Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Mặt trời nghiêng nghiêng trên mái lá phía xa, đổ hối hả những giọt nắng vàng óng xuống mảnh sân bày la liệt nia, xịa thảo dược. Mùi thơm của lá thuốc thiên nhiên khiến Nhiên thấy dễ chịu làm sao! Giờ này chắc ông ngoại đang ngồi trên bộ ván gỗ nhìn ra cửa sổ. Nhiên chạy ùa vào nhà:
- Ngoại ơi! Con về rồi nè!
Chẳng có ai trả lời. Tiếng ông ho khan vọng ra từ gian bếp. Nhiên đặt cặp da lên chiếc bàn mặt vuông có lót gạch in hoa cẩm chướng. Nhiên kiểng chân kéo con gấu bông từ trên kệ xuống, hôn lên trán nó rồi thì thầm:
- Chị về rồi nè Milo. Hai chị em ra sau nhà chào ngoại nghen!
Đang nấu cơm, nhác thấy Nhiên, ngoại cười thật tươi:
- Đi học vui không con? Hôm nay, cô giáo có khen con không?
Nhiên vòng tay lễ phép:
- Thưa ngoại, con đi học mới về! Hihi... dạ có, hôm nay đã có kết quả học kỳ một ngoại ơi. Con được xếp loại giỏi về học lực và đạt dang hiệu học sinh xuất sắc. Cô bảo cả lớp vỗ tay tuyên dương con nữa.
- Giỏi quá! Ngoại thưởng cho mấy trái bần chín nè.
Nhiên mừng quýnh. Nó vốn ưa ăn bần. Vị chua quéo lưỡi vậy mà Nhiên thích còn hơn me dốt. Có lần nhỏ My, bạn cùng lớp với Nhiên bảo:
- Ăn trái bần sẽ bị nghèo luôn đó!
Nhiên không tin. Dù không ăn trái bần nhà Nhiên cũng nghèo xơ xác. Cha mất, một mình mẹ buôn bán tải tần nuôi ngoại và Nhiên. Cả nhà không bị đói là may lắm rồi. Ngoại muốn tìm một việc làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng mẹ Nhiên không đồng ý. Mẹ cho rằng ngoại đã già yếu, cần được nghỉ ngơi. Nếu ngoại không quen ở không thì hãy làm một việc gì mà ngoại yêu thích, đem niềm vui đến cho ngoại. Từ đó, ngoại tha hồ bận rộn suốt ngày với công việc ngoại yêu thích. Đó là việc chữa bệnh cho láng giềng.
Cách hành nghề của ngoại Nhiên lạ lắm. Có khi, bệnh nhân tới nhà như một cơn lốc. Chị ấy khóc than, kể lể hàng giờ. Ngoại ngồi im lắng nghe, chờ đợi nước mắt cạn dần tiếng thút thít cũng thưa thớt, ngoại rót một tách trà cúc mời... người bệnh. Uống xong, hình như... con bệnh trở nên tỉnh táo hẳn. Chị ấy mỉm cười lỏn lẻn.
- Bác Tư ơi, con cảm thấy nhẹ nhỏm, đầu... bớt nhức.
Chỉ chờ có thế, ngoại khuyên chị ấy:
- Như lời cháu kể thì chồng cháu có lỗi thật nhưng phải vì các con mà tha thứ, chịu đựng. Cháu giận hờn hoài sẽ sinh bệnh lại chóng già. Tụi nhỏ chỉ trông cậy vào cháu. Đây là mấy thang thuốc nam, cháu đem về uống, nếu không thấy ngủ ngon, ăn vẫn kém thì quay lại bác hốt thuốc khác cho.
Chị ấy móc túi lấy ra mấy tờ giấy bạc, dúi vào tay ngoại. Ông lắc đầu, đặt tiền lên bàn:
- Con nhỏ này! Bộ bây không biết tính của bác Tư hay sao chứ! Cất tiền đi, để dành lo cho chồng con.
- Bác Tư nhận đi để mua thuốc hốt cho người khác.
Ngoại phì cười:
- Bác có mua đâu mà bây lo. Thảo dược mọc quanh đây thiếu gì. Bác chỉ cần đi một vòng là hái về đủ dùng cho cả tuần cháu à.
Ba ngày sau, chị ấy quay lại với hai nải chuối xiêm, một bó thuốc cứu, một bó hà thủ ô. Chị khoe với ngoại:
- Con hết bệnh rồi. Mấy bữa rày, chồng con cũng không còn nhậu nhẹt nữa. Chắc do con nghe lời bác dặn không cằn nhằn anh ấy nên ảnh hối lỗi.
Ngoại mỉm cười, gật đầu:
- Ờ. Lạt mềm buộc chặt. Nói ngọt lọt tận xương cháu à.
- Dạ, xóm có thầy lang như bác thiệt là phúc đức!
Trong xóm, ai cũng quý ngoại nhưng Nhiên bực lắm khi nghe có người
gọi ngoại là LANG VƯỜN. Nó cằn nhằn. Ngoại bật cười, xoa đầu Nhiên:
- Mình ở vườn thì người ta gọi mình là lang vườn chứ sao! Đừng tự ái vì những chuyện nhỏ nhặt đó con à. Ngoại chỉ sợ mình không xứng với tiếng thầy lang mà thôi!
Nhiên thắc mắc:
- Sao ngoại không học làm bác sĩ mà lại làm thầy lang vậy ngoại?
Ngoại ôm Nhiên vào lòng, vuốt tóc nó:
- Ngoại cũng muốn được như con nói. Nhưng lúc ngoại còn trẻ đất nước chiến tranh liên miên. Ngoại xung vào du kích. Phải lo giữ nước cháu à. Cũng may, ngoại được phân công vào tổ cứu thương. Ngoại học được cách châm cứu và chữa bệnh bằng thảo dược. Ngoại cũng định hoà bình sẽ học thêm nhưng gia cảnh nhà mình quá khó khăn. Thôi thì ngoại làm theo sức của mình. Trị những bệnh thông thường cho bà con cũng đủ vui.
Nhiên hãnh diện lắm! Ai cũng khen ngoại mát tay. Và, để đền ơn ngoại người ta thường đem cây thuốc đến biếu ngoại. Nhờ vậy ngoại ít phải đi tìm. Ngoại chỉ việc chặt khúc, phơi khô rồi cất vào cái tủ có nhiều hộc. Nhiên thích cái tủ này lắm! Nó gợi nhớ thành tích của ngoại. Ông đã chữa khỏi bệnh đau lưng cho bác Hai thợ mộc. Bác Hai cảm kích quá nên gom góp cây vụn đóng thành một cái tủ thuốc xinh xắn, đem biếu ngoại.
Bác Hai lý luận:
- Không nhờ chú chữa bệnh cho thì tôi đâu còn hơi sức mà hành nghề để nuôi vợ con. Chú nhận cho tôi vui. Chú có nhìn nhận là dùng cái tủ này tốt hơn dùng bao ny long đựng thuốc rồi máng đầy trên vách không nè.
Ngoại phì cười. Ông bắt tay người thợ mộc dễ mến. Từ đó, cái tủ nhiều hộc trở thành một vật sáng giá trong nhà Nhiên. Nó khiến Nhiên hiểu ra rằng không tiền vẫn có thể có nhiều thứ nếu sống tốt với mọi người, hết lòng vì mọi người. Nhiên nhớ có lần cô giáo bảo:
- Trồng hoa, chúng ta có hương sắc của hoa. Nuôi chim, chúng ta được nghe tiếng hót. Đem hạnh phúc đến cho người khác, người ta cũng tìm cách làm cho chúng ta hạnh phúc.
Nhiên ra sân. Nắng chiều tàn. Trời tím dần. Nhiên bê từng nia thuốc vào nhà. Mùi thơm của cây cỏ quyện vào tóc, ủ vào nếp áo, lan toả khắp nơi. Nhiên hít một hơi dài. Chút nữa mẹ đi bán về. Ngôi nhà sẽ ấm tiếng cười. Nhiên cất tiếng hát.
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét