Dù đã hẹn trước nhưng khi tôi đến trước ngôi nhà sàn khung, cột xi măng giả gỗ vẫn chẳng thấy “gã người rừng” đâu cả. Cửa nhà mở toang hoác, khói từ trái bếp thoát lên mái ngói bay lên hòa quyện vào sương mù trôi bảng lảng. “Có ai ở nhà không? Trộm vào lấy hết đồ rồi nè”. Tôi gọi lu loa, tiếng gọi va vào vách Đán Khao vọng lại. Một lát sau từ cuối mỏm đồi xa tít tắp có tiếng đáp lại “trộm được cái gì cứ lấy tự nhiên”. Ra gã người rừng đang hì hục vun xới cây cối ở cuối khu vườn. Chừng mười phút sau gã người rừng về đến ngôi nhà sàn, mồ hôi lấm tấm trên mặt, chân tay lấm lem đất. Xem nào, gã người rừng có học thức cao nhất xã Đoài Dương còn dính chút khí chất thành thị không đây. Tôi quan sát kỹ và ngầm khẳng định Đảm đã biến thành một chàng nông dân thực thụ. Mà cũng đúng, Đảm vốn là một người ăn cháo ngô, ăn rau rừng và uống nước suối, lớn lên từ đồng ruộng.
- Này sao thần người ra thế? Đang lục vấn xem thằng Đảm này còn dính dáng chút thành phố không hả? Đảm thay lời chào vồn vã bằng những câu hỏi kiểu chất vấn.
- Không… tôi là tôi bất ngờ về cơ ngơi của ông thôi. Tôi chữa thẹn bằng một lời khen. Dù tôi biết lời khen đó thừa.
- Người anh em lên nhà đi, thứ lỗi tôi không bắt tay người anh em lúc này được. Gã người rừng nói, chìa đôi bàn tay đang lấm tấm đất cho tôi xem.
Người anh em, cái danh xưng giữa tôi và Đảm từ năm thứ hai đại học, tưởng chừng như sẽ không bao giờ được gọi khi mỗi người một ngả. Nhưng hôm nay nó lại được nói ra ở chính ngôi nhà sàn này, ở chính nơi heo hút mù sương miền biên ải xa xôi này. Bao năm qua tôi đã không hỏi thăm, chẳng giúp đỡ được gì cho Đảm, kể cả lúc anh gặp khó khăn nhất cuộc đời. Nợ Đảm mấy trăm ngàn từ hồi đại học chưa trả, tự tôi cảm thấy xấu mặt với người anh em. Thẹn là phải rồi, bao năm nay tôi có xứng đáng với cái tên chung trìu mến “người anh em?”
Tôi thật sự khâm phục người anh em tên Đảm này. Cuộc sống mà gã người rừng đang sống có khác gì cuộc sống của thần tiên? Nó ngoài tầm mơ ước của tôi, muốn mà không bao giờ có được. Gã người rừng vẫn không cho ai đọc được suy nghĩ và hành động của mình. Trong dòng ký ức của tôi Đảm đã đi vào lãng quên, nếu tôi không vô tình đọc được một bài báo gương người tốt việc tốt viết khá sơ sài và tấm chân dung chẳng được rõ lắm của anh trên tờ báo tỉnh trong lần lên thư viện Quốc gia…
- Ông Đảm này tôi thấy cuộc sống hiện tại của người anh em nhiều người mơ ước mà không được đâu. Tôi nói tự đáy lòng mình.
- Cuộc sống của tôi có gì sung sướng mà người anh em nói nhiều người mơ ước? Người ta phấn đấu ra thành phố, xây biệt thự, tậu xe hơi đắt tiền, cuối tuần cả nhà dắt díu nhau ra nhà hàng sang trọng ăn uống. Rượu uống chai vài triệu đồng, uống bia Heniken. Ai mơ ước uống rượu chai có mười nghìn đồng, uống bia truồng (bia không đóng chai, lon)? Chứ ai lại đi mơ ước về nơi rừng rú, suốt ngày làm bạn với cây cối,chim rừng thì có gì hay đâu. Nhà thì thưa mà chợ thì xa, thèm nghe tiếng người và thèm chút náo nhiệt nơi phố thị phải đi hàng chục cây số mới có được.
- Ông không biết cuộc sống nơi thành phố giờ nó ngột ngạt thế nào đâu. Không khí ô nhiễm vượt mức an toàn nhiều lần, đường phố thì kẹt xe. Đâu như nơi này không khí trong lành, cây cối xanh tươi, cuộc sống tựa thần tiên. Nhìn những gì ông đang có, hẳn ông đã dành nhiều công sức vào nó. Nhìn khu vườn mướt mát này tôi hiểu rằng cái khí chất anh kỹ sư, khí chất người lính trong người anh em luôn sục sôi bỏng cháy đến nhường nào.
Đảm pha ấm chè, mời tôi uống chén chè đắng, thứ chè mà gã người rừng tự trồng tự sao, ai thích uống thì nhắn anh gửi cho, giá rẻ chỉ bằng một nửa giá bán ngoài thị trường nhưng chất lượng thì hơn hẳn. Trong mơ màng của không gian mờ ảo, gã người rừng bắt đầu kể về câu chuyện của đời mình. Câu chuyện mà tôi ngỡ như là trong cổ tích thuở nảo thuở nào.
Tốt nghiệp đại học Đảm không làm hồ sơ ứng tuyển công chức viên chức như những người bạn cùng lớp. Anh làm đơn ứng tuyển nghĩa vụ quân sự, thực hiện lời hứa với người bố đã khuất. Bố Đảm là một người lính mang trên mình nhiều thương tích, mảnh đạn găm trong bắp đùi, may không bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều đồng đội bố nhiễm chất độc đó di truyền cho đời sau, nhìn thấy thương lắm. Bố muốn Đảm tiếp bước ông thi vào trường quân đội. Nhưng Đảm đã không nghe lời bố mà nghe theo ý thích của con tim. “Năng lực của mỗi con người chỉ có người đó mới rõ nhất”. Thầy cô dạy vậy. Trước lúc lâm chung ông nắm tay Đảm “con đã không nghe lời bố, bố cũng không trách gì con. Bố chỉ có tâm nguyện này, sau khi ra trường con hãy đăng ký ứng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hai năm rèn luyện phấn đấu con chuyển được chuyên nghiệp thì tốt, còn không thời gian trong quân ngũ cũng rèn con nên một con người đầy bản lĩnh. Bố chỉ mong vậy thôi. Con có thể hứa với bố không?” Đảm gật đầu thay cho lời hứa với bố. Chỉ chờ cái gật đầu của Đảm bố đã nhắm mắt ra đi, trên môi ông còn phơn phớt nụ cười. Ngày đưa tang bố xe máy, xe tô tô biển xanh, biển đỏ đỗ bên lề đường dài trăm mét. Bệnh tật có trừ một ai đâu.
Hai năm Đảm học được nhiều thứ, người anh rắn rỏi hẳn. Đảm không chuyển được chuyên nghiệp như mong muốn của người cha nhưng anh lại được cơ cấu vào làm cán bộ nguồn của xã nhờ một đồng đội vào sinh ra tử của bố đang làm lãnh đạo trên huyện. Với tấm bằng kỹ sư loại giỏi đã trải qua môi trường quân đội, chẳng bao lâu Đảm được ngồi vào ghế phó chủ tịch xã. Không lâu nữa khi chủ trương chuẩn hóa lãnh đạo xã phải có bằng cấp được đào tạo, Đảm có thể sẽ trở thành chủ tịch xã. Đường quan lộ đang rộng mở, nhưng đùng một cái Đảm làm đơn xin nghỉ việc với lý do tự thấy sức khỏe không đảm bảo. Ai cũng tiếc cho anh. Có người bảo anh ngu. Việc ở xã có gì là nặng, sáng đi tối về, tháng ký nhận lương đều đều. Một tháng lương ở xã bây giờ mua được non tấn thóc, thử hỏi chăn nuôi, trồng cây gì bằng được? Phiêc quán thám tắp ná (việc quan như khiêng vỏ bào) có gì mà không làm được? Khi biết con xin không làm ở xã (mà nhiều người muốn vào làm cũng chẳng được). Mẹ Đảm đã nói như thế. Vợ Đảm không nói gì, lẳng lặng ôm con đi về nhà ngoại chơi vài ngày, gọi điện không bắt máy. Thế là vợ giận rồi, cũng phải thôi, mỗi tháng nàng được cầm vài triệu đồng, rau thịt không phải lo. Cứ như nhiều gia đình trong bản này đến phiên chợ là phải khuân vác thóc ngô ra chợ bán mới có tiền mua mắm muối. Tự dưng không đâu Đảm lại làm đơn xin nghỉ việc, nàng sẽ chẳng còn đồng nào mỗi tháng không giận không tức sao được. Nàng không bắt máy thì anh phải xuống nhà ngoại thôi. Anh chưa kịp mở miệng thì bố mẹ vợ và anh chị bên vợ đã nói vào mặt. “Sao tự dưng con lại nghỉ việc ở xã? Con có biết bây giờ để xin được một suất vào làm ở xã phải mất mấy chục triệu không? Có gì vợ chồng phải bàn bạc với nhau chứ? Đùng một cái con nghỉ việc vợ con không biết gì thế thì còn gọi gì là vợ chồng nữa?” Được thể vợ anh tiếp lời bố. “Tiền hằng tháng, tiền mỡ muối, tiền học, quần áo, sách vở của con đều trông vào đồng lương của bố nó. Mất đi nguồn tiền đó thì biết lấy gì về chu cấp cho con? Anh ấy muốn quay về thời ông bà ngày tráng chảo bằng mỡ miếng, áo mặc rách trên vai, quần mặc rách trong người không biết lấy cái nào để thay. Chồng con là người lạ đời nhất trên đời này bố ạ. Sao cái số của con khổ thế không biết”. Đảm chỉ biết cúi mặt, giải thích gì lúc này cũng chẳng ai hiểu cho anh cả. Cái nhìn của người ta chỉ cao hơn ngọn cỏ lau sao có thể biết gió trên ngọn tre, gió trên ngọn núi kia nó khác xa gió là là trên mặt đất. Đảm đang tính sâu xa, anh nhìn thấy mảnh đất cằn cỗi chỉ có cây cứt lợn và cỏ may là mọc được chẳng bao lâu đất bạc màu sẽ nở hoa, cây trái đầy vườn, xe vào ăn hàng hằng ngày không ngớt. Táo lê, cây trái vườn nhà anh sẽ theo xe đi vào miền Nam. Khi đó lo gì không có tiền mua quần áo, mỡ muối hằng ngày. Đảm tin rồi sẽ có ngày đó, chỉ là anh không thể biết được ngày đó đến sớm hay muộn mà thôi.
Đảm không bao giờ quên, hôm xóm triển khai xây dựng nông thôn mới, người người quyết tâm sản xuất, chăn nuôi nâng cao thu nhập cho gia đình trên những mảnh ruộng mảnh nương màu mỡ. Riêng Đảm xung phong nhận năm hecta đất đổi sỏi đá ở khu Khau Khà, khu đất chẳng có gia đình nào dám nhận, cho không cũng chẳng ai lấy. “Hôm nay trước mặt bà con, có mặt đồng chí bí thư đảng ủy xã Hoàng Luyện, người bạn nối khố của tôi, tôi xin hứa nếu xã giao toàn bộ khu đất Khau Khà cho tôi trong năm đến mười năm tôi sẽ bắt khu đất đó nở đầy hoa trái”. Bí thư Luyện mỉm cười biểu dương tinh thần xung phong của bạn, nhưng nhìn trong mắt anh dấy lên mối hồ nghi về tương lai khu đất cằn khô. Từ nhỏ hai người đã cùng nhau lùa trâu bò vào lũng chăn thả. Luyện còn lạ gì đất Khau Khà một nhát cuốc xuống đã gặp phải đất trắng lẫn sỏi đá vừa cứng vừa khô. Thử hỏi làm sao có loại cây nào có thể sinh sống được trên loại đất nghèo chất dinh dưỡng đó được?
- Ngay cả người bạn nối khố cũng không tin tưởng? Bà con không tin vào lời hứa của người anh em? Tôi hỏi Đảm.
- Chẳng ai tin tôi. Vợ con không, bạn bè không, họ bảo trong đầu tôi lắm chữ quá nên hóa điên hóa rồ. Có người còn bảo nếu tôi làm cho khu đất Khau Khà nở đầy hoa trái trừ khi tôi có phép màu. Mà trên đời thì làm gì có ai biết phù phép miệng hô biến hóa.
- Không ai tin tưởng, ủng hộ người anh em gặp khó rồi.
- Khó khăn thử thách lòng quyết tâm của con người người anh em ạ. Cụ Phan Bội Châu nói nếu đem hết sức lực và nhiệt huyết vào dây cung thì mũi tên bay đi có thể xuyên được cả đá cứng. Khu đất tôi nhận là đất, so với đá thì chưa là gì cả.
- Và đất đã không phụ lòng người. Ông còn nhớ thầy Khiêm thầy dạy chúng mình hồi đại học không? Tôi nhớ thầy đã nói về ông “thằng Đảm không phù hợp với cuộc sống ở thành phố. Đảm sẽ làm nên tên tuổi ở những vùng đất gian khó. Loài hoa có hương thơm tinh khiết thường mọc ở những vùng núi đá hoang sơ, khí hậu càng khắc nghiệt bao nhiêu thì cây càng cứng cáp bấy nhiêu”. Thầy Khiêm quả là tài. Thầy không chỉ giỏi chuyên môn mà còn nhìn thấy tương lai của người học trò cưng mấy chục năm sau.
- Tôi nhớ chứ. Không có thầy thì làm gì mà tôi có được như bây giờ. Nhưng thực tình lúc đầu tôi cũng hơi phật ý với nhận xét của thầy. Tôi làm gì mà không phù hợp với cuộc sống thành thị? Lẽ nào tôi không thể kiếm được một công việc làm để nuôi sống bản thân ở chốn phồn hoa đô hội? Nhưng sau tôi càng thấy thầy đúng. Tôi là gã người rừng thì nên sống ở rừng núi. Rừng núi bao bọc tôi, nuôi sống tôi, tôi sẽ làm đẹp cho núi rừng bằng chính sức lực, bầu nhiệt huyết và vốn kiến thức mà mình tích lũy được trong những năm đèn sách.
Ngày anh tiến hành rào đất có người nói mỉa mai thằng Đảm làm cho đất Khau Khà nở hoa thì loài cây lau, sậy mọc trên kẽ đá giữa dòng sông sẽ nở hoa kết trái, cây khoai lang sẽ kết tràng hoa như loài phong lan trên cành cây mục giữa rừng già. Mặc người trong xóm nói gì Đảm vẫn lặng lẽ làm. Anh lấy câu chuyện cha dặn con vàng chôn ở ruộng để dạy con từ hồi cắp sách đến trường để tự dạy mình. Muốn cải tảo đất phải đào xới nó lên. Ngày làm đêm nghỉ, không kể mưa nắng, đôi bàn tay anh chai sần, bỏng nước nổi chi chít trong lòng bàn tay khi vỡ rát cả bàn tay, người anh đen đi trông thấy nhưng lưng anh vạm vỡ, đôi tay săn chắc. Những giọt mồ hôi anh đổ xuống khu đồi nếu đem hứng có lẽ được một chảo trâu, đủ tắm cho vài người. Đã mòn ba cái cuốc, xè beng cùn vài cái, sỏi đá chất đầy bờ rào đến vài chục khối, có chỗ cao quá đầu người. Cây trên cành rụng rồi lại mọc, sức người đào, lấp cùng với chiếc máy xúc hỗ trợ khu Khau Khà đã được thay lớp áo mới. Thiên nhiên lắm điều kỳ diệu. Lớp đất trên cùng là đất cằn sỏi đá nhưng sâu xuống một mét lại một màu đất tro. Cứ như tạo hóa biết thương người, dành đất này cho anh. Hai tháng san gạt khu đất không còn nham nhở hố sâu, Đảm bắt tay vào khâu cải tạo đất. Ngày anh lang thang trên khắp các ngả đường vào lũng để gom phân trâu bò đem về rải đều trên mặt đất, rải vào những cái hố đã đào sẵn. Có người chở phân chuồng bằng xe cày đến tận vườn cho anh với giá năm nghìn đồng một gánh. Chẳng bao lâu những chỗ đất nghèo nhất đã được phủ một lớp phân chuồng dày chục phân. Trước khi trồng cây Đảm còn mời thầy giáo chuyên gia trồng trọt đến tận vườn tư vấn, gặp lại người học trò cưng, xem qua bản quy hoạch chi tiết của Đảm thầy gật đầu lia lịa. Chỗ này Đảm sẽ trồng một nghìn gốc lê, khu kế tiếp sẽ trồng chuối, chỗ còn lại sẽ trồng táo. Thầy Khiêm nghe người học trò mình trình bày kế hoạch một cách chăm chú. Chỗ đất trồng chuối và trồng lê thầy đồng ý tán thành. Riêng đất trồng táo thầy phân vân. Táo to đỏ là cây ưa vùng lạnh hơn là vùng nhiệt đới gió mùa. Trồng táo liệu đất này có phù hợp? Thầy đã từng đi Nhật Bản vào tận vườn táo của người nông dân ở thành phố Hirosaki thăm quan. Được nghe người dân và được ăn táo tại vườn ngon ngọt không gì tả nổi. Hương vị đó không giống với các loại táo được bày bán ở các chợ vùng biên. Thầy Khiêm mơ ước giá như giống táo nổi tiếng đó có thể trồng được trên vùng đất của đất nước mình thì tuyệt biết bao. Giờ thầy nghe người học trò nói sẽ trồng thử nghiệm giống táo vùng Hirosaki, giống cây đã có người bạn Nhật lo giúp rồi. Nghe người học trò nói mà thầy không khỏi phân vân. Nhưng thầy khâm phục về sự táo bạo của người học trò xuất thân từ rừng núi.
Nhìn người thầy của mình lo lắng, Đảm nói trong niềm tin tưởng. Thầy ạ, thầy không sống ở đây có thể thầy không biết được khí hậu ở đây lạnh hơn vùng khác. Chỗ em và thầy đang đứng đây cao hơn mực nước biển hơn một ngàn mét. Mùa lạnh đây cũng lạnh hơn nhiều, cùng một huyện nhưng nhiệt độ chênh lệch lên cả chục độ. Vào mùa hè ở đây cũng không nóng lắm nhờ có hai hố gió thổi tự nhiên từ sau núi Vài Luồm. Lát em dẫn thầy đến xem hai hố gió tự nhiên kia. Có những ngày nắng nóng trời không một gợn mây, lá cây im phăng để mặc sức nóng thiêu đốt thì nơi này vẫn có luồng gió mát thổi tung bay. Chẳng thế mà khu này là nơi chăn thả lý tưởng của chúng em vào những ngày hè oi ả. Dù có nóng đến đâu khi vào gần lỗ gió mồ hôi sẽ tan biến trong chốc lát, đứng lâu gần chỗ thông gió sẽ lạnh. Hơn nửa đời người đi gần khắp năm châu bốn biển, nghe và thấy bao chuyện lạ trên đời nhưng thầy Khiêm chưa bao giờ nhìn thấy lỗ gió thổi tự nhiên. Khi đứng gần lỗ gió thầy cảm nhận được hơi ấm kỳ lạ. Vào mùa đông gió trở nên ấm áp, mùa hè gió lại chuyển mát mẻ. Đất này quả lạ kỳ, thầy hy vọng cây táo đỏ sẽ bén rễ phát triển tốt ở nơi đây…
Cây táo trồng xuống đất Đảm hồi hộp lo lắng. Không lo lắng sao được táo là cây trồng mới không biết nó có phù hợp với mảnh đất này không? Bao nhiêu tiền của, công sức đỏ dồn vào cả khu vườn, Đảm mong nó sẽ không phụ lòng người. Ngày anh cầm cuốc ra vườn cây. Có loại cây anh phát sạch cỏ nhưng có loại cây anh lại bứng cỏ từ chỗ khác về trồng vào gốc cây ăn quả. Có đêm nằm mãi không chợp được mắt anh lại cầm đèn đi ra vườn cây… trò chuyện với những cây táo. Chẳng biết đất có tai để nghe lời thủ thỉ, không biết cây có lắng nghe được tiếng lòng của anh mà chẳng bao lâu những cái mầm bắt đầu he hé ra từ những cành cây. Đảm vui lắm. Thế là cây đã bén vào đất. Đất đã ôm trọn lấy cây, tiếp mạch sống cho cây. Vùng đất này mưa nắng đan xen, nhưng khu vườn phải chủ động nguồn nước tưới. Sẽ cần phải có một cái giếng ở giữa khu vườn, nước sẽ theo ống nhựa tỏa đi bốn hướng tưới mát cho những cái cây vào mùa nắng nóng.
Một năm, những cây chuối đã bắt đầu cho quả. Người trong bản kinh ngạc những ngọn khoai lang to như ngọn bí lại được trồng trên mảnh đất cằn khô sỏi đá. Những ngọn khoai lang đã giúp Đảm nuôi những lứa lợn lớn xuất chuồng giúp vợ chồng anh có tiền trang trải hằng ngày. Những củ khoai lang ruột tím, đỏ ăn thơm ngon không nơi nào có được. Những người trước đây nói anh ngu, điên rồ giờ quay sang ca ngợi anh “cháu Đảm là người có học có khác. Dù có nằm mơ thì bác, cô cũng không thể ngờ khu đất này lại có ngày nở hoa thật. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm thành gạo, đất dù có cằn đến đâu cũng không phụ lòng người mang trong mình lòng quyết tâm và bầu nhiệt huyết cháy bỏng”. Đảm chỉ cười. Đảm đã làm nên được gì to lớn đâu. Mọi thứ chỉ đang mới bắt đầu. Khoai lang tốt, chuối cho quả ngọt mới chỉ là thành quả bước đầu trên con đường xa vời vợi mà anh đang hướng tới. Cây có cho lộc cho hoa cho con người không vẫn cần thêm nhiều thời gian kiểm chứng. Mà thời gian thì lao như con tàu chẳng đợi chờ ai, mỗi ngày trôi đi Đảm thấy quỹ thời gian của mình vơi đi một tý. Lời hứa với bí thư xã mới ngày nào mà giờ cũng đã gần hết. Phải gắng thôi, Đảm am tường chất đất, biết rõ nhiệt độ bốn mùa xuân hạ thu đông lẽ nào anh lại không thành công? Trên vai luôn kè kè cái cuốc, những bộ quần áo lao động sờn vai thấm đẫm mồ hôi được treo trên chiếc sào dựng ở hông nhà, Đảm muốn lưu lại những ngày gian khó của cuộc đời. Phải thành công Đảm luôn tự dặn lòng như thế. Toàn bộ đất đai đem cầm cố ngân hàng và núi nợ vay mượn bạn bè nếu không thành công lấy tiền đâu mà trả? Vợ con anh sẽ phải tay gậy tay bị ra đường xin bố thí lòng thương của người trong thiên hạ. Nghĩ đến đó thôi Đảm cảm thấy sợ. Nhiều khi anh thấy mình quá liều lĩnh, phiêu lưu khi nhận cho mình phần đất xấu lại còn hứa trong năm đến mười năm bắt đất phải nở hoa trước cuộc họp có bao nhiêu người chứng kiến.
***
Nhưng đất Khau Khà đã nở hoa. Chín năm Đảm đã làm nên kỳ tích. Những cây lê cây nào cũng cao bằng hai người đứng lên nhau, những cây táo tỏa bóng sum suê với những quả tròn to bằng nắm đấm phơi mình dưới ánh nắng mà Đảm mừng đến độ rơi nước mắt. Chưa rao bán trên trang mạng cá nhân đã có nhiều thương lái tự tìm đến đăng ký thu mua sản phẩm.
- Người anh em bây giờ đã là một tỷ phú có tiếng gần xa. Chỉ tính lê và táo thôi mỗi năm chẳng bỏ túi vài tỷ đồng? Tôi nói với người anh em khi vợ anh chuẩn bị dọn mâm cơm thịt gà om nghệ bốc khói nghi ngút trên mâm.
- Chưa được thế đâu bác Tuấn ạ. Mới chỉ trả được nợ thôi còn lâu nữa mới trở thành tỷ phú bác ạ. Vợ Đảm trả lời thay chồng.
Đảm không nói gì, anh chỉ mỉm cười. Một nụ cười bí hiểm. Đảm vẫn vậy, anh luôn là người không thể để người đối diện dễ dàng nắm được trong lòng và anh sẽ làm gì trong thời gian tới. Nhưng tôi biết Đảm đã thành công. Năm trăm cây táo không một cây nào chết héo, chỉ là cây cao cây thấp không được đồng đều. Những quả táo trên cành có quả to quả nhỏ quả mầu đỏ sẫm, quả hơi vàng đó là chuyện rất bình thường. Đến trứng do một con gà đẻ ra còn có quả to quả nhỏ nữa là quả của cây.
Bữa cơm trong ngôi nhà sàn giữa khu vườn của người anh em năm xưa ngon hơn những bữa cơm ở nhà hàng sang trọng mà tôi hằng thưởng thức mỗi ngày. Rau trong vườn không phun không bón một loại phân thuốc hóa học, gà thả vườn thịt chắc dai, nhưng miếng nào ra miếng đấy. Bữa cơm chỉ có ba người tôi, Đảm và anh bí thư. Vợ anh chỉ đến làm cơm rồi quay về nhà ở làng cách khu vườn non cây số. Vợ anh nói với tôi “các anh cứ tự nhiên em phải quay về nhà làng, đàn lợn đang đợi chăn, con đi học cả ngày tối mới về”. Thôi đành “kệ bà nó vậy”. Người anh em tôi chậc lưỡi.
Tôi mời lại Luyện chén rượu tiện hỏi anh vì sao năm xưa không tin vào khả năng của người bạn từ thuở chăn trâu tóc để chỏm? Luyện thoáng chút bối rối. “Không phải riêng mình tôi mà mười người thì cả mười đều không thể tin Đảm có thể biến khu đất xấu nhất làng thành khu đất cho lộc cho hoa làm đẹp cho đời. Đảm là tấm gương để những người trong xã học tập. Nhờ có những người như Đảm mà xã đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới trước thời hạn. Cuộc đời tôi rất may mắn khi có được một người bạn như thế”. Đảm mà cứ bám chân cán bộ xã sao có thành công ngày hôm nay. Sẽ chẳng ai biết đến Đảm, sẽ chẳng ai nhớ đến một người học trò mà thầy Khiêm quan tâm nhất. Đảm không cho tôi biết tổng thu nhập hằng năm của gia đình. Nhưng tôi biết số tiền anh kiếm được bằng mấy trăm lần lương năm của anh cán bộ xã. Trong bữa cơm Luyện luôn mồm nói “năm xưa nếu tôi quyết tâm giữ ông ở lại cơ quan thì không phải ai khác mà chính tôi là người cản trở thành công của bạn. Rồi mảnh đất này vẫn là mảnh đất bạc màu đá sỏi chẳng ai chịu nhận cải tạo đất trồng cây. Cứ để nó hoang hóa từ bao đời nay chẳng ai ngó ngàng tới”. Luyện không thể ngờ mâm cúng ngũ quả gia đình anh lại được trồng ở mảnh đất mà trăm người chê bai, mười người khẳng định đất sẽ không bao giờ cho ra trái ngọt mà Đảm cho con mang đến biếu bạn sáng ngày cuối năm.
***
Gần hai mươi năm kể từ lúc ra trường Đảm là người duy nhất chưa lần nào đến họp lớp. Khi tôi nhắc đến tên Đảm anh lớp trưởng còn hỏi “Đảm nào nhỉ?” Có người nói “Đảm người rừng” thì lớp trưởng mới nhớ ra. Nhớ thì để mà nhớ chứ sao liên lạc được với gã người rừng kia, thời đại công nghệ thông tin ai còn đi viết thư giấy. Điện thoại không ai biết số mà chẳng biết vùng người rừng giờ đã có sóng di động chưa? Có lúc tôi nghĩ Đảm đang mặc cảm về mình mà không dám đến họp lớp chăng? Đến gặp gỡ bạn bè xem ai có thể giúp được gì không? Không đến chẳng ai biết được cuộc sống, hoàn cảnh hiện tại ra sao cả. Nhưng khi tôi nhắc đến họp lớp Đảm nói, việc anh không đến họp lớp lần nào là bởi anh không muốn đến để nghe những lời khoe khoang. Một cuộc họp lớp vui vẻ mà người ta lại đem khoe nhà lầu, xe hơi, chức tước, vợ đẹp, con ngoan. Những cuộc họp lớp thiếu những lời thăm hỏi động viên chân tình, nghe mà buồn. Đó là điều mà Đảm không muốn. Tôi định hỏi sang năm người anh em có đi dự họp lớp không? Nhưng có lẽ tôi không nên hỏi thì hơn. Tôi không muốn mất vui với bạn trong lần gặp gỡ sau nhiều năm không có tin nhau. Phượt là sở thích từ nhỏ của tôi. Viết báo là nghề tay trái của tôi. Hai niềm đam mê kết hợp tôi đã gặp lại gã người rừng. Tôi sẽ có một bài viết về người rừng, dù tôi biết Đảm không muốn xuất hiện trên mặt báo. “Chẳng có một người lính lại thích khoe khoang cả”. Đảm nói với tôi.
Men rượu cay cùng vị ngọt đắng của chè đắng làm tôi chếnh choáng say. Tôi say với đất trời, say với con người, cây cỏ trên mảnh đất bạc mầu. Có phải thế mà đến chiếc xe máy, con ngựa sắt đã cùng tôi chinh phục những cung đường khó đề mãi chẳng chịu nổ. Vật vô tri cũng biết yêu thích mảnh đất này không nỡ rời xa chăng?
- Thế này thì anh Tuấn phải ở lại với chúng tôi thêm ít ngày rồi. Bí thư Luyện nói.
- Tôi đi cũng khá nhiều ngày rồi. Còn phải làm việc chứ, phép chỉ có vậy thôi. Tôi nói với hai người bạn. Vừa nói tôi vừa cố đạp chiếc xe, lần này nó mới chịu nổ máy.
Lúc tiễn tôi ra khỏi khu vườn xanh mướt thơm mùi hoa trái Đảm nói.
- Này người anh em sang năm tôi sẽ tặng bạn một cây đào phai uốn đúng hình con giáp mà người bạn cầm tinh. Tôi biết gia đình và người anh em thích chơi đào ngày tết mà. Đảm nói khi tôi đã nai nịt gọn gàng.
- Tôi thật vui, thật hạnh phúc cho tôi khi được người anh em tặng một cây đào chơi tết. Tôi hồ hởi ra mặt.
- Tôi cho đào còn chi phí vận chuyển người anh em khác chịu nhá. Đảm vui miệng.
- Người anh em cho đào đã là điều quý hóa không gì sánh nổi rồi. Tôi sẽ đánh xe lên trước vài ngày chơi chán, chừng nào vợ chồng người anh em đuổi thì tôi mới về.
- Người anh em nhớ đấy nhé. Đừng để thành phố ồn ào xô bồ bon chen mà quên đi lời hứa của mình đấy.
Tôi giơ hai tay lên ra chiều khẳng định những gì đã nói sẽ không bao giờ quên. Ngồi trên xe chầm chậm đi ra khỏi khu vườn, khi đi ngang qua khu đất trồng đào tôi đưa mắt nhìn ngang dọc, đâu đó đã có những nụ hoa đào thắm chớm nở. Xuân đang về, hoa đào, hoa lê đang nở trên vạt đất bạc mầu sỏi đá.
Thung Huê, những ngày đầu tháng 1/2018
N.Q.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét