Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang (Tây Ninh)
Thằng Bo chạy loanh quanh chiếc tàu thủy bằng giấy mà ba nó đang dán những chi tiết cuối cùng. Nào boong tàu nè, thân tàu nè, cánh cửa hình như hơi nhỏ so với thân tàu ba ạ! Rồi mấy chiếc phao cứu sinh đâu ba? Úi… còn phòng nào của thuyền trưởng hả ba?
Ba nó xùy xùy vì mệt. Bảo rằng đây chỉ là đồ chơi bằng giấy các tông mà làm như bằng thép thật vậy đó. Con nhìn đi, miễn sao ra dáng chiếc tàu là được.
Rồi ba nó lấy chai sơn xịt, xịt xèng xẹt vào hình khối bằng giấy ấy. Chiếc tàu màu nâu của giấy dần dần biến thành màu xanh da trời trông bóng loáng và đẹp lắm.
Bo nhảy cẩng lên đòi ôm chiếc tàu “Coi nó lớn bằng thân hình của Bo không”. Nhưng ba nó bảo hãy để sơn khô một chút. Rồi chiếc tàu này cũng của con chứ của ai mà vội?
Bo ngồi chăm chăm chờ chiếc tàu giấy khô sơn. Rồi nhìn ba nó, Bo reo lên “Ba mặt mèo kìa! Đi rửa đi để người ta cười chết”. Rồi Bo lanh chân chạy lấy bình dầu lửa cho ba, rút thêm mấy miếng khăn giấy cho ba nó thấm dầu mà chùi mấy vệt nước sơn trên mặt.
Chiếc tàu thủy này đã tốn hết bốn ký giấy các tông cùng hai tiếng đồng hồ hì hục của ba nó. Nhưng xem bộ ông khá vui vì tiếng cười và bao câu hỏi đầy thắc mắc của Bo. “Ba, ba… sao ba biết làm chiếc tàu hay vậy? Ba, ba… rồi ba học cách làm tàu ở trên du- túp hay đâu vậy? Ba, ba… hay là ba làm cho mấy thằng bạn thân của Bo, mỗi đứa một chiếc như Bo được không?”.
Ba nó từ tốn trả lời, vì thấy con nít toàn chơi xe, súng, đồ điện tử, điện thoại… mà không biết tự làm đồ chơi như ba hồi đó. Nên ba làm cho con “lác mắt” luôn. Vì nhà mình mua bán giấy vụn mà, nhiều giấy đẹp lắm, chỉ cần có hoa tay chút là có một mớ đồ chơi. Nhưng ba chỉ làm cho con được thôi, ba còn phải đi làm việc nữa, nếu làm cho bạn con mấy chiếc tàu nữa, chắc mẹ con la làng quá.
Bo thì thầm “Bo biết rồi, mẹ là bà La Sát đó. Thôi ba làm cho Bo nhiêu đây cũng được”. Hai cha con nhìn nhau cười ha hả.
***
Thật ra thằng Bo không phải là con ruột của ba nó. Ngày ba nó cưới mẹ nó, thì Bo đã tám tuổi rồi.
Nguời ta nói ba nó “mua trâu được nghé”, mà coi bộ con nghé độ tuổi này khó thuần à nghen! Chỉ cần nó cãi lời mình thôi, rồi nó mặt nặng mày nhẹ, bảo một đàng nó làm một nẻo cũng đủ tức… trào hèm. Ấy là chưa kể, nuôi nó lớn cho đã, nó nghe lời ba ruột nó, về quậy cha dượng “banh nhà lồng” thì sao.
Nhưng ba nó nói, thân tui lên trâu xuống chó, bao cay đắng cuộc đời còn chưa vật chết thì lẽ nào lại đi sợ một đứa con nít sao? Mà cuộc đời này, chỉ cần mình thương nó thì nó sẽ thương mình. Ai bảo mấy ông nghĩ nó là con của vợ chi cho có cái “tì” ban đầu. Tui thì coi nó như con ruột, mình không mất công quạt than, giặt tã mà vẫn có đứa gọi bằng ba thì còn gì sướng bằng?
Thiên hạ trợn mắt nói ba nó “ngu mà lì”. Năm chày ngày tháng rồi coi lời thiên hạ đúng hay kẻ lõi đời như anh đúng. Chỉ sợ lúc thằng con của vợ ăn no rồi quậy thì thằng cha dượng chỉ có nước đập đầu vô gối mà chết.
Cái sự “quậy” cua Bo bắt đầu ngay từ đêm tân hôn của ba mẹ nó. Nó không về phòng mình ngủ mà cứ nhè giường cưới mà nhảy lên nằm giữa “Ba mẹ cho Bo nằm chung đi mà. Rồi Bo lăn qua bên đây ôm mẹ, lăn qua bên kia ôm ba. Tội nghiệp Bo lắm… mấy năm nay không có ai làm ba để ôm. Mẹ thì bắt Bo ngủ riêng từ hồi 6 tuổi. Mỗi tối Bo đều sợ ông kẹ, sợ ma, sợ chuột, sợ thằn lằn… đủ thứ hết. Nay có ba rồi, ba cho Bo ôm ba mẹ nha!”.
Mẹ nó mặt hờn hờn bảo “Con trai gì mà yếu đuối vậy? Lớn rồi phải ngủ riêng chứ sao lại ngủ với mẹ hoài?”. “Bo có tám tuổi mà mẹ nói lớn rồi phải ngủ riêng, vậy ba mấy tuổi mà được ngủ chung với mẹ? Hay là ba nhỏ tuổi hơn Bo?”.
Nó nói vậy, người làm ba chỉ có nước phì cười và nói “Thôi ông tướng, ngủ đi cho tui ngủ với. Mệt ông quá!” Đôi chân non nhảy tưng tưng trên giường “Ồ dze… ba là thuơng Bo nhất”.
Bo xa bố ruột từ khi năm tuổi. Chuyện người lớn thôi chẳng thèm tìm hiểu làm gì. Chỉ biết rằng người bố ấy hơn mẹ Bo rất nhiều tuổi và khá nghiêm khắc. Bố không bao giờ chịu làm “ngựa ông nhong nhong” cho Bo cưỡi vì than đau lưng. Bố cũng không đùng đình Bo trên cổ như bao người cha khác hay đùng đình con đi chơi. Vì mỗi khi bố chở Bo ra đường, người ta hay hỏi “cháu nội hay cháu ngoại anh vậy” làm bố mắc cỡ.
Bố cũng không giúp mẹ việc nhà. Mỗi ngày mẹ của Bo đi bán rau cải ở chợ, xong về còn nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Bố thì hết nằm tới ngồi trước cái tivi vì bố nói mình “già rồi”
Lần nọ, lúc Bo gần bốn tuổi, nhà có đám giỗ ông nội nên mẹ nghỉ bán rau và phải đi chợ thật sớm để nấu nướng. Mẹ dậy rồi, Bo lại dậy theo chứ không chịu ngủ nữa. Bo ôm chân mẹ, không cho mẹ đi chợ và khóc “Sao bữa nào mẹ cũng đi sớm vậy, nằm lại cho Bo ôm chút đi”.
Mẹ dỗ, hôm nay nhà có đám giỗ ông nội, Bo hãy để mẹ đi chợ, tí xong việc mẹ sẽ ôm Bo. Nhưng cậu bé lên bốn không đồng ý, cậu muốn mẹ nán lại ôm mình. Vậy là bố Bo bực quá, ông thét lên “Hôm nay giỗ bố tao mà mày cũng không cho giỗ là sao hở thằng mất dạy?”. Rồi đôi bàn tay cứng chắc của người đàn ông tuổi sáu mươi đã hất con mình từ trên giường xuống đất trong tích tắc mà người làm mẹ không sao ngăn cản kịp.
Kết quả cú hất đó là không còn chợ búa giỗ chạp gì nữa cả. Vì sau tiếng thét “á” là đứa bé bốn tuổi ngất xỉu. Mẹ Bo không kịp chảy tóc, không kịp mang dép đã phải ôm con ra trạm y tế.
Thời gian sau nữa thì bố mẹ Bo chia tay.
Những ngày vắng bố, anh em Bo rất buồn vì mẹ phải lao động cực nhọc hơn, hai anh em Bo ai cũng trong tuổi ăn tuổi học. Hồi còn có bố, mẹ vẫn đi bán cả ngày nhưng việc nhà còn có bố dòm ngó, nhắc nhở anh em Bo làm. Bây giờ sáng sáng thằng anh lớp 6 đưa đứa em mẫu giáo đến lớp. Chiều anh lại rước em về rồi chơi với em, tắm cho em, nấu cơm chờ mẹ về. Có hôm mẹ về muộn vì chợ ế, anh em Bo nằm ôm nhau mà sợ… ma vô cùng. Chúng bật tivi to lên như lúc bố còn ở nhà. Nhưng sao sự sợ hãi trong lòng con nít vẫn rõ lên mồn một khi tiếng tàu chuối quẹt vào mái tôn; khi tiếng con chuột nào đó kêu chút chít trên máng xối.
Những ngày vắng bố, mắt mẹ nhòe hơn vì cơ cực cuộc đời và vì buồn tủi cho số phận. Mẹ kém nhan sắc, nên chấp nhận lấy chồng già hơn mình 20 tuổi, để làm một chỗ dựa cuộc đời. Ai ngờ cuộc đời là biển khổ mênh mông nên ở tuổi hơn nửa đời người phải dở dang duyên nợ và một mình nuôi con.
Ba năm sau ngày ly hôn, mẹ Bo gặp được người đàn ông dám “xăm mình” để cùng gồng gánh hai anh em Bo. Đó là người chủ xe tải hay chở thuê rau cải cho mẹ Bo từ chợ huyện về chợ xã. “Chú xe tải” ấy siêng năng chăm chỉ, yêu con nít và biết giúp đỡ mọi người. Mỗi chiều tối chú hay giúp mẹ chở mớ rau cải thừa về cho đàn gà ở nhà ăn. Mớ rau cải, thúng mủn ấy, nếu mẹ chở bằng xe máy thì cũng mất hai ba chuyến. Mà chợ thì xa nhà đến 5km.
Rồi “chú xe tải” và Bo quen nhau, chú hay mua cho Bo mấy cây kem cá mà Bo thích. Mỗi lần cho kem, chú hay chơi trò đoán tay có tay không với cậu bé lên 8. “Giờ Bo đoán xem chú đang cầm cây kem tay trái hay tay phải nhé! Nếu đúng sẽ được nhận kem ngay, sai phải thụt dầu 5 cái mới ăn kem”.
Kem cá ngon lắm. Đó là cây kem hình con cá, với bao ngoài bằng bánh xốp, kem trong mình cá bằng đậu xanh và sữa nên béo mịn thơm ngon vô cùng. Cây kem cá đó, lâu lắm mẹ mới chịu mua cho Bo một cây, vì giá nó đến tám ngàn đồng “Ăn một cây kem bằng hai ký rau muống thì phí lắm”. Mẹ hay nói vậy.
Lần ấy, “chú xe tải” chở rau cải hư về nhà cho mẹ thì gặp anh Hai của Bo bơm nước và phát hiện… máy bơm chạy rào rào nhưng nước không lên. Trời chập choạng, cậu bé lớp 6 biết làm gì với cái máy bơm khi mà đường điện, dây ràng buột ống đáy, hay là cháy văng mô- tưa lung tung cả lên?
Vậy là “chú xe tải” ra tay sửa máy bơm. Rồi chú phát hiện cái xe đạp từ thời một ngàn chín trăm hồi đó của cậu nhóc lớp 6 cứ “trật con chó” cành cạch. Vậy là chú ra tay sửa luôn.
Trời bỗng dưng đổ cơn mưa như hữu ý. Ông xanh giận ai mà gầm rú ì đùng, mái tôn giật xoèn xoẹt khiến hai anh em Bo sợ… nóc nhà bay. Nước tràn máng xối chảy lênh láng nhà cửa. “Chú xe tải” lại ra tay che chắn, dạy bảo anh em Bo dọn dẹp vật cản cho nước chảy. Lấy cây cuốc để khai thông đường cống rãnh, lấy mớ dây dù cho chú chằng buột lại mái tôn đang run bần bật vì gió…
Mười hai năm hôn nhân cho đến ngày chia tay, bố Bo chưa bao giờ làm những việc nhà như thế. Máy bơm hư, dây điện đứt đều nhờ thợ đến sửa. Tất cả đã có mẹ Bo chi trả. Bố chỉ việc đi ra đi vô trong nhà và xem tivi thôi. Vì bố bảo “tôi già rồi”.
Bây giờ bỗng dưng có người đàn ông không thân thiết nhưng đã giúp anh em Bo chăm sóc nhà cửa, dạy bảo chúng biết làm gì khi bất chợt cơn mưa đến thì anh em chúng thấy “chú ấy” thật vĩ đại ghê.
Rồi chú còn giúp anh Hai của Bo làm món thịt kho tiêu ngon ơi là ngon. Canh bắp cải cũng là bắp vải và muối, bột nêm sao qua bàn tay chú lại ngon đến vậy.
Hết mưa, mẹ Bo về. Ngại ngùng cho hoàn cảnh đơn chiết xập xệ của mình. “Chú xe tải” thì luôn miêng nói “Không sao… một mẹ nuôi hai con được vầy là tốt rồi”. Bữa đó anh em Bo có một bữa cơm ngon ơi là ngon vì có “chú xe tải” kể chuyện tếu cho nghe. Rồi thằng nhóc lên 8 đề nghị “Hay là chú cưới mẹ con đi. Con thích một người ba hiền và giỏi làm việc như chú vậy đó”. Hai người lớn nhìn nhau thẹn thùng.
“Chú xe tải” cũng hoàn cảnh lắm. Sống với vợ tám năm nhưng không sinh được con dù đi khám bác sĩ đều nói hai vợ chồng “sức khỏe bình thường”. Vợ chú không đồng ý, rằng đời đàn bà xuân sắc có một thời, còn trẻ mà không sinh nở thì lúc già lấy con cái đâu để nương tựa? Nắm níu thêm hai năm nữa, bệnh viện to nhỏ gì cũng đi xét nghiệm; miếu mạo đình chùa gì cũng đi cầu khẩn nhưng cái bụng cô ấy vẫn không động tịnh gì.
Vậy là chú chấp nhận chia tay để vợ đi lấy chồng khác mà kiếm mụn con nhờ cậy tuổi già
Chuyện đã năm năm rồi… Chú sống một mình trong căn nhà nhỏ, có chiếc xe tải nhỏ chạy chở hàng độ nhật. Có khi làm khá tiền cũng không biết để dành làm gì, vì một thân một mình ăn uống bao nhiêu.
Vậy nên giá chở thuê của chú rẻ hơn người khác. Vậy nên mẹ Bo mới kêu xe chú chở hoài. Chú nói, cuộc đời ai chẳng muốn có được tiếng cười trẻ thơ cho vui nhà vui cửa. Nhưng có lẽ “cái số” mình không con nên đành chịu.
Mẹ Bo thì cần một người đàn ông gánh vác gia đình. Rồi mấy tháng sau họ về với nhau bằng bữa tiệc nho nhỏ ra mắt chòm xóm.
Anh em Bo gọi “chú xe tải” bằng ba ngọt xớt. Anh Hai của Bo cần khoan tường đã có ba dạy bảo. Anh muốn sửa xe đạp đã có ba hướng dẫn. Anh cần làm mấy cái mô hình điện tử cho bài Vật lý thì cũng đã có ba làm cùng. Điện nhà bị cháy cầu chì, máy bơm bị hư không lên nước, bóng đèn đứt… đều có ba sửa chữa.
Nhất là ba rất yêu quý Bo, cứ rảnh rỗi là làm đồ chơi cho cậu nhóc từ những chai nhựa nước suối, tre trúc, giấy vụn… Món nào ông cũng làm rất tỉ mỉ. Chiếc bàn học của Bo giờ chất đầy những món đồ chơi ba làm.
Những buổi chợ khuya của mẹ đã không còn tành tạch máy xe nổ hai ba lượt rồi một mình ì ạch chở về. Mà đã có xe tải của ba chở vèo một chuyến từ nhà lên chợ huyện rồi cùng nhau lựa hàng và vù về chợ xã. Mỗi khi mẹ còn bán cho hết mớ rau cải kịp trưa, thì ba đã về nhà làm cơm chờ các con đi học về ăn.
Gần đây ba Bo còn thêm công việc mua giấy vụn. Ba tìm được nhà máy thu mua giấy rồi ba đến những cửa hàng tạp hóa, hệ thống Bách hóa xanh để thu mua. Chiếc xe tải của ba, ngoài việc chở hàng thuê cho các cô chú trong chợ, giờ còn thêm công việc chở hàng trăm ký giấy vụn mỗi ngày.
Mỗi khi rảnh rỗi, ba hay làm đồ chơi cho Bo. Dạy Bo sử dụng keo dán sắt cho vật liệu nào, súng bắn keo thì dán vật liệu nào, keo hai mặt thì dán gì cho hợp lý.
Hai năm qua, nhà Bo có ba đã ấm áp hẳn lên. Mỗi cơn mưa không còn lo tràn ngập nhà cửa; chuyện điện đóm, mô- tưa đã không còn tự dưng tắt ngúm.
Bo giờ đã lên lớp 5, Bo thèm một em bé để ẳm đi chơi mỗi chiều như người ta. Nhà Bo gần trường học, sân trường thì rất rộng, nếu mà có em bé đó nha, mỗi chiều Bo sẽ đẩy xe cho em chạy vòng vòng sân trường chơi đến khi nào mệt mới về ăn cơm.
Nhưng ba Bo nói “Em phải chờ chú chim Hồng hạc nào đó bay ngang nhà đẻ rơi một cái trứng, mẹ lượm vô bỏ túi áo cất rồi nó chui tọt vào bụng mẹ mới nở ra em bé được. Chứ con tưởng ai bán em bé ở chợ như bán rau cải hay sao hễ muốn là có?”
Bo gật gù ra vẻ hiểu rồi. Còn bây giờ thì mỗi khi ba nó đi mua giấy về, Bo lại phụ ba ôm giấy từ xe vô nhà chất gọn gàng thành đống cao. Sau đó thì leo lên đống giấy tuột xuống như chơi cầu tuột trong công viên vui lắm. Ba của Bo vừa xuống giấy vừa quẹt mồ hôi mà cứ hay la “Coi chừng tuột một hồi té nha Bo”.
Đ.P.T.T
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét