Những ngày giáp tết, khi
dọn dẹp, sắp xếp lại chồng sách báo cũ, tôi thấy một bài thơ của Đào Viết Bửu,
một người anh, một người bạn thơ ở quê hương An Nhơn (Bình Định) viết về tết cách
đây gần hai lăm năm trên một tờ giấy đã ố vàng chữ mờ chữ tỏ, chữ được chữ mất,
với tựa đề: Thơ viết cho vợ. Và, tôi biết bây giờ bài thơ đã được nằm trong
tập Ngày
rêu xanh của anh, xuất bản cuối năm 2009. Cảm nhận thì mỗi người mỗi
khác, nhưng với tôi, đây là một trong những bài thơ tôi thích nhất nên tôi
thuộc lòng, và xin được chép ra đây:
Đến nữa rồi em
Rét
lộc
Mùa
thiêng sinh lá cành
Em lẫn giữa ngày khó nhọc
Làm nên tứ thơ anh
Đã đành từ trong cổ tích
Căm căm cái rét nàng Bân
Áo ấm cho em cứ hẹn
Mua bằng nhuận bút thơ anh
Tôi hiểu được phần nào điều anh bạn
thơ muốn chia sẻ. Anh giật mình vì tết lại đến nữa rồi. Ngày ấy cuộc sống còn
quá khó khăn, anh phải thất hứa nhiều lần với người bạn đời của mình dù chỉ là
mua một chiếc áo ấm. Tôi hiểu sự lo lắng,
day dứt của anh khi tết đến. Riêng tôi lục lại trong ký ức, đã gần sáu mươi
tuổi rồi, hai đứa con đã lớn, nhưng chưa bao giờ tôi mua được cho ba má tôi một
đôi dép thật đẹp khi mùa xuân về hay một chiếc khăn quấn cổ, một cái áo ấm lúc
mùa đông đến với cái lạnh của miền Trung không dễ chịu một tý nào. Tôi là đứa
con bất hiếu. Vậy mà bao năm qua tôi không hề nghĩ đến. Giờ gặp lại bài thơ, đã
giúp tôi nhận ra mình là kẻ vô tình, và tôi càng thấm thía một điều, cái nghĩa
không chỉ dành riêng cho người giàu sang. Có thể nói, đã lâu lắm rồi tôi chưa
sắm nổi một cái tết như những nhà bình thường khác được xếp loại nghèo trong xã
hội. Tết này, ba tôi đã vào tuổi tám lăm, má thì cũng gần tám mươi. Lẽ ra tôi
phải thay ba má tôi thắp nén hương trên bàn thờ tổ tiên đêm giao thừa, và đi
thăm bà con lối xóm nhân dịp xuân về. Làng xóm nói tôi là người hạnh phúc nhất,
vì còn cha mẹ già để phụng dưỡng, bởi lớp tuổi của ba tôi ở làng này chỉ còn
một mình ông, nhưng tôi lại không biết chắt chiu, giữ lấy. Nghe những lời này
lòng tôi đau như cắt, như muối xát vào ruột gan. Tôi hiểu, nghèo càng phải
trọng lễ nghĩa, bởi lễ nghĩa xuất phát từ tấm lòng, chứ nhất thiết không phải là giàu có.
Tết lại đến nữa rồi! Trong tôi chợt vang lên câu hát mà
ngày xưa má tôi dạy để tôi hát ru em:
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng, gió lay mẹ rụng… con
rày mồ côi.
Và, chỉ mới đây, ba tôi lại gọi điện hỏi thăm, Sài
Gòn những ngày này có rộn ràng không, gần tết buôn bán có được không, bạn bè
nhắc hỏi con luôn… Tôi như nghẹn lại. Tết lại đến nữa rồi! Nhớ ba má, nhớ anh
em, nhớ bè bạn, nhớ lũ cháu trông mong bác hai, cậu hai về ăn tết, kể chuyện
Sài Gòn, kể chuyện cái quán bún riêu, cái xách chả cá Quy Nhơn chứa đựng đầy ắp
những nỗi niềm của kẻ tha hương vì cuộc mưu sinh của tôi…
“Ba má ơi, con biết ba má buồn, buồn lắm, bởi vì vợ
chồng con và hai đứa cháu nội tết không về, nhưng con không biết phải làm sao,
chỉ cầu mong ba má sức khỏe, sống lâu là con vui lắm rồi! Tết lại đến nữa rồi,
con phải vui chứ, có nghèo triền miên cũng phải vui chứ, có nhớ quê đến cháy
lòng cũng phải vui chứ…”
Khi viết những dòng này, tôi đã nhận ra một điều là tôi
phải vui. Vâng, tôi phải vui- như để làm
một việc của sự hiếu thảo, để đêm giao thừa này, ba má tôi không còn buồn như
mọi năm, bởi thằng con trai lớn của ba má đã đỡ hơn nhiều. Ừ, dù sao thì tết cũng
lại đến nữa rồi!
Nguyễn Hữu Duyên
Vì cuộc sống, vì mưu sinh mà phải rời xa quê hương, tết đến cũng ngậm ngùi. Thăm anh ngày cuối năm, đọc bài tạp bút thật cảm động. Chúc anh và gia đình năm mới an lành, may mắn.
Trả lờiXóaCảm ơn Minh Nguyệt đã chia sẻ! Nhân dịp xuân về, chúc Minh Nguyệt sức khỏe, nhiều niềm vui, và sẽ có nhiều truyện ngắn hay.
XóaBài viết hay !
Trả lờiXóaCảm ơn em đã ghé thăm và động viên. Nhân dịp xuân về, chúc em sức khỏe và sáng tác nhiều truyện ngắn hay cộng tác với HQN.
Xóa