.
Anh Phụng tinh thật. Anh đã bắt trúng mạch trái tim tôi. Đúng là tôi đang bị lôi cuốn thậm chí bị mê hoặc bởi bài hát ấy. Nói đúng hơn, tôi bị mê hoặc bởi tâm trạng của bài hát ấy đem lại.
Tôi ngượng quá. Từ đấy khi có anh Phụng ở bên, tôi không dám hát nữa. Nhưng rồi một hôm tôi vẫn vi phạm vào điều thề nguyện đó. Đó là hôm tôi ngồi vót nan cho bố tôi đan lồng nuôi chim, cao hứng thế nào tôi lại hát: “Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung - Người yêu thoáng qua trong giấc mộng”. Tôi hát vô tình. Tôi hát vu vơ. Cao hứng mà hát. Hát như con chim ngứa cổ muốn hót. Tôi đâu ngờ tiếng hát của tôi lại lọt vào tai anh Phụng.
Nghĩ tiếng hát của tôi đã làm phiền anh vì đêm qua anh đã mất cả đêm không ngủ để vượt đường 10, tôi không dám hát nữa. Thấy tôi im bặt, anh Phụng đến ngồi bên tôi. Anh đưa tay xoa xoa vào lưng tôi rồi nói:
- Khôi! Hình như chú mày đang có tâm trạng gì đó. Đừng giấu anh. Em có thể giấu được bằng cử chỉ nhưng không thể giấu được qua giọng hát. Chú em đang yêu phải không?
Tôi giẫy nảy người, đỏ mặt tía tai rồi cứ thế bỏ dao, bỏ tre chạy tọt vào buồng. Tôi nói vọng ra:
- Anh Phụng, đừng nói thế, thầy em đánh chết đấy. Em mới 13 tuổi.
Anh Phụng không nói gì. Qua khe cửa, tôi thấy anh tủm tỉm cười.
(Còn tiếp)
N.K.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét