Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Bà vỗ vỗ liên hồi vào hai gối, than bệnh gì mà kì cục, chân cẳng nguyên vẹn mà bước đi cứ nghe rụp rụp “trong trỏng”. Cảm giác cụ thể sao hả? Như cọng dây xích cầm thì thẳng mà bỏ xuống thì dùng nhũn vậy đó. Ờ mà tui bị bệnh gì mà cứ ói suốt, ăn thì òi cơm ói cháo, không ăn thì ói khan, rồi còn cao máu, tiều đường. Ổng thì tai biến năm năm nay, nhưng may nhờ châm cứu nên đi lúc lắc được nửa thân người đó cô. Giờ hai cha mẹ già bệnh, mà một tay con gái út lo. Tội nghiệp nó lắm cô, làm công nhân Chà Là thôi chứ làm gì, ngày nào cũng tăng ca để có nhiều tiền thêm chút.
- Dì đông con không ạ?
Bốn đứa chứ ít ỏi gì đâu, ba trai, một gái út. Nhưng nghèo hết cả. Có vợ rồi cơm áo gạo tiền cho gia đình muốn thắt họng cá leo thì làm sao lo cho cha mẹ được. Thằng đi miền tây làm cá, thằng tuốt Đắc Nông làm cà phê, thằng ở Sài Gòn bốc vác… thì làm sao về chăm cha mẹ. Tất cả phải nhờ con gái út thôi.
- Em ấy chưa có gia đình hả dì?
Sinh năm 1992, có chồng một con 4 tuổi rồi. Nhưng ta nói… ông bà xưa dạy không sai cô ạ. Trong bầy con thế nào cũng có đứa cha mẹ mắc nợ nó và một đứa mắc nợ lại cha mẹ. Con gái út tui chắc là mắc nợ tụi tui. Lấy chồng cũng đủ ăn đủ mặc, nhưng từ khi ổng bệnh rồi tui bệnh thì nó xin nhà chồng cho về chăm sóc cha mẹ, nhưng nhà chồng không cho, nói dâu con đã cưới hỏi rồi thì phải ở đây làm dâu cho trọn đạo. Cha mẹ thì con trai phải lo, chứ con gái gả cho người ta rồi sao lại “bắt” về? Mà tụi tui có bắt đâu, tại con gái nó thương cha mẹ, mà chỉ xin phép về vài tháng thôi, nhưng nhà chồng và chồng đều không cho. Rồi nó lén lút nấu thức ăn mang về, lén chồng biếu thêm tiền cho cha mẹ thuốc thang… tụi tui muối mặt lắm mới nhận vì biết con mình đã là con người ta. Rồi đâu được vài tháng thì con tui về khóc, nói chồng nó biểu phải đưa thẻ tài khoản gì đó cho thằng chồng giữ, vậy là từ nay nó không có tiền biếu cha mẹ nữa rồi. Nhìn con héo hắt mà thương đứt ruột nhưng mỗi nhà mỗi cảnh biết làm sao? Rồi sau đó ba tháng thì con gái tui về thông báo rằng sắp ly hôn chồng, sẽ lại nhà để toàn tâm toàn ý chăm sóc cha mẹ. Tụi tui can, chén trong xống còn khua, con đừng vì cha mẹ mà làm mất hạnh phúc, nhưng con nhỏ cứng đầu lắm cô ạ, nó nói hạnh phúc là vợ chồng biết thương yêu thông cảm cho nhau, con xin về chăm sóc cha mẹ chứ có làm gì sai trái mà “nó” không cho, lại còn bắt con phải đưa thẻ tài khoản cho “nó” giữ để “nó” quản lý tiền của con. Vậy là ‘nó” đâu có thương con mà gọi là hạnh phúc? Đó đó… cô thấy không, trong góc nhà cả thau đồ chơi con nít kìa, khủng long, xe tăng, súng ống, máy bay… là đồ chơi của thằng cháu ngoại bốn tuổi của tui á! Nó đi nhóm trẻ chiều mới về, nó mà về là cái nhà như hội chợ vậy đó!
Lời bà nhỏ giọng, lâu lâu lấy hơi lên vẻ mệt nhọc nhưng ánh mắt luôn hướng ra mấy chậu lan ngoài cửa sổ. Tuy chưa có hoa nhưng lan khá xanh tốt, vài cục than bón còn óng màu đen báo hiệu lan vừa được cho “ăn”.
- Dì yêu hoa quá ta, bệnh vầy mà còn nuôi lan à?
- Có đâu, của con gái tui đó. Nó nói lan có bông đẹp, sức sống dai, mấy ngày không tưới vẫn sống, nên nó mua mấy chậu, bảy chục ngàn một chậu chứ ít đâu cô. Nói là để treo cửa sổ vầy cho mẹ ngắm vui mắt, hết đợt bông đó thì giờ toàn lá thôi, nhưng con tui cũng mua than bỏ vô, chắc mai mốt nó có bông há cô?
Trong khi tôi trò chuyện với bà thì ông chồng "đi lúc lắc” chuẩn bị đi đổ bô cho vợ. Tay phải ông liệt nên luôn rũ xuống do di chứng của bệnh tai biến, chỉ còn tay trái là cử động được. Chiếc thùng đựng nước sơn loại 5 lít được bà cùng để đi vệ sinh, chứ cái đầu gối lộp xộp đâu có đi ra nhà cầu được, mà ngay cả cặp nạng chống cũng chưa có tiền mua. Nên ông chồng phải đi đổ bô. Quai xô ngoắc vào giữa cánh tay, rồi ông cong phần cườm tay lên cho xô không đổ, đi cà xịch cà lụi ra sau vườn đổ mớ chất thải đó, cọ rửa cái xô xong mất cả mười lăm phút mới xịch lụi đi vô.
Bóng chiều dần xuống thấp, mùi bùn tanh tanh và hơi nước lạnh lạnh từ con mương trước nhà bà bắt đầu bốc lên khiến căn nhà nhỏ như thêm ẩm thấp.
Chị bạn đi chung với tôi xin phép bà đến chạn bếp xem bữa chiều của hai người bệnh. Chỉ có tô canh mì tôm cùng cái hột vịt kho nước mắm, nồi cơm điện thì hấp đi hấp lại đến nhão nhòe.
Sau nhà bà, chừng trăm mét, tiếng nước từ cống Ông Vạn vẫn ào ào chảy. Đây là miệng cống loại một của dòng kênh đông, từ cống này nước sẽ chảy vào kênh cấp 2, rồi cấp 3 nên mức xoáy của nước rất mạnh. Vì gần kênh nên mạch nước ngầm cứ âm ỉ trong vuông đất 1000 mét vuông nhãn của bà. Đáng ra nhãn sẽ rất tốt vì không cần tưới nước, nhưng từ ngày ông chồng bệnh, không ai xiết cành xịt thuốc. Hạ tàn nhãn thì có thể nhờ người chòm xóm thương tình vì vài chục cây nhãn, đưa cứ máy vào xoèn xoẹt mươi phút là xong. Nhưng xiết cành, xịt thuốc, dãy cỏ, bón phân để phải nhờ “công nhà” chứ thuê mướn thì không có tiền, mà có khi còn lỗ tiền công vì giá nhãn khi trồi khi sụt.
Mà chồng bệnh, thì không ai làm nhãn, đành giao cho trời, có nhiêu ăn nhiêu, mà thường thì chỉ có chà rồng trên ngọn cây nếu không được chăm sóc đúng mực.
Ông chồng sáu lăm tuổi, bà vừa đúng năm lăm. Nhà có một công nhãn, lại có căn nhà tường 4x20m dù xây kiểu chắp vá do các con trai “thợ tay ngang” cùng nhau làm. Như vậy thì không lọt vào danh sách hộ nghèo hay cận nghèo của địa phương được rồi. Vì có nhà, có đất kia mà. Chỉ có điều… nhà không nạy ra ăn được, đất cũng không biến thành viên thuốc, chén cháo được, nên chỉ có bà là được con gái mua cho cái bảo hiểm y tế. Còn ông thì… tới đâu tính tới đó. Còn cô con gái út tội nghiệp ấy, hôm qua nay bỗng dưng lên cơn đau bụng đến ngất xỉu giữa ca làm. Công đoàn của xí nghiệp lại đưa đi bệnh viện mới biết cô mắc chứng "sạn túi mật”. Sạn to quá, phải phẫu thuật chứ không uống thuốc chờ tan được. Hồi sáng đã rời khỏi phòng hậu phẫu, qua nay thì bạn bè cũng làm chung chia nhau nuôi, sáng nay thì thằng chồng đã ly hôn nhưng lại vào xin nuôi. Ấy là tui nghe bạn làm chung của con gái điện vể bảo vậy chứ hai thân già bệnh tật này làm sao mà đi đâu được. Chỉ biết ngồi đây cầu trời cho con mau khỏe.
Lòng tôi chợt cồn lên niềm xúc động cho người chồng đã ly hôn của cô gái, người mà suốt nửa câu chuyện lòng tôi đã có nhiều tức giận. Nhưng có lẽ, anh có cái khó của anh. Còn khi vợ cũ bệnh, anh vẫn vào viện chăm sóc, cái nghĩa đó cao gấp mấy cái tình.
Ông bảo, mấy cô tới thăm, cho cái này cái kia vầy tui mang ơn lắm, nhưng cũng ngại lắm, vì hồi mình còn khỏe có giúp ai lon gạo nào đâu. Làm thuê làm mướn đủ nuôi bầy con đã là kiệt sức rồi. Giờ tự dưng về nhà bệnh tật cái đi nhận “của công quả”, biết làm sao trả? Không khéo mắc nợ đến kiếp sau
Chị bạn tôi bảo ông, rằng đừng quá bận tâm, ở đời lá lành đùm lá rách, lá rách đùm là nát. Ông bà nhận quà là tạo điều kiện để người cho được trải lòng, cũng là một kiểu “công quả” mà. Ông cười nói lắp cả tiếng cảm ơn, cái miệng méo một bên nhưng nụ cười tươi lắm, cơ hồ như vừa trút được gánh nặng.
Điện thoại bà bất giác đổ chuông, loại điện thoại “cùi bắp” đó mà, nên tiếng chuông cứ rang rảng phang vào màng nhĩ:
- A lô tôi nghe! Gì? Con Phong Lan ngày mai chưa về được hả? Vết mổ nhiễm trùng hả? Trời ơi… làm sao… rồi nó có làm sao không Sang? Ờ… ờ… có bác sĩ lo… thôi con ráng giùm ba mẹ nhé… một ngày cũng nghĩa… con ơi!
Thì ra con rể cũ của bà vừa gọi, thông báo tình hình kém may mắn của con gái bà. Buông điện thoại, dòng lệ tưởng chừng như khô cạn đã rịn chảy trên đôi mắt hằn sâu vì bệnh tật. Ông chồng cà xịch cà lụi đến bên giường vợ ngồi nạt nhỏ “Nín đi, già mà còn khóc, mấy cô đây cười cho. Bệnh rồi thì hết chứ nó có chết đâu mà bà khóc”. Tuy nói cứng nhưng đôi mắt ông cũng không giấu được vẻ lo âu.
Tôi bảo ông, nếu lo lắng quá, thì chúng tôi có thể chở ông lên bệnh viện tỉnh mà thăm con gái, để yên lòng hơn. Ông khoát khoát cánh tay đã teo rút “Dạ không dám làm phiền hai cô. Tới cho tiền, cho gạo là tụi tui cảm ơn lắm rồi… ai lại làm phiền chở đi chở lại. Chút tối thằng Sang gọi lại thì tụi tui yên tâm là được rồi.
Chúng tôi chào vợ chồng họ ra về vì con đường đê nhỏ lắm, nếu không còn ánh mặt trời sẽ không thể lái xe an toàn được. Lòng trĩu thương cô con gái ấy, tên của cô là một loài hoa, loài hoa của sự bền bĩ mà vương giả nên tấm lòng cô cũng đầy sự thiện lương.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét