Ba tôi năm nay đã vào tuổi tám mươi lăm.
Ông là người đàn ông mà tôi yêu thương và kính trọng nhất của cuộc đời mình.
Tôi có nhận thức ấy không chỉ vì ông là đấng sinh thành của tôi, nuôi nấng và
cho tôi ăn học, mà ông còn là dấu ấn đọng mãi trong tôi về một con người lao động miệt mài ròng rã suốt bảy mươi ba năm
qua.
Ông nội tôi nghiện hút thuốc phiện, nên ba
tôi đã vào cuộc mưu sinh khi mới ở tuổi mười hai bằng cái nghề chạy xe ngựa.
Cái xe thì dềnh dàng, con ngựa thì cao to, dù đứng chẳng tới đâu, thế nhưng ông
vẫn phải điều khiển, không thể khác được. Đây là một hình ảnh thật nguy hiểm,
bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ khi mắc con ngựa vào xe cho đến khi
vận chuyển trên đường, mà cầu đường ngày ấy đâu được như bây giờ. Hai, ba giờ sáng, dù cho mưa gió bão bùng,
lạnh lẽo đến thấu xương, với chiếc đèn bão treo trên chiếc gọng xe, ông cầm
cương lầm lũi với tiếng vó ngựa gõ đều trong đêm trên con đường quen thuộc để
kiếm từng người khách. Bởi ông không thể đứng chuyến bến như bao người khác vào
cái giờ ấy, vì làm như vậy thì không có tiền trước khi mặt trời mọc để đưa cho
ông nội mua thuốc phiện. Một số người trong làng xe ngựa gọi ông là kẻ giựt
khách, hay nói một cách khác là phổng tay trên miếng ăn của họ. Và cái gì cũng
có giá của nó. Họ đánh ông không thương tiếc. Ông kể với tôi, gần như ngày nào ông
cũng bị đánh, đó là những ngày tháng buồn tủi nhất, tối tăm nhất của cuộc đời
ông. Đồng tiền ông đem về đôi khi pha lẫn vết máu của chính mình. Nhưng đó cũng
là những tháng ngày ông đón nhận cái tình người sâu sắc của một số người khách bán
than, bán cá, bán nước mắm, bán rau…Họ chờ đi xe của ông, trả tiền và cho thêm,
chứ không đi xe người khác vì họ hiểu được hoàn cảnh của ông. Thấm thoát với
thời gian, ba tôi lớn lên cùng những dấu thâm tím, vết sẹo ngày càng nhiều từ
các trận đòn của một số người trong làng xe ngựa Cây Bông(*) quê tôi. Và, nỗi bất
hạnh lớn nhất lại ập đến đời ông khi ông nội, bà nội qua đời, lúc đó ông chỉ 16
tuổi. Không còn cha mẹ, ông phải nuôi nấng, chăm sóc, bảo bọc hai đứa em, một
trai mười tuổi, một gái năm tuổi - rồi đứng ra dựng vợ gả chồng. Ba anh em ở
cái cảnh mồ côi, có gì ngon, tốt đẹp ông đều dành cho hai đứa em. Ngày đi cưới
má, ông phải mượn áo sơ mi và quần tây mới của hai đồng nghiệp trong làng xe
ngựa Cây Bông để đến nhà ngoại rước dâu cho tươm tất một chút. Rồi, ông lại chuyển
chiếc xe ngựa đang chạy cho đứa em trai vừa cưới vợ để ổn định cuộc sống, ông
xuống chạy mướn cho một chủ xe ngựa ở thị trấn Bình Định, nay là phường Bình
Định, thuộc thị xã An Nhơn. Thế nhưng với bản chất cần cù chịu khó, ba tôi đã
vượt qua tất cả - từ chiếc xe ngựa. Và, anh em tôi lớn lên cũng từ hạt gạo xe
ngựa, chữ nghĩa có được dù ít dù nhiều cũng từ xe ngựa mà ra.
Vẫn biết ai cũng phải làm để sống, để tồn tại, nhưng
ít nhất là trong cái làng xe ngựa Cây Bông này, trước đó và về sau, cho đến tận
mãi hôm nay cũng không có trường hợp thứ
hai như ông. Và trong hoàn cảnh như vậy, ông cố gắng qua được Sơ học yếu lược,
tức lớp 3 bây giờ. Tôi là con trai lớn nên ông thường hay nói chuyện với tôi, và
qua đó tôi hiểu được ước mơ của ông về những đứa con của mình. Tất cả đều phải
đi học đến nơi đến chốn – đó là quan điểm nhất quán, trước sau như một của ông.
Sau ngày giải phóng, trong điều kiện hết sức khó khăn
ở nông thôn miền Trung từ năm 1979 đến những năm đầu của thập niên 80, ngọai
trừ một đứa em gái của tôi có chồng năm 1977, nồi cơm của mười nhân khẩu nhà
tôi, bảy phần là mì lát, ba phần là gạo, nhưng ông đã thuyết phục má tôi, ưu
tiên cho việc học. Những ngày tháng ấy, ông tham gia công tác địa phương và làm
ruộng. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đến 4 giờ sáng là ông kêu những đứa đang học lớp 9 và lớp 12
thức dậy để học. (Đây là hai lớp được ông quy định ưu tiên cho việc học để thi
tốt nghiệp, thi chuyển cấp, không phải làm ruộng hay nấu cơm gì cả). Và thế là
ông rót dầu, thắp đèn, rồi ngồi đó với bình trà để nhắc khi đứa nào đang học mà
ngủ gục. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, đứa nào cũng phải học thêm về ngành nghề
chuyên môn ở bậc trung học chuyên nghiệp hoặc đại học, cao đẳng. Anh em tôi có
được như vậy, trước hết phải nói đến là nhờ sự nhận thức và cách nhìn của ba
tôi về chuyện học hành. Ông luôn căn dặn, nghèo thì nghèo, khó khổ thì khó khổ nhưng
phải học. Nếu làm một phép cộng đơn giản, chỉ tính gói gọn trong thời gian đi
học của 9 anh em tôi thôi, thì cũng đã mất gần 140 năm, một con số quá sức
tưởng tượng của nhiều người. Má tôi
thương con, và cần cù chịu thương chịu khó, tảo tần, một nắng hai sương,
từ chuyện buôn bán đến ruộng đồng, nhưng không có cái nhìn như ba tôi về chuyện
học hành của các con.
Và phải nói rằng, trong các nghề đã đi qua, nghề chạy xe
ngựa là nghề gắn bó và nhiều duyên nợ với ba tôi nhất. Chính vì thế nên ông có
kinh nghiệm và rất giỏi trong việc tập ngựa mới và thuần phục ngựa chứng. Phải
nói là con ngựa có chứng đến cỡ nào ông cũng trị được. Trong một cuộc thi đua
ngựa toàn tỉnh Bình Định vào những năm 50 của thế kỷ trước, ông- Ba Cảnh xe
ngựa, đoạt vị trí quán quân, và được người trong nghề gọi ông là “Tráng sĩ Ba
Cảnh”. Ông vốn nhỏ con nên khi ngựa tung vó phi nhanh, ông ghì sát mình ngựa
với đôi tay thuần thục cùng cách điều khiển cặp dây cương quen thuộc từ hồi 12
tuổi, người hâm mộ gần như không còn thấy ông mà chỉ thấy con ngựa bay qua
trước mắt mình. Những người cùng thế hệ với ông kể cho tôi nghe về ông lúc lên
lưng ngựa, với một thái độ khâm phục, trân trọng và quý mến. Cho đến giờ này, ở
tuổi 85, ông vẫn minh mẫn, vẫn khỏe, có đi đâu khoảng bốn, năm cây số, ông
thường sử dụng xe đạp. Hằng ngày, ngoài việc thăm nom đồng ruộng, ông dành thời
gian cho việc nuôi gà đá bán cho giới mộ điệu đá gà trong và ngoài xã, vừa vui vừa có tiền trà rượu với bầu bạn lúc
tuổi già.
Tôi tự hào về ông, trước hết là tình thương yêu, là
tấm lòng luôn quan tâm chăm sóc của ông đối với những người thân của mình. Thứ
hai, là bản lĩnh đàn ông trong con người ông trước những biến cố của cuộc sống,
vẫn chịu đựng, vững vàng vượt qua. Và, điều quan trọng nhất, là ông luôn vươn
tới sự hiểu biết dù hoàn cảnh cuộc sống có khắc nghiệt như thế nào đi chăng
nữa.
Nhớ lời ông dạy, trong điều kiện nghèo khổ phải tha
hương, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng nuôi hai đứa con, một đứa tốt nghiệp đại
học, một đứa cao đẳng. Có những lúc tôi tưởng mình sẽ quỵ ngã, nhưng tấm gương
về lao động, cách sống và sự dạy dỗ của ông từ lời nói đến hành động đã giúp
tôi đứng được và ngày càng vững chãi, trưởng thành hơn trên mọi nẻo đường đời.
Sài Gòn 17/04/2012
Nguyễn Hữu Duyên
(*) Làng Cây Bông thuộc xã Nhơn Khánh, thị xã An
Nhơn, tỉnh Bình Định.
Có ai được ngồi một lần ít nhất trong đời trên chiếc xe ngựa tròng trành của buổi sớm gà gáy canh ba....mới cảm nhận được nổi lòng người đánh chiếc xe ngựa ấy...họ đã thức sóm hơn mình và cộc cạch tiếng chân móng ngựa lon ton trên đường trong khi ấy rõ như thế nào,lạnh lẽo như thế nào...và họ chờ đợi một người khách như thế nào?
Trả lờiXóaChào Trần Thuân,
Trả lờiXóaCảm ơn em đã đọc và chia sẻ! Chúc em vui, khỏe!