Lão Ngọ nói với Thạch:
“ Bác thấy dưới phố chợ thị trấn ở mấy quán cà phê, giải khát, ka– ra- ô- kê gì
đó người ta ngồi đông nghịt, ngồi từ sáng đến trưa, ngồi “đóng đinh” ở đó hồi
trong mấy ngày cuối Chạp mà tao không nghĩ ra?”- Lão thở dài: “ Tháng Chạp mà ở
nhà không có chuyện gì làm hay sao mà la cà ngày đêm ở mấy chỗ đó không biết?
Nhỏ hơn tuổi cháu cũng có mà lớn hơn cũng có - tao nghĩ hồi không ra?”.
Thạch đang ngồi ở chiếc
ghế dựa đặt ngồi sân, cạnh chiếc võng của lão Ngọ- cười : “ Họ ngồi để thư
giãn, chuyện trò, tâm tình chứ làm gì mà bác không nghĩ ra?”.
- Chuyện trò, tâm tình gì
mà cả buổi không ngán? - Lão Ngọ liếc nhìn Thạch- dò xét.
Thạch chợt cười với
mình khi nhớ lại- chính anh cũng đã từng ngồi “đóng đinh” ở các quán café Cây
Sung, Sông Quê, Chiều Tím với Long Nhi cả buổi mà cũng chưa nói hết lời để chia
tay với nàng? – Anh cười lớn: “ Chuyên tình yêu mà bác? Tình yêu thì nói đến bao
giờ cho cạn lời…”
- À, này- lão ngước lên
nhìn Thạch bằng cái nhìn mềm mại - cháu biết chuyện tình giữa tao với bác gái
mày chưa? - lão Ngọ dừng đưa võng, nhìn đứng lên mật Thạch- chờ đợi.
- Thưa, chưa biết…
- Thuở đó tao đâu có
được gặp bà ấy lâu, nhiều nhất là năm phút- lão cười, gần thì cũng một mét,
nhưng vẫn chung sống gắn bó đến già chừng này…
Thạch có vẻ lắng nghe.
Lão lại đua đưa chiếc võng qua lại- gương mặt như vừa được phớt lên một niềm
vui mới mẻ sáng láng-lão cười lớn: “ Có một lần bác cầm được tay bà ấy…”.
Thạch cảm thấy vui
vui với ý nghĩ trong đầu: “ Tình yêu thật lạ! Tình yêu thật cần thiét cho tất
cả ư? Nó tựa như liều thuốc nhiệm mầu, làm thay đổi đời sống của mỗi người
nhanh chóng như vậy sao? “Đây là lần đầu tiên từ ngày trở về quê ăn Tết với gia
đình người bác ruột đã từng cưu mang anh từ thuở lên 6, Thạch mới có dịp nhìn
thật lâu lên gương mặt bác mình- tìm thấy ở đó một niềm vui, gần như là một sự
thõa mãn, và thoáng chút hạnh phúc muộn màng…
Thạch cười to- giọng
sảng khoái: “ Cầm được tay ở vào thời ấy là bác “ cừ khôi” lắm rồi!”
Buổi chiều xuống chậm
ngồi ngõ, trên bờ rào cây trà tàu cắt ngắn- nó bước đi thong thả nhàn hạ như
còn chút quyến luyến những ngày tháng năm cũ. Làng xóm tĩnh lặng trơ trọi càng
làm cho buổi chiều cuối năm như có một không gian rất riêng, không hề giống với
bao buổi chiều đã trôi qua trước sân nhà. Thỉnh thoảng, từng bóng người đi chợ
về muộn- quang gánh thầm lặng lóang thóang qua trước ngõ. Lão Ngọ vẫn nằm ở
võng đua đưa-dõi mắt trông ra- mà dáng bà Ngọ vẫn chưa thấy hiện lên trên cái
nền trời đã dần tối sẫm…
Cảnh tượng của buổi
chiều hôm ấy đã đeo bám suốt đời Thạch không rời! Nó hiện ra, lúc rõ ràng tinh
khôi, lúc nhạt nhòa mong manh đứt quảng; nhưng lúc nào cũng khiến anh lặng đi
khá lâu- một cảm giác u ám nặng nề như bao trùm lấy đầu óc anh- và Thạch bắt
đầu cảm thấy buồn ngủ! Đôi lúc, anh muốn xua đuổi nó, lãng quên nó, nhưng cuối
cùng đành bất lực. Nó đã là máu thịt của đời anh rồi.
… Sau khi thi hài của ba Thạch đươc đưa từ
quân y viện về quê chôn cất được 49 ngày, mẹ Thạch bỗng nhiên biến mất! Qua một
đêm, thức dậy- ba chị em Thạch không còn tìm thấy mẹ mình nữa? Một ngày chờ
đợi. Hai ngày ngóng trông. Ba ngày ôm nhau khóc. Nhưng người mẹ yêu quý- người
thân duy nhất còn lại sớm hôm bên ba chị em Thạch đã bỏ đi xa!
Huệ- chị cả, vừa tròn 10 tuổi, chạy đến báo tin cho lão Ngọ- người bác
ruột ở xóm trên. Lão Ngọ vội đạp xe báo tin cho hai em: Hường, và Mẹo. Chiều
hôm sau tại nhà của Thạch, đã có mặt đông đủ ba anh em lão Ngọ . Một cuộc dàn
xếp thoả thuận nhanh chóng diễn ra không lâu quá mươi phút trước mặt ba chị em
Thạch đang ngồi đợi chờ ở chiếc chõng tre ngoài hiên.
Đầu tiên, lão Ngọ đưa
mắt nhìn hai người em đang ngồi đối diện với vẻ im lặng nặng nề. Lão nói: “ Anh
là lớn, anh nhận phần gánh vác nặng hơn ! Anh sẽ nhận thằng Thạch…
- Em nhận thằng Tân- tiếng
Mẹo sắt, gọn.
- Phần em nhận con Huệ- Hường
nói như thì thầm.
Ba chị em Huệ đều nghe rõ
số phận mình. Từ nay- ba chị em Huệ, mỗi người tản về một hướng- như đàn gà con
lạc bầy. Đôi mắt Huệ u tối bỗng long lanh nước mắt. Tân thống nhìn chị- cúi
đầu, mắt cũng rươm rướm. Chỉ có Thạch là ngơ ngác- lặng lẽ liếc nhìn lão Ngọ,
rồi cô Hường, chú Mẹo với đôi mắt thơ dại đờ đẫn vì mất ngủ.
Lão Ngọ bước ra hiên, đến
bên ba chị em Thạch- cầm lấy cánh tay tong teo gầy nhom của Thạch- gắng nở nụ
cười: “ Cháu về ở với Bác nhé? Bác dẫn đến trường bác dạy mà học…”. Lão kéo tay
Thạch đứng dậy và dắt ra sân. Xốc Thạch ngồi lên yên sau- lão quay lại cười:
“Hai em về sau nhé?”
Bóng lão Ngọ đi khuất
sau mấy bờ rào, Thạch không còn ngồi bên cạnh– Huệ chợt cầm chặc tay Tân như sợ
nó cũng sẽ vụt đi mất - thút thít khóc. Mẹo đến ngồi bên Tân- chỗ của Thạch bỏ
trống, cầm tay Tân- cười : “ Cháu về sống với chú nhé? Ở đây không còn ai, buồn
lắm!”. Tân sụt sùi khóc, ngồi yên như khúc gỗ. Mẹo kéo tay Tân dứng dậy- bàn tay
còn lại vẫn còn nằm chặt trong tay Huệ. Huệ không buông tay em ra. Nó bỗng khóc
rống lên như tiếng thét đã bị kiềm giữ nén lại từ lâu rồi, như tiếng kêu thất
thanh khàn đục của con heo bị chọc huyết trên bàn mổ- khiến tay Mẹo chùng lại.
Mẹo tiếp tục cười: “Huệ, cháu để em về ở với chú nhé? Cháu còn nhỏ quá, làm sao
có lúa gạo mà nuôi nổi em?”
Mẹo xốc hai tay vào nách
Tân-kéo nó đứng dậy. Tân khóc to, theo chị. Hường vẫn đứng im, nhìn- đôi mắt đỏ
hoe. Lát sau, Hường vội đến đỡ sau lưng Tân- đẩy nó ra sân. Mẹo đẩy Tân đi phía
trước, còn anh rà sát phía sau. Tiếng khóc của Tân yếu dần, lạc vào buổi chiều
mênh mông yên lặng đang dần chìm vào bóng tối …
Hường đến ngồi bên Huệ- nhìn
mà không nói. Có lẽ, cô cũng cảm thương cho đứa cháu nhỏ mồ côi sớm bị lạc loài
chia cách? Hường ngồi yên rất lâu bên Huệ. Hai bóng người chìm dần trong bóng
tối mơ hồ lạnh lẽo nơi căn nhà cũng hoang lạnh từ đây. Thỉnh thoảng, chỉ còn
nghe tiếng khóc nất lên của Huệ. Da diết. Đày đoạn. Tiếng khóc như muốn làm vỡ
tung cái thân thể mỏng manh lạnh lẽo của nó …
Những năm tháng sau
này-Thạch không có nhiều dịp gặp lại anh chị nữa. Mỗi số phận đã được cột chặt
trong mỗi ngôi nhà xa lạ mà sức vóc nhỏ bé của mỗi người không thể vẫy vùng
vượt thoát ra được. Thạch chỉ nghe ngóng tin tức qua những người thân đến thăm
lão Ngọ: Chị Huệ về trông con cho cô Hường, rồi phụ bán quán. Còn Tân một buổi
đi chăn bò, một buổi cắp vở đến trường. Năm tháng cứ trôi đi, lạnh lùng và vô
tình. Ba chị em Thạch cũng vẫn lớn lên như những thân cây rừng…
Năm Thạch thi đậu vào
học năm thứ nhất trường đại học tổng hợp khoa văn cũng là năm được tin chị Huệ
có chồng. Bốn năm sau, Tân có vợ. Hai ngày vui ấy của anh chị, Thạch không được
có mặt vì đang lận đận ở Sài Gòn. Rồi mỗi người cũng có một mái nhà tranh ven
xóm, vẫn tiếp nối đời sống bất hạnh nghèo khó từng ngày lặn lội ngoài đồng, la
cà ở các dãy phố chợ bòn mót từng đồng
bạc lẻ. Ngày Thạch ra trường- xin được một chỗ làm ở tòa soạn báo Ngày Mới, anh
mới trở về quê thăm anh chị. Gặp nhau, Huệ đã ôm Thạch mà khóc. Còn Tân thì
nhìn Thạch với đôi mắt lạ lẫm rồi gượng cười– im lặng! Thạch đã ở lại sống với
chị Huệ mấy hôm rồi rời quê mà ra đi…Ra đi, để lại bị cuốn trôi theo dòng đời
hối hả cho cơm áo nhọc nhằn như anh chị mình. Hai năm sau, Thạch kết hôn với
một cô bạn phóng viên cùng làm việc ở báo Ngày Mới. Và cũng chỉ hai năm sau-khi
Phương Mai, vợ Thạch sinh đứa con trai đầu lòng- anh đã phải ký vào đơn xin ly
hôn được Phương Mai viết sẵn mà không thể níu kéo được cho dù nhiều giờ liền,
Thạch đã mềm lòng giải bày như lời cầu xin vì không thể cam lòng nhìn con đang
đi dần vào vết hằn đau buồn quá lớn của đời người..
Mười năm đã đi qua- cuộc đời
Thạch vẫn cứ trôi chảy theo nhịp sống xô dạt, dồn đuổi từ nơi bày đến chốn nọ mà
không hề nghĩ đến một mái ấm cho riêng mình. Thạch dành tất cả thời gian còn
lại sau tám giờ mưu sinh để ngồi với trang bản thảo của cuốn truyên dài “Buồn Vui Một Đời Người” mà anh đã
viết được hơn một nửa. Từ ngày xa Phương Mai, Thạch luôn cảm thấy sợ hãi trước
tình yêu. Anh và Phương Mai đã tự nguyện đến với nhau, yêu nhau-nhưng thực tế
lại phũ phàng mãnh liệt hơn anh nghĩ. Và rồi cái tình yêu tưởng keo sơn vững
chải như núi kia trở nên mong manh mềm yếu như chiếc bong bóng. Mười năm- Thạch
đã dần dần trở nên xa lạ với nó- và thường tự hỏi : “ Tình yêu có thât chăng?”.
Long Nhi đã kịp đến với
cuộc đời Thạch như một định số mầu nhiệm không thể lý giải để trả lời cho Thạch
rằng- tình yêu là có thật. Tình yêu tự nó đến như hoa đúng giờ sẽ nở. Tình yêu
lại càng không thể mong cầu, níu kéo- hay van xin mà được! Thạch đã rất ngỡ
ngàng khi nhận được e-mail đầu tiên của Long Nhi bộc bạch nỗi lòng một cách tự
nhiên, hồn nhiên, tha thiết không chút dấu diếm. Thạch đôi lần rất đỗi ngạc
nhiên khi đọc thư vì lời lẽ thật gần gũi, chân tình như đã gặp nhau, quen nhau
từ kiếp nào? Sau đó là những tin nhắn liên tục hầu như suốt ngày đêm. Và, sau
cùng là những lần Long Nhi bấm máy để được trò chuyện với Thạch hằng giờ. Phần
Thạch, anh vẫn dò dẫm, chừng mực, vì không thể tin tưởng vào một sự tình cờ rủi
may như trò chơi bốc thăm trúng thưởng khi tuổi dời đã quá ngưỡng bốn mươi. Đã
một lần ngậm đắng nuốt cay vì chữ tình
tưởng quá đơn giản ấy. Nhưng, có đôi lúc Thạch không thể tin ở mắt mình,
ở tai mình trước những lời lẽ yêu thương nồng cháy có thể thiêu đốt lấy nàng
nếu Thạch hờ hững hay khướt từ! Những ngày tháng tiếp theo- Thạch buông mình
trôi theo dòng nhân duyên trùng trùng mà không hề đắn đo, ngược lại- với nỗi
hạnh phúc nhen nhóm ngày một lớn dần trong trái tim cô độc tưởng đã bị vùi chôn
sâu vào băng giá. Thạch dần dần hiểu ra anh đã gặp gỡ Long Nhi thì tình cờ, mà
nàng thì gặp anh không tình cờ chút nào! Long Nhi cho biết đã đọc anh rất lâu,
biết anh rất kỹ qua từng trang viết, dõi theo từng bước chân thăng trầm của đời
anh từ nhiều năm qua rồi! Thạch nghe vậy, nhưng không thể cho phép mình dễ dãi
tin rằng, một người con gái vừa tròn hai mươi tuổi, xinh xắn-đang là sinh viên
năm thứ 2 đại học sư phạm, con nhà quyền quý giàu sang tiếng tăm cả tỉnh - lại
ngày đêm dõi theo mình với lòng khao khát yêu thương?
Sau mấy chuyến về thăm quê, mấy lần hẹn gặp
nhau cùng ngồi ở góc quán Sông Quê, rồi Cây Sung, Chiều Tím suốt buổi- đã cho
Thạch tin rằng- tình yêu của Long Nhi dành cho anh là có thật, là hiếm có ở
trong muôn ngàn điều hy hữu vẫn xảy ra quanh đời sống. Trong cuộc đời trùng
trùng duyên khởi ở cõi tạm này điều gì cũng có thể xảy ra chăng? Thạch chỉ biết
rõ một điều- sau những lần hẹn nhau, ngồi bên nhau, chuyện trò và những nụ hôn
nồng cháy lúc chia tay đã cho anh cảm giác ngày một gắn bó, đằm thắm, không thể
chia xa…
Thạch chợt nhớ lại một
mấu nhắn tin vào buổi sáng sớm của Long Nhi lúc anh còn ở Sài Gòn. Gởi: “ Em
tới trường rồi! Em quên ăn sáng. Em đói quá! Anh đút em ăn với.. Hu hu”. Trả
lời: “ Em bảo đã ở trong tim anh rồi? Đã là máu thịt của anh rồi? Đã là hơi thở
của anh rồi? Em đã là cuộc sống của anh mà! Nên anh buồn vui thì em cũng buồn
vui. Anh ăn no thì em…cũng no chứ? Sao cứ kêu đói hoài vậy nhỉ? Hay là, thỉnh
thoảng em “nhảy ra” khỏi tim anh, đi chơi lang thang mà anh không hay? Hu hu”.
Gởi: “ Anh luôn trong tim em mà! Em đói bụng quá! Anh đút em ăn đi?” Trả lời: “
Lạ nhỉ? Chúng ta cùng ở trong tim nhau phải không?” Gởi: “Em ở trong tim anh
thật nhưng vẫn đói mà! Anh ăn mà không đút em? Hu hu…”- Thạch chợt cười với ý
nghĩ trẻ con : “ Tình Yêu quả thật đã làm cho mình trở thành một đứa trẻ !”.
Sáng nay, ngày cuối cùng
của năm cũ- Long Nhi lại phone gọi Thạch đến quán Cây Sung, chỗ cũ hôm kia đã
ngồi. Ngồi ở góc quán ấy có thể nhìn ra dòng sông, nhìn xa lên bầu trời- không
gian thật khoáng đãng, trong lành, tĩnh lặng. Tiếng nhạc từ đầu quán vọng lại
nhẹ nhàng ấm áp lời thì thầm tha thiết của các ca khúc tình yêu họ Trịnh, Vũ
Thành An, Phạm Duy...Thạch kêu cô chủ quán mở lại bản “ Kỷ Vật Cho Em”- thơ
Linh Phương, nhạc Phạm Duy như mọi lần trong lúc ngôi nhâm nhi tách café chờ
Long Nhi đến. Biết Long Nhi không bao giờ trễ hẹn, nhưng Thạch lại muốn đến sớm
hơn một chút để ngồi lặng lẽ một mình mà nhớ nàng. Giây phút ấy đối với Thạch
thật quý báu biết bao! Kia rồi, Long Nhi đang chạy xe vào sân quán…
Thạch kéo chiếc ghế sát
cạnh- cười: “ Mời em ngồi! – Thạch liếc nhìn đồng hồ nơi tay- Em bao giờ cũng đúng
hẹn!”
- Anh biết tại sao em gọi
gặp lại anh không? - Gương mặt nàng thoáng vẻ buồn.
- Vì em nhớ? Thạch cười-
Câu “ vì em nhớ” là của Long Nhi vẫn thường giải thích khi yêu cầu gặp anh.
- Chỉ đúng một phần- nàng
cười- bắt đầu từ ngày Mồng 1, mẹ không cho em đi ra khỏi nhà một mình nữa! Đi
chơi đâu thì đi xe cùng gia đình thôi!
Nàng yên lặng- cúi nhìn
bàn tay có đeo chiếc nhẫn mà Thạch vừa tặng cho nàng hôm mới về. Bàn tay trắng
muốt, những ngón thon dài hiền lành như tâm hồn nàng. Thạch đã nhìn thấy đôi
bàn tay nõn nà dễ thương ấy ngay lần đầu mới gặp, và lúc từ giã - anh đã xin
được hôn lên đó. Long Nhi yên lặng đưa cả hai tay cho anh- và những nụ hôn tình
yêu đầu tiên đã được khắc ghi lên đó!
- Cho đến mồng mấy?- Thạch
hỏi, giọng bơ thờ.
- Đến lúc em đi học, anh
à!- Long Nhi thở dài- anh đã vào lại Sài Gòn
rồi, phải không?
Thạch nghĩ đến những ngày
Tết buồn bã chỉ quanh quẩn ở nhà bác Ngọ, sang nhà chị Huệ, anh Tân. Bạn bè cũ
năm xưa không còn lại ở quê nhiều nữa! Họ tản mát vì cơm áo. Họ lận đận vì tình
duyên.Và có người đã vĩnh viễn đi xa. Vài ba người bạn còn lại trong thị trấn
thì có lối sống cao ngạo, tự mãn, ngó trời đất bằng cái vung. Coi mình là cái
rốn của vũ trụ- Thạch khó lòng mà ngồi lâu với họ được.
- Vậy làm sao anh gặp
dược em một lát?- Thạch nhìn Long Nhi thật chậm, thật lâu lên gương mặt không
chút son phấn dường như cũng nhợt nhạt đi vì nỗi buồn.
- Em sẽ “trốn” mẹ!- nàng
kêu lên- nhưng không lâu đâu!
- Anh luôn chờ tin em nhé? Thạch thoáng vui.
Long Nhi nâng tách trà Ô
Long lên, khẽ khàng uống một ngụm nhỏ- như muốn nuốt trôi bớt đi nỗi muộn
phiền-“ Anh biết ngày Mồng 1 là ngày gì không?”- Long Nhi chợt hỏi
- Ngày gì?- Thạch ngạc
nhiên- ngày đầu năm mới mà…
- Cũng là “ngày Tình Yêu”
đó, anh?- Nàng nhìn Thạch sâu lắng-mỉm cười.
- Valentine! Ô, tuyệt
thật! Sao lại có sự trùng hơp vui vậy?- Thạch rút một điếu thuốc- bật lửa. Khói
xanh lơ lửng. Anh nhìn theo, cảm thấy được một nỗi bình yên dịu dàng hiếm có
trong cuộc đời gian nan của mình từ bấy lâu chợt đến thật nhẹ nhàng.
- Em sẽ gọi gặp anh vào
ngày Mồng Một nhé? nàng nhìn Thạch hồn nhiên, thoáng vui. Đôi mắt to tròn mở
rộng nhin thẳng vào gương mặt Thạch như cố thu giữ bóng hình anh, sợ nó tan
loãng mất.
-Anh chờ em!-Thạch gật
gù- Bất cứ lúc nào em “ trốn” được mẹ thì phone ngay nhé?- Thạch cười- anh sẽ “
trực điện thoại” 24 trên 24 mà!
Long Nhi kéo ghế ngồi sát
bên Thạch- cầm lấy bàn tay anh- rút cây bút mỡ màu đen trên túi áo- lặng lẽ
viết: “ I Love You Forever “- rồi nhìn vào lòng bàn thay Thạch, mỉm cười. Thạch
không nhìn– đọc: “ I love You Forever”cả hai cùng nhìn nhau cười …
Theo lời chỉ dẫn của Long Nhi, Thạch đã bao
lần dừng lại dọc đường bên này bờ sông để nhìn ngôi nhà Long Nhi chìm lẫn giũa
vườn cây xanh hoa trái. Dòng sông lặng lờ một màu xanh nền trời lãng đãng mây
trắng. Thạch dừng lại- lấy thuốc ra hút, và cố ngắm nhìn chiếc cổng sơn màu xanh
lá cây non, được phủ bởi giàn hoa giấy mầu đỏ. Trước cồng nhà, là con đường bê
tông rộng, dẫn vào xóm. Ngôi biệt thự nằm phia trong khoảng sân mát kê nhiều
chậu hoa mai…Chỉ qua chiếc cầu ván phía dưới kia thôi là Thạch có thể đứng ngay
trước cổng nhà Long Nhi mà nhìn vào để thấy nàng. Nhưng Thạch chưa bao giờ làm
được điều giản dị ấy, vì gia đình Long Nhi đông người ra vào, người giúp việc- chẳng
may họ nhìn thấy được thì khó lòng mà gần gũi nàng như trước. Đôi lần, Thạch
giả bộ đòi vào thăm nhà- Long Nhi sau phút im lặng- chợt cười : “ Tùy anh mà!”.
Bây giờ là 2 giờ chiều
ngày 30- Thạch đang đứng bên này bờ sông -như một kẻ nhàn nhã muốn tìm chút
không khí tĩnh lặng cuối năm – đứng nhìn trời mây, sông nước. Sau cái nhắn tin
ngắn “ Anh đang ở bên này bờ sông em ạ”- Thạch bấm máy gọi Long Nhi. Mắt Thạch
đăm đăm nhìn vào chiếc cổng màu xanh- chờ đợi. Kìa, Long Nhi đã bước ra- đang
đứng dựa vào cổng nhà, áp chiếc điện thoại vào tai: “Em đây mà! Anh đến bao
giờ?” - “ Anh đến từ xế chiều, em đang làm gì nhỉ?” – “ Đang đọc sách! Đọc mỏi
rồi em xem ti vi mà! “-“ Anh nhớ em quá, Long Nhi ạ!”-“ Em cũng vậy mà anh! Anh
đợi em đến ngày mai- mồng 1 được không? “- “ Dĩ nhiên là được chứ biết làm
sao?”- “ Có lẽ buổi sáng nhé? Em vừa nghe sáng mai mẹ và ba cùng đi chùa, thăm
mộ anh ạ!”-“ Em không cùng đi sao?”- “ Em đã kêu đau từ sáng nay rôi! Đau thì
phải ở nhà chứ?- Em muốn gặp anh- được anh hôn vào ngày đầu năm mà!”. Long Nhi
đã đi dần ra phia con đường- Thạch thấy rõ dáng nàng trong bộ jupe màu hoa cà
sáng lên bên hàng rào cây xanh với chiếc điện thoại áp sát bên tai. Thạch kêu
lên: “ Anh thấy em rất rõ! Em dễ thương quá, anh muốn cùng đi dạo một quảng
đường làng được không?”- “ Tùy anh!”.
Một bóng ngưòi từ chiếc
cổng nhà bước ra- Thạch nghe tiếng Long Nhi: “ Em vào nhà anh nhé! Mẹ em…”.
Bóng tối đã bao phủ
con xóm càng làm cho lão Ngọ hoang mang, cứ hướng mặt ra ngõ. Lão rời võng- thở
dài: “ Chà! Bà này đi chợ Tết gì mà đã tối mịt cũng chưa thấy về?”
Thạch nghe tiếng mình
cười trong bóng tối:
- Mới xa có một buổi mà bác đã nhớ vậy sao?
- Tao với bà ấy có đời
nào rời xa nhau nửa bước…
Tặng LN .
Quê nhà, chiều 30 …
M A N G V I Ê N L O N G
( Truyện ngắn Quê nhà, chiều 30...nằm trong tập truyện Một thời để thương yêu của nhà văn Mang Viên Long vừa được xuất bản vào dịp cuối năm 2011)
Nice post, thanks for sharing this wonderful and useful information with us.
Trả lờiXóaVolvo 240 AC Compressor
good blog..nice article publishing by you...appreciate on you...thanks for giving detail..
Trả lờiXóaVolvo 240 AC Compressor
Chào aisha!
Trả lờiXóaCảm ơn bạn đă ghé thăm Hương Quê Nhà. Chúc sức khỏe!