Nhà văn Mang Viên Long
Tin Diễm xin một căn phòng nhỏ ở khu tập thể giáo viên đến sống một mình đã ba hôm rồi làm Vượng bàng hoàng. Anh không thể ngờ rằng ở người con gái có dáng vẻ yếu mềm, ít nói, thầm lặng như Diễm lại có được một nghị lực vững chãi đến thế! Tháng trước, Vượng có được nghe chị Tuyết kể lại chuyện Diễm một thân một bóng đến nhà gặp vợ chồng ông Thắng Đạt để bày tỏ tâm sự, cùng lời từ hôn với Đạt, sau khi vợ chồng ông đến bỏ lễ lần đầu mấy ngày. Kể xong, chị Tuyết kết luận: “Không ngờ con nhỏ mau nước mắt ấy thật quá bản lĩnh, trường hợp chị - chị chỉ biết có khóc…”
Vượng nhìn chị giây lâu, cười nhạt:
- Con người lý sự, miệng lưỡi như chị, sao “yếu” quá vậy?
Anh nói tiếp như không muốn để chị giải thích, thanh minh: “Ở đời, thường khuyên răn người ta thì dễ - còn đến thân mình, thì “không giống ai!”
Tuyết cười ngượng ngùng:
- Đây là việc trọng đại… Đến đàn ông con trai, có người còn chưa dám phản đối chuyện hôn nhân gán ghép của cha mẹ cho mình nữa kìa!
- Đó là loại đàn ông có bụng dạ của đàn bà, con nít. Vượng cười – Cưới vợ cho mình mà làm như cưới vợ cho… “ông bà già”!
Bây giờ thì Diễm đã rời xa gia đình giàu sang, ra ở riêng trong căn phòng ẩm mốc, lạnh lẽo, của dãy nhà phía sau khu trường học như một lời khẳng quyết. Vượng tự dưng cảm thấy mình như một nguyên nhân chính đem lại sự khổ đau, phiền muộn cho Diễm. Nàng đã chẳng có lúc nói bóng gió: “… Yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ không phải bao giờ cũng răm rắp làm theo, mà phải làm với ý thức tự chủ.” khi anh có ý dò xét xem phản ứng của nàng lúc anh thấy vợ chồng ông Thắng Đạt thường xuyên lui tới nhà nàng. Sau những giọt nước mắt, sau nỗi tuyệt vọng - tâm hồn trở nên cứng cỏi hơn, mạnh mẽ hơn ở Diễm. Có lẽ, đó là phút bùng vỡ mãnh liệt của bao dồn nén, ức chế bấy lâu? Cuối cùng thì Vượng đã quyết định tìm đến khu tập thể giáo viên để thăm Diễm vào một buổi sáng chủ nhật.
Đang cắm cúi bên xấp bài ở bàn, thoáng nghe tiếng gõ cửa nhẹ - Diễm quay lại, đã thấy Vượng bước vào. Nàng quay về với xấp giấy trước mặt, nhưng có lẽ chỉ để nhìn. Diễm vẫn ngồi yên lặng.
Vượng ngồi vào chiếc ghế độc nhất còn lại bên cạnh chiếc giường con đặt gần cửa sổ. Anh lên tiếng: “Em soạn bài à?”
- Em chấm bài…
Vượng cười: “Cô giáo siêng chấm bài, học trò mau giỏi…”
Im lặng một phút, Vượng hỏi:
- Em đến sống ở đây lâu chưa?
- Đến thứ hai này là đúng một tuần.
Sau câu nói, nét mặt Diễm có vẻ tươi tỉnh, linh động trở lại.
- Anh được chị Tuyết cho biết gần ba hôm nay, nhưng đến thăm em sớm quá sợ phiền cho em!
Nhìn thẳng vào mắt Vượng, Diễm thoáng cười:
- Em cứ ngỡ là anh sẽ chẳng bao giờ đến. Nàng dừng một giây – Hay nói rõ hơn là anh “không dám” đến…
- Sao anh lại không dám? Giọng Vượng trở nên khô cứng – Tại sao em lại có ý nghĩ kỳ quặc về anh như thế?
- Em xin lỗi. Diễm nhìn thoáng qua cửa sổ, buổi sớm mai đang rực rỡ trên những hàng chuối lấp lánh màu xanh non – Trong lúc cô độc và buồn, em thường có những ý nghĩ không được bình thường, em xin lỗi…
- Anh hiểu em. Vượng đứng dậy đến bên cạnh Diễm, hai tay vịn lên đôi bờ vai thon thả dưới lớp áo ngủ mỏng mầu hồng nhạt – Em đã làm anh rất khâm phục và tin tưởng…
- Chuyện gì đến sẽ phải đến thôi anh à! Diễm thở ra, nhẹ nhàng – Cuộc sống thật không đơn giản chút nào! Có thể nói là đầy rẫy những chướng duyên, bất trắc!
Bất chợt, Vượng cúi xuống hôn lên mái tóc nàng. Diễm khẽ rung động. Đôi tay nàng ấn mạnh lên xấp bài đang chấm dở dang trên mặt bàn, như muốn ghì lại sự xúc cảm đang rần rật trong từng thớ thịt. Và Vượng cũng không dằn nỗi lòng rạo rực yêu thương đang như hơi men đốt cháy tâm hồn mình. Vượng choàng hai tay qua vai Diễm, ôm nàng thật chặt. Anh hôn nồng nàn lên đôi má, đôi môi Diễm, cảm thấy niềm hạnh phúc đang ở bên anh, như chính anh có thể cầm giữ được. Vượng mân mê đôi vú căng đầy rung động của Diễm, như vỗ về nỗi khát khao yêu thương đã đôi lần thúc giục anh, bấy lâu…
Họ đã cùng nhau sống một buổi sáng đầu đời tuyệt vời trong căn phòng nhỏ, khép kín và ấm áp…
Bên ngoài cửa sổ nắng vẫn trong veo và lặng lẽ.
Gần nửa năm rồi Thảo Phương không thư từ, điện thoại cho Vượng - bỗng một buổi sáng anh nhận được tin nhắn: “Đến ga D.T đón em vào lúc 16 giờ ngày…”
Được tin, Vượng liên tục gọi cho Thảo Phương, nhưng bên tai vẫn nghe câu “Số máy đã tạm ngưng liên lạc, xin vui lòng gọi lại sau”. Chỉ còn vài giờ nữa là tàu rời ga Sài Gòn sẽ đến ga D.T. Vượng bồn chồn, cứ chốc chốc đưa tay lên xem giờ. Cuối cùng, Vượng xin phép rời bệnh viện sớm để đến chỗ làm việc của chị Tuyết.
- Có chuyện gì mà em vội vã dữ vậy, Vượng?
- Chị ra phòng khách em gặp riêng một chút…
Đến phòng khách không đợi chị ngồi, Vượng kéo tay chị lại gần: “Thảo Phương nhắn tin bảo em đến ga D.T đón nàng lúc 16 giờ chiều nay.”
- Sao lạ thế? Chị Tuyết mở to đôi mắt nhìn chăm chăm vào mặt Vượng – Đã nửa năm không có tin tức gì cả mà! Có lẽ Phương đang gặp chuyện gì bất thường…
Vượng đứng lặng.
- Phải thế không? Chị hỏi tiếp.
- Đúng vậy. Vượng thở dài – Có lẽ chị nên đến thăm Diễm giùm em ngay chiều nay!
Vượng vội vã quay đi.
Chị Tuyết chợt gọi: “Này, Vượng…”
- Em đón Thảo Phương rồi đưa Phương về đâu? Giọng chị lo lắng, do dự.
- Nàng không có ai bà con ở Quy Nhơn cả. Vượng buông thõng – Có lẽ về khách sạn!
- Em nghĩ vậy sao?
Vượng đứng im, díu mắt nhìn lên trần nhà. Giọng chị Tuyết bỗng vang lên:
- Không được! Chị nói như ra lệnh – Em đưa cô ấy về quê với mẹ …
- Về quê? Sao chị lại nghĩ lạ lùng vậy?
- Ừ. Về quê… Không còn chỗ nào thích hợp nữa đâu. Đi đi. Em cứ nghe lời chị, không thắc mắc gì cả!
Chỉ còn bốn mươi lăm phút nữa là đến giờ hẹn, Vượng phóng xe về phía ga D.T như một tay đua biết mình sắp thua cuộc. Đầu óc quay vòng, lộn xộn với mối nghi ngờ căng thẳng mập mờ, không có lối thoát. Câu hỏi “Thảo Phương bất ngờ đến thăm mình là có chuyện gì nhỉ?” cứ quay vòng trong đầu khiến anh cảm thấy nhức buốt. Đã hơn nửa năm qua, ngay cả mấy ngày nghỉ cuối năm, ngày Tết, nàng cũng không hề gọi cho mình cơ mà? Vượng đã chủ động gọi vào cho nàng mấy lượt, có lúc máy bận, có lúc Thảo Phượng hẹn đến tối sẽ gọi lại nhưng đợi mãi không nghe máy báo. Ba tháng sau này, Vượng không gọi thêm lượt nào nữa, và yên tâm để nàng thong dong với niềm vui mới nào đó. Thế cũng tốt. Mình không đủ khả năng để lo toan cho nàng hạnh phúc thì có ai đó “hội đủ tiêu chuẩn” hơn, lo cho nàng trọn vẹn hơn, thì nàng có quyền tự do chọn lựa cho đời mình. Vượng chỉ cảm thấy lòng rộn lên chút chua xót đắng cay nhẹ nhàng. Rồi ngậm ngùi buồn! Không hề oán trách than vãn. Cuộc sống xưa nay vốn vậy: Người ta vẫn thường đem mọi thứ lên cân tiểu ly - kể cả tình yêu thương, mà chẳng hề động lòng ngó lại! Thảo Phương cũng là một người bình thường như vậy thôi!
Không tin ở mắt mình - Vượng tìm gặp cô nhân viên phòng điều vận, hỏi lại.
- Chúng tôi đã có viết thông báo rồi, mời ông ra xem. Cô nhân viên lơ đãng trả lời.
- Nhưng có thật vậy sao?
Cô ngẩng lên nhìn vào mắt Vượng - vừa khó chịu, vừa lạ lùng: “Ở đây, chúng tôi có thể đùa sao? Ông có bị “ấm đầu” không đấy?”
- Xin lỗi. Vượng thốt lên, nghĩ ra câu hỏi của mình ngớ ngẩn thật, vội vã bước ra…
“Tàu S1 khởi hành từ Ga Sài Gòn lúc 5 giờ sáng ngày (…) theo lịch trình sẽ đến ga D.T vào lúc 16h30’ chiều nay (…) đã gặp tai nạn tại cung đường Cam Ranh - Khánh Hòa lúc 12g25’. Xin thông báo cùng quý khách được biết. Có tin tức gì thêm chúng tôi sẽ thông báo sau”. Mẩu tin vắn tắt đậm nét trên bảng thông báo đã như ngàn tia chớp cực sáng khiến đôi mắt Vượng hoa lên, choáng váng. Anh đứng lặng im bên bảng tin, trong tiếng bàn tán ồn ào, hốt hoảng của đám đông bu quanh!
Vượng biết thêm thông tin về vụ tàu S1: Hành khách bị thương lên đến vài chục, một số ít người rất nặng. Tất cả đã kịp thời được chuyển về bệnh viện đa khoa thành phố Nha Trang cấp cứu. Vượng gọi cho Đệ đang làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy - rất may, Đệ cho biết Thảo Phương đã được người nhà ra Nha Trang đưa về, hiện đang được tiếp tục điều trị ở Chợ Rẫy. Anh còn cho biết thêm, chính anh đã tiếp nhận Thảo Phương trong ca trực ở phòng hồi sức cấp cứu tuy lúc ấy nàng chưa tỉnh để nhận ra anh.
Vượng nói qua máy:
- Cậu thay mình săn sóc giúp Thảo Phương nhé! Nay mai mình xin phép nghỉ vài hôm là sẽ vào ngay!
Tiếng cười bên kia vọng lại:
- Cậu yên chí đi! Thảo Phương đã nhận ra mình sáng nay. Sẽ làm tất cả những gì có thể làm được…
- Cám ơn cậu!
Trong lúc chờ đợi Ban giám đốc duyệt ký giấy phép, Vượng nghĩ ngay đến Hoàng Nhân - cô bé dược sĩ đã được Thảo Phương coi là bạn “chí cốt” của mình.
Vượng gọi cho Hoàng Nhân.
Hoàng Nhân vui vẻ kể lại từ lúc Thảo Phương được đưa về Chợ Rẫy khoảng 11 giờ đêm đến nay, đã uống được sữa. Và theo bác sĩ Đệ thì “Cơ nguy kịch đã qua rồi!”
Dừng một lát, tiếng Hoàng Nhân thầm thì:
- Anh Vượng biết chuyện này chưa?
- Chuyện gì? Hơn nửa năm rồi …
- À, có lẽ là anh không biết… Ngay ba má và anh của Thảo Phương cũng chưa biết!
- Chuyện gì vậy, em?
Một khoảng im lặng.
Vượng lên tiếng:
- A lô!
- Em đang nghe đây!
- Hoàng Nhân cho anh biết ngay đi! Anh hứa sẽ làm theo ý em…
Tiếng thì thầm đều đều:
- Sau khi Thảo phương học thêm lấy được cử nhân Quản trị Kinh doanh, một doanh nhân trẻ người Đài Loan đã đến nhà thương lượng với ba má Thảo Phương mời vào làm cho công ty sắp khai trương của ông ta với chức vụ Phó giám đốc kinh doanh - Điều hành. Thế là họ thường gặp nhau. Đưa nhau đi tham quan, làm hồ sơ, ăn uống gì đó cả mấy tháng. Em cũng chỉ biết có vậy! Nhưng trước ngày Thảo Phương quyết định trốn về với anh một tuần, nó cho em biết đã có thai gần hai tháng, sau buổi tối dùng cơm với hắn tại khách sạn Asia Star, bị cho uống thuốc ngủ và kích thích. Tên Đài Loan đã bỏ về nước, đúng hẹn mà không trở lại. Nghe đâu hắn ta còn lừa gạt nhiều đám, cả tình và tiền! Biết vậy, nó khóc với em quá trời! Nó đòi tự vẫn. Em đã an ủi, nói với nó: “Cậu ngu sao mà hủy hoại thân mình, cả con mình? Cuộc đời cậu chỉ mới bắt đầu. Cậu hãy can đảm đứng thẳng dậy, bước tới - vững chãi hơn sau lần bị vấp ngã này… để không khỏi ân hận tiếc nuối đã được sinh ra làm người mà là một con người thông minh, xinh đẹp như cậu!”
Vượng im lặng. Có lúc nhận thấy như tai mình không nghe được gì. Bỗng tiếng Hoàng Nhân vang lên: “A lô. A lô… anh có còn nghe em nói không?”
- Có. Có… Anh đang nghe em đây mà! (Hết chương 3)
M.V.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét