Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội)
Cơn lũ đi qua làng đã được gần bốn tháng. Hai mươi căn nhà tốc mái, bảy cây cổ thụ bật rễ, cầu bắc qua sông bị gãy đôi, trâu bò lợn gà chết không đếm xuể. Vài người còn chưa kịp từ biệt làng đã trôi theo cơn lũ. Nỗi đau đớn, tan hoang phơi đầy trên mặt báo, đồng bào khắp nơi tìm về “lá lành đùm lá rách”. Người làng lặng lẽ lau nước mắt dọn dẹp hậu quả cơn lũ để lại. Thỉnh thoảng điện thoại Hậu đổ chuông, một anh chị phóng viên báo đài nào đó gọi hỏi thăm xem làng đã khắc phục đến đâu? Hậu cười giòn tan khoe con bò cái còn sót lại sau lũ vừa mới sinh đôi, chỗ cây xoài bị bão quật đổ mới trồng thay một cây vú sữa. Lần khác đoàn từ thiện gọi tới hỏi Tết năm nay có thiếu thốn thứ gì? Hậu nghĩ ngợi vài giây khẽ lắc đầu. Cứ như thể ở đầu dây bên kia người ta nhìn thấy cái lắc đầu thật thà của chị. Ở nơi rốn lũ mới đi qua có thứ gì là đủ? Nhiều căn nhà còn chưa kịp dựng lại. Chuồng trại đang bỏ không. Hạt giống cho vụ sau còn chưa có. Nhưng Hậu cũng giống như những người nông dân khác. Quen tự mình tự đứng lên sau bão dông mà không tiếng thở than. Năm nào bão cũng ghé qua, phá tan hoang những gì vừa mới kịp gây dựng lại sau mùa lũ trước. Rồi mùa xuân lại đến, những hạt mầm còn sót lại ủ sâu dưới lớp bùn đất bỗng đội dậy bung chiếc lá xanh. Trên vết đổ gãy của thân cây kịp nhú lên mầm mới. Chỉ cần nhìn đóa vạn thọ vàng đến nhức nhối là lòng người không có chỗ để ôm mãi nỗi buồn. Cỏ cây còn gắng gượng hồi sinh rực rỡ đến thế kia thì cớ gì mình quẩn quanh mãi được. Hậu đứng dậy búi cao tóc đi lẫn vào trong nắng. Phải cố làm xong vụ mùa trước tết cho kịp thời tiết lúa mới ấm chân ra rễ. Mà ngoài đồng xanh thì trong nhà mới ấm. Tết không cần rình rang chỉ cần thấy sự sống xung quanh là đã đủ đầy… Thuận gọi điện về đúng lúc cả nhà đang dọn bữa tối. Mẹ già cắp đứa cháu bên hông lê đôi chân đau nhức ngồi xuống chiếu. Chân bà bị mảnh tường đổ ụp xuống trong trận bão mấy tháng trước, gãy lìa. May nhờ Hậu vật lộn đưa lên chỗ cao nếu không bà cũng trôi theo cơn lũ. Chân đã đi bó liền lại nhưng không còn được như trước nữa. Có những ngày nó đau nhức liên miên khiến bà chỉ muốn ngồi một chỗ. Thuận đi xuất khẩu lao động bên Nhật khi Hậu mới mang bầu ba tháng. Thuận xa nhà không tính năm, tính tháng mà tính bằng ba mùa lũ đi qua, ba mùa lợp lại mái nhà, ba mùa vợ còng lưng dọn bùn. Hậu cười bảo “qua ba mùa cận kề cái chết”. Từ lúc nước còn ngập ngấp nghé ngoài hiên hai mẹ con ì ạch khênh đồ đạc kê cao Hậu đã ước giá Thuận có ở nhà đỡ cực. Lúc ba mẹ con bà cháu ngồi co ro trên mái nhà chờ người đến cứu Hậu tự hỏi Thuận đi xa như thế để làm gì? Thuận cũng hỏi câu y hệt thế khi nghe tin quê nhà đang bão. Mười hai tiếng không cách nào liên lạc được về nhà lòng Thuận thắt lại vì lo lắng. Mường tượng ra cảnh mẹ già còn thơ và người vợ bé nhỏ của mình đang gồng lên trước cơn giận dữ của thiên nhiên. Suốt đêm Thuận không tài nào chợp mắt. Khẽ khép mi lại là thấy lũ đang dâng lên cuồn cuộn đến chân, đến ngực, đến cổ gấp gáp nhấn chìm mình. Cảm giác về cơn lũ luôn chân thật đến mức Thuận thấy rõ áp lực của nước chèn lên ngực khiến mình nghẹt thở. Nó phải chăng là nỗi ám ảnh của bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong vùng lũ. - Năm nay mẹ có kịp gieo hạt giống hoa không vợ? Sắp Tết rồi. Không có hoa mọc ngoài hàng hiên chắc là buồn lắm. - Trước mùa lũ mẹ giấu hạt giống hoa trên nóc nhà. Nhưng bão to quá bay cả nóc nhà, bay luôn cả mùa hoa của mẹ. Trước nhà chỉ còn toàn hoa dại mọc lên sau lũ. Mẹ nói cứ để đó đừng nhổ đi. Hoa dại cũng là hoa, cũng làm nên mùa xuân rực rỡ. - Năm nay chân mẹ đau Tết đừng giở mở nhiều. Nói các chú chờ anh về mổ lợn. Mẹ già ngồi đút cơm cho cháu nói xen vào: - Chân đau chứ tay đau đâu mà sợ. Vẫn ngào được mứt, gói được bánh chưng, làm đủ món dưa hành dưa kiệu. Năm nay lợn rẻ nên mọi người tính mổ lợn to. Tết ăn không hết thì để tủ ra Giêng đỡ phải đi chợ. Chợ sau Tết đắt đỏ, năm nào cũng vậy. - Chăn nuôi thứ gì cũng rẻ, trồng trọt thì hết hạn hán đến lũ lụt. Đi ra ngoài mới thấy dân mình kiếm đồng tiền khổ thật. - Được hay đi ra ngoài thấy kiếm tiền dễ lại không muốn về quê đấy con ơi? - Đời nào, chẳng đâu bằng quê nhà. Con đang đếm từng ngày để bay về nước. Xa nhà mấy năm thấy vị Tết chực chờ trong cuống họng. Thèm muốn chết. Mẹ già cười móm mém gió lùa. Mẹ ngoài sáu mươi, mấy cái răng trước cửa rụng vì ngã xe bò. Hậu đã mấy lần định đi trồng răng giả cho mẹ chồng nhưng đều tính hụt. Năm định bán lúa thì lúa mất mùa. Năm định bán lợn thì lợn rớt giá thê thảm, bù lỗ cả chục triệu đồng tiền cám bã. Năm định bán bò thì bò trôi theo lũ, bỏ lại những ánh nhìn khắc khoải. Tiền Thuận gửi về hàng tháng phải trả nợ tiền vay xây nhà, xây chuồng trại. Còn lại cho em cậu vay lấy vốn đi Nhật. Dạo này đàn ông trong làng kéo nhau đi làm ăn xa. Nhiều người vay vốn ngân hàng đi xuất khẩu lao động ba năm lại về lấy tiền đi tiếp. Có người đi theo công trình xây dựng nay đây mai đó. Còn lại phần đông kéo xuống thành phố xin vào làm trong các khu công nghiệp. Nhưng chẳng ai muốn bỏ quê đi hẳn dù năm nào làng cũng chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Ai đó cũng từng hỏi Hậu về điều đó, rằng tại sao cứ tha thiết bám trụ lại nơi này? Hậu cười bảo trong mỗi người dân nơi đây đều chứa một mầm xanh. Để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nỗ lực nảy mầm bung chồi non lộc biếc. Nơi Thuận làm việc vừa gần rừng vừa gần biển. Những ngày nghỉ không có việc làm thêm bạn bè vẫn kéo nhau đi đây đó cho biết. Lúc Hậu cúi gập người kì cọ chuồng lợn, bắn đầy mùi hôi thối khắp người, thì Thuận đang quần áo thơm tho đi mua sắm trong các siêu thị lớn. Lúc Hậu xắn chân quần lội xuống ruộng bùn ngập quá đầu gối vớt từng bông lúa đổ gục sau trận bão thì Thuận gọi khoe đang chuẩn bị đi ngắm lá vàng trên núi Hachimantai, Tohoku. Thuận khoe mùa thu Nhật Bản tuyệt đẹp, cả khu rừng bên hồ Towada và suối Oirase, Tohoku như được khoác lên một chiếc áo mới. Những tán cây chuyển sang màu đỏ, màu vàng bao bọc xung quanh mặt hồ xanh như ngọc. Lúc Hậu vừa bế con vừa tay xách nách mang thì Thuận dậy sớm bắt tàu siêu tốc đi thăm thú. Hỏi Hậu có chạnh lòng không? Ôi dào, hơi đâu mà chạnh lòng. Mình mà có cơ hội thì cũng đi như thế. Cốt sao vẫn chăm chỉ làm việc và không lãng quên gốc gác quê nhà. Thuận đâu có quên, ngày nào nỗi nhớ quê hương cũng nhưng nhức trong da thịt. Chỉ mong sao ba năm sẽ qua nhanh để có thể về nhà sum vầy cùng vợ, phụng dưỡng mẹ già, ôm đứa con bé bỏng trong tay. Nghĩ đến con là lòng Thuận trào dâng một thứ cảm xúc lạ kỳ. Lúc Thuận đi con mới chỉ là hình hài bé nhỏ nằm trong bụng mẹ. Mà giờ đã biết bập bẹ gọi bố mỗi lần Thuận gọi về. Hậu sinh con vào mùa bão năm xưa. Nước ngập lênh láng ngoài sân thì đau bụng đẻ. Mẹ chồng hớt hải chạy sang nhờ hàng xóm chở lên bệnh viện huyện, giữa đường nước ngập sâu quá xe chết máy. May mà gặp được xuồng cứu hộ. Hậu đặt luôn tên con là Xuồng. Thuận cười ha hả “tên gì kì vậy?”. Ờ thì… tên gọi ở nhà ấy mà, để nhắc nhớ hành trình “vượt cạn” trong cơn lũ. Tết năm nay Thuận về. Mẹ chồng dặn phải gói nhiều bánh chưng “nó ham ăn của nếp”. Ít lúa nếp bị ngấm nước trong trận lũ đã mọc mầm và ẩm mốc Hậu đành mang phơi dành chăn nuôi. Gạo Tết năm nay là phần quà của các nhà hảo tâm cứu trợ bà con vùng lũ mà Hậu cất để dành. Trưa hai mươi ba Tết, Hậu mang gạo ra đãi sau khi đã tước một bó lá dong to. Trút những hạt gạo trắng ngần chảy tung tóe xuống rá Hậu nghe như những tiếng reo vui. Vậy là Tết đã về thật rồi trong tiếng lòng khấp khởi khi cọ nồi nấu bánh, chất củi vòng quanh. Khi những chiếc bánh đầu tiên đã được gói vuông vắn chờ xếp vào nồi. Khi Thuần ngày nào cũng gọi video về vài lần hỏi “Tết đến đâu rồi?” Hậu đang mải ngào mẻ mứt me nói vọng vào “Tết đến đầu lưỡi rồi. Về nhanh còn kịp”. Ở phía bên kia giọng Thuận xuýt xoa “mứt gừng cay quá. Thêm chút nữa đường là vừa đẹp”. Đứa con gái nhỏ cầm điện thoại lia qua mấy rổ mứt dừa, mứt bí, mứt cà rốt đã ngào xong đang đổ ra chờ nguội. Hậu tưởng như nghe thấy tiếng Thuận nuốt nước bọt sau khi buông một tiếng “trời ơi”. Năm nào cũng bấy nhiêu món mứt nhưng năm nay Hậu chăm chút chúng bằng tấm lòng của người vợ nôn nao mong ngóng chồng về. Thuận như đứa trẻ năm nào cũng chờ Tết đến để tận hưởng những niềm vui nho nhỏ. Ba năm vắng Thuận là nhà như vắng Tết. Không có người hảo ngọt đứng bên cạnh lúc Hậu ngào mứt để nhúp trộm một miếng thả vội vào miệng rồi giãy nảy vì độ nóng của đường. Lúc làm dưa hành không có người đi qua ước ao “giá mà có ít thịt nấu đông ăn với dưa hành thì ngon tuyệt cú mèo”. Hậu sẽ lần theo câu nói ấy đi mua nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu ngon về nấu thịt đông. Cũng có khi Thuận nói nhớ vị Tết của những năm thơ ấu qua món kẹo chè lam. Hậu lại nhờ đứa em hàng xóm vào google hỏi cách làm “vị ấu thơ” đúng điệu. Với những người đàn bà như Hậu thì vị Tết của mình nằm trên môi người khác. Là nấu món ngon phải có người ăn. Là thúc giục mình vào bếp để mang đến niềm vui cho những người ruột thịt. Hậu ra thăm đồng lần cuối trước khi đón Tết. Ơn trời lúa đã cứng chân, tua tủa mầm xanh vươn lên đón gió. Lúa sẽ lên nhanh, chẳng mấy chốc cả cánh đồng sẽ xanh mươn mướt. Người ta sẽ chỉ còn thấy sự sống chồi lên trên những mất mát, khổ đau. Hậu đi dọc cánh đồng lòng vui phơi phới. Giờ này chắc Thuận đã lên máy bay, tối là đã có mặt tại nhà ăn bữa cơm tất niên sum vầy. Hậu phải chuẩn bị một nồi tắm tất niên “đúng vị” để Thuận gột rửa bụi bặm đường dài. Bỏ lại phía sau những năm tháng xa nhà mưu sinh cực nhọc. Bỗng nhiên những câu ca tự cất lên khe khẽ trên bờ môi Hậu “chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…”
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét