Gió hây hẩy, nắng hanh vàng, trời trong veo, vời vợi. Mùa xuân về mơn man vùng đất bạc màu, đánh thức cỏ cây đâm chồi, nẩy lộc. Hoa lá nhẫy nhược, xanh um. Duy chỉ mấy gốc mai già trong sân nhà Uyển chìa ra những nhánh lá vàng úa, rách lỗ chỗ.
Uyển chớp chớp đôi mắt to đen lay láy, lắc lắc đầu, hai bím tóc thắt nơ tím chao nghiêng trên vai. Uyển bảo chỉ thích hoa anh đào. Hoa mai không có gì lạ. Màu vàng chẳng gợi cảm bằng màu hồng phơn phớt tím. Tôi nhún vai, không có ý kiến. Đối với tôi, hoa nào cũng đẹp. Mỗi loại có một vẻ riêng biệt và mang ý nghĩa khác nhau. Nếu dùng đúng lúc, đúng chỗ, hoa tức khắc sáng giá, trang trọng, tuyệt vời! Ngược lại, hoa trở thành điềm gở hoặc một cách tỏ bày thiếu tế nhị, phản tác dụng ngay.
Ảnh minh họa: Thái Học Sinh
Uyển mơ màng nhìn khoảng trời biêng biếc. Một bóng mây thoáng qua, rơi xuống đáy mắt. Lẽ ra, Uyển phải là thi sĩ chứ không phải là cô giáo. Mơ mộng, lãng mạn là tính cách độc đáo ở Uyển. Hai chúng tôi có nhiều điểm không hợp nhau. Tôi nhìn đời trần trụi, với ánh mắt gai góc, thích tách bạch mọi chuyện và phơi bày sự thật phũ phàng. Tôi thích chẽ vụn nỗi buồn rồi giẫm nát.
Còn Uyển, Uyển nối kết lẫn lộn vui buồn vào nhau, bện thành một chiếc cầu vồng mỏng mảnh, phất ngang đỉnh trời để ngắm nghía thở than hoặc vui sướng. Uyển thích nhả cảm xúc riêng tư thành thơ lên trang giấy, gởi đăng báo, phổ biến suy nghĩ. Không như tôi, chôn chặt mơ ước tận đáy lòng và thích trêu cợt Uyển. Chúng tôi bất đồng ý kiến luôn, tranh cãi liên miên nhưng vẫn tìm tới nhau, chú ý nhau.
Hôm nay, Uyển rủ tôi vặt lá mai. Mẹ Uyển tính rồi, thời điểm này thích hợp nhất cho cây thay lá, trổ hoa đúng vào ngày tết. Uyển nhón hai ngón tay nhỏ xinh , kéo nhẹ. Chiếc lá từ tốn rời cành , được thả bay là là xuống đất.
Tôi cười, bảo:
- Làm như Uyển ba ngày chưa xong. Xem anh nè! Tiểu thư!
Tôi đưa cả hai bàn tay lên, chộp lấy nhánh lá giật mạnh. Cả chục chiếc rời cành. Uyển cười bảo:”Ác lắm!”. Tôi ra lệnh:
- Uyển vào lấy sọt rác cho anh đựng lá mai!
Cô gái lắc đầu:
- Anh cứ ném chúng xuống đất, chút nữa em sẽ quét. Ôi, mùa đông tàn, em lại quét lá mai. Tuyệt quá!
Vất nhúm lá xuống đất, tôi cằn nhằn:
- Thật là mệt! Vẻ chuyện. Chỉ tổ mất công. Mơ mơ màng màng như Uyển chỉ có mà thua thiệt.
Tôi vội nín bặt. Lỡ lời rồi! Đúng là Uyển luôn thua thiệt. Chúng tôi dạy chung trường, Uyển sẵn lòng nhận lớp cuối cấp, khó dạy. Còn tôi và bao người khác giành lấy phần nhẹ nhàng. Ai cũng thương và nể phục Uyển. Song họ đều tự bào chữa: ”Có khối người ra đó, tội gì! Khả năng như mình làm sao sánh kịp!”
Hai hàng mai trụi lá. Thoạt nhìn tưởng như cây đã chết, khoe mấy nhánh khô. Uyển chỉ cây mai be bé khuất nơi góc vườn:
- Đây là cây mai ba trồng lúc mẹ sinh ra em đó!
Ở đây, mỗi cây mai được vun trồng khi trong nhà có thêm mầm sống. Uyển kể, khi bà sinh cậu Hai, ông ngoại trồng cây mai tứ quí đầu tiên trong vườn. Rồi cậu Ba, cậu Tư, cậu Năm và mẹ Uyển. Số mai cứ tăng dần . Nhưng chiến tranh đã bứt rời những người thân trong nhà Uyển, ném mỗi người cậu đến một chiến trường xa tít tắp. Và, họ đã nằm lại vĩnh viễn ở đó. Bà ngoại Uyển dở sống, dở chết. Hòa bình, bà đi tìm mãi nhưng chẳng thấy được hài cốt bốn người con trai. Trở về, bà biến vườn mai thành dấu tích liệt sĩ. Mỗi cây mang tên một địa danh, nơi các cậu hy sinh: Mai Trường Sơn, Mai Mỹ Lợi, Mai Tầm Vu và Mai An Bình. Mùa Xuân về nước mắt bà rơi nhiều hơn những cánh mai rụng. Mỗi Iần ngắt lá mai lúc tàn đông, bà khóc. Mẹ Uyển xót cả ruột. Gần đến Tết là giao việc cho Uyển. Uyển bảo không có tôi cùng làm, Uyển cũng khóc. Uyển nhớ các cậu dù cho khi Uyển chào đời, họ đã yên nghỉ ở tận nơi nào. Di vật chỉ là bốn tấm ảnh đặt xếp hàng trên bàn thờ, sau những chiếc bình hương nghi ngút khói. Tất cả đều trẻ, uy nghiêm và xa cách. Tôi cũng quý họ vì yêu Uyển. Có lần Uyển cho tôi xem con diều giấy có gắn ống sáo của cậu Hai, giấy ngã màu vàng xỉn đầy bụi. Ngày xưa, nó vàng ươm như nắng thu. Hai cái đuôi dài thậm thượt, lắc lư theo điệu sáo diều lơ lửng réo rắc giữa bầu trời xanh thẳm. Đất nước phút chốc bình yên như chưa từng biết tới chiến tranh và mất mát. Uyển là một cô gái giàu tưởng tượng. Nhưng tôi vẫn tin những điều Uyển kể về những ngày thơ ấu của cậu Hai.
Ngược lại, cậu Ba thích những trò chơi dưới đất. Bắn bi! Uyển và tôi thường ngắm những viên bi to nhỏ đủ cỡ, nhiều màu sắc sặc sỡ. Chúng được giữ kỹ trong một chiếc hộp thiếc xinh xắn. Có đến hàng trăm viên. Vậy mà một lần Uyển lỡ đánh rơi, vỡ vụn một viên. Cả nhà ngơ ngẩn tiếc. Uyển cứ len lén lau nước mắt bảo là làm vỡ dần kỷ niệm của cậu.
Cậu Tư của Uyển chỉ để lại vài quyển vở chi chít chữ. Ngày xưa, cậu học giỏi nhất lớp. Tôi và Uyển thường phê bình thầy giáo ngày xưa dạy giỏi nhưng nghiêm khắc quá. Chữ bay bướm, trình bày sạch đẹp thế kia mà điểm số ít khi đạt tối đa. Điểm mười thầy quí như báu vật, ít chịu ban phát. Có lẽ vì nghĩ vậy, Uyển thường vẽ những con số mười đỏ au, to tướng trong vở học sinh. Điều này, tôi và Uyển hợp nhau. Chúng tôi đua nhau ra phiếu điểm mười.
Uyển yêu cậu Năm nhất. Hai cậu cháu giống nhau lắm. Nếu khuôn mặt cậu trong ảnh có thêm mái tóc dài, thắt bím, buộc nơ tím thì tôi sẽ lầm là Uyển. Tính tình cũng hợp. Cậu Năm yêu thơ. Cậu để lại một quyển tập dầy, trong đó chép toàn thơ Nguyễn Bính và một số bài cậu tự làm. Lời thơ của cậu không xuất sắc nhưng gợi cảm, man mác buồn. Uyển thuộc lòng tất cả nhưng thỉnh thoảng mang tập thơ ra ngâm nga rồi khóc. Nếu gom tất cả những giọt nước mắt trong gia đình đem rưới xuống sông, lập tức nước sẽ mặn như nước biển. Riêng Uyển đã là một hồ nước mắt mênh mông.
Uyển vừa quét lá vừa nói:
- Em không thích hoa mai.
- Vì sao?
- Nó chỉ nhắc nhớ những người đã khuất.
- Và mùa xuân!
- Mùa xuân ở bên ngoài khung cửa nhà em, trong mảnh sân con.
- Lại vớ vẩn!
Bỗng có tiếng lao xao ngoài cổng:
- Cô ơi, cô có ở nhà không?
Một nhóm học sinh tay xách tay mang bánh trái đang nhón chân nhìn vào. Uyển reo lên:
- Ủa, mấy em đó hả, đi đâu đây?
Uyển chạy ra mở cổng. Mấy đứa bé ùa vào vây quanh. Chúng tíu tít như chim:
- Thưa cô, em mới tới! Mẹ em bảo em mang trà bánh sang biếu cô.
- Thưa cô, bà em gửi biếu cô một cặp bánh tét để cúng giao thừa.
Nhưng Uyển lại vồ lấy nhánh đào trên tay một cậu bé đứng lặng yên phía sau các bạn, Uyển xuýt xoa:
- Chao ơi! Hoa anh đào tuyệt quá!
Quay sang tôi, Uyển khoe:
- Anh thấy chưa, em ước gì được nấy!
Uyển vuốt tóc cậu bé:
- Quân tìm được hoa này ở đâu vậy?
Quân cười sung sướng:
- Thưa cô, trong sân nhà em có một cây nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng sáng nay mẹ em vừa đốn bỏ. Em biết cô thích hoa nên chặt một nhánh đẹp nhất mang biếu cô.
Uyển kêu lên tiếc rẻ:
- Cây đang ra hoa đẹp thế này , sao mẹ em lại nở đốn bỏ?
Quân im lặng, cô bé đứng cạnh xen vào đáp thay:
- Em nghe bác ấy bảo hoa bội bạc, để làm chi cho chướng mắt.
- Hoa bội bạc!
Quân giải thích:
Mẹ bảo ngày xưa ba biết mẹ thích hoa anh đào. Ba đã lặn lội tìm mua cho bằng được, đem đến tặng mẹ. bây giờ, ba em ly dị mẹ rồi, mẹ thù luôn hoa Anh Đào là vậy.
Uyển không hỏi thêm gì nữa. Cô quay lưng về phía chúng tôi, len lén lau nước mắt. Tôi rút thuốc ra hút. Vầng khói mỏng vẽ những đường ngoằn ngoèo vô nghĩa trên khoảng không. Cuộc sống quả là đa dạng và phức tạp. Người muốn xóa bỏ kỷ niệm, lãng quên dĩ vảng. Kẻ lại mãi níu kéo , giữ gìn từng di vật, sợ kỷ niệm mờ nhạt. Quá khứ thường thường là đẹp. Nhưng hiện tại lại quyết định giá trị của quá khứ và tương lai.
Mấy đứa học trò ngỡ ngàng, lấm lét nhìn nhau rồi nhìn xuống những gói quà trên tay mình. Quay lại, thoáng thấy, Uyển gượng cười:
- Mang quà cho cô nhiều quá vậy? Cô cảm ơn các em nha. Cô biết lấy gì tặng lại đây?
Cũng cô bé buộc tóc đuôi gà nhanh nhẩu thưa:
- Bao nhiêu đây làm sao sánh bằng công ơn dạy dỗ của cô đối với chúng em.
Tôi bật cười, phất tay:
- Giỏi! Thầy cho em mười điểm!
Cả nhóm cười rộ. Mùa xuân hình như đã quay lại rồi, len lén rải niềm vui quanh đây. Uyển mang cành đào vào nhà, cắm vào độc bình trên bàn thờ các cậu rồi quay ra với cái đĩa nhỏ. Uyển mở một gói bánh ngọt bày lên đó. Lũ học trò xúm quanh nhai bánh giòn tan. Uyển đưa cho tôi một chiếc bich qui có dáng hoa mai. Tôi đùa:
- Các em hãy xem thầy cắn vỡ mai vàng!
Cả nhóm cười rộ. Gió từ đâu bỗng phất qua, mát rượi. Những chiếc lá mai bị lùa bay tản mạn đây đó. Tôi nhìn về phía cây mai Ngự Uyển. Nó đang đưa những cây be bé ra giữa trời như muốn bảo :”Tôi và Ngự Uyển có mặt trên đời nầy cùng một lúc.” Cạnh đó, còn một khoảng đất trống chờ đợi vài dáng mai mọc lên. Tôi nhìn đăm đắm vào đôi mắt đẹp của Uyển, thì thầm như đang tỏ tình:
- Uyển nè, sau này khi vợ anh sinh con đầu lòng, em cho phép anh trồng một cây mai trong vườn nhà này nhé!
Uyển đỏ mặt, cúi xuống. Lũ học trò hồn nhiên bảo: ”Chịu đi cô!”
Cám ơn anh đã đăng bài. Mến chúc anh và gia đình vạn sự như ý.
Trả lờiXóaMây à, anh phải cảm ơn em vì đã cộng tác với Hương Quê Nhà. Rất mong em tiếp tục cộng tác, góp phần vào sự đa dạng của trang viết này. Thân mến!
Xóatôi nhớ nhà, nhớ tuổi thơ, nhớ ngày xuân gia đình mấ cúng, bây giờ tan vỡ lòng đau, nước mắt cứ tuôn trào khi nhớ về tuổi thơ...
Trả lờiXóa