Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Cuộc đời chật quá
1.
Mẹ chắc đã đọc thư, buồn lắm. Nhưng con gái đã đi xa rồi. Tôi cảm giác nỗi sụt sùi ở xóm quê nghèo tủi hờn đó. Lo mẹ không biết làm sao để chống đỡ những ánh mắt đã từ lâu cự tuyệt sự hiện diện của mẹ trong giáo dân. Mẹ chẳng dám đến nhà thờ mà ngồi nhà đọc kinh, lần hạt nguyện cầu.
Vùng ngoại ô thành phố, nơi người ta vẫn xây cất nhiều chỗ để những đứa con gái như tôi có chốn làm. Nhiều đoạn đường, con gái hở hang đứng vẫy như bướm. Gặp rất nhiều bạn, mỗi đứa một hoàn cảnh. Lâm vào con đường này, đứa dễ, đứa khó, chỉ mềm lòng, ham hố một chút là vấp ngã. Hạnh quê ở VP, nó nói làng nó con gái đi làm nghề này cả. Làm kiếm tiền về xây nhà. Nghe chua xót! “Tao không tin là có chuyện đó thật”. Hạnh trề môi: “Thời nào rồi mày còn có tư tửơng đó. Không tin mày theo tao về mà xem”. Tuy không truy cứu nó nói đúng hay sai, nhưng một lần hai đứa đã rủ nhau về. Và để chứng kiến những chuyện khó tin. Đó là sự thật, một sự thật phũ phàng, nhức tấy những tâm hồn trong trẻo. Tất cả vì chữ: tiền. Một chữ thôi mà bao con người cày cục cả đời để kiếm nó, tiến đến gần nó, tìm mọi cách vơ nó vào túi mình càng nhiều càng tốt. Những đứa con gái mang đời rao bán, bố mẹ ở nhà chờ con mang tiền về, đắp điếm cho cuộc sống. Một cuộc trốn chạy khỏi cái nghèo và nỗi vất vả phải trả giá bằng trinh tiết cộng thêm nỗi tủi cực suốt đời. Số phận của Hạnh chẳng kém tôi phần đau đớn. Trên mình nó đầy vết thương do bàn tay bạo hành của chồng. Những vết thương chồng lên vết thương. Có đợt Hạnh kể, nhiều lúc, vết thương kéo vảy toàn cơ thể, nó không dám thay quần áo nhiều, vì sợ vẩy đó bám vào áo, bóc ra thành tảng. Đêm đêm, hai đứa thường ngồi tâm sự với nhau đến khuya khi không có khách. Nó có một đứa con gái. Mẹ làm điếm nuôi con. “Hì hì... mày có thấy kinh tởm không Vy?”. “Không” - tôi lắc đầu. “Hoàn cảnh mà, chúng mình bị đẩy đi. Kinh tởm là những người đã không công nhận sự vất vả của chúng mình, là những kẻ đã quên mất mình từng kinh tởm” Chúng tôi động viên nhau: Không ai thông cảm thì tự thương mình.
Hạnh vì hoàn cảnh phải kiếm tiền nuôi con, không còn cách nào khác. Lắm lúc lòng rười rượi nghĩ về ngày mai. Chúng tôi có ngày mai? Hay những ngày mai của chúng tôi phụ thuộc vào những gã đàn ông ham của lạ? Bế tắc trước một con đường tăm tối chưa lối thoát, hai đứa khóc rồi lại cười như hai con điên:
- Nhờ bọn đàn ông đó, chúng mình không sợ chết đói.
- Đúng, kẻ gọi là chồng đã làm đời tao ra nông nỗi này - giọng Hạnh nghèn nghẹn- còn lũ đàn ông ham hố tạo cơ hội cho tao kiếm tiền. Oái oăm quá Vy ơi! Biết thế không bao giờ lấy chồng. Chồng mà có ra chồng đâu, cứ để cho cái đó nó nghỉ, rồi phục vụ những thằng đàn ông, nó còn cho tiền. Sướng hơn nhỉ.
- Chúng mình không lo chết đói. - Tôi nói thêm - có đàn ông ham chơi thì không chết đói. Tao nghĩ kỹ rồi, đến nước này thì cứ tiến lên. Chỗ nào có tiền thì xông vào.
- Phải mà, đàn ông đến đây không bao giờ hết.
...
2.
- Em làm nghề này từ bao giờ?
- Từ khi chưa biết mặc quần lót.
- Xạo quá. Nhưng anh lại thích cái kiểu đùa của em. Em đúng là hóm hỉnh.
- Em rất yêu đời.
- Ai chả yêu đời.
Tôi chun mũi:
- Ngay cả khi em là con điếm? Anh có công nhận em có quyền yêu đời không?
Vị khách cười hềnh hệch. Nhưng anh ta đã thắp cho tôi một ngọn nến, dù bé nhỏ để tự tin phần nào. Chúng tôi ân ái trong nhiều giây phút, anh nói vui sướng, lâu lắm mới tìm được người như em. Câu nói ấy đủ để tôi châng lâng biết bao, một thứ đồ bị cất giấu trong hầm mộ, giờ được lôi lên lau đi lớp bụi bọc quanh, phải không đời? Và tôi cười. Lát sau khóc. Tôi vẫn nghĩ nước mắt chỉ dành cho nỗi buồn, nhưng không, khi vui cũng có nước mắt. Hôm nay tôi sao thế này. Hay đã tìm được niềm hy vọng vào một người khách chơi qua đường?
Đêm ấy, tôi ngủ trong nỗi xốn xang. Cả niềm hy vọng thức cùng mấy ngày sau đó.
Nhưng nó bị tắt ngấm khi gặp một vị khách khác. Một bóng đen đối lập lù lù tiến vào căn phòng, đổ gục lên người tôi, và sau đó phong toả tâm lý tôi bằng những lời đay nghiến thô bỉ.
- Hãy chiều chuộng anh. Anh có tiền, em làm tình cho anh, giá một triệu.
Tôi làm, nhưng hắn đã đòi hỏi vô lối, với những kiểu mà không làm sao chấp nhận đựơc. Tôi bỏ giữa chừng.
- Chê một triệu hả cô em?
- Em chỉ làm được đến thế thôi, anh đòi hỏi quá, em không làm được.
- Vậy thì thôi.
- Anh hãy trả em một nửa.
- Cũng như hợp đồng kinh tế thôi, bỏ giữa chừng thì bị phạt. Không trả tiền.
- Em không biết, anh đã hứa rồi. Dù sao em cũng đã mất công, anh cho em xin một nửa.
Tôi xuống giọng, đưa anh ánh mắt ngọt ngào, nụ cười dịu dàng. Nhưng không ăn thua gì cả. Hắn đã tỏ ra khó chịu và nhất quyết không bỏ tiền ra.
- Không nói nhiều, em đi ra ngoài.
- Anh đừng định ăn quỵt.
Một triệu trợn mắt.
- Này, mày chỉ là con điếm thôi nhé. Tao không trả mày cũng chẳng làm gì được. Đã làm điếm thì kiểu gì cũng phải làm. Không làm đừng nói chuyện tiền. Tao đi khắp nơi, chưa bao giờ bị mất hứng như thế này.
- Im đi, tao làm điếm đấy, nhưng điếm cũng có lòng tự trọng. Điếm cũng là người chứ không phải cỏ rác.
Tôi nảy đom đóm, sự xúc phạm đã khiến lòng tôi rung lên. Chưa bao giờ tôi dám to tiếng với khách, nhưng cái ngưỡng chịu đựng đến thế thôi. Tôi nói cho hả giận rồi bỏ hắn nằm trơ tráo trên giường. Biết rằng sẽ lại bị mắng. Sự nhục nhã đã làm tôi bừng tỉnh trong ngần ấy thời gian mê man tiếp khách. Tôi nhận ra mình đang làm những gì. Vũng bùn mình lội vào đã quá lún sâu, bước qua nó lại là vũng khác.
Cuối trời chênh chếch một mảnh trăng, lào thào gió thở và nhoi nhói trong tim đứa con gái tơi tả sau nhiều cuộc chơi. Tôi đi rong đường và ngấu nghiến cảm giác chông chênh. Nhìn những đôi yêu nhau, tự dưng mơ một cuộc tình dài, một niềm hạnh phúc với người yêu dấu. Tôi đã bao nhiêu tuổi và, hạnh phúc có đợi tôi (?)
3.
“Thằng chó, ăn xong chạy làng! Sao có lắm thằng muốn chơi không muốn trả tiền thế!” Hạnh càu nhàu mãi về chuyện một người khách không muốn trả tiền sau cuộc hái hoa. Nó kiệt sức, ra máu nhưng vẫn cố tiếp khách để gửi tiền về. Con nó nhiều sài nhiều đẹn, chẳng mấy ngày không đến thăm thầy thuốc. Tôi cầm đưa nó ít tiền: “Mày cầm của tao đi, mang về đưa mẹ chưa cho con rồi lại xuống”. Hạnh ngăn tay tôi lại: “Mày cần hơn tao mà”. “Nhưng lúc này mày cần hơn tao, cầm đi”. Hạnh cầm tiền, chiều mang về quê sớm sau đã xuống tiếp khách. Bị vãi máu ra đệm, mất vệ sinh, người nằm cùng đuổi ra ngoài. Khách thắc mắc với chủ, không thanh toán phòng này. Hạnh phải nghe những lời khiển trách.
Một tuần sau, bao cuộc chơi khác đã xảy ra. Thân xác nó bị hạ gục nhanh chóng, nằm xuống, chẳng khác nào một đống giẻ rách. Đi viện, bác sĩ nói nó bị nhiễm trùng phải chữa trị mất nhiều tiền. Sốt cao, người co giật đến thảm hại, máu và nước ứa ra từ cái lỗ nhăn nhúm đã quá rỗng rễnh, không còn khả năng níu giữ. Tôi ở lại chăm sóc nó được hai ngày rồi trở lại làm. Một tuần không thấy Hạnh đỡ, tôi lại vào viện. Nó vẫn nằm bất động, nhỏ bé yếu ớt. Tôi nghĩ đến kẻ được gọi là chồng nó. Lúc này hắn ở đâu?
- Là một con điếm khổ quá, không dám cầu cạnh gì bác sĩ. Người ta hỏi chồng tao đâu. Tao không nói được gì. Không có người nhà, tao biết những người ở đây họ đoán được tao là ai. Có lẽ tao chết mất. - Hạnh thở dài, đôi mắt đen to trũng xuống, u ủ buồn.
- Mày đừng nghĩ dại, còn con. Phải cố sống mà nuôi nó thành người.
- Nếu không có nó, tao chết lâu rồi.
4.
Hải tìm thấy tôi trên đường, sự hiện diện này như một cơn gió. Những tưởng anh sẽ không thể tìm thấy vì tôi cố tình trốn. Nhưng cái duyên đã dẫn dắt chuyện này. Lúc này, giọng anh vẫn mát như cơn gió nhiều hơi nước. “Em chẳng chịu liên lạc với anh, anh tìm em mãi. Cuộc sống của em thế nào?” Dường như giọng tôi không thể tử tế hơn, vẫn phũ phàng như cuộc chạy trốn: “Vẫn thế thôi, ngày càng đắp nhiều bùn đất lên mình” .
Tôi là đứa con gái đầy khiếm khuyết và đang cay đắng sống, không bao giờ nghĩ mình sẽ cướp anh của người vợ tất tưởi quanh năm ấy, và những đứa con cần có một người cha chân chính làm chỗ dựa. Tôi không thể như một-người-đàn-bà nào đó, đã cướp cha tôi từ tay mẹ, và tôi sống thế này. Chắc chắn các con anh cũng căm thù người đàn bà nào cướp cha của chúng khỏi tay mẹ chúng, khỏi cuộc đời và những tâm hồn bé nhỏ ấy, giống như tôi từng căm thù.
Anh theo tôi về nhà nghỉ, nằm vật trên giường, đợi chờ một điều gì đó, có thể là những cái vuốt ve, hay vài ba câu nói thổ lộ sự xiêu lòng. Anh cần nhiều thứ nữa. Lòng tôi đã tan nát rồi, chắp vá lại thì cũng chẳng khâu lành những vết thương. Sự dơ dáy cũng chẳng bao giờ gột rửa được, tôi chẳng bao giờ quên được mình đang là một con đĩ. Vậy thì làm sao mơ ước một tình yêu nơi anh. “Em ghét anh thế sao, Vy? Anh đã tìm được công việc cho em rồi, ngay hôm nay anh sẽ đưa em đi làm”. “Không, em không đi đâu hết. Em chỉ tiếp được thế thôi, anh về đi”. Vài phút đồng hồ trôi đi trong im lặng. Nụ cười của Hải nhếch lên, mỏi nhừ. Anh hâm nóng câu chuyện bằng một lời nói đùa và chìa ra chiếc dây vàng. “Anh vừa mua đấy, em có thích không?” “Nó không phải là của em”. “Từ bây giờ nó thuộc về em, anh tặng em”. Tôi đẩy tay anh ra, cùng lúc ấy hình ảnh những đứa con anh nheo nhóc lê lết trên sàn đất. Chợt rùng mình. “Anh cầm về đi, hãy tha cho em”.
Tôi mở cửa, ào ra. Không thể cố gắng yêu, cố gắng gần gũi anh trong lúc này. Cầu mong cho anh nghĩ đến gia đình. Và, nếu như cha tôi có một chút nghĩ cho gia đình...
5.
Tôi đứng dưới gầm cầu, ngửa mặt nhìn trời. Đêm nhoè nhoẹt ánh đèn, thấp thoáng bóng hình của những cô gái ăn sương. Trời thì cao đất thì dày mà không tìm được hạnh phúc của mình, những đứa con gái cùng thân phận có khác chi. Tôi muốn hét lên nhưng cổ họng nghẹn ứ, mùa đang dồn những cơn lạnh trườn về thành phố. Máu cùng nước trong người tôi ộc ra, bụng đau thắt, đang có nguy cơ mắc lại căn bệnh của Hạnh. Mấy ngày nay tôi không muốn đụng nước, thân người lên men cùng những ngày tháng đã khăm khẳm. Người bạn thân nhất của tôi chết rồi. Bệnh tật đã mang Hạnh đi, bớt đau đớn nhưng lại là sự bất hạnh với đứa con và người mẹ già. Những người mẹ giàu nước mắt. Nhiều ngày nằm viện, thuốc thang và những mũi tiêm cắm vào người trong hơn một tháng trời nó chỉ còn da bọc xương, thương vô cùng. Không có tiền, mỗi đứa chúng tôi bảo nhau gom góp. Trong nhà má mỳ này có tới gần ba mươi đứa, chúng nhiệt tình giúp. Vậy mà không cứu đựơc Hạnh.
Tôi trở về nhà chứa trong đau đớn vô bờ, muốn về với mẹ nhưng toàn thân rệu rã, chân rạc rài bước run, làm sao về. Má mỳ ở đây tốt bụng hơn, bảo tôi nghỉ ngơi, chữa trị thuốc thang cho khỏi rồi làm tiếp. Tôi căm thù những gã đàn ông ham hố dù là tôi đang sống bằng tiền của họ, ngày ngày moi tiền từ trong túi họ. Vì thói đó mà tôi mất cha, mẹ mất chồng. Cha tôi giờ ở nơi nào, sống hay chết. Dù sao đó cũng là một bất hạnh không thể nào bù đắp. Cho nên còn ủ bệnh tôi vẫn tiếp khách, tôi muốn những kẻ đó phải nếm mùi máu me, phải nhìn thấy sự ghê tởm nhục nhã của đứa con gái điếm đang chịu, mà một phần do họ gây ra.
6.
Trong bữa ăn, tôi dìm ngập miếng thịt luộc trong bát nước chấm, rồi vớt lên, thận trọng như vớt định mệnh đời mình.
Mấy đứa con gái tổng kết xem mình đã tiếp đến bao nhiêu đàn ông. Hai ngàn. Một đứa nói. Mỗi ngày tiếp gần mười cơ mà. Ngày nào cũng thế. Đứa khác lại nói chừng một ngàn thôi, mới từ quê ra. Còn con An không thể nào nhớ nổi đã bao nhiêu gã đàn ông đo trên bụng mình. Gái điếm còn có ngày ngồi kể lại chiến công, rồi cười, rồi thở dài, biết bao giờ đủ tiền dự định mà về. Biết bao giờ kết thúc cái nghề bán trôn nuôi miệng? Cảnh buồn bã chờ khách này, không hiếm ở bất cứ ở chứa nào. Và chỉ cần một tiếng “có khách” là tất cả được dựng dậy ngay, tức khắc, không cần nói thêm. Vì ai cũng mong mình đừng bị ế, mốc mép cả ngày, đánh phấn nằm đợi rạc rài mà hết ngày phải đưa tay mài kỹ, rửa đi.
Còn những chuỵên chí choé, cãi cọ nhau, hằn học, bôi xấu... thì diễn ra thường xuyên, thậm chí, còn tung cái của quý của mình cho bạn ăn nữa, người mà.
Tôi đứng dậy, bỏ ra ngoài thì bảo kê gọi tên. Sửa soạn qua quýt, tôi được điều vào phòng. Một người đàn ông cởi trần đã nằm sẵn, tóc hoa tiêu. Khẽ khép cửa, tôi tiến lại gần. Người đàn ông nhìn tôi. Trời ơi! Tim tôi nứt toác, và chết điếng trong người. Chai bia trên tay rơi xuống vỡ tan, sủi bọt, mắt mũi tối xầm, đầu óc quay cuồng. Tôi quay đi, mở cánh cửa và vụt ra, không cần biết cánh cửa đó sẽ hét lên thế nào, người đàn ông có lẽ đã nhận ra.
Tôi lao ra đường, chạy như con điên rồi chẳng hiểu sao lao xuống gầm cầu. Dòng sông mùa cạn trơ cát. Tôi bưng mặt khóc, ngửa mặt nhìn trời, gọi mẹ. Người đàn ông vừa gặp là cha tôi. Mẹ sẽ ra sao khi biết tin này, còn múôn tôi tha cho kẻ phụ tình? Trời xầm xì dự báo một cơn mưa. Đổ gục xuống, vùi đầu vào cát, vùi vào nỗi đau tan nát lòng. Và cơn mưa nuốt chửng lấy tôi.
7.
Trở về gặp những lọn khói leo lét trên ngọn tre, không gian ủ rũ một màu nhạt nhẽo, gió cõng nước từ sông trườn lên lành lạnh, tôi cảm nhận chuyện gì chẳng lành đang diễn ra, rờn rợn sau gáy. Mẹ. Tôi chạy vù qua đường đê, chập chững bàn chân quá nhỏ, tưởng không còn có thể đỡ được thân thể nặng nề nỗi sợ.
Quả nhiên, mẹ đang lâm bệnh nặng. Vừa nhìn thấy con gái, mắt mẹ đã thao thao, vít cổ tôi xuống, mà nức nở, má tôi, và cả tai tóc đều thấm nước mắt. Tôi phục mẹ mình, bao nhiêu đau khổ đi qua mà mẹ vẫn còn nước mắt.
Chắp vá lại lời mẹ kể, tôi hình dung ra một viễn cảnh đau lòng bày ra trước mắt. Sự khinh miệt đã triệt để xâm vào cuộc sống mẹ. Mẹ ốm kiệt sức, giường như không thể đi dài. Không ai mua thuốc mẹ nữa, mẹ mua hàng ngoài cái chợ nhỏ ngã tư, không ai bán. Mấy cửa hàng cóc cũng không. Dường như họ đã biết chuyện của tôi. Bấy lâu, con gái trong làng này, cứ ra khỏi luỹ tre làng, lên phố trở về ăn mặc hơi bóng bẩy một chút là bị buộc cho những lời xì xào, chê bai, xỉ vả. Tôi càng hiểu nguồn gốc vì sao mà gia đình mình bị khinh miệt. Bà tôi thường ra thị xã lấy thuốc, dì tôi lấy chồng xa, giờ cũng làm lụng ở một nơi nào đó, còn mẹ tôi, vì cưu mang một kẻ nợ nần ăn mày ở nơi khác đến. Đám cưới ấy đã nhận được rất nhiều dè bỉu. Vậy mà mẹ ơi, sao mãi bám lấy cái mảnh đất tối tăm này? Tôi đã thốt lên đắng đót. Mẹ chùng mắt xuống, rưng rưng: “Bà ngoại đã mua cơ ngơi này bằng bàn tay của mình”.
Đêm mẹ lên cơn sốt cao. Tôi chạy đến cầu cứu bác sĩ làm trạm trưởng của trạm xá. Cậy nhờ ông đến khám giúp. Ông ta he hé cánh cửa và đóng sập khi tôi trình bày. Thất vọng đến một hiệu thuốc tây, một cái vẫy tay vô tình đưa lên tiếp đón.
Về nhà trong não nuột. Mẹ bảo không cần, sẽ không ai bán đâu. Mà có mua được thuốc thì phải đạp xe cách đây hai cây số. Mẹ nói không cần thuốc nữa, chỉ cần tôi.
- Tao bảo mày rồi mà, đừng đi nữa, tao cần mày ở bên.
- Con xin lỗi mẹ, giờ con sẽ ở nhà chăm sóc mẹ, không đi đâu nữa. Để con cõng mẹ lên kia, mẹ phải chữa bệnh. Phải chữa mẹ ơi. Tôi van vỉ để được cõng mẹ trên lưng, để kéo dài tình thương mẹ dành cho con gái, để tôi còn tựa nương, để tôi còn báo đáp nghĩa ân người.
Đoạn đường hai cây số đã vượt qua, tôi gần như không còn đứng nổi khi đến nhà bác sĩ già, chỗ bà tôi trước kia quen biết. Mẹ người nhỏ thó, vài chục cân, nhưng đoạn đường dài ấy, tôi phải nghỉ nhiều lần. Mẹ cứ thều thào, mang tao đi làm gì, mệt ra, ở nhà có hơn không.
Ông bác sĩ nói: “Bệnh mẹ cháu nặng, sao không đưa lên viện trên. Thôi được rồi, ông sẽ tiêm, và đưa thuốc. Đưa mẹ về, ngày mai, nếu không thuyên giảm, nhất thiết phải đi viện trên, nhé. Mai ông sẽ xuống dưới đó xem cho”.
Giữa đường về hai mẹ con gặp mưa, nước mưa trút xuống, lạnh, và trĩu nặng. Mẹ tôi run bần bật.
Tôi loạng choạng trong đêm, cố giữ để mẹ đừng rơi khỏi lưng. Mím môi, cố sức. Mong trời đừng cản lối hai mẹ con.
Vẫn phải nghỉ lấy sức, và khi lê được mấy bước nữa thì tôi đổ gục, mẹ ho khù khụ. Tôi cố vùng dậy, không thể để mẹ ở giữa đường mưa gió thế này. Xốc mẹ lên lưng, lê từng bước, từng bước. Tôi tự bảo mình đừng chùn bước, đừng nản lòng. Cứ đi, cứ bước. Mẹ yên tâm, con đang thắng cơn mưa này. Mưa ơi, đừng rơi nữa, đường ơi, đừng dài ra, và chân ơi, đừng mềm nhũn thế, cứng rắn lên. Người mỗi lúc một nặng và lạnh, toàn thân tôi lập cập run, và, lúc này không còn nghĩ được gì khác là phải đưa mẹ về, sự sống chết của mẹ quan trọng với cả đời tôi, quên lạnh buốt, bải hoải là hơn.
Cố lên chân ơi, lưng ơi.
Và, ông trời cho về đích.
Đến nhà, tôi không còn chút sức lực nào, nằm thoi thóp chừng nửa tiếng đồng hồ ở cửa, mẹ cũng nằm đó, không nhúc nhích. Tôi chợt nhớ ra, lại cố lê vào lấy quần áo thay để mẹ bớt lạnh. Lo xong cho mẹ, sờ lên mình, tôi cũng nổi cơn sốt cao.
Sáng sau tôi cố bón cho mẹ bát cháo. Cả đêm qua, cố gắng lắm mẹ chỉ ăn được mấy thìa. Mừng vì mẹ ăn được một bát, mẹ nói hoạt hơn, có ai ngờ đó lại là giây phút cuối dẫn đến cơn hấp hối, để rồi không bao giờ được nghe tiếng mẹ nữa.
Mẹ phát ho, sặc sụa nhắm mắt nhắm mũi, bát cháo và mấy thìa nước hoa quả trong bụng giờ phun ra, tưởng cả tấm phổi già nua kia cũng bong luôn. Một người đàn bà - mẹ - hơn bốn mươi, chẳng khác gì bà già bảy mươi. Mắt mẹ tái dần, tay vẫn đặt lên tóc con, thều thào: “Con về... sống...bình... bình... và tha cho... bố...”. Tay mẹ lỏng dần, lỏng dần rồi từ từ trễ xuống, không cảm giác, bất động. Tôi gào lên, bỏng họng. Gọi làm sao được người mà quả tim đã im thin thít...
Giây phút này, mẹ ơi. Buồn gì hơn, mẹ nằm như khúc gỗ, không bao giờ dậy nữa, mãi mãi. Con phải làm gì đây, sống thế nào đây. Mẹ ơi, mẹ, mẹ ơi... Con gọi mẹ trăm lần, nghìn lần, mẹ có nghe thấy không? Mẹ có biết con đang kêu gào.
8.
Mẹ chết khi lòng đầy thương tích. Đám ma chỉ một rúm người, ngoài mấy người bà con xa lơ xa lắc, họ làm cho qua chuyện, vì như thế họ sợ một cái xác để lâu trong ngôi làng được gọi là mộ đạo này. Đám ma, mẹ không đựơc mang đến nhà thờ đọc kinh cầu, không có cha xứ làm phép, chúc cho người về nước Chúa. Linh hồn mẹ tôi thành lạc lõng cô đơn, biết Chúa có thương tình, để mẹ dầm mình trong lửa luyện ngục (Người tội nhẹ qua lửa luyện ngục) rồi đưa mẹ về trên Nước Người?
Rất nhiều những cơn mưa đã tao tác rơi trong thời gian đó. Cả thân mình tôi ngấm nước mưa. Trong một thời gian ngắn mà phải chứng kiến hai cái chết, tơi bời đớn đau. Bóng người liêu xiêu đưa quan tài về thánh địa, lấp đất qua quýt, rồi bỏ đó. Có lúc tôi ngất lịm, không biết gì, lúc tỉnh dậy một người tỏ vẻ thương tâm “Hãy bình tĩnh mà lo hương khói cho mẹ mày”.
Buồn như thế đó, tôi giờ không còn chốn nào nương nhờ. Sẽ lại vật vưỡng trong nghiệt ngã. Tự nhiên múôn chết, để lúc này, tôi còn biết người vừa chết là ai. (Hết chương3)
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét